TÌNH YÊU XÂY DỰNG HÒA BÌNH
Một vị vua tuyên bố: “Ta sẽ tiêu diệt hết mọi kẻ thù của ta”.
Một số quần thần đắc chí, nghĩ bụng về cái chết của mấy kẻ ở phe đối nghịch; một số khác lại lo lắng, nghĩ về những người bị liên lụy. Nhưng cả hai đều ngạc nhiên khi thấy nhà vua, sau đó, lại đến thăm những người chống đối, bàn luận với nhóm bất đồng chính kiến, thậm chí còn đồng bàn ăn uống vui vẻ với họ. Nhóm quần thần “đắc chí” thắc mắc: “Tâu đức vua, ngài còn nhớ đến lời thề hứa sẽ tiêu diệt hết mọi kẻ thù của ngài không?”
“Có chứ. Bây giờ đâu còn ai là kẻ thù của ta”, đức vua trả lời.
Thiên Chúa là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là hòa bình. Thế nên mọi lề luật của Chúa đều hướng về hòa bình. Có người sẽ ngạc nhiên: “Tại sao luật của Chúa trong Cựu ước lại cho phép ‘mắt đền mắt, răng đền răng’? Phải chăng Thiên Chúa của Cựu ước ác hơn Thiên
Chúa của Tân ước?”
Hòa bình là hoa trái của yêu thương mà sao “Các con đã nghe dạy rằng: “Hãy yêu thương đồng loại, và ghét địch thù”. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm một chút Thánh Kinh.
Luật báo thù của Cựu ước được đặt ra nhằm làm cho việc báo thù giữ được mức ôn hòa, vừa phải, khỏi đi đến thái quá, kẻo càng báo oán thì thù oán càng chồng chất. Chỉ vì muốn có sự ôn hòa mà có luật báo thù trong Cựu ước.
Luật đó nay được kiện toàn bằng sự chịu đựng. Để xây dựng hòa bình, Chúa dạy các môn đệ tránh cả tranh cãi và tranh đấu: “Thầy bảo các con đừng chống cự lại kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa cả má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm thì con hãy đi với nó hai dặm …” (Mt 5,39-41)
Cựu Ước có dạy ghét địch thù không? Thực ra, chỉ có vài câu trong Thánh Vịnh 139 và một đoạn trong bản văn cổ Qumran coi việc ghét kẻ làm điều ác là đúng (Tv 139,19-22), (1QS 9,21), chẳng có một chỗ nào trong Cựu ước nói đến luật phải ghét địch thù.
Luật Chúa dạy phải yêu thương đồng loại, nhưng các luật sĩ giải thích đồng loại là những ai cùng một đất nước, một quốc gia, một tôn giáo, và phải coi họ như là bạn hữu; còn ngoài ra thì không buộc phải yêu thương, … xa hơn chút nữa là thù ghét.
Nếu tôi nghĩ rằng tính xác thịt con người chẳng làm được như vậy đâu, thì xin tôi đừng quên là xác thịt sẽ không được thừa hưởng Nước Trời, chỉ những ai sống theo luật Chúa mới được hưởng bình an và được an ủi.
Chúa Giêsu giải quyết cách nào? Chúa nới rộng chữ đồng loại đến hết mọi người, theo kiểu mẫu của chính Thiên Chúa, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, và làm mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Chúa lại có lời thuyết
phục rất hay: “Nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,46-48)
Một người da màu đi lễ. Nhà thờ dành cho người da màu ở xa nhà anh, nên anh đến một nhà thờ dành cho người da trắng mà dự lễ, và tất nhiên là phải đứng bên ngoài.
Đang dự lễ thì anh thấy một người đến đứng ở bên cạnh, cũng da màu. Người đó hỏi anh: “Tại sao anh không vào bên trong?”
Nghĩ bụng chắc người này mới đến nên chưa biết, anh quay qua trả lời, và nhận ra đó là Chúa Giêsu. Anh thưa: “Lạy Chúa, vì con là da màu nên phải đứng bên ngoài”.
Chúa nói với anh: “Ta cũng chẳng được vào”.
Chúa không vào được có phải vì Chúa có … da màu, nhưng lý do sâu xa hơn là vì ở đó có sự kỳ thị, ghét bỏ. Một đền thờ sẽ ra sao nếu không có Chúa? Không có Chúa không còn là đền thờ nữa.
Tâm hồn mỗi người là đền thờ Thiên Chúa, nhưng sự ghét bỏ anh em đã bắt Chúa đứng bên ngoài.
Thánh Gioan có những lời rất mạnh về tình yêu phải có của người môn đệ Chúa: “Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng
vậy” (1Ga 3,10)
Lạy Chúa, nhiều lúc con bắt Chúa đứng ở bên ngoài, miệng thì nài xin Chúa ngự vào lòng con! Xin Chúa tha thứ và hoán cải lòng con.
Lm. HK