Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 5 PHỤC SINH A

Hiệp Thông bền vững

small_1232886088_nv.gifThiên Chúa là Ai? Người là Cha mà Chúa Giê su đã mạc khải cho chúng ta. Chính giờ đây, ngang qua Giáo hội đầy những giới hạn và tội lỗi của con người mà Đấng Tối cao tiếp tục tỏ hiện. Dù mang thân phận yếu hèn, Giáo Hội không ngừng được Thánh Thần của chính Chúa Giê su nâng đỡ để lảm chứng cho lời mời gọi đến tình yêu vượt thắng mọi trở ngại.

Sách Công vụ  6, 1-7

Sự Tự do của con cái Thiên Chúa hối thúc các môn đệ “cùng chung tay” đối đầu với những trách nhiệm trong tư cách là “nhóm”, “trong Giáo Hội”. Để dành nhiều giờ cho việc cầu nguyện và giảng dạy Lời hơn, các tông đồ giao phó những trách vụ thế gian cho các thừa tác viên khác. Người ta đã chú ý đến sự hiện diện của các người ngòai vừa từ ngọai giáo gia nhập ki tô giáo.

Thánh Vịnh 32

Dù bị chống đối, Thiên Chúa vẫn theo đuổi công trình yêu thương, chân lí, công chính và lề luật mạc khải sự Cao cả của Người. Thánh vịnh nầy là tiếng kêu vui để mừng tình yêu của Chúa.

Thư thứ 1 Phê rô 2, 4-9

Thánh Phê rô nhắc cho những người có Đức tin rằng theo gương Đức Ki tô, họ phải sống hoạt động trong Giáo Hội: “Anh em hãy là những viên đá sống động”. Hãy dùng những ơn mà anh em đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, hãy sáng tạo trong việc xây dựng Vương quốc Thiên Chúa. Rồi ngài nhắc lại cho tất cả mọi người về phẩm giá của mình: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, tư tế hoàng vương, là dân tộc thánh”.

Tin mừng: Ga 14,1-14

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nầy nằm trong diễn văn từ biệt đầu tiên của Chúa Giê su (13,31-14,31; diễn từ thứ hai: cc 15-16; diễn từ thứ ba: c.17) sau khi đã rửa chân cho các môn đệ (13,1-20) và loan báo Giu đa phản bội (13,21-30). Chúa Giê su trấn an các môn đệ và khuyên các ông hãy nhìn chuyến ra đi của Ngài bằng đức tin: các ông sẽ không bị chia lìa với Ngài và Ngài sẽ trở lại để đưa các ông cùng đi với Ngài.

Có thể đọc đọan tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Lời trấn an các môn đệ trước sự ra đi của Chúa Giê su (1-4)

2. Ý kiến của Tôma và mạc khải của Chúa Giê su: “Ta là đường..”(4-7)

3. Ý kiến của Phi líp và mạc khải của Chúa Giê su: “Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài” (8-10).

TÌM HIỂU

Anh em đừng xao xuyến: Chúa Giê su nhấn mạnh rằng việc Ngài ra đi là cần thiết cho các môn đệ; đừng để lòng xao xuyến trong cái nhìn cách tiêu cực (14,1.27) nhưng hãy nhìn theo đức tin (14,1.29).

Hãy tin vào Thầy: đây là điều cốt yếu trong toàn bộ Tin mừng Gioan. Nhưng cũng là điều khó khăn nhất. Người Híp pri tin vào Thiên Chúa độc nhất nên đã tự hỏi: có thể tin vào một mạc khải mới của Thiên Chúa chăng? Do vậy Chúa Giê su khẳng định rõ ràng rằng cần phải tin vào Thiên Chúa vào Ngài nữa.

Nhà: kiểu nói gây ngạc nhiên: Chúa Giê su muốn nói đến điều gì? về đền thờ chăng? (x. 2,16). Thưa không! Ngài nói về một ngôi nhà mầu nhiệm khác, môt nơi sống với Thiên Chúa mà Ngài gọi là Cha.

