Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

Chúa Nhật 33 TN năm C

Ml 3,19-20a; 2 Tx 3,7-12; Lc 21,5-19

Quý vị và các bạn thân mến,

Trong những năm gần đây, qua các phương tiện truyền thông, bằng cách này hay cách khác, một số chuyên viên đã đưa ra những dấu chỉ về ngày tận cùng của thế giới sắp xảy đến: có người đã đưa ra 10 dấu chỉ thời đại cho thấy ngày thế mạt đã gần kề; kẻ thì trưng dẫn 12 dấu chỉ minh chứng về sự kiện này thật sự sắp xảy đến; người khác lại nêu ra tới 25 dấu chỉ nói về thời kỳ cuối cùng của con người và có người lại chứng minh cho dự đoán của mình về ngày thế mạt sẽ đến trong một tương lai rất gần với 28 dấu chỉ về nhiều lãnh vực khác nhau. Năm vừa qua, với sự ra đời của bộ phim Năm 2012, tác giả Roland Emmerich đã xây dựng những hình ảnh thật khủng khiếp đầy hãi hùng về ngày thế mạt. Những lời và cách thức quảng bá này đã một thời gây xôn xao khắp nơi và đã làm cho biết bao người phân vân và lo lắng, vì không biết phải làm gì, phải chuẩn bị ra sao, cũng như phải hành xử như thế nào trước ngày tận cùng của thế giới đến.

Trong bối cảnh đó, hôm nay, Chúa Nhật 33 thường niên năm C, là Chúa Nhật thường niên cuối cùng (tuần tới là Chúa Nhật 34, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ). Một lần nữa, như Chúa Nhật tuần rồi, tuần này, phụng vụ Lời Chúa trình bày cho chúng ta một nhãn quan, một viễn cảnh về ngày tận cùng của thế giới và nhắc nhớ rằng: chúng ta không chỉ đang chuẩn bị kết thúc  chu kỳ của năm phụng vụ; mà sâu xa hơn nữa, mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm lòng đón chờ ngày Chúa quang lâm. Trong tinh thần đó, Giáo Hội mời gọi chúng ta phải luôn sống trong tinh thần sẵn sàng với tất cả những gì xảy đến cho ngày cuối cùng này của bản thân mỗi người chúng ta, cũng như cho toàn thể nhân loại; và hãy ngẩng đầu lên để đón chờ biến cố trọng đại này trong niềm vui của người con Chúa.

Thực ra, chúng ta cũng chẳng biết ngày thế mạt sẽ diễn ra khi nào và ngày đó sẽ ra sao. Thời điểm tận cùng này cũng có thể còn rất lâu mới đến, và con người có thể dùng các kiến thức về khoa học kỹ thuật tân tiến mà con người có được, để làm cho thời điểm đó đến rất nhanh. Có người nói rằng, nếu chúng ta tiếp tục những hành vi phá hoại một cách vô trách nhiệm với thiên nhiên và với hành tinh của mình, chúng ta chẳng thể nào sống đến hết thế kỷ này. Suy nghĩ thêm cách cụ thể hơn đối với mỗi người chúng ta về sự ra đi vĩnh viễn- thời điểm kết thúc cuộc sống nơi trần gian này của mỗi chúng ta sẽ đến. Hơn nữa, với sự mỏng giòn của kiếp nhân sinh, điều đó có thể xảy ra trong một tương lại rất gần và chúng ta từng chứng kiến những sự việc điển hình về điều này trong từng ngày sống của chúng ta.

Tin mừng theo Thánh Luca mà chúng ta cùng nhau cử hành trong ngày Chúa Nhật 33 TN C hôm nay thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu nêu ra một một viễn cảnh thật kinh hoàng và khủng khiếp về tương lai. Chúa Giêsu bắt đầu với những lời nhận định về Đền Thờ Giêrusalem. Đền thờ của vua Hêrôđê là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất thời đó chưa được hoàn tất. Đền thờ này là trung tâm điểm của niềm tự hào của toàn bộ cuộc sống của người Do Thái- là dấu chỉ cụ thể về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Và rồi, Chúa Giêsu lại nói với những kẻ đến nghe Ngài rằng: Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21,6) Chúng ta có thể nhận ra những lời này của Chúa Giêsu thật sự làm cho những người nghe Ngài hết sức ngạc nhiên và có thể họ rất kinh ngạc. Và rồi những lời tiên đoán về Đền Thờ này của Chúa Giêsu đã trở thành hiện thực. Chỉ khoảng 40 năm sau khi Chúa Giêsu nói những lời tiên báo đó, thì Đền thờ nguy nga tráng lệ này đã bị phá hủy và san bình địa trong thời kỳ đầy khó khăn gian khổ của Giêrusalem. Và rồi tất cả chỉ là quá khứ, đền thờ này chỉ tồn tại như một hoài niệm.

