SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5
MÙA CHAY A
Ed 37,12-14
; Rm 8.8-11 ; Ga 11,3-45
TRỞ THÀNH NGÔN SỨ CỦA SỰ SỐNG VÀ TÌNH THƯƠNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 11,3-45
(1) Có một người bị
đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô
Mác-ta và Ma-ri-a. (2) Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho
Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là
em của cô. (3) Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy,
người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. (4) Nghe vậy, Đức Giê-su bảo:
“Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang
của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. (5) Đức
Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là Ma-ri-a và anh La-da-rô.
(6) Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại
thêm hai ngày tại nơi đang ở. (7) Rồi sau đó, Người nói với các môn
đệ: “Nào, chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !”. (8) Các môn đệ nói:
“Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại
còn đến đó sao ?” (9) Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai
giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của
thế gian này. (10) Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh
sáng nơi mình !”. (11) Người nói những lời này, sau đó Người lại
bảo: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh
thức anh ấy đây”. (12) Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh
ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại”. (13) Đức Giê-su nói về cái
chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường.
(14) Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết”. (15) Thầy mừng cho
anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng
ta đến với anh ấy”. (16) Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn
đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để cùng chết với Thầy
!”. (17) Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được
bốn ngày rồi. (18) Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số.
(19) Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a,
vì em các cô mới qua đời. (20) Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta
liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. (21) Cô Mác-ta nói
với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.
(22) Nhưng bây giờ con biết: “Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa,
Người cũng sẽ ban cho Thầy”. (23) Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại
!” (24) Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống
lại trong ngày sau hết”. (25) Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự
sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống. (26) Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.
Chị có tin thế không ?” (27) Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin
Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. (28) Nói
xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em
đấy !”. (29) Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. (30)
Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra
đón Người. (31) Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để
chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô
ra mộ khóc em. (32) Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người,
liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em
con đã không chết”. (33) Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với
cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. (34) Người
hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời
Thầy đến mà xem”. (35) Đức Giê-su liền khóc. (36) Người Do thái mới
nói: “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” (37) Có vài người
trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể cho
anh ấy khỏi chết ư ?” (38) Đức Giê-su thổn thức trong lòng. Người đi
tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. (39) Đức Giê-su
nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói:
“Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”.
(40) Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị
tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?”. (41) Rồi người
ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm
tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. (42) Phần con, con biết Cha hằng nhậm
lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin
là Cha đã sai con”. (43) Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô,
hãy ra khỏi mồ !”. (44) Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và
mặt còn phủ khăn, Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi
để anh ấy đi”. Trong số những người Do thái đến thăm cô Ma-ri-a và
được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào
Người.
2. Ý CHÍNH:
Đức Giê-su đến làng
Bê-ta-ni-a thì La-da-rô đã chết và chôn được bốn ngày. Gặp hai bà
Mác-ta và Ma-ri-a là chị người chết đang khóc thương em, Đức Giê-su đã
trấn an họ rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin
vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (25). Khi ra thăm mộ
của La-da-rô, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha rồi truyền cho
La-da-rô ra khỏi mồ (43) và người chết liền chỗi dậy đi ra ngoài. Qua
phép lạ phục sinh La-da-rô này, Đức Giê-su đã mặc khải Người chính là
Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa hằng sống. Người sẽ ban sự sống và sự
sống lại muôn đời cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người. Mỗi tín hữu
phải trở thành ngôn sứ của sự sống.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-5: + La-da-rô: là tên của người bạn
thân với Đức Giê-su, ở làng Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,3). Ngoài La-da-rô này,
cũng còn một người ăn xin tên là La-da-rô trong Tin Mừng Lu-ca (x. Lc
16,20). + Bê-ta-ni-a: Là một làng nằm ở phía Đông núi Cây Dầu,
cách Giê-ru-sa-lem khoảng ba cây số (x. Ga 11,18). Đức Giê-su thường đến
trọ tại làng này mỗi khi có dịp lên Giê-ru-sa-lem. Ngoài ra, còn một
Bê-ta-ni-a khác là nơi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Lc 16,20). +
Mác-ta: là chị lớn trong ba chị em. Bà có tính năng nổ hướng
ngoại thể hiện khi đón tiếp Đức Giê-su (x. Lc 10,38-42). +
Ma-ri-a: là em của Mác-ta, có tính trầm lặng hướng nội, sẵn
sàng hy sinh bình dầu thơm quý giá để xức chân Người (x. Ga 12,1-8).