Có nhiều chỗ ở: hình ảnh nhà ở trên hàm chứa hình ảnh chổ ở. Chúa Giê su khẳng định có đủ chỗ cho mọi người.

Thầy lại đến: nghĩa là từ giờ và không chỉ trong thế giới bên kia Chúa Giê su trở lại để mang chúng ta đi với Ngài.

Anh em biết đường rồi: như tất cả những người Híp pri, các môn đệ biết rằng lịch sử con người, như cuộc Xuất hành, là chuyến đi về Thiên Chúa; họ cũng biết Lề luật là con đường đưa đến Thiên Chúa (x.Tv 119). Nhưng họ được khuyến khích rằng cần phải theo Chúa Giê su: cần phải thay thế con đường lề luật bằng con đường của đức tin vào Chúa Giê su (14,11)..

Tôma: lần thứ hai lên tiếng. X. 11,16.

Đường: có nhiều nghĩa. Trong câu nói của Chúa Giê su, “Đường” không có nghĩa là một chuyển dịch nơi chốn, mà là một cách đi vào trong tình thân mật với Cha.

Ta là: một định nghĩa long trọng về sứ mạng của Chúa Giê su. Ngài là “Con đường” đưa tới Thiên Chúa, nghĩa là mẫu mực phải bắt chước, đấng Trung gian mà qua đó cần phải đi và đưa đến tận Thiên Chúa. Ngài là Con đường, theo nghĩa là Chân lí: Ngài đã mạc khải Thiên Chúa là ai và con người là ai; như là sự Sống, Ngài bắt đầu sự sống ở trong Thiên Chúa và biến chúng ta thành con cái của Ngài (x. 1,4; 5,26; 6,57).

Thấy: Chúa Giê su đào sâu giáo huấn của Ngài. Trong chính bản tính nhân loại, Ngài là sự mạc khải đầy đủ về Cha. Từ đây lời của Ngài khơi gợi và đầy bí nhiệm: “Anh em đã thấy Cha

Philíp: lên tiếng lần thứ ba.

Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha: như mọi người Híp pri và ki tô hữu ở mọi thời, Phi líp mong đợi một cuộc tỏ hiện lạ lùng của Thiên Chúa (x. 2,18). Người ta muốn nhìn thấy dấu chỉ và không chấp nhận chế độ đức tin, tức là tin mà không thấy (20,29).

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha: cần tin vào Chúa Giê su như là mạc khải của Cha. Ngài là dấu chi duy nhất, điều nhìn thấy duy nhất, hình ảnh của Cha. Cha là đấng vô hình vì là Thiên Chúa, đã trở nên hữu hình nhờ Chúa Giê su (1,14). Nhưng để nhìn thấy Ngài, cần phải tin vào Ngài, khám phá trong đức tin rằng Cha và Con thông hiệp hoàn toàn.

Làm những việc: Thiên Chúa hoàn thành công trình của Người trong sự chết và phục sinh của Chúa Giê su.

Những việc lớn hơn nữa: như thường thấy trong tin mừng Gioan, điều được nói về những tương quan giữa Chúa Giê su và Cha thì bất ngờ được áp dụng cho các môn đệ. Giáo Hội là hình ành của Chúa Giê su, như Chúa Giê su là hình ảnh của Cha. Điều gì Cha đã thực hiện trong Chúa Giê su, được tiếp tục thực hiện trong Giáo hội nhờ Chúa Giê su.

Thầy đến cùng Chúa Cha: sở dĩ Giáo Hội được phong phú là nhờ vào chiến thắng của Chúa Giê su, đã cho phép Ngài gửi Thần khí xuống từ nơi Cha (x.6,7).

Anh em xin: việc các môn đệ thực hiện là kết quả do lời cầu nguyện mang lại (x. 15,16; 16,23-24.26). Do vậy có một sự nối kết giữa hành động hiệu quả và cầu nguyện. Chúa Giê su đã nói, hoặc là “anh em hãy xin” (hiểu ngầm Thiên Chúa), hoặc “anh em hãy cầu xin Thầy”. Nhưng trong cả hai trường hợp, Ngài thêm “trong danh Ta”, nghĩa là bằng cách khẩn cầu Danh Thầy. Để có thể đạt tới Thiên Chúa điều cần thiết là phải tin vào danh, nghĩa là vào con người của Con Ngài và cầu xin Cha ngang qua Chúa Giê su.

