CHÚA NHẬT XXVIII TNA:
TÔI SẼ MẶC ÁO NÀO?
Chuyện thế giới: ngày
29/4/2011 vừa qua, tại Anh đám cưới của Hoàng gia diễn ra đã thu hút sự chú ý
quan tâm không chỉ của nước Anh mà còn của cả các hãng truyền thông trên thế giới.
Khách mời của đám cưới này chắc không dành cho những người thường, mà trên màn
hình chúng ta thấy toàn những nguyên thủ các quốc gia và những nhân vật nổi tiếng,
ai củng mang trên mình những bộ áo sang trọng nhất thật xứng tầm với một đám cưới
của hoàng gia, và trên mặt những người tham dư lộ rõ nét hân hoan và vinh dự,
người ta đến đây không chỉ để chia vui và chiêm ngưỡng đám cưới của một hoàng tử,
mà còn để thể hiện thế giá chính trị và địa vị xã hội của mình.
Còn tại nước mình,
cách đây không lâu cũng có một đám cưới con của một quan chức đã diễn ra hết sức
phô trương, đoàn rước dâu là khoảng 30 chiếc xe loại siêu khủng đi dạo quanh những
con phố lớn của Hà Nội, thực khách của đám cưới này cũng không kém phần sang trọng
và hãnh diện, và hình như đã thành thói quen, các đám cưới của con quan chức
thường là dịp để mọi người phô trương sự sang trọng, quyền lực của mình hoặc của
bố mẹ, còn người tham dự thì có cơ hội vàng để bày tõ lòng biết ơn hoặc trả ơn
trả nghĩa nhau, tạo những quan hệ làm ăn và thực khách tỏ ra rất hãnh diện vì
được mời như thế.
Thế nhưng cũng trớ
trêu là ngày xưa cũng có một đám cưới của hoàng gia, đức vua đã cho người đi mời
quan khách khắp nơi, nhưng xem ra họ rất ơ hờ, thậm chí coi thường lời mời của
nhà vua, họ không đến dự với lý do đi thăm ruộng, bận đi làm để từ chối đến dự
tiệc và còn làm nhục những người được sai đến mời họ. Ông vua bị thực khách tẩy
chay ngày ấy chính là Vua Trời, là Thiên Chúa, đã được Đức Giêsu kể trong dụ
ngôn về tiệc cưới nước trời hôm nay.
Bữa tiệc là hình ảnh
rất thông thường để diễn tả niềm vui, hạnh phúc và tình huynh đệ; bài đọc một
hôm nay Tiên tri Isaia cũng đã dùng hình ảnh một bữa đại tiệc để diễn tả về Hạnh
phúc Nước trời. Bữa tiệc ấy chính là bữa tiệc Cánh chung, bữa tiệc hòa bình nó
không diễn ra ở hoàng cung mà trải rộng trên núi thánh của Thiên Chúa và mọi
dân mọi nước được mời tham dự: Ngày ấy
chúa các đạo binh sẽ thiết đãi các dân trên núi này một bữa tiệc, thịt thì béo,
rượu thì ngon. Bữa tiệc ấy mọi người đều hân hoan hạnh phúc vì họ được nhìn
thấy Đức Vua là chính Thiên Chúa, được đồng bàn với Đức Vua và Hoàng Tử, hơn nữa
ngày ấy Thiên Chúa là đức vua sẽ ban cho họ niềm vui thực sự từ trong tâm hồn,
ngài sẽ cất tấm khăn tang bao trùm muôn dân, tức là mọi thực khách của tiệc nước
trời sẽ không còn phải đau khổ vì cảnh chết chóc tang thương nữa, không còn bị
đau đớn bởi cảnh chia ly, mà họ được sống và sống trường sinh bất tử đời đời, họ
không còn phải đau khổ than khóc bởi sự kìm hãm của thế gian, sự giới hạn của
thân xác nữa mà họ có được một niềm hạnh phúc sâu xa là, từ đây Thiên Chúa Đấng
cứu độ mãi mãi ở với họ hay nói đúng hơn là họ được ở với Đấng đã dựng nên họ
và cứu độ họ, Đấng là khởi nguyên và là là cùng đích của tất cả mỗi người, Đấng
là khát vọng là sự đợi chờ của chúng ta.
Hạnh phúc là như thế,
vinh dự là như vậy, vậy mà ngày nay có nhiều người đã thẳng thừng từ chối lời mời
tham dự tiệc hạnh phúc này với lý do hết sức vật chất, kẻ thì đi thăm ruộng,
người thì đi buôn, tức là lấy lý do bận rộn công việc để từ chối lời mời của đức
vua. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn, Ngài mời gọi không chỉ một lần mà năm lần bảy
lượt ngài sai người đến để nhắc nhở mời gọi muôn dân vào dự tiệc đời đời. Những
thực khách được mời trước hết là dân Do Thái, họ được mời gọi đón nhận Tin Mừng
của Thiên Chúa, nhưng họ đã từ chối và tỏ ra hững hờ với lời mời gọi sám hồi và
tin vào Tin Mừng và còn bắt bớ, bách hại những người được sai đến là các tiên
tri.
