Rao giảng Tin Mừng bằng cuộc sống:
Tình yêu và đức tin sống động của người vợ
giúp chồng nhận biết và gặp Chúa
Gia đình tôi người Bắc, di cư vào Nam năm 54. Bố mẹ tôi là người Công giáo, rất ngoan đạo. Tôi còn nhớ lúc tôi vừa đến tuổi cặp kê, mẹ tôi luôn nhìn những gia đình đạo đức, có con trai lớn cỡ tuổi tôi, để ý xem chừng gả tôi vào gia đình đạo đức đó để cuộc sống lứa đôi không đổ vỡ, vì đạo Công giáo đã có câu: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly."
Khổ nỗi cho tôi những người mẹ tôi chấm thì tôi thấy họ rất quê mùa, đến nỗi các em tôi phải thốt ra để chọc tôi: "Sao trông anh ấy quê một cục!" Tôi lại còn tự nghĩ trong lòng: nhất quyết không lấy chồng, thà ở giá còn hơn làm vợ cái anh chàng nhà quê, nhà mùa đó.
Tôi cũng muốn vâng lời cha mẹ, và theo câu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó," nhưng mẹ tôi chấm cho tôi mẫu người theo "lý tưởng" của mẹ tôi. Nhưng có lẽ Chúa và Đức Mẹ không kỳ thị tôn giáo, cho nên những người tôi có cảm tình, có thể tiến xa hơn thì toàn là những người không có đạo. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến...
Ngày tôi lấy chồng không được làm phép cưới ở nhà thờ, vì chồng tôi không có đạo, và cũng không chịu theo đạo. Thế là Cha xứ không chịu làm lễ cưới cho chúng tôi. Thời ấy cha xứ rất có quyền hạn trong xứ. Nếu cha không chịu làm thì các cha khác cũng không dám làm. Cha muốn chồng tôi phải theo đạo mới được làm lễ cưới ở nhà thờ. Mẹ tôi chạy ra Toà Giám Mục xin Đức cha làm phép chuẩn, nhưng Đức cha cũng từ chối. Cuối cùng, chúng tôi lấy nhau không làm phép trong nhà thờ...
Thời gian thấm thoát thoi đưa, vợ chồng tôi mỗi người giữ một đạo. Những ngày Chúa nhật, tôi lầm lũi đi nhà thờ một mình. Thấy tôi đi lễ một mình , nhà tôi cũng tội nghiệp cho tôi. Cũng có đôi lúc anh ở lại cùng với tôi dự lễ, nghe ông cha giảng, thấy cũng hay hay, toàn là những điều tốt lành, nghe những bài thánh ca trầm bổng, giúp cho tâm hồn nhẹ nhàng, yêu đời và yêu người hơn.
Thế là mặc dù không vào đạo, nhưng những lời giảng của ông cha xứ ở nhà thờ cũng là những lời tốt lành; thêm vào đó, tôi vẫn giữ đúng bổn phận người con dâu trong gia đình thờ cúng ông bà, giỗ chạp tôi đều nấu cỗ cúng, cũng mâm cao cỗ đầy, cũng hương hoa, cũng nhang đèn, cũng vái lạy. Tôi quan niệm cúng giỗ ông bà cha mẹ là để tưởng nhớ lại như khi còn sống. Khi đến trước bàn thờ lạy vái người quá cố, tôi vẫn khấn rằng: "Lạy Chúa, hôm nay là ngày giỗ của ông nội con, xin Chúa cho ông con được lên thiên đàng hưởng nhan thánh Chúa. Thưa ông nội, hôm nay con nấu cỗ cúng ông nội để tưởng nhớ đến ông ngày ông qua đời; ông nội lên thiên đàng xin nhớ đến chúng con."
Phần các con tôi, tôi cho rửa tội, học Giáo lý, chịu phép Thêm sức... Tạ ơn Chúa không có gì trở ngại. Phần nhà tôi, tôi luôn luôn xin nhà tôi có một điều duy nhất: Em chỉ mong muốn có một điều duy nhất, là trước khi em chết, em được thấy anh rửa tội, vào Đạo. Mà sự chết đi nhanh như hơi thở, ai biết được mình chết lúc nào, cho nên anh càng trở lại với Chúa sớm ngày nào thì em vui mừng ngày nấy. Đôi khi tôi còn đùa: "Chẳng lẽ mấy mẹ con em ở thiên đàng nhìn anh sa hoả ngục lại cầm lòng được sao?"
Tôi liên lỉ cầu nguyện. Trong cuộc sống tôi luôn tin có Chúa. Trong mỗi lời nói, tôi đều đưa tiếng "Chúa" vào. Trong phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách, thậm chí trong phòng vệ sinh, tôi đều để sách đạo, những mẩu chuyện ngắn hay hay, gương các Thánh, tôi đọc xong gập lại, và nhắn với nhà tôi: Anh bận không đọc nhiều - nhà tôi rất lười đọc sách -, em đã đọc xong, đoạn nào hay em đã gập sẵn, anh cứ mở ra đoạn đó hay lắm, chỉ cần 1 hay 2 phút thôi...
Đi phòng mạch chờ bác sĩ cả tiếng đồng hồ, tôi cứ việc tha một vài cuốn sách đạo, tôi một cuốn và nhà tôi một cuốn (cuốn đưa cho nhà tôi, tôi đã đọc qua và thấy nó hay), cho nên dù lười đọc sách nhưng chẳng thà đốt thì giờ qua cách đó còn hơn ngồi chờ sốt cả ruột. Thêm vào đó, tôi cố gắng làm gương sáng cho nhà tôi và các con trong mọi hoàn cảnh, những vui buồn trong cuộc sống tôi đều dâng cho Chúa, có những lúc gia đình khủng khoảng, tôi vẫn vững niềm tin nơi Chúa. Nhà tôi học phần nào sự phó thác của tôi, và thấy rằng cuộc sống người Ki-tô hữu có nhiều cái rất hay, tìm cho mình một thiên đàng ngay ở trần gian, hạnh phúc ngay cả trong lúc khổ đau. Những bực bội trong sở làm, những kèn cựa trong cuộc sống, tôi đều khuyên nhà tôi nhường nhịn và hòa nhã với mọi người, như vậy ở sở mình sẽ có nhiều bạn hơn thù, giúp được một người trong ngày, đó là niềm vui của một ngày hôm đó. Dần dà nhà tôi yêu Chúa lúc nào không biết. Rồi nhà tôi xin vào đạo, học Giáo lý, rồi được rửa tội.
Người vui mừng nhất không phải là tôi, mà là mẹ của tôi, vì con rể của bà nay đã đúng là mẫu người lý tưởng của bà các đây 20 năm về trước bà đã chọn cho tôi. Nay gia đình tôi cảm tạ Chúa đã nhậm lời tôi sau một thời gian thử thách. Với lòng nhiệt thành của tôi, với lời cầu nguyện hàng ngày dâng lên Chúa, với tấm gương sáng trong đời sống người Ki-tô hữu, nhà tôi đã trở lại đạo, trở về với Chúa. Có một điều mà tôi sung sướng nhất là đối với con cái, người thân, bạn bè... mỗi khi nói về Chúa, nói về Đức tin, hoặc trong những công tác thiện nguyện, nhà tôi còn hăng say hơn tôi nữa, và được mọi người tin tưởng hơn cả tôi.
Để kết thúc tâm tình chia xẻ này, tôi xin dâng lên Chúa lời cảm tạ. Biết nói sao cho hết lòng tri ân của gia đình tôi với Chúa... Và cũng xin nhắn nhỏ với những gia đình cùng hoàn cảnh như tôi, nghĩa là đã nhỡ thương nhầm và lấy nhầm người bạn đường không cùng một tôn giáo thì cũng chớ nản lòng. Nếu chúng ta nhất dạ một lòng, cầu nguyện liên lỉ, sống một cuộc sống gương mẫu, làm gương sáng cho người bạn đường và con cái... Đó là một cách truyền đạo đích thực và chân lý nhất. Các Thánh Tông đồ khi xưa đi truyền đạo với những người xa lạ, ngoại giáo, còn khó khăn gấp bội, còn bị bắt bớ truy lùng, bị hành quyết. Các Thánh tử đạo Việt Nam đã bao đời kiên trì giữ đạo thì việc truyền đạo cho những người thân yêu ruột thịt của mình chắc chắn còn dễ dàng hơn, so với các Thánh Tông đồ khi xưa và các Thánh tử đạo Việt Nam.
Đoàn Thị Phượng, USA