Trong cả hai trường hợp. Chúa Giê su khẳng định rằng chính Ngài  đang làm”. Qua đó, Ngài tôn vinh Cha, bằng cách bày tỏ quyền năng mà Cha đã ban cho Con. Ngài sẽ tiếp tục tỏ ra quyền năng ngang qua các môn đệ cầu xin nhân danh Ngài.

SỨ ĐIỆP

Chủ nhật tuần rồi, chúng ta đã nghe Chúa Giê su nói: “Ta là mục tử tốt lành. Ta là cửa chuồng chiên. Ai qua ta mà vào thì sẽ được cứu”. Hôm nay, Ngài tiếp tục mạc khải: “Thầy là đường là Sự thật và là sự sống [..] Không ai đến được  với Cha mà không qua Thầy”. Bản văn nầy là bài diễn từ Chúa Giê su nói trong bữa chiều cuối cùng của Ngài. Ngài vừa loan báo rằng Ngài sẽ bị phản bội, bị khước từ và bị giết trên thập giá. Các môn đệ hoàn toàn chưng hửng khi nghe điều ấy.

Vì thế, điều trước tiên Chúa Giê su làm là trấn an họ. Đối với Ngài, thời điểm bi đát đó, chính là giờ chiến thắng của Ngài. Chính vì vậy mà Ngài yêu cầu họ đừng xao xuyến lo âu. Nếu Ngài trở về với Cha, thì cũng là để chuẩn bị một nơi ở. Họ được mời gọi sống gần bên Ngài luôn và không gì có thể tách họ khỏi tình yêu của Ngài. Trong một tình thế xem ra tuyệt vọng, họ được mời gọi hãy nhìn bằng đức tin. Chúa Giê su đòi họ tin vào Ngài cũng như họ tin vào Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là tin vào Chúa Giê su và tin vào Thiên Chúa là như nhau.

Thật vậy, Chúa Giê su là con đường duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Ngài nói: “Ta là đường, là Sự thật và là Sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Con đường mà Chúa Giê su chỉ cho chúng ta được mạc khải qua các sách Tin mừng: Ngài con đường Sự Sống, cho phép chúng ta tìm gặp Thiên Chúa. Sứ mạng của Ngài là mạc khải cho chúng ta Chân lí về Thiên Chúa. Qua cuộc sống của Chúa Giê su, chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta, một người Cha yêu thương tiếp đón những người tội lỗi hối cải.  Chính qua Chúa Giê su mà chúng ta có thể tìm gặp Thiên Chúa và đi đến với Ngài. Dù hoàn cảnh nào đi nữa, có thuận tiện hay không, Tin mừng ấy phải được loan truyền cho mọi người ở mọi nơi chúng ta đang sống và trên khắp thế giới.

Đó chính là sứ điệp mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lô II đã chuyển đến cho chúng ta trong suốt thời gian phục vụ của Ngài. Qua giáo huấn và trong các chuyến đi mục vụ, Ngài không ngừng loan báo cho chúng ta Tin mừng. Ngài không mệt mỏi mời gọi chúng ta tái qui hướng cuộc sống chúng ta về tâm điểm là Đức Ki tô. Vị kế nhiệm của Ngài, liên kết với tất cả các Giám Mục có bổn phận tiếp nối để dẫn chúng ta đến với Đức Ki tô và giúp chúng ta đi theo Ngài trên con đường Ngài đã chỉ cho chúng ta.

Ngày hôm nay, chúng ta không quên rằng đám đông bao la các chứng nhân đức tin đã nhận được phần thưởng tình yêu và lòng tín trung của họ. Chúa Giê su đối với họ đã là con đường dẫn họ đến với Cha. Trong đó có các Linh mục, tu sĩ, và giáo dân dấn thân đã đáp lại lời mời gọi của Chúa. Cuộc đời của họ làm chứng rằng đi theo Chúa Kitô là điều đáng làm bởi vì nơi Ngài mà cuộc sống của chúng ta mới có một ý nghĩa.