Chính vì người Do
Thái đã cố tình từ chối lời mời gọi cứu độ của Thiên Chúa, họ không còn xứng
đáng nữa, mà tất cả chúng ta được mời gọi vào Nhà Chúa để dự bữa tiệc hạnh phúc
Nước trời này. Bữa tiệc này không phân biệt giàu nghèo, sang hèn tất cả đều được
mời vào chung hưởng hạnh phúc cùng với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để tham dự bữa tiệc
với Đức Vua là Chúa trời đất, thì đòi mỗi người phải có một tư cách, một y phục
xứng đáng với tiệc cưới này. Chính vì thế mà câu chuyện cho thấy, có một người
được mời vào dự tiệc, anh ta đã không mặc áo cưới, anh đã bị Đức vua khiển
trách: Này bạn, tại sao bạn vào đây mà lại
không mặc y phục lễ cưới? Anh ta đã
không thể trả lời được nên Nhà Vua đã ra lệnh trói chân tay anh ta và ném ra
ngoài vào nơi khóc lóc nghiến răng.
Có người đặt vấn đề,
tại sao ông chủ cho mời anh ta “đột xuất” mà lại còn đòi hỏi anh phải có áo cưới?
Có nhiều cách chú giải chi tiết này, nhưng có lẽ cái áo cưới trong câu chuyện
Chúa Giêsu muốn nói đến không chỉ là cái áo bên ngoài mà là chính tư cách tác
phong và là chính đời sống của đương sự. Nước trời dành cho hết mọi người nhưng
không có nghĩa là “vơ bèo vạt tép” để
lấy số đông mà phải là phẩm chất đạo đức mà mỗi người cần phải hoàn thiện trang
bị cho mình.
Lời Chúa hôm nay cũng
muốn mỗi người tự xét lại mình: Tôi đã đáp trả lại lời mời gọi dự tiệc Nước Trời
với thái độ nào? Rất có thể chúng ta cũng không khác gì những khách mời trong
câu chuyện của Tin Mừng, chúng ta nại ra đủ thứ lý do để từ chối việc đến với
Chúa, chúng ta nói rằng tôi bận lắm không có giờ cầu nguyện, không có giờ dâng
lễ mỗi ngày, trong khi đó nhiều người có giờ buổi chiều ngồi xem tivi, buổi
sáng thì nói rằng tôi đi làm mệt mỏi không dậy sớm được. Nhiều người không tổ
chức giờ kinh tối gia đình vì ngại phải thay đổi nếp sinh hoạt sẵn có trong gia
đình; Có khi còn lấy cả lý do là con cái học bài để từ chối giờ kinh, giờ cầu
nguyện chung của gia đình
Bữa Tiệc Thánh Thể mỗi ngày Chúa nhật, nhiều
người cũng tìm cách từ chối, có người bỏ tiệc Thánh Thể ngày Chúa nhật để đi du
lịch, đi tắm biển, hoặc lấy lý do tăng ca để bỏ lễ. Đi ăn tiệc cưới thường ngày
không mấy người dám đi trễ, vậy mà dự tiệc Nước Trời, người ta lại tính toán với
Chúa từ phút, từng nửa điếu thuốc lá, có người đến nơi bữa tiệc đã hết phần tiệc
Lời Chúa rồi. Cũng vậy, không ai đi dự tiệc mà lại ngồi ngoài nhìn, hoặc ngồi
đó mà không ăn uống gì, vậy mà có nhiều người đi dự tiệc Thánh Thể chỉ ngồi
nhìn chứ không ăn, không rước lễ… như thế thì có khác gì những người đã từ chối
lời mời gọi của Đức Vua không đến dự tiệc vì những lý do hết sức vật chất: người thì bận thăm ruông, người thi đi buôn.
Tôi sẽ mặc chiếc áo
cưới nào đây? Dĩ nhiên, khi đi đám cưới của thế gian, người ta vẫn muốn chọn những
bộ quần áo sang trọng hoặc là đẹp nhất, chẳng ai muốn mặc xuyềnh xoàng xấu xí đến
chỗ đám cưới, thì cũng vậy, nếu chúng ta xác định được sự cao quý và giá trị của
tiệc cưới Nước Trời và vinh dự vì được Thiên Chúa mời gọi, thì chúng ta sẽ biết
phải chuẩn bị cho mình những gì và chuẩn bị như thế nào. Chúng ta không thể để
con người mình hôi hám bởi tội lỗi, không thể mặc những cái áo bẩn thỉu bởi sống
bê tha, gian ác, không thể để những thói lười biếng hoặc những tật xấu, dục vọng,
bôi bẩn chiếc áo linh hồn của chúng ta, làm cho chúng ta không xứng đáng dự tiệc
Nước Trời. Trái lại cần giặt rửa áo mình và cả con người khỏi tội lỗi, tật xấu
và trang sức không phải dây chuyền vòng vàng, mà là nhân đức là hy sinh, là bác
ái cụ thể, là chia sẻ yêu thương, đó là những vật trang sức cho tiệc cưới Nước
Trời.
Thánh Phaolô trong
bài đọc hai đã khẳng định rằng: Tôi có thể
làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi, có sứ mạnh của Đức Kitô trợ
giúp, chúng ta cũng sẽ có thể làm được tất cả, có thể vượt qua những sự lười biếng
và dục vọng của con người, sự lôi kéo của xã hội và thế gian để đáp lại lời mời
của Chúa dành cho mỗi chúng ta và hân hoan phấn khởi tham dự tiệc Nước Trời hôm
nay và được bước vào tiệc Nước trởi mai ngày, nơi mà Vua Trời và Hoàng Tử Giêsu
đang chờ đợi chúng ta. Amen