Theo phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh: Bà Ma-ri-a này không phải là
người đàn bà tội lỗi (x. Lc 7,36-50), không phải là người phụ nữ
ngoại tình (x. Ga 8,3-11), cũng không phải Ma-ri-a Ma-đa-lê-na được trừ
khỏi bảy quỷ ám (x. Lc 8,2).
- C 6-16: + Mới đây người
Do thái tìm cách ném đá Thầy: Các môn đệ mang tâm trạng sợ hãi vì ý
thức nguy hiểm: Thầy có thể bị kẻ thù giết hại tại Giê-ru-sa-lem. + Ban
ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ?: Đức Giê-su quyết tuân theo
chương trình Chúa Cha đã truyền. + La-da-rô, bạn của chúng ta đang yên
giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây: Đức Giê-su dùng
chữ “ngủ” để ám chỉ cái chết, giống như trường hợp của con gái ông
Gia-ia (x. Mc 5,39). Thánh Phao-lô cũng coi cái chết chỉ là một giấc
ngủ (x. 1 Tx 4,14), là một bước phải vượt qua đến sự sống lại (x. Ep
5,14). + Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh
em tin: Đức Giê-su mừng vì môn đệ sắp được dịp chứng kiến Người
truyền cho La-da-rô sống lại, để các ông vững tin nơi Người.
- C 17-27: + Khi đến
nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi: Theo phong tục người Do
thái thì người chết thường được chôn ngay trong ngày vừa chết (x. Cv
5,6). Người Do thái tin rằng trong ba ngày đầu, hồn vía người chết
còn lảng vảng gần xác chết. Sang ngày thứ tư khi xác thối rữa, nó
mới tan đi. Con số bốn ngày ở đây như muốn nói La-da-rô đã chết thật sự.
+
Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết:
Thời Cựu Ước, nhiều người tin có sự kẻ chết sống lại (x Đn 12,2-3; 2
Mcb 7,23). Đến thời Đức Giê-su, nhóm Pha-ri-sêu cũng tin như vậy, nhưng
nhóm Xa-đốc thì không tin (x Cv 23,8). Riêng Mác-ta tuy tin kẻ chết sẽ
sống lại trong ngày tận thế như nhóm Pha-ri-sêu, nhưng vẫn muốn Đức
Giê-su làm phép lạ cho em được sống lại ngay lúc này. + Chính Thầy là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được
sống: Đức Giê-su là sự sống phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga
5,26). Người làm cho những kẻ tin Người được sống đời đời (x. Ga
5,24-25). Người cũng sẽ ban cho những kẻ tin được sống lại vào ngày
cánh chung, dù xác của họ có bị tiêu hủy cũng sẽ được sống lại (x. Ga
5,28-29). + Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến
thế gian: Mác-ta tuyên xưng Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai
(x. Ga 1,19).
- C 28-37: + Thấy cô
khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn
thức trong lòng và xao xuyến: Theo thói tục của người Do thái, khi có
khách đến viếng xác, thì người nhà bật khóc to, và khách cũng tự
nhiên phát khóc lên theo.
