Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 31

CHỦ NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ. Người đã sai Con của Người đến cứu chuộc những gì đã mất. Người yêu thương đặt biệt những ai lạc xa Người. Vinh quang của Người chính là Con người được tạo dựng như là tuyệt tác của toàn thể Tạo thành, được sống mãi thay vì bị tiêu diệt bởi tội lỗi hay gương xấu của các tín hữu. Người là lòng khoan nhân và tha thứ.

Kn 11,22.12,2

Thiên Chúa yêu thương những gì Ngài đã tạo dựng. Đấng Tạo dựng vũ trụ chỉ có thể yêu thương những gì Người đã làm ra. Khi con người mà Người đã tạo dựng tự do đã quên Tình yêu của Người, thì Người tha thứ cho họ để họ trở về với Người.

Thánh Vịnh 144

Thánh Vịnh nầy là lời kinh chúc tụng. Vinh Danh Thiên Chúa, Vua Israen. Người tốt lành, trung tín và công chính. Người đáng được ca tụng vì lòng Thương xót, bởi vì Người chậm giận và đầy từ ái.

Thư 2 Tx 1,11.2,2

Đây là những chương đầu của Thư thứ hai Tê xa lô ni ca. Lời rao giảng tiên khởi của Phao lô khiến cho một vài người ki tô hữu tin rằng cuộc trở lại quyết định của Chúa đã rất gần. Nên những người nầy không chịu làm gì cả. Phao lô phải phản ứng. Ngài nhấn mạnh giá trị của thời gian chờ đọi là cần thiết để Thánh Thần của Chúa tái tạo nhân lọai và ban cho nó mọi chiều kích thiêng liêng. Hành động của Thiên Chúa đầy kiên trì.

Tin mừng Lc 19,1-10

NGỮ CẢNH

Đoạn tin mừng nằm ở phần cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem (18,15-19,28). So với Tin Mừng nhất lãm, điểm đặc biệt của Luca là cuộc gặp gỡ với Gia kêu. Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng trước cuộc thương khó với một người thuộc thành phần “ngoài rìa xã hội” mà Chúa Giê su có sứ mạng phải cứu độ.

Có thể đọc đoạn Tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề: nơi chốn: vào thành Giê ri khô; nhân vật: Da kêu tìm cách xem Chúa Giê su  (19,1-4)

2. Chúa Giê su gặp ông Da kêu (19,5-7)

3. Ông Da kêu hóan cải (19,8-9)

4. Kết luận: sứ mạng của Chúa Giê su (19,10).

TÌM HIỂU

Da kêu: khác với lệ thường, ở đây Lc cho chúng ta biết tên của nhân vật. Hoặc là cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi quen biết nhân vật nầy, hoặc là tên của ông mang ý nghĩa đặc biệt: Da kêu có nghĩa là “trong sạch, tinh tuyền”. Là người Híp pri, nhưng lại làm thủ lãnh những người thu thuế. Phản ứng của dân chúng cũng giống như trong lần Chúa Giê su gọi ông Lê vi (5,27-32). Những người thu thuế thường bị tiếng xấu, hoặc vì cộng tác với những kẻ xâm lăng La mã, hoặc do cách làm giàu bất chính bằng tiền bạc của cải đồng bào (18,13; x. Mc 2,15-17).

Đức Giê su: ông Da kêu không chỉ vì tò mò tìm cách xem Chúa Giê su, nhưng ông còn ao ước biết Ngài. Đó chính là mầm mống khởi đầu đức tin. Chúa Giê su sẽ nói rằng Ngài đã đến để tìm kiếm người bị hư mất (19,10). Một người tìm một người, nhưng giữa ông Da kêu và Chúa Giê su có cả một đám đông dân chúng. Xét theo tình trạng xã hội và luân lí thì ông Da kêu là một con người bị gạt ngoài rìa; cả một thế giới tách biệt ông xa rời Chúa Giê su.

Chạy: dường như một sức mạnh nội tâm thôi thúc ông chạy đến Chúa Giê su.

Xuống ngay đi: lời Chúa Giê su mời gọi Da kêu phải hành động nhanh chóng (x. 15,20-22). Lòng thương xót xoá bỏ mọi khoảng cách.

Tôi phải: Chúa Giê su bị thúc đẩy bởi những đòi hỏi của sứ mạng (x. 2,49; 4,43; 13,33; 17,25). Yêu cầu của Ngài không những làm cho mọi người chưng hửng, mà còn gây khó chịu: đấng Thánh của Thiên Chúa lại đi vào nhà một người thu thuế tội lỗi; bạn của người nghèo đi với người giàu, bị xa cách và khinh bỉ (7,34). Sự chọn lựa có giá trị dấu chỉ (19,10).