Hôm nay, mỗi người có thể tự đặt câu hỏi: Chúa Giê su có phải là đường, chân lí của và cuộc sống của tôi không? Chúng ta có thật sự đi theo Ngài không? Nhiều khi chúng ta tổ chức đời sống chúng ta mà không quan tâm gì đến Ngài, hay có thể Ngài trở thành người xa lạ đối với đời sống chúng ta hay đúng hơn chính chúng ta là những người xa lạ đối với Ngài. Ngày càng có nhiều người sống không có điểm tựa, không có đức tin, không có tương lai cho cuộc sống. Cách họ phung phí của cải và thời giờ rảnh rỗi cho thấy rằng đầu óc và tâm hồn bị lệch lac. Họ cần một ai đó chịu khó lắng nghe họ, hiểu họ và nhất là chỉ cho họ thấy rằng Đức Ki tô đang hiện diện và đang gõ cửa lòng họ.

Tin vào Đức Ki tô và theo Ngài sẽ mang lại nhiều phần thưởng. Thiên Chúa xứng đáng cho người ta cống hiến cả cuộc đời mình. Thế giới của chúng ta cần các chứng nhân như thế để dẫn đưa chúng ta về với Đức Ki tô.

Chúa Giê su nói  với  chúng ta: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Không nên hiểu đó là một lời bắt buộc nhưng là một đáp trả của một tình yêu. Điều quan trọng là chính sự liên đới của chúng ta trong Chúa Giê su Ki tô. Trong Giáo hội, chúng ta là một gia đình lớn. Nguy hiểm chính yếu mà chúng ta phải đề phòng, đó là cá nhân chủ nghĩa khiến chúng ta co cụm về chính mình và ngăn cản chúng ta nhìn thấy người khác.

Khi Chúa Giê su nói với chúng ta rằng không ai đến với Cha mà không qua Ngài, đó chính là sự liên đới của Ngài với toàn thể nhân loại. Và cũng có thể nói rằng Đức Ki tô không đến với Cha mà không có chúng ta. “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy. Khi Thầy ra đi dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ trở lại đón anh em”. Đó là một sứ điệp hi vọng chắc chắn đem lại cho chúng ta niềm vui bởi vì nó làm cho cuộc sống có ý nghĩa.

Chúa Giê su kết thúc bằng một lời hứa long trọng: “Ai tin vào Thầy thì sẽ làm được những việc như Thầy”. “Công việc” ở đây nói đến công việc lớn lao của Thiên Chúa là giải thoát dân của Người. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa liên kết vào trong công việc lớn lao ấy để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi mọi ách nô lệ. Lời hứa của Đức Ki tô phải giúp chúng ta xác tín mọi ngày rằng sự giải thoát là có thể thực hiện được.

Chủ nhật hôm nay, chúng ta tụ họp để cử hành Thánh Thể; chúng ta tiếp nhận lương thực cần thiết để tiếp tục con đường đi theo Đức Ki tô và nối kết chúng ta vào trong công việc của Ngài. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện. Xin Đức Ki tô làm cho chúng ta luôn sẵn sàng để làm chứng cho tình yêu của Ngài muốn cứu độ loài người.

ĐÀO SÂU

1. HỎI. Chúa Giê su là con đường duy nhất dẫn tới Thiên Chúa Cha, là đấng Cứu độ, còn người do thái hiểu về “sự cứu độ” như thế nào?

THƯA. Thưa người do thái luôn hiểu sự cứu độ như một biến cố có thể  được kiểm chứng được một cách công khai, trong khung cảnh lịch sử, nghĩa là một biến cố xảy ra trong thế giới hữu hình và chỉ có thể quan niệm trong thế giới đó mà thôi.

