CHỦ NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN B
Không ai có thể tự quyết định cho mình trở thành Ngôn sứ, Tông đồ hay Thừa tác viên Tin Mừng. Sáng kiến luôn luôn đến từ Thiên Chúa, vì chính Người chọn gọi và sai đi. Sự chọn lựa ban đầu ấy vượt quá công trạng của NGƯỜI ĐƯỢC LỰA CHỌN VÀ ĐƯỢC SAI ĐI và là nền tảng tạo nên sức mạnh và uy tín của họ. Không lí luận nào có thể giải thích được tình yêu ấy. Chỉ có thể cảm tạ mà thôi.
Sách Tiên tri A mos:
Bởi vì Dân không chịu tuân giữ Thánh ý của Thiên Chúa, nên Tiên tri A mos nhân danh Người loan báo những tai họa sẽ đến. Những lời sấm ấy tạo ra những phản ứng dữ dội về phía hàng tư tế chính thức do thái giáo. Nhưng A mos trả lời cho vị tư tế ở Bê thên rằng tất cả là do Thiên Chúa, vì trong lúc đang chăn cừu cho cha, ngài đã được Thiên Chúa tìm kiếm và lựa chọn để tuyên sấm.
Thánh vịnh 84:
“Điều Thiên Chúa nói đó là Bình an”;
Thoạt nhìn thì dường như lời khẳng định trên đây của Thánh vịnh tương phản với bài đọc sách Tiên tri A mos. Tuy nhiên chúng ta không nên lẫn lộn cái nhìn sáng suốt của vị tiên tri về những biến cố đang xảy ra và kế hoạch nền tảng của Thiên Chúa là ƠN CỨU ĐỘ và BÌNH AN.
Thư Ê phê sô:
Từ muôn đời Thiên Chúa đã chọn gọi chúng ta là con cái yêu dấu của Người. Bản văn nầy của Thánh Phao lô là một lời chúc tụng tụng tuyệt vời dâng lên Thiên Chúa Cha vì tình yêu của Người luôn muốn chúng ta nên thánh để trở nên không còn gì đáng chê trách dưới cái nhìn của Người. Lời chúc tụng hoàn hảo ấy phải được lặp lại và suy niệm trong suốt tuần nầy. Người đã tiền định để chúng ta trở thành LỜI CHÚC KHEN VINH QUANG THIÊN CHÚA.
Tin mừng: Mc 6,7-13
NGỮ CẢNH
Chúa Giê su sai nhóm Mười Hai ra đi kêu gọi mọi người hối cải
Mác cô kể lại các lời dạy Chúa Giê su cho nhóm Mười Hai mà Ngài sắp sai đi. Ngài đã chọn họ giữa các môn đệ để trở thành bạn của Ngài và sai đi rao giảng với quyền năng xua trừ ma quỉ (3,13-19). Ngài sai họ đi sau khi Ngài vừa chạm trán với thất bại tại làng Nagiarét. Đây là kiểu soạn tác ngẫu hứng hay ngầm gợi ý một sự hồi sinh việc rao giảng Tin Mừng? Nhóm Mười Hai sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong sự hy sinh trọn vẹn. Các ngài không để những thái độ từ khước trên đường cản trở công việc truyền giáo của mình
TÌM HIỂU
Và bắt đầu sai đi: Chúa Giê su có sáng kiến sai phái các môn đệ đi truyền giáo: nhóm Mười Hai chỉ các sứ giả của Chúa Giê su.
Từng hai người một: cách thức nầy theo thói quen của người Híp pri chăng? Hay là một áp dụng rộng rãi luật buộc phải có hai nhân chứng? (x. Mt 18,16). Nhưng lí do xem ra đơn giản hơn nhiều: đi từng nhóm hai người thì dễ dàng thoả thuận với nhau hơn. Lại nữa, tình huynh đệ giữa các chứng nhân của Chúa Giê su sẽ mang đến chứng từ về một đức tin chia sẻ. Các nhà truyền giáo tiên khởi vẫn luôn trung thành với lời khuyên của Chúa Giê su: như hai ông Phê rô và Gio an (Cv 3,1; 4,13), Phao lô và Bar na ba (Cv 13,2), Giu đa và Si la (Cv 15,22), Phao lô và Si la (Cv 15,40).