Mừng rỡ: sơ giao ở dưới tàn cây xong thì hội ngộ trong nhà, nơi diễn ra đời sống thường nhật, là nơi của lời mời gọi. Niềm vui của ông Da kêu cho thấy đức tin của ông. Chi tiết nầy khiến ta nhớ lại niềm vui của bà Êlisabết (1,42-44), hay niềm vui của các mục tử (2,10-20). Và cũng sẽ là niềm vui của đám đông khi Chúa Giê su vào thành Giêrusalem (19,37).

Xầm xì: ở đây không chỉ người biệt phái (như ở 5,30), mà cả đám đông cảm thấy bị vấp phạm bởi hành động của Chúa Giê su.

Đứng: ở đây, ông Da kêu tỏ ra quyết tâm chỉnh đốn lại cuộc đời mình. Ta nên để ý đến cách ông ta thưa “lạy Chúa” chứng tỏ niềm tin của ông không cho phép ông nhìn thấy nơi Chúa Giê su chỉ là một con người bình thường. Nhờ Chúa ban cho ông dược vinh dự tiếp đón Ngài, ông đã kinh nghiệm quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

Phân nửa: sự hoán cải tâm hồn dẫn tới việc thay đổi đời sống. Ông Da kêu sẽ noi theo lòng quảng đại của Thiên Chúa để chia sẻ của cải cho người nghèo. Đó là điều mà ông Gioan Tẩy giả (3,11) và chính Chúa Giê su đòi hỏi (11,41; 12,33;16,9). Khác với anh thanh niên giàu có mà Chúa Giê su đã đòi hỏi phải từ bỏ hoàn toàn (18,22), ông Da kêu không bỏ nghề nghiệp của mình, mà chỉ bố thí phân nửa gia tài của mình thôi: do đó có nhiều hình thức khác nhau để sống đức khó nghèo phúc âm.

Gấp bốn: ông Da kêu sẵn sàng sửa chữa quá khứ lỗi lầm của mình. Ông trả lại hơn những gì mà lề luật đòi hỏi (gấp đôi: Xh 22,3.6; một phần năm: Lv 5,21-24). Ông đền gấp bốn theo luật La mã.

Hôm nay: từ dùng đặc biệt của Lc chỉ sự hiện thực của ơn cứu độ và sự cần thiết không được đánh mất một cơ hội duy nhất (x. 2,11; 3,22; 4,21; 5,26; 13,32-33; 19,5; 23,43).

Nhà: đây không chỉ là ngôi nhà, mà còn chỉ cả gia đình của ông Da kêu, như trường hợp ông Cor nê li ô (Cv 10,2; 11,14), Liđia (Cv 16,15; 16,31).

Con cháu tổ phụ Abraham: ông Da kêu là con cháu ông Abraham theo xác thịt, vì ông là người Híp pri. Nhưng sự thuộc về đó không đương nhiên đem lại cho ông ơn cứu độ. Đó là điều mà ông Gioan Tẩy giả đã nói rõ (3,8). Điều mới mẻ mà Chúa Giê su mang lại đang xảy đến: để trở thành thừa tự lời hứa với Abraham, lời hứa bao gồm trong ơn cứu rỗi trong Chúa Giê su Ki tô (x. 1,55.73), cần phải sám hối quay về với Chúa Giê su Ki tô. Ông Da kêu đã làm điều đó. Dù người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa, nhưng ông chứng tỏ cho thấy mình là một trong vài người đã đạt đến: “Điều mà con người không thể làm, thì Thiên Chúa có thể thực hiện được”(18,27).

Con Người: câu nầy qui chiếu đến lời loan báo khổ nạn (18,31). Nhóm Mười Hai đã không hiểu được câu nói của Chúa Giê su. Nhưng giờ thì họ có thể nhìn thấy lời giải thích: để cứu những người đã hư mất, Chúa Giê su chấp nhận đánh mất bản thân mình (9,24;17,33) và bị trao nộp cho dân ngoại. Ngài để cho mọi người coi như một kẻ chúc dữ để cứu chuộc các tội nhân. Sứ mạng cứu thế của Ngài bao gồm trong sự liên đới ấy.