2. HỎI. Vào thời Chúa Giê su, người do thái hiểu thế nào về sự “hư mất”?

THƯA. Vào thời Chúa Giê su, người do thái cho rằng sự “hư mất” bao gồm trong sự thiếu thốn các điều kiện thiết yếu cho cuộc sống tập thể và cá nhân (sức khỏe, tiền bạc, đất đai, bình an, tự do, lề luật, đến với Thiên Chúa). Do đó, sự cứu độ hệ tại ở việc có đầy đủ của cải trần gian, được tiếp nhận như là quà tặng của Thiên Chúa. Chỉ dần dần sau nầy, Israên mới bắt đầu phân biệt rõ ràng hơn một bên là đời sống hạnh phúc trần gian và một bên là tương quan với Thiên Chúa có thể đem lại hạnh phúc cho cuộc sống dù thiếu thốn mọi của cải trần gian.

3. HỎI. “Thầy là Đường” có nghĩa gì?

THƯA. Tôma hiểu đường theo nghĩa đen, là một con đường do tay con người làm ra (14, 50, còn Chúa Giê su lại hiểu theo nghĩa bóng: Chúa Giê su là Đường có nghĩa là Trung gian dẫn con người đến với Thiên Chúa Cha, giúp cho họ tin vào Người, đi vào tình thân mật với Người. Con đường dẫn con người đến với Thiên Chúa trong Cựu Ước là Lề Luật Mô sê. Nhưng từ nay, con đường ấy chính là Chúa Giê su (Mc 8,34; Mt 16,24; Hr 10,20)

4. HỎI. Đối với Gioan sự thật có nghĩa gì?

THƯA. Trong Cựu Ước, sự thật là tiếng nói của Thánh ý Thiên Chúa liên quan đến lòai người và đời sống luân lí của lòng lòai người. Theo Gioan, sự thật là mạc khải cuối cùng do Chúa Giê su mang đến. Đó là mạc khải được thực hiện trong con người và hành động của Ngài. Đó là mạc khải chung quyết, đối lại với mạc khải tạm thời của Cựu Ước, như thực tại (Chúa Giê su) với hình bóng (CƯ). Vì là sự thật có sức cứu rỗi, nên Chúa Giê su là đường dẫn đến Thiên Chúa Cha.

5. HỎI.Tại sao gọi Chúa Giê su là sự sống?

THƯA. Muốn được sự sống vĩnh cửu, con người phải nghe và thực hiện những gì Thiên Chúa phán dạy. Mà Chúa Giê su nói Lời Thiên Chúa và là Lời tuyệt hảo và chung quyết của Thiên Chúa, nên ai nghe và giữ lời Chúa Giê su thì có sự sống đời đời. Vì thế Chúa Giê su chính là sự sống của Thiên Chúa.

6. HỎI. Vậy “Đường, Sự Thật, và Sự Sống” liên quan với nhau như thế nào?

THƯA. Chúa Giê su chính là “Đường”, là trung gian tuyệt hảo đưa con người đến với Thiên Chúa Cha Ngài là sự Thật, nơi Ngài con người tìm được những gì cần cho ơn cứu rỗi, và Sự Sống đời đời.

7. HỎI. Các tác giả Cựu Ước có cho chúng ta thấy trước về Ngôi vị Thánh Thần mà sau nầy Tân Ước mới đề cập rõ ràng không?

THƯA. Cựu Ước dùng từ “ruah” để chỉ Thần khí Thiên Chúa; không được quan niệm như khác biệt với Thiên Chúa và khi hoạt động thì chính Thần khí-Thiên Chúa hoạt động.

8. HỎI. Đâu là hoạt động của Thần khí Thiên Chúa?

THƯA. S sống con người được gán cho Thần Khí Thiên Chúa: Thiên Chúa thổi hơi vào con người để ban sự sống (x. Stk 2,7; G 27l,3; Is 42,5). Dưới ảnh hưởng Thần khí, các tiên tri giúp cho người ta nhận biết thánh ý Thiên Chúa được gọi là được Linh hứng (x. 2V2,9; Hs 9,7 vv..).Thần khí cũng hoạt động trong việc biến đổi đời sống luân lí con người, thúc đẩy sống đời tốt đẹp hơn (x. Is 4,4; Gr 32,38-40). Nơi một số người được chọn, Thần khí Thiên Chúa còn hoạt động một cách đặc biệt giúp họ thực hiện nhiều hành vi lạ lùng. Đó là trường hợp của ông Sam son (x. Tl 4,2tt).