Quyền: quyền mà Chúa Giê su ban cho nhóm Mười Hai thuộic về quyền năng mà chính Ngài đang có và đã tỏ hiện đặc biệt trong trường hợp trừ quỉ (1,27). Quyền năng nầy đã được loan báo trong lúc tuyển chọn nhóm Mười Hai (3,15). Sau nầy chính Chúa Giê su sống lại cũng sẽ ban cho họ quyền hành tương tự khi sai họ đi truyền giáo (16,15-20). Quyền nầy bao gồm việc trừ quỉ và chữa bệnh vốn là những dấu chỉ của Nước Chúa.
Không được mang gì: người tông đồ phải tự do, không để cho bản thân mình vướng bận, cồng kềnh, mhưng luôn sống nghèo khó để tín thác vào Thiên Chúa quan phòng và lòng hiếu khách của mọi người như Chúa Giê su, vì “thợ thì đáng ăn lương của mình” (Mt 10,10).
Chỉ trừ cây gậy: cả Mt và Lc cũng không cho phép luật trừ nầy, và cũng không cho phép mang dép nữa! Có thể trong môi trường của các độc giả Mác cô, hai vật dụng nầy là những thứ cần thiết, không thể không có đối với nhà truyền giáo.
Thì cứ ở lại đó: chi tiết nầy được cắt nghĩa theo lối quen tiếp khách của người thời xưa, như khách hãy bằng lòng với tiện nghi tối thiểu mà chủ nhà cung cấp cho, dùng áo choàng của mình để qua đêm, và việc bỏ nhà nầy để sang nhà khác là một xúc phạm. Dĩ nhiên là không thể áp dụng lệnh truyền nầy một cách cứng nhắc được.
Hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ: đây là hành vi truyền thống ở phương Đông để chỉ sự bất bình và tỏ cho thấy không muốn có một chút liên hệ ô uế gì với người mà mình xét là không xứng đáng. Sự khước từ Tin Mừng bị coi là một sự ô uế.
Ăn năn sám hối: Lời mời gọi cũng như nội dung sám hối không thấy nói tới ở đây. Nhưng lời nầy là tiếng vang vọng lại lời rao giảng sám hối của Gioan Tẩy giả (1,4) và của Chúa Giê su (1,15).
Xức dầu: chi tiết nầy chỉ thấy có ở Mc và có một giá trị biểu tượng đặc biệt có ý nghĩa: đó là dấu cho thấy lời Thiên Chúa đầy hiệu năng trên người bệnh ngang qua sự thấm vào và công hiệu của dầu. Sau nầy thánh Gia cô bê sẽ khuyên nhủ các Trưởng cộng đoàn thực hiện việc ấy (Gc 5,14).
SỨ ĐIỆP
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giê su đi rảo khắp vùng Ga li lê để loan báo Nước Thiên Chúa. Để thi hành công việc ấy, Ngài cần sự giúp đỡ. Ngài chọn mười hai môn đồ để ở với họ và sai họ đi rao giảng. Họ đã nghe Ngài giảng dạy, họ đã thấy Ngài chữa lành các bệnh nhân, và xua trừ ma quỉ. Bây giờ, chính họ thực tập điều Chúa Giê su chỉ dạy. Thánh Mác cô nói với chúng ta rằng Ngài truyền cho họ đi đường đừng mang theo gì cả, không mang bánh, không mang túi, không mang tiền trong thắt lưng.
Đó là một trang tin mừng mời gọi chúng ta và khiến chúng ta khó chịu. Làm sao đi đường mà không mang tiền theo để trang trải phí tổn? Chúng ta đang sống trong một xã hội đang có nhiều thay đổi. Dĩ nhiên không thể hiểu lời dạy của Chúa Giê su theo từng chữ và ở ngoài bối cảnh văn hóa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải bỏ qua trang tin mừng ấy. Ngược lại, lời dạy mời gọi chúng ta phải đi xa hơn. Nếu Chúa Giê su có những đòi hỏi lớn lao về sự khó nghèo nơi các tông đồ và sứ giả tin mừng, thì cũng vì một lí do rất xác đáng. Ngài muốn cho họ hiểu rằng lời loan báo tin mừng trước tiên không lệ thuộc vào những cơ cấu hay tổ chức mục vụ dù quí báu đến đâu đi nữa. Trong các giáo xứ và giáo phận, vẫn cần có những cơ sở, những khóa huấn luyện. Tất cả những điều đó cần thiết nhưng chưa đủ. Điều quan trọng là phải để cho Chúa Thánh Thần ngự trị, nếu không, thì việc chúng ta làm chỉ như công dã tràng vô ích mà thôi.
Lời mời gọi ấy không chỉ liên hệ đến các mục tử trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục, mà còn đến tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi và sai đi loan báo tin mừng. Tất cả phải nhớ rằng mỗi ngày, điều quan trong trong đời sống đức tin của chúng ta, đó là để cho Thánh Thần của Chúa Giê su hướng dẫn. Để được vậy, điều cần là chúng ta phải tách rời khỏi chính chúng ta, tiền bạc, của cải, ý tưởng vả xác tín của chúng ta. Ưu tiên tuyệt đối chính là Chúa Giê su Ki tô và Tin mừng của Ngài.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không thuộc về mình, nhưng do chính Đức Ki tô mời gọi chúng ta và sai phái chúng ta đi. Xứ đạo không thuộc về vị Linh Mục coi sóc nhưng thuộc về Đức Ki tô. Chúng ta không sở hữu Chúa Giê su hay Lời của Ngài. Điều phải chuyển thông không phải sứ điệp hay ý tưởng của chúng ta mà là của Đức Ki tô. Chúng ta được sai đi loan báo tình yêu của Thiên Chúa Cha cho tất cả mọi người. Ngay trước khi chúng ta rao giảng, Thánh Thần đã làm việc trong tâm hồn của những người được giao phó cho chúng ta phục vụ.
Thánh Mác cô xác định rằng các môn đệ được sai đi từng hai người một. Lời rao giảng tin mừng không phải là một bổn phận của riêng cá nhân, nhưng là một sứ mạng của Giáo Hội. Cách làm đó giúp cho việc tương trợ và nâng đỡ nhau, nhất là trong những lúc khó khăn. Nhưng đó chưa phải là lí do chính yếu. Điều quan trọng nhất là sứ điệp được truyền đi từ một sự đồng thuận, từ một giọng nói, như ngày nay người ta vẫn gọi. Toàn thể cộng đoàn được mời gọi làm chứng một cách chắc chắn về tin mừng được Chúa Giê su Ki tô mặc khải.
Như tiên tri Amos đã nói trong bài đọc thứ nhất, các tông đồ và những sứ giả hôm nay sẽ phải đối đầu với những mãnh lực sự dữ: chúng ta đều biết rõ đó là những gì: chiến tranh, bạo lực, thờ lạy tiền bạc, khinh bỉ những người khác, ý muốn chế ngự hoặc trấn áp, tìm kiếm quyền lực dưới mọi hình thức. Người Ki tô hữu là một chiến binh: nếu chạy theo thế gian, nếu sống như mọi người, nếu lấy tiền bạc là mục tiêu cuộc sống, thì cũng không khác gì những người không biết đến tin mừng. Lúc bấy giờ, tin mừng sẽ không được loan báo. Và cuối cùng sẽ không có tin mừng.
Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta. Ngài là Thiên Chúa của những không gian và chân trời rộng mở. Ngài nhắc cho chúng ta nhớ rằng nếu chúng ta là những người đã được rửa tội, thì đó không phải là để chúng ta ngồi yên một chỗ, mà là để ra đi. Như Amos và các môn đệ, chúng ta được sai đi để làm sứ giả cho một Thiên Chúa say mê yêu thương tất cả mọi người.
Để thực hiện những điều đó, chúng ta không nên tìm kiếm những phương tiện hoàn hảo. Điều mà Chúa Giê su chờ đợi nơi chúng ta là lời chứng của chúng ta. Chúng ta có thể chiến thắng sự dữ trong chúng ta để sống như người tự do. Đó là điều cho phép chúng ta làm chứng trước mặt người khác. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên con đường hoán cải. Qua Thánh Thể, Ngài muốn gìn giữ chúng ta gắn bó với Ngài. Bấy giờ, chúng ta sẽ là những sứ giả trung thành như Ngài mong muốn. Chúng ta sẽ là những phương tiện tốt làm việc cho Ngài.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Amos sống trong thời đại nào?
THƯA: Amos sống trong thời kì nam bắc phân tranh: Mười chi tộc phía Bắc làm thành nước Israên chọn Samaria làm thủ phủ. Hai chi tộc phía Nam họp thành nước Giu đa lấy Giêrusalem làm thủ đô. Hai vương quốc trước kia cùng là anh em một nhà nhưng nay tranh chấp và trở thành thù địch với nhau. Nước Israên xây dựng đền thờ Bêthên, tổ chức phụng tự linh đình để thu hút mọi người bỏ lễ bái ở đền thờ Giêrusalem về với mình. Đó là mưu đồ nhằm chia rẻ dân tộc mà Thiên Chúa muốn thống nhất.
2. HỎI: Amos là ai?
THƯA: Amos tự giới thiệu trong câu trả lời cho vị tư tế đền thờ Bêthên: ông không phải là tiên tri, cũng chẳng thuộc dòng dõi tiên tri. Ông chỉ là người chăn chiên và người hái trái sung ở Têqoa, gần Giêrusalem, thuộc Vương quốc Giu đa (x. Am 7,14). Dù là người miền Nam và không được đào tạo để làm tiên tri, nhưng khi bị Thiên Chúa “bắt”, làm tiên tri đất Bắc, làm sao ông cưỡng lại được. “Sư tử đã gầm lên, ai mà không sợ hãi! Đức Chúa là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri?” (Am 3,8).Trái sung giống như trái vả nhưng nhỏ hơn, và là thực phẩm của người nghèo. Dường như Amos là người chuyên nghề bấm trái sung kích thích nó tăng trưởng lớn hơn để có thể ăn được.
3. HỎI: Nội dung bài đọc thứ nhất nói gì?
THƯA: Bài đọc thứ nhất thuật lại cuộc đấu khẩu giữa tư tế đền thờ Bêthên là Amátgia và tiên tri Amos. Nhân danh hàng đạo đức ở Bêthên và dựa vào quyền lực nhà vua, Amátgia đuổi Amos về Giu đa, cấm không được tuyên sấm ở Bêthên nữa, vì ông coi tiên tri như một thầy bói, nói mò để kiếm tiền. Amos liền trả lời, ông không phải là tiên tri, chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm tiên tri, nhưng khi chăn chiên, ông được Thiên Chúa chọn gọi và truyền cho ông phải đi tuyên sấm, phải cảnh cáo nhà Israên biết nó sẽ rơi vào tay quân thù và con cái nó sẽ bị đem đi đày. Sứ điệp ấy là của Chúa. Ông chỉ vâng theo và sẽ vâng theo mãi mãi.
4. HỎI: Chúa Giê su đã truyền lệnh gì cho các mười hai tông đồ?
THƯA: Chúa Giê su truyền cho các môn đệ ba điều:
Một là đi từng hai người một. Hai là không được mang theo gì ngoại trừ điều thực cần thiết. Ba là đừng lo lắng trước sự bách hại chắc chắn sẽ xảy ra cho người tông đồ.
5. HỎI: Tại sao Chúa Giê su sai các môn đệ đi: “từng hai người”?
THƯA: Đó dường như là thói quen của Chúa Giê su. Như Ngài sai hai môn đệ đi trước để chuẩn bị những việc cần thiết trước khi vào thành Giêrusalem (11,1-2). Cũng thế, Ngài cũng sai hai môn đệ vào thành chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt qua (14,13). Đó có thể là dấu vết phong tục do thái, theo đó một chứng từ chỉ có thể có giá trị bởi hai hoặc ba nhân chứng: “Phải căn cứ vào lời của hai (hoặc ba) nhân chứng sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Cũng thế, việc rao giảng tin mừng không phải là một việc cá nhân nhưng là việc làm chứng.
6. HỎI: Sau nầy các Tông đồ có giữ thói quen đó không?
THƯA: Có. Như ông Phêrô và Gioan đi chung với nhau vào giảng dạy trong Đền thờ Giêrusalem (Cv 1); ông Phao lô cùng với Barnaba đi truyền giáo ở Syria và Tiểu Á (Cv 13-15). Rồi sau khi từ biệt Barnaba, thì Phao lô lại tiếp tục truyền giáo với Sila (Cv 16-17).
7. HỎI: Ban cho họ quyền trên các thần ô uế nghĩa là gì?
THƯA: Chúa Giê su đã rao giảng Nước Thiên Chúa không những bằng lời mà còn bằng hành động, đặc biệt là phép lạ trừ quỉ, nhằm giải thoát con người khỏi quyền lực của ma quỉ. Gọi ma quỉ là thần Ô uế vì chúng biểu lộ sức mạnh chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa và Dân Ngài. Vì được kêu gọi tiếp nối sứ mạng rao giảng Nước Trời, các tông đồ cũng được trao cho quyền hành tương tự.
8. HỎI: Tại sao Chúa Giê su truyền cho các môn đệ không được mang gì theo?
THƯA: Chúa Giê su truyền cho họ đừng mang theo gì ngoài những gì thật cần thiết như cây gậy và đôi dép, bởi vì Ngài muốn họ được tự do thong dong khỏi ràng buộc có thể làm vướng bận công việc truyền giáo. Khi nghe lệnh truyền nầy, các tông đồ có lẽ đã nhớ đến chuyến đi vội vã nhưng đầy tin tưởng của cha ông họ trong đêm trốn khỏi đất Ai cập, “lưng thắt dây, chân mang dép, tay cầm gậy” (Xh 12,11). Cuộc lữ hành của Giáo Hội dân Thiên Chúa khỏi sự từ đây. Chuyến đi đòi hỏi phải nhanh chân, sẵn sàng và thần trí tự do, hoàn toàn phó thác nơi Thiên Chúa sẽ cung cấp mọi điều cần thiết.
9. HỎI: Còn lệnh truyền phải vững vàng trước những cơn bách hại?
THƯA: Chúa Giê su muốn nhắc các tông đồ nhớ rằng bách hại luôn luôn là số phận của những nhà rao giảng và các tiên tri, như tiên tri Amos trong bài đọc 1, đã bị đuổi đi chỉ sau một vài tháng công bố sứ điệp của Thiên Chúa. Đối diện trước những cuộc bách hại ấy, Chúa Giê su không chủ trương dùng vũ lực hay hận thù để đối phó, nhưng truyền phải kiên trì và bình thản: “Nếu người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ” (c.11). Đó là điều mà Phao lô và Barnaba đã làm ở Antiôkia (Cv 13,51).
10. HỎI: “Giũ bụi đất dưới chân tỏ ý cảnh cáo họ” nghĩa là gì?
THƯA: Có thể đó là cách nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng sự tự do của anh em, chúng tôi đến nhà anh em không lấy đi thứ gì mà anh em không muốn, dù là bụi đất dưới chân”. Thánh Luca nói rõ hơn: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều nầy: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11).
11. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là gì?
THƯA: Lời Chúa muốn cho chúng ta ý thức rõ ràng về sứ mạng tiên tri mà tất cả mọi người chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội. Chính Thiên Chúa trao Lời Ngài cho kẻ Ngài yêu thương và chọn gọi làm tiên tri, dù người ấy không có khả năng. Sứ điệp tiên tri có mục đích đưa người ta trở về giao ước và nối lại sự hiệp thông mà tội lỗi đã phá hủy. Lời rao giảng ấy không phải lúc nào cũng được chấp nhận, nên bị bách hại, bị xua đuổi, bị giết chết luôn là số phận của các tiên tri. Vì thế, để thực hiện thành công sứ mạng được giao, các môn đệ và chúng ta phải biết cậy trông vào Chúa và chỉ cậy trông vào một mình Chúa mà thôi.