- C 38-44: + Đức Giê-su
thổn thức trong lòng: Trước sự đau khổ của tang gia, Đức Giê-su
có thái độ cảm thông đầy tình người. Nhưng thực ra nguyên nhân sâu xa
khiến Đức Giê-su khóc một phần còn vì sự cứng lòng tin của những
người Do thái hiện diện (37) và vì niềm tin nửa vời của hai chị em
Mác-ta và Ma-ri-a (39). + Đem phiến đá này đi: Phần mộ
của người Do thái giàu có thường khoét vào núi đá. Sau khi tắm rửa,
xác chết được xức thuốc thơm, cột lại bằng giây băng vài và phủ khăn
liệm, đưa vào mồ chôn cất rồi lấp ngòai cửa mồ bằng một tảng đá lớn,
như hai môn đệ an táng Đức Giê-su sau này (x Ga 19,40-42). +
Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày: Tuy
Mác-ta vừa tuyên xưng đức tin, nhưng vẫn nghi ngờ Ngừơi có thể làm cho
La-da-rô sống lại. + Chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?: Vinh
quang ở đây là quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua việc người sắp cho
La-da-rô từ cõi chết sống lại. + Đức Giê-su ngước mắt lên và nói:
“Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con": Người
Do thái khi cầu nguyện thì quay mặt về hướng Đền thờ Giê-ru-sa-lem.
Còn ở đây Đức Giê-su lại ngước nhìn lên trời. Đây là lối cầu nguyện
của các Ki-tô hữu sau này. + Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô,
hãy ra khỏi mồ !": Đức Giê-su ra lệnh cho người chết sống
lại. Điều đó cho thấy Người có quyền trên sự chết. +
Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi: La-da-rô sau khi
sống lại phải được người khác cởi khăn và vải liệm. Trái lại, Đức
Giê-su sau khi phục sinh, những băng vải vẫn còn để lại trong mồ và
khăn che đầu Người cũng được cuốn lại và xếp để riêng ra một nơi (x.
Ga 20,5-7).
4. CÂU HỎI:
1) Ma-ri-a Bê-ta-ni-a có phải là người đàn bà tội lỗi,
người phụ nữ ngoại tình sắp bị ném đá hay bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na hay
không ? 2) Đức Giê-su nói La-da-rô đang yên giấc có ý ám chỉ điều gì ?
Hai trường hợp khác tương tự là những trường hợp nào ? 3) Theo phong
tục Do Thái thì người chết được chôn khi nào ? Ở đây việc La-da-rô
được chôn bốn ngày rồi mang ý nghĩa gì ? 4) Thời Đức Giê-su, niềm tin
về việc kẻ chết sống lại giữa hai phái Xa-đốc và Biệt phái khác
nhau ra sao ? 5) Tại sao Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng và xao
xuyến khi thấy Mác-ta và người đi theo cô khóc ? 6) Khi nói: "Thưa
Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày"
Mác-ta có hòan tòan tin vào quyền năng phục sinh kẻ chết của Đức
Giê-su không ? 7) Ngày nay các tín hữu hướng về đâu khi cầu nguyện ?
Tại sao ? 8) Tình trạng của La-da-rô sau khi sống lại khác với tình
trạng sống lại của Đức Giê-su thế nào ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự
sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
2. CÂU CHUYỆN:
1) VỀ MỘT CON NGƯỜI ĐƯỢC SỐNG LẠI VỀ PHẦN LINH HỒN:
SI-TA ĐE-LI vốn là một kẻ chuyên quậy phá
kẻ khác. Anh đã nhiều lần vào tù ra khám vì tội phá phách cướp
giựt. Trong phiên tòa lần thứ năm, quan tòa đã phải tuyên bố như sau:
“Có phạt anh thêm nữa cũng vô ích ! Nhưng chúng tôi vẫn phải cách ly
anh. Chúng tôi đã làm hết cách. Quả thật chúng tôi đã hoàn toàn
thất vọng về anh”. Vào tù lần này, ĐE-LI lại ngựa quen đường cũ: có
những hành vi vô kỷ luật và đàn áp bạn tù yếu thế hơn anh, nên anh
đã bị biệt giam trong hai tuần lễ. Nhưng một phép lạ đã xảy ra: Khi
phải nằm thu mình trong căn hầm chật hẹp tăm tối, nằm trên nền đá ẩm
mốc hôi hám, ĐE-LI đã có dịp suy nghĩ và nhớ lại những lỗi lầm đã
phạm. Vốn là con một trong gia đình giàu có, được cha mẹ cho đi học,
nhưng anh lại lười biếng và ăn cắp tiền của cha mẹ rồi sau đó bỏ
nhà đi hoang. Từng được nhà trường đánh giá là một học sinh thông
minh giàu sáng kiến, anh chỉ có thói xấu là ham vui. Vậy tại sao anh
lại không sử dụng những tài năng đó để làm việc tốt hữu ích cho tha
nhân, mà lại bỏ nhà đi hoang và phạm tội đàn áp bóc lột kẻ khác ? Rồi sau
đó anh bắt đầu có những giấc mơ đẹp về Đức Giê-su, mà anh đã từng
học biết khi còn theo học lớp giáo lý vỡ lòng. Dường như anh thấy
Đức Giê-su đang âu yếm nhìn anh và mời anh hãy đi theo Người. Rồi hình
ảnh những người từng bị anh gây thương tích lần lượt lướt qua tâm trí
anh. Tự nhiên anh cảm thấy một tình cảm dào dạt đối với họ. Chính
tình thương ấy đã tắm mát và chữa lành những vết thương trong tâm
hồn sơ cứng của anh. Cảm nghiệm ấy đã dần dần biến đổi anh nên một
người mới đầy tràn tình yêu của Đức Giê-su. Sau hai tuần lễ, ĐE-LI
được ra khỏi ngục biệt giam và trở lại phòng giam thường phạm. Anh
không còn thái độ bắt nạt bạn tù, trái lại còn sẵn sàng bênh vực
những kẻ thân yếu thế cô. Anh xin cha tuyên úy nhà giam theo học lớp
Thánh Kinh hằng tuần. Anh trở thành người học trò chăm chỉ và xuất
sắc nhất trong đám bạn tù. Mấy năm sau, khi được mãn hạn tù, anh đã
trở thành chủ tịch hội “Cải cách chế độ lao tù”. Khi nói về anh,
cha tuyên úy nhà lao đã nói: “Si-ta Đe-li là một bằng chứng sống động
nhất về một phép lạ đã xảy ra: Không những anh là một con người tội
lỗi được ơn sám hối, mà còn là một tạo thành mới, một tín hữu
tốt lành thánh thiện và là môn đệ đích thực của Chúa Giê-su”.
2) TÁC HẠI CỦA THÓI ƯA TRÌ HOÃN “HÃY ĐỢI ĐẤY”:
Pháp quan Archais ở Thebea đang ngồi uống rượu với
một số đông dũng sĩ của mình, bỗng có một sứ giả bước vào mang cho ông một bức
thư báo cáo về một âm mưu sát hại ông. Thay vì mở ngay bao thư ra đọc, ông nhét
ngay vào trong túi và nói:
- Để mai hãy hay.
Và qua ngày mai thì ông bị giết chết. Trước khi
bức thư bị khui ra, thì cả chính phủ đã bị bắt sạch không thoát một ai.
Nếu ngày Chúa lại đến không ai biết trước thì mọi
người đang sống phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ đó. Ảo tưởng nguy hiểm nhất
là ảo tưởng cho rằng, mình còn sống lâu, còn có đủ thời gian để kịp hồi tâm sám
hối trước khi chết.
3) CẦN CAN ĐẢM ĐỂ SẴN SÀNG ĐÁP LẠI TIẾNG CHÚA:
Một linh mục tuyên úy đã thuật lại câu trả lời đầy
xúc động sau đây của một thủy thủ bị bệnh hiểm nghèo sắp chết. Anh là một thủy
thủ rất đạo đức. Sáng hôm đó, anh đã nhận Thánh Thể như của ăn đàng. Buổi
chiều, khi linh mục đến gặp và nhận thấy anh rất yếu, liền hỏi:
- Con đã sẵn sàng cho chuyến đi quan trọng sắp tới
chưa?
- Thưa Cha, hoàn toàn sẵn sàng!
- Con không sợ ư?
- Sợ ư? Tại sao con lại phải sợ?
Và đặt tay lên ngực, nơi anh đã rước Chúa đến buổi
sáng, anh nói thêm:
- Thuyền trưởng đã xuống thuyền, vậy con còn sợ gì
nữa chứ?
4) HIỆU QUẢ ĐÁNG NGỜ CỦA THUỐC TRƯỜNG SINH:
Vào thời chiến quốc, có người dâng lên Sở vương
một viên thuốc trường sinh. Ông ta bưng viên thuốc này vào hoàng cung. Quan
cảnh vệ gác cổng lliền hỏi: “Thuốc này có uống được không ?” Người kia đáp :
“Uống được”.
Lập tức viên quan cảnh vệ liền mở viên thuốc quý
ra, cầm cho vào miệng nuốt đi trước sự ngỡ ngàng của người dâng thuốc. Câu
chuyện được báo cáo lên vua Sở. Vua liền truyền tống giam quan cảnh vệ vào ngục
vì tội “khi quân” và xử tội chết.
Viên quan liền kêu oan rằng: “Hạ thần đã hỏi người
dâng thuốc và ông ta nói: ”Thuốc có thể uống được” nên thần mới dám
uống. Thế là hạ thần vô tội mà kẻ có lỗi chính là người dâng thuốc kia.
Hơn nữa, người dâng thuốc lại nói đó là thuốc trường sinh nghĩa là ai uống vào
sẽ được trường sinh bất tử. Thế mà thần uống vào lại sắp phải chết. Như vậy đây
là “thuốc tử” chứ sao gọi là “thuốc bất tử” được? Điều đó chứng tỏ
người dâng thuốc là kẻ nói dối mà sao bệ hạ lại tin hắn?
Vua nghe quan cảnh vệ nói có lý, liền tha không
giết nữa.
5) BAO NHIÊU TIỀN CŨNG KHÔNG MUA ĐƯỢC THÊM MỘT NGÀY SỐNG:
Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp
chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.
Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện
đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì
từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:
- Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài,
chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.
- Không được. – Thần Chết lắc đầu.
- Vậy tôi xin đưa một nửa để xin cho tôi sống thêm
nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.
- Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.
Anh ta vội nói:
- Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho
tôi một ngày thôi, có được không?
- Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao
chiếc lưỡi hái trên tay.
Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần
cuối:
- Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư
vậy.
Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một
dòng cảnh báo: “Xin mọi người hãy nhớ
điều này: Bao nhiêu tiền cũng không mua nổi thời gian sống thêm một ngày”.
Hóa ra ở đời điều quan
trọng không phải là tiền mà là chúng ta có biết sử dụng thời gian có ý nghĩa
hay không? Có tiền mà sống vô nghĩa thì thật uổng phí. Thế nên, mỗi người phải
biết trân trọng thời gian. Ngay khi còn sống hãy luôn phụng sự Chúa và phục vụ
tha nhân. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê “danh, lợi, thú” chỉ
mang lại hạnh phúc bọt bèo chóng qua. Thời gian trôi qua sẽ không trở lại. Hãy
sống sao để được hạnh phúc Nước Trời đời sau.
3. SUY NIỆM:
1. VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH KẺ CHẾT:
Dùng quyền năng siêu nhiên để làm cho người bệnh
nan y được khỏi bệnh thì nhiều người đã làm được, nhưng làm cho người đã chết
được sống lại thì chỉ những người được Chúa ban ơn đặc biệt mới có thể làm
được. Chẳng hạn:
Thời Cựu Ước: Ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con trai
của bà góa ở Sa-rép-ta sống lại (x. 1 V 17,17-24); Ngôn sứ Ê-li-sa cũng phục
sinh cho con trai của bà Su-nêm (x. 2 V 4,32-37).
Đến thời Tân Ước, tông đồ Phê-rô đã làm cho bà
Ta-bi-tha đã chết được sống lại (x. Cv 9,39-42). Riêng Ðức Giê-su đã phục sinh
kẻ chết ít nhất 3 lần: Cho con trai bà góa ở thành Na-in mới chết đang đem đi
chôn sống lại (x. Lc 7,11-15); Cho con gái ông trưởng hội đường mới chết đang
nằm trên giường được trỗi dậy (x. Mt 9,18-26); Cho anh bạn thân La-da-rô chết
chôn trong mồ bốn ngày được sