Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

    CHỦ NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B

   

truyengiao.jpg

Chúa Giê su đi vào trần gian đã là một biến cố gây sửng sốt cho người đương thời. Ngài là người thợ mộc vô danh, nhưng lại có một cách nói năng đầy quyền uy như chưa từng có ai nói được như thế. Ngài hoàn thành những điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền năng thực hiện, thế nhưng chỉ có những kẻ bé mọn và nghèo hèn mới có thể đến gần Ngài. Họ mạnh dạn đi theo Ngài, và trở nên gương mẫu cho chúng ta.

    Sách Thứ Luật 18,15-20

    Sách nầy là một cố gắng đọc lại các biến cố xảy ra thời Xuất hành. Người ta học biết cách phân biệt những tiên tri thật và những tiên tri giả. Mô sê là Vị Tiên tri tuyệt vời và chính ông loan báo một vị Tiên tri đích thực khác sẽ đến, một Mô sê mới. Đọc lại Lịch sử Dân Thiên Chúa sẽ cho chúng ta biết rằng chỉ có mình Chúa Giê su mới có thể thực hiện lời loan báo của Mô sê. Ngài tự mặc khải là Con Thiên Chúa.

    Thánh vịnh 94

    Thánh vịnh nầy được Giáo Hội hát lên mỗi ngày, giống như dân Do thái ngày xưa, là một lời ca tụng Chúa và mời gọi lắng nghe và thờ phượng Ngài. Chúng ta đừng đóng kín tâm hồn nhưng hãy lắng nghe Lời Ngài, vì đó là kho tàng không bao giờ vơi cạn.

    Thư thứ 1 Côrintô 7, 32-35

    Thánh Phao lô muốn rằng mọi người phải tự do phụng sự Chúa. Ngài sợ rằng người ta cảm thấy bị phân tán giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và trách nhiệm của mỗi người. Ngài khuyến khích sống độc thân, nhưng không can ngăn hay chê bai bậc hôn nhân.

    Tin Mừng Mc 1, 21-28

    NGỮ CẢNH

    Đoạn tin mừng nầy nằm trong  phân đoạn 1,21-2,12, trong đó Mác cô mô tả những bước đầu hoạt động công khai của Chúa Giê su. Chắc chắn Mác cô muốn nêu bật tiến trình đi lên: trừ quỉ và chữa bệnh không thôi chưa đủ; còn phải thực hiện những điều khác nữa: đến tận chính tâm hồn con người, để biến đổi và tha thứ tội lỗi.

    Có thể đọc phân đoạn nầy theo bố cục sau đây:

    1. 1,21-28: Ngày sa bát, Chúa Giê su chữa cho một người bị quỉ ám trong hội đường Caphácnaum.

    2. 1,29-31: Chúa Giê su tiếp tục chữa cho bà mẹ vợ ông Phê rô cũng trong ngày ấy.

    3. 1,32-34: Ngày tiếp theo, Ngài chữa lành nhiều bệnh nhân.

    4. 1,35-39: Chúa Giê su ra đi cầu nguyện ở nơi hoang địa vắng vẻ.

    5. 1,40-45: Chúa Giê su chữa cho một người phung cùi.

    6. 2,1-12:   Chúa Giê su chữa cho một người bất toại.

    Có thể đọc đoạn đầu tiên (1,21-28) theo bố cục sau:

    1,21-22: Chúa Giê su giảng dạy và phản ứng của thính giả: ngạc nhiên thích thú.

    1,23-24: Người quỉ ám đi vào, và tấn công Chúa Giê su.

    1,25-26: Chúa Giê su ra lệnh cho quỉ xuất khỏi người ấy.

    1,27-28: Phản ứng sợ hãi của dân, và tin đồn ra khắp nơi.

    GIẢI THÍCH

    Đi vào: Một điều nên chú ý là trong tin mừng Mác cô, Chúa Giê su không bao giờ đi một mình mà luôn luôn có các đồ đệ đi theo. Thí dụ x. 1,29;3,14;5,18.

    Có uy quyền: Việc Mác cô liên kết giáo huấn đầy uy quyền và câu chuyện trừ quỉ đem lại cho trình thuật nầy một ý nghĩa đặc biệt: giáo huấn được cô động trong lệnh truyền của Chúa Giê su: “Hãy xuất ra khỏi người nầy!”. Qua đó, dường như Mác cô có ý cho thấy đó là lời đầy uy quyền của Chúa Giê su.

    Thật vậy, uy quyền không hạn hẹp trong uy tín của lời giảng dạy hay một cách biểu hiện thuyết phục lòng người. Uy quyền nầy còn vượt trên cách biểu hiện trong diễn từ các mối phúc trong Mát thêu, nơi Chúa Giê su nói: “Anh em đã nghe người xưa dạy rằng. Còn Ta, Ta dạy rằng” (Mt 5,21.27.33.38.43). Nó cho thấy ý thức về một uy quyền cá nhân vượt xa uy tín của các thầy kí lục và người xưa (Mt 7,28-39). Ở đây uy quyền đối với Mác cô chủ yếu bao gồm trong một lời nói đầy hiệu năng thực hiện điều được nói đến.

    Một điểm nữa cũng không kém phần quan trọng là sự việc xảy ra trong một hội đường và Mác cô muốn đối lập uy quyền của Chúa Giê su và uy quyền của các kí lục (1,22). Bản văn gợi ý cho thấy sự đối kháng giữa lề luật vô hiệu và lời đầy hiệu quả của Đức Ki tô (1,44;2,10;3,15;6,7).

    Thần ô uế: vào thời ấy, người ta thường gán bệnh tật, đặc biệt các xáo trôn về tâm lí và những hình thức co giật khác nhau cho hành động của Sa tan hoặc một quyền bính thiêng liêng nào đó. Thí dụ, x. Lc 13,11-16. Ở đây khó lòng mà xác định bản văn muốn nói một đến điều gì cụ thể.

    Đấng Thánh của Thiên Chúa: sau khi được gọi bằng những tên gọi như Messia (1,1) và Con Thiên Chúa (1,1.11), Chúa Giê su giờ nhận thêm tước hiệu mới nhấn mạnh đến sự liên kết hoàn hảo với Thiên Chúa ba lần thánh. Tước hiệu nầy trong Giáo hội tiên khỏi là một trong những công thức cổ xưa được dùng để chỉ thần tính Chúa Giê su. Xem Lc 1,35; Cv 3,14; 4,27.30; Ga 6,69. Các thần dữ biết Chúa Giê su đích thực là ai và chỉ có chúng mới công bố một cách công khai. Xem 3,11.

    Giáo huấn mới mẻ: sự mới mẻ nầy không phát xuất từ tính cách chưa bao giờ công bố, nhưng từ sự kiện đặt nền tảng trên một uy quyền hết sức lạ lùng nơi một người. Xem 1,22; 2,18-22.

    SỨ ĐIỆP

      Bài tin mừng chủ nhật hôm nay đưa chúng ta về đầu đời sứ vụ công khai của Chúa Giê su. Ngài  đến kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên nơi bờ  hồ Tibêríat, rồi cùng với họ, Ngài đến Ca phác na um để công bố tin mừng. Thành phố ấy được coi như là một nơi nhiều tai tiếng, nên việc Ngài bắt đầu sứ vụ cứu thế từ nơi ấy cho thấy rằng Ngài đến trần gian là để tìm và cứu vớt những người đã hư mất.

      Cũng chính Ngài đến Ca phác naum của chúng ta ngày nay. Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đau khổ vì nhiều thứ mất trật tự. Hãy nghĩ đến tất cả những bất công càng lúc càng to lớn mà chúng ta đang chứng kiến và lắm khi là đồng lõa. Tham nhũng, bạo lực, loại trừ đang hoành hành khắp nơi càng lúc càng công khai. Khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng lúc càng tăng. Thế lực sự dữ vẫn thắng thế và luôn sẵn sàng vô nhân hóa xã hội chúng ta.

      Nhưng chính đó là nơi mà Chúa Giê su gặp gỡ  chúng ta. Sứ điệp của Ngài không phải là một bài học luân lí. Lời Ngài dạy không giống với lời của các kí lục và pha ri sêu. Họ huênh hoang đủ thứ để rồi cuối cùng ru ngủ người nghe phải chịu đựng họ vì họ chỉ lặp lại những gì mà chính họ đã học được.

      Thế  rồi một ngày kia, người ta nghe một lời nói đầy uy lực lay động thức tỉnh khiến họ ngạc nhiên. Họ thấy mình đứng trước một người nói năng không như những người khác. Ngài nói những lời mà họ chưa bao giờ nghe; nhưng họ hiểu và họ quan tâm đến điều Ngài nói. Ngài nói như một người biết rõ con người là ai và cho thấy rõ vương quyền của Thiên Chúa là gì. Lời Ngài là lời mang đến tin mừng giải thoát. Cái nhìn của Ngài chạm đến nơi sâu kín trong tâm hồn con người. Ngài đọc được những khúc mắc trong tâm hồn. Ngài hiện diện trong mỗi người, không phải để làm cho họ âu lo, nhưng để giúp họ an tâm, cứu chữa họ, giải thoát họ khỏi tất cả những gì có thể tha hóa họ. Ngài đến để khơi gợi lên trong mỗi người ước muốn hòa bình và chân lí.

      Bài tin mừng hôm nay không kể cho chúng ta nghe những gì  Chúa Giê su đã nói, nhưng nhấn mạnh sự kiện là Ngài nói một cách đầy uy quyền. Không những lời ấy khiến mọi người phải ngạc nhiên nhưng nó còn giải thoát một người bị ma quỉ ám. Do vậy, đó là một lời làm cho sống.

      Người ta kể rằng một nhà vua kia muốn làm một cuộc thử nghiệm để biết xem đâu là ngôn ngữ cổ nhất mà con người xử dụng. Nhà vua truyền đem một đứa bé giam vào trong một cái phòng kín, không thiếu một sự chăm sóc nào, nhưng cấm hẳn mọi âm thanh và lời nói. Và chờ xem nó sẽ nói ngôn ngữ nào khi lớn khôn. Điều đã xảy ra là đứa bé đã chết sau một vài tháng.

      Câu chuyện đó muốn nói với chúng ta rằng không ai trong chúng ta có thể sống nếu không có lời yêu thương của cha mẹ ngay từ lúc sinh ra và trong suốt những ngày tháng sau đó. Đó là cái mà chúng ta gọi là một lời tạo dựng hoặc một lời tái tạo. Trong cuộc sống vợ chồng cũng giống như thế. Một tình yêu không lời nói, đó là điều không thể có. Lời tình yêu làm cho sống, đem lại cho đời một ý nghĩa. Lời sáng tạo sư sống.

      Đó là điều đã xảy ra cho người bị quỉ ám mà tin mừng hôm nay nói với chúng ta. Môt lời quyền năng của Đức Ki tô là đủ tái tạo người ấy trong sự tự do của con người. Lời xua đuổi ma quỉ ra khỏi người bị quỉ ám. Tin mừng của Thiên Chúa được Chúa Giê su công bố chính là sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta. Sự hiện diện ấy hãy còn kín nhiệm nhưng tiếp tục dạy dỗ và chữa lành khỏi mọi nguy khốn. Chúa Giê su đã không gặp người bị quỉ ám trên đường hay nơi công trường, nhưng trong hội đường, ở giữa cộng đoàn họp nhau cầu nguyện. Ngay trong chính các cộng đoàn của chúng ta, có thể vẫn có những đồng lỏa với sự xấu. Cả chúng ta cũng có thể là nô lệ cho các đam mê của mình, tiền bạc và nhiều điều khác nữa. Thế mà chỉ cần một lời nói là có thể giải thoát chúng ta, nhưng với điều kiện là không đồng lỏa với sự dữ trong chúng ta. Rất thường chúng ta để mình bị lôi cuốn theo thế giới tuyên truyền bằng những lời vô bổ, và ngăn cản chúng ta tiếp nhận Lời giải thoát trong thinh lặng.

      Vậy chúng ta hãy để cho Lời ấy thấm nhập và  tra vấn chúng ta, để biến chúng ta thành những con người mới, những con người tự do. Như thế lời của chúng ta cũng sẽ có thể là lời giải thoát. Lời chúng ta nói, cách hành động của chúng ta sẽ mang lại niềm tin; nó sẽ giúp chúng ta muốn đứng lên, và hành động như những tiên tri cho con người thời nay.

    Qua bí tích Thánh Thể, chính Chúa Giê su đến gặp chúng ta đang qui tụ trong danh của Ngài. Trước mặt Ngài, chúng ta là một dân tội lỗi, nhưng được Ngài giải thoát và cứu chữa, để làm nẩy sinh một dân tộc mới, một thế giới mới.

    ĐÀO SÂU

       1. HỎI: Ngày xưa,  đám đông nghe giáo huấn và  thấy và phép lạ Chúa Giê  su đã sửng sốt và tự  hỏi: “Ông nầy là?”. Ngày hôm nay, chúng ta có  thể trả lời cho câu hỏi  đó không?

       THƯA: Chúa Giê su là một người đã vượt ra ngoài mọi mẫu mực, không giống với bất cứ ai khác. Diện mạo của Ngài không thể lẫn lộn với một nhân vật lớn nào trong suốt dòng lịch sử. Nơi Chúa Giê su chúng ta tìm thấy con người và sứ điệp là một: Ngài chính là sứ điệp Ngài loan báo.

       2. HỎI: Vậy thì ta có  thể có một bức chân dung đích thực về Chúa Giê su không?

       THƯA: Không, bởi vì các tông đồ và môn đệ lúc đầu tiên không nói về việc làm và giáo huấn của Chúa Giê su mà chỉ quan tâm đến việc loan báo cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đàng khác vào thời đó, lề luật nghiêm cấm tạc tượng, vẽ hình của bất cứ một người nào, vì đó là tội thờ bụt thần.

       3. HỎI: Các sách tin mừng cũng không để lại cho chúng ta một dấu chỉ  nào hết về vấn đề nầy sao?

       THƯA: Có một vài chỉ dẫn nhỏ về chiều cao của Ngài. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng Chúa Giê su có vóc dáng to cao cường tráng, nhờ đó mà Ngài dễ dàng xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Ngoài ra, trong câu truyện về Giu đa hôn Chúa Giê su, sách Tin mừng dùng một động từ trong tiếng hi lạp nói về một hành động được thực hiện từ dưới lên cao; trong trường hợp đó, phải dịch cho đúng là: « Anh ta đã nhón chân để hôn Ngài ».

       4. HỎI: Căn cứ theo Cựu  ước, chúng ta có thể  hình dung diện mạo của  đấng Messia không ?

       THƯA: Theo một nghĩa nào đó, có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải để lưu ý rằng đó là những hình ảnh thiêng liêng về đấng Messia và về sứ mạng của Ngài. Thí dụ như Isaia mô tả Ngài như là người đau khổ, có gương mặt rách nát, trông rất khủng khiếp, vì bị tra tấn và hành hạ (X. Is 52, 14-53,2-3). Trái lại tác giả Thánh vịnh 44 mô tả Ngài như là người xinh đẹp nhất trong nhân loại, ăn nói dịu dàng và duyên đáng, được Thiên Chúa chúc phúc, tâm hồn cao cả, công chính hiền từ và là thầy dạy chân lí.

       5. HỎI: Diện mạo bên ngoài của Ngài cũng thu hút người khác chứ?

       THƯA: Không chỉ như thế, Chúa Giê su còn thu hút bởi cử chỉ và thái độ rất quân bình của Ngài. Ai đã thấy Ngài bẻ bánh sẽ không bao giờ quên được những hành động long trọng đó. Đặc biệt Ngài thu hút bởi cung cách đặc biệt trong việc chăm sóc bệnh nhân, cũng như thái độ nghiêm trang nhưng không bao giờ khe khắt đến độ giận dữ.

       6. HỎI: Nhưng điều gì nơi Chúa Giê  su đã gây ấn tượng mạnh nhất cho các tác giả  tin mừng?

       THƯA: Một cách trực tiếp hay gián tiếp, họ bị ấn tượng mạnh nhất bởi ánh mắt và giọng nói của Chúa Giê su. Điều ấy được chứng minh trong các tin mừng bởi sự kiện là tất cả những chi tiết liên quan đến Chúa Giê su đều được mô tả một cách đặc biệt trân trọng: Ngài “đầy lòng thương xót, đầy cảm thông, đầy yêu thương, đậm tình thân hữu”.

       7. HỎI: Các trang Kinh thánh đó dường như đi ngược lại diện mạo đích thực của Đức Ki tô ?

       THƯA: Không, nếu chúng được giải thích theo thời điểm nhất định nào đó trong cuộc đời Chúa Giê su mà chúng qui chiếu đến. Thí dụ, trong Is 52,14tt, người ta ám chỉ đến cuộc khổ nạn của Đức Ki tô.

       8 HỎI: Các sách Phúc âm nói với chúng ta rằng Chúa Giê su gây ấn tượng mạnh nơi các người đồng thời?

       THƯA: Chắc chắn là như thế. Ngài lôi kéo sự chú ý của những người bệnh tật và tội nhân. Các tông đồ cảm thấy bị thu hút bởi một sức mạnh phát xuất từ con người của Ngài. Các trẻ em cảm thấy vui sướng khi ở cạnh Ngài. Thậm chí chính Phi la tô cũng cảm thấy bị ấn tượng bởi diện mạo đặc biệt của Chúa Giê su. Nếu đọc tin mừng trong nguyên ngữ hi lạp, độc giả sẽ thấy toát ra từ Chúa Giê su một sức thu hút kì lạ.

       9. HỎI: Tại sao Phi la tô ngạc nhiên khi ông Giu se Ariamathia xin xác Chúa Giê su?

       THƯA: Sự ngạc nhiên của Phi la tô là chi tiết quan trọng vì nó cho chúng ta biết rằng Tổng trấn La mã đã xét xử và lên án một người Ga li lê khỏe mạnh và cường tráng. Nếu Chúa Giê su là một người ốm yếu mảnh dẽ, thì Phi la tô đã  không ngạc nhiên trước cái chết quá nhanh của Ngài.

       10. HỎI: Điều mà người ta xác tín nhờ  các Tin mừng có thể  được củng cố bằng Tấm khăn liệm Thánh Tôrinô  không?

       THƯA: Có, nếu người ta tin vào thánh tích quan trọng ấy. Thật vậy, nó cho chúng ta biết người được liệm trong khăn có chiều cao to lớn (1m,83) trong khi chiều cao trung bình của người thời đó là 1m,65.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Các bài viết cũ hơn
     Mồng ba Tết:VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?
     KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Nt. Maria Chinh Anh.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 3 TẾT.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 2 TẾT.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA MÙNG 1 TẾT- CẦU BÌNH AN TRONG NĂM MỚI.
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM A. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     GIỌT MỒ HÔI CÓ CHÚA(Thứ Bảy sau CN IV Thường Niên A – MỒNG BA TẾT). Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, ĐMTT.
     ƠN BÌNH AN ( Ngày mồng một Tết)
     THỨ BẢY TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM C-CHÚA GIÊ SU CHẠNH LÒNG THƯƠNG-Lm. Đaminh Tiến
     THỨ SÁU TUẦN IV THƯỜNG NIÊN NĂM C - TIẾNG NÓI LƯƠNG TÂM- Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan O.P