Thực ra, đối với rất nhiều người Do Thái và những tín hữu Kitô thời đó, ngày tận thế dường như đã gần đến. Điều này phần nào được thể hiện nơi bài đọc II, nơi thư thứ 2 của thánh Phaolô Tông Đồ gửi giáo đoàn Thessalonica; thư này được được đọc  trong Chúa Nhật hôm nay và các Chúa Nhật trước. Và rồi, vài trăm năm sau, thánh Augustinô và những người đng thời cũng có ý nghĩ tương tự như vậy khi chứng kiến thành Roma bị rơi vào tay những người rợ phía bắc. Và rồi, trong bối cảnh như chúng ta đã trình bày ở trên, thử hỏi, phải chăng hiện nay chúng ta cũng đang cưu mang cùng ý tưởng này? Phải chăng ngày thế mạt đang gần kế chúng ta?

Thử hỏi chúng ta đã có thái độ nào khi đối diện với những điều này? Và chúng ta có suy nghĩ gì trước những lời than phiền của Chúa Giêsu khi Ngài nói: đứng trước sự hiện hữu của những biến cố kinh hoàng này, con người như được mời gọi tỉnh thức đón chờ Đấng Mesia- đấng từng được mong đợi, hoặc khi có những người bắt đầu công bố về ngày đó đã gần kề thì con người dường như không quan tâm đến điều này; và cũng giống như ngày nay, có thể chúng ta không thực sự quan tâm đến thời khắc cuối cùng sẽ đến đối với mỗi người chúng ta.

Đã và sẽ có rất nhiều điều kinh khủng sẽ xảy ra như các cuộc chiến tranh và cách mạng, những thiên tai ập đến như động đất, lụt lội…, cảnh đói khát, những bệnh dịch lan tràn, và tai nạn khủng khiếp...nhưng những điều đó không phải là dấu hiệu của ngày sau hết. Chưa phải là lúc Thiên Chúa đến để thực hiện cuộc phán xét sau cùng. Những điều đó lại càng không phải là sự nổi giận hay trả thù của Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không như thế. Có rất nhiều câu trả lời giải thích lý do xuất hiện của các thiên tai và những tai họa kinh hoàng xảy đến cho nhân loại. Chúng ta không phải nhìn đâu xa, những sự tham lam, tính ganh tị, lòng căm thù, và sự sợ hãi...tất cả những điều đó dường như đang bao trùm cuộc sống của rất nhiều người.

Nhưng Chúa Giêsu nói, đó chưa phải là thời cuối cùng. Vì còn có những điều đặc biệt xảy ra cho những kẻ theo Ngài, và họ sẽ không phải ngạc nhiên về những điều đó. Hơn nữa, tất cả những điều Chúa Giêsu nói được thực hiện không chỉ trong những cuộc bách hại của thời Giáo Hội sơ khai mà kéo dài qua các thế kỷ và mãi cho đến ngày nay. “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.” (Lc 21,12) Vì vậy khi những cuộc bách hại xảy đến thì những người theo Chúa sẽ không phải nao núng nhưng kiên vững trong đức tin để làm chứng cho niềm tin của mình. Đó là ý nghĩa của việc tử đạo, vì từ ngữ “tử đạo” theo nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là “làm chứng”. Và các tín hữu tiên khởi đã làm như vậy, rất nhiều người trong họ đã hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin và họ đã trở thành nguồn sức sống dồi dào và là mô phạm cho những người theo Chúa và trở thành môn đệ Ngài. Nên thật đúng khi nói máu của các thánh tử đạo là hạt giống đức tin hay nói cách khác, máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các tín hữu.

Những người tín hữu Kitô không nên lo lắng phải hành xử thế nào và phải nói gì trong lúc bị bách hại. “Anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.” (Lc 21, 14-15) Bản thân mỗi người tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta, ít nhiều đã cảm nghiệm sâu xa lời khẳng định này của Chúa Giêsu, khi cách này hay cách chúng ta đã trải nghiệm qua biết bao những cuộc bách đạo với những chứng nhân đức tin anh dũng và kiên cường  và chúng ta đã hơn một lần được sống lại những giây phút Chúa nói thay cho họ khi họ bị tra hỏi về đức tin.

Vâng, sứ điệp Chúa Giêsu thật rõ ràng và minh bạch: “Hãy đợi đấy, chiến thắng khải hoàn sẽ thuộc về anh em.” Đây không đơn giản là chỉ là một lời hứa viển vông. Thực ra ý nghĩa của lời này có tính bền vững lâu dài, rằng cuối cùng Sự Thật, Tình Yêu, và Công Lý sẽ chiến thắng. Ôn lại những chặng đường của lịch sử đã qua, những giá trị đó luôn đúng và có giá trị vĩnh viễn đối với nhân loại trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Những gì chúng ta đang nói ở đây có thể tóm lại trong những lời của tiên tri Malaki trong bài đọc I trong Chúa Nhật hôm nay. Cuối cùng, thời thế mạt cũng đến và đó sẽ là tin dữ đối với những ai chỉ lo sống vị kỷ. Họ sẽ bị thiêu hủy, mất hết vẻ oai vệ và không còn chỗ đứng nữa. Họ không gieo, không gặt. Họ chọn lối đi riêng cho mình và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời và lối đi cùng với những chọn lựa của họ. Và Thiên Chúa cũng để cho họ tiếp tục làm như vậy, theo những chọn lựa sai quấy của họ. Nhưng đối với những ai đặt nền tảng cuộc đời của họ trên những lời hứa của Chúa và Lề Luật Chúa và trên sự thật, họ dấn thân để phụng thờ Thiên Chúa và để tìm kiếm hạnh phúc cho anh chị em xung quanh thì “mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” (Ml 3, 20)

 Vậy chúng ta phải chuẩn bị làm sao để luôn sẵn sàng cho ngày mà Thiên Chúa gọi chúng ta trở về với Ngài? Chúng ta không phải sống trong sự sợ hãi và lo lắng về tương lai, nhưng chúng ta tập trung vào giây phút hiện tại, cho hôm nay, như thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Kitô ở Thessalonica, được trình bày trong bài đọc thứ 2 của Chúa Nhật này, thánh Phaolô nói họ hãy lo làm công việc của mình, nâng đỡ gánh nặng cho nhau và sẵn sàng giúp đỡ nhau và sống có trách nhiệm với nhau.

Vì như chúng ta đã biết, vào thời đó, trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu thời đó có một niềm tin chung rằng: Chúa Giêsu sẽ trở lại trong thời điểm rất gần và thậm chí là đến với cuộc đời của chính họ. Hệ quả là, dường như có một số Kitô hữu ôm ấp ý tưởng rằng: nếu Chúa Giêsu gần đến thì không nên làm gì hết và hiển nhiên là họ cũng cố gắng thuyết phục những người khác sống và làm như họ, nên thánh Phaolô đề cập trong thư của ngài như sau: “Chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào.”(2Tx 3,11) Thánh Phaolô cũng không ủng hộ cho thái độ sống tiêu cực và thụ động đó; trái lại, ngài khuyên dạy họ rằng: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.”(2Tx 3, 12) Đây là lời khuyên mà mỗi người chúng ta nên làm theo.

Đối với những Kitô hữu đích thực, Đức Kitô luôn hiện diện và là trung tâm điểm của đời sống họ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được mời gọi để tìm kiếm và nhận ra Đức Kitô trong mọi sự, nơi mỗi con người và ở mọi nơi, cũng như nơi từng kinh nghiệm sống của chúng ta. Thật tốt đẹp biết bao khi chúng chúng ta chuẩn bị cho tương lai bằng cách yêu thương và phục vụ Chúa Giêsu nơi mỗi tha nhân- những người mà chúng ta gặp gỡ, cũng như tất cả những người cần sự giúp đỡ của chúng ta bằng lời cầu nguyện bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Làm như thế là chúng ta tìm thấy trong mọi thăng trầm của cuộc sống chúng ta cá nhân cũng như toàn thể nhân loại thiên đàng của an bình và hạnh phúc.

Như vậy, Lời Chúa chúng ta cử hành trong Chúa Nhật hôm nay, mời gọi chúng ta suy nghĩ về ngày cuối cùng của mình cũng như của nhân loại và vạn vật, không phải với tinh thần sợ hãi, lo lắng và buồn thảm, nhưng với niềm vui, lòng can đảm và tràn trề hy vọng để chúng ta ca vang lời mời gọi: “Lạy Chúa Giêsu xin hãy đến và xin đừng trì hoãn.” (x. 1Cr 16,22)


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh

Các bài viết cũ hơn
     TÂM SỰ VỚI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM-“ĐÂY BÀI CA NGÀN TRÙNG”.Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     AI MUỐN THEO TÔI PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm Phao lô Nguyễn Văn Đông