Tìm: kiểu nói được hoạ theo câu sấm Ed 34,16, trong đó ông loan báo Vị Mục Tử tốt lành: “Thiên Chúa phán: Ta đi tìm con chiên đi lạc”. Cả câu 15 minh hoạ cho ước muốn ấy của Chúa Giê su.

Như thế, sau nhiều người khác như ông Lê vi, viên đại đội trưởng, người nữ tội nhân và sau nầy, tên trộm sám hối, ông Da kêu trở thành mẫu mực cho những người đi lạc và bị từ khước mà Chúa Giê su đến để tìm kiếm. Nhà của ông là hình ảnh của Hội Thánh trong đó và qua đó Chúa Giê su thông ban cho con người ơn cứu độ.

Lc không nói là ông Da kêu đã đi theo Chúa Giê su. Một vài truyền thống cổ xưa cho rằng ông trở thành bạn của thánh Phê rô và có lẽ chính ngài đã đặt ông làm Giám Mục thành Cêsarê.

SỨ ĐIỆP

Chúa Giê su đã cảnh báo cho các môn đệ rằng một con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu có vào Nước Thiên Chúa. Một câu nói lạ lùng, nên chúng ta hiểu sự ngạc nhiên của người môn đệ đặt câu hỏi: “Vậy thì ai có thể được cứu thoát?”. Chúa Giê su trả lời: “Đối với loài người thì không thể, nhưng không phải đối với Thiên Chúa”. Hôm nay chúng ta đã nghe câu chuyện về ông Da kêu. Bài tin mừng nầy chúng ta đã quá quen biết, nhưng cần có thời giờ để nắm lấy sứ điệp mà nó để lại cho chúng ta.

Câu chuyện xảy ra ở Giê ri cô. Lúc bấy giờ có một đám đông chạy đến, họ là những người đi theo, hoặc tò mò đến xem Chúa Giê su ở những nơi Ngài đi qua. Đối với họ, được xem thấy Chúa Giê su là biến cố quan trọng. Và trong đám đông đó, có người thu thuế tên là Da kêu. Palestina bấy giờ đang bị đạo quân La mã chiếm đóng, và Da kêu thuộc thành phần những người cấu kết với ngoại bang để thống trị đồng bào mình. Với danh nghĩa là trưởng phòng thu thuế, ông tổ chức việc thu thuế, đem tiền thuế cống nộp cho người La mã và có trách nhiệm những hành vi bạo lực của những kẻ dưới quyền. Nơi ông, có tất cả mọi điều khiến cho người đồng hương thù ghét. Con người nầy không có lấy một chút cơ may nào để được cứu độ. Đó ít ra là điều mà những người lên án ông suy nghĩ.

Thế rồi ông Da kêu tìm cách xem Chúa Giê su là ai. Nhưng đám đông nhiều đến nỗi ông không thể lấn lên trước được. Thật khó cho ông vì ông vừa lùn vừa đứng sau mọi người, và nhất là khi phải đối đầu với sự thù hằn của đám đông.

Điều trước tiên phải để ý trong bài tin mừng nầy đó là việc ông Da kêu tìm cách nhìn xem Chúa Giê su. Ông không dám hi vọng gặp Ngài vì ông biết rõ rằng những hoạt động nghề nghiệp của mình biến ông thành một kẻ bị xã hội loại trừ. Trước kia, ông chỉ lo làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của người khác. Nhưng điều đó không đủ để làm cho ông được hạnh phúc. Trong cõi vô thức, ông ước mong một điều khác.

Thế là Chúa Giê su đến Giê ri kô. Dù bị đám đông những người tò mò vây quanh chen lấn tứ phía, đối với Chúa Giê su, chỉ có một người duy nhất là quan trọng. Giữa đám đông người ấy, Ngài chỉ thấy một mình ông Da kêu mà thôi, là người mà không ai muốn thấy. Nhưng không gì ngăn cản được Chúa Giê su. Ngài đến để tìm và cứu chữa những kẻ hư mất. Ngay cả những người đã té ngã thật sâu vẫn luôn có thể tìm được ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Đó là tin mừng cho tất cả những tội nhân chúng ta. Thiên Chúa coi tất cả mọi người chúng ta như là của cải quí giá nhất của Người và Người không muốn mất chúng ta.

Sứ điệp của Đức Ki tô cũng gửi đến với từng người trong chúng ta hôm nay. Cũng như đối với ông Da kêu, Chúa Giê su không ngừng nói với chúng ta: “Hôm nay, Thầy phải ở lại nhà con”. Ngài tiếp tục gõ cửa chúng ta, không phải để quở trách chúng ta, nhưng để giải thoát chúng ta. Với Ngài, ơn Cứu độ của Thiên Chúa đi vào đời sống chúng ta. Gặp được Đức Ki tô rồi, thì không gì có thể còn y như trước.

Ông Da kêu trước kia tham lam tiền bạc thì bây giờ đã nghĩ đến những người nghèo và những người mà ông ta đã ăn cắp. Cái nhìn của ông về những người khác đã thay đổi. Đó là một cái nhìn yêu thương, một cái nhìn huynh đệ. Tha nhân có ý nghĩa đối với ông. Giờ đây ông hối hận vì đã làm điều xấu cho họ, vì ông hiểu rằng họ là anh em của ông. Chúng ta cũng thế, chúng ta đừng ngần ngại tiếp nhận Chúa nơi nhà của chúng ta. Chúng ta có thể được cứu thoát và bắt đầu một đời sống mới, một đời sống được sáng soi bởi ơn tha thứ ấy của Thiên Chúa.

Bài tin mừng nầy để lại cho chúng ta một sứ điệp niềm vui. Đó chính là niềm vui của ông Da kêu khi ông gặp gỡ Chúa Giê su và tiếp rước Ngài vào nhà mình. Đó là niềm vui được hiểu và được nhận biết; đó là niềm vui của bữa ăn giữa huynh đệ đã được tha thứ. Và nhất là đó là niềm vui của Thiên Chúa đã tìm lại một người con lạc mất. Một trong những từ quan trọng trong bài tin mừng hôm nay là “HÔM NAY”. Từ “Cứu độ” luôn được  liên kết với “Hôm nay”. Chúng ta hãy nhớ lại đêm Giáng sinh: “Hôm nay một Cứu Chúa sinh ra cho chúng ta!” Nếu chúng ta muốn nghe lời Thiên Chúa, chúng ta phải lắng nghe những gì Người nói với chúng ta hôm nay. Không phải là hôm qua hay ngày mai. Chính ở đây và hôm nay mà Chúa Giê su kêu gọi và cứu độ chúng ta

Một điểm cuối cùng là cái nhìn của đám đông về ông Da kêu:  một cái nhìn đầy thù hận và lên án. Vì thế họ phản đối Chúa Giê su bởi vì Ngài đã đến trọ nhà một người đáng kết án. Họ không bao giờ chấp nhận một cách hành xử quá nhân từ như thế. Đôi khi chúng ta là đám đông đó, một điều luôn xảy ra và còn xảy ra hôm nay. Người ta cho rằng thà tránh đi lại với những kẻ “không thể đi lại” còn hơn. Người ta nhận chìm họ và không dành cho họ một cơ may nào cả.

Tất cả những điều trên trái ngược với bài tin mừng hôm nay. Thiên Chúa đích thực là đấng mà Chúa Giê su đã đến để mạc khải cho chúng ta. Đó chính là Thiên Chúa của những kẻ bị lọai trừ, dù nghèo hay giàu, dù còn trẻ hay đã lớn khôn. Cái nhìn của Ngài gặp gỡ tất cả những ai bị giam cầm trong cái tôi của họ và trong tai tiếng của họ. Ước gì cái nhìn của chúng ta về người khác được như cái nhìn của Chúa Giê su, một cái nhìn huynh đệ, một cái nhìn đầy nhân ái, thấy nơi mỗi người một người anh em được kêu gọi nên thánh.

Từ nhà thờ trở về, chúng ta được sai đến với tất cả những người tìm cách nhìn xem Chúa Giê su là ai. Có người gặp Ngài nhờ vào những chứng nhân hôm nay, một linh mục, một giáo lí viên dấn thân cho người khác; có người khác bị đánh động bởi một biến cố mạnh mẽ, một cuộc hành hương, một tai nạn trên đường. Đối với những người khác nữa, đó là việc chuẩn bị hôn nhân hay phép rửa hoặc giáo lí con cái họ. Chúa hiện diện giữa cuộc sống của chúng ta và Ngừoi muốn ở với chúng ta. Người sai chúng ta đến với tất cả những người chung quanh chúng ta để giúp đỡ họ khám phá ra ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên_MM Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     CHẤP NHẬN ĐỔI ĐỜI. Martin. Phạm Hoàng Đăng
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C- TA PHẢI LƯU LẠI TẠI NHÀ NGƯƠI. Lm HK