9. HỎI. Có những bản văn Cựu Ước trong đó Thần khí Thiên Chúa được mô tả như khác biệt với Thiên Chúa không?

THƯA. Có. Thật vậy, trong một vài bản văn, chúng ta thấy Người hoạt động bên ngòai Thiên Chúa: Người là hơi thở phát xuất từ “miệng” Thiên Chúa và hoạt động trong thực tại tạo thành; Thần khí được gửi đến cho các tiên trị và nói qua các tiên tri (x. Is 48,16); Thần khí được Thiên Chúa đặt trong tâm hồn những người đã được chọn lựa trước nhằm ơn cứu độ dân Người (x. 63,11); Thần khí hoạt động như một vị thầy hay một hướng dẫn chỉ đường phải theo (x. Tv 143,10; 27,11; Dc 7,12; Is 59,21).

10. HỎI. Các trích dẫn trên có thể là những dấu chỉ cho thấy mạc khải tương lai về ngôi Thánh Thần không?

THƯA. Chắc chắn là vậy. Cùng với nhiều đọan Cựu Ước khác các trích dẫn trên là rất quan trọng cho việc Mạc khải đầy đủ mà Chúa Giê su sẽ ban cho chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa.

11. HỎI. Chúng ta có tìm thấy từ “Ba Ngôi” trong Kinh Thánh không?

THƯA. Không, chúng ta không tìm thấy từ “Ba Ngôi” trong Kinh Thánh, nhưng ý tưởng và giáo lí về “Một Thiên Chúa và Ba Ngôi” thì có. Thiên Chúa nhờ Đức Giê su Ki tô, đã mạc khải chính Người, sự phong phú nội tâm của Người như là Cha, là Con và Thánh Thần. Từ “Ba Ngôi” được thánh Thê ô phi lô dùng lần đầu tiên vào giữa thế kỉ thứ hai, để diễn tả điều mà Thánh Kinh đã nói.

12. HỎI. Giáo lí về Ba ngôi không được các tiên tri và các tín hữu đầu tiên biết đến?

THƯA. Chỉ cần đọc kĩ Tân Ước thì cũng thấy các tín hữu đầu tiên đã hiểu giáo lí ấy. Còn các tiên tri Cựu Ước, thì nhiều chân lí mà Thánh Thần nhờ các ngài loan báo, chính các ngài cũng không nhận ra. Các tiên tri nói về Thiên Chúa và loan báo chương trình cứu độ nhưng không hiểu hoàn toàn ý nghĩa sâu xa và siêu việt của lời mà chính các ngài nói.

13. HỎI. Ai đã hiểu chính xác các chân lí mà các tiên tri loan báo?

THƯA. Đấng giải thích Cựu Ước có uy tín là chính Chúa Giê su Ki tô, Ngài là Con Thiên Chúa, nên Ngài biết rõ về Cha (x. Ga 8,55) hơn bất cứ tiên tri nào khác (x. Mt 11,27). Ngài có tất cả những gì mà Cha có (x. Ga 16,15) và mạc khải cho chúng ta biết “Danh” tức là Bản tính và sự phong phú nội tại của Thiên Chúa (x. Ga 17,6).

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM THỨ BA TUẦN IV PHỤC SINH NĂM A-Nghe và biết. Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN III PHỤC SINH NĂM A. Nt Têrêsa Ngọc Lễ
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A-Mục tử tốt lành. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A- MỤC TỬ VÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN.Nt. Maria Lê Hương
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A- Mục tử thật - mục tử giả. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH
     MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI
     EMMAUS
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III PHỤC SINH NĂM A.
     GẶP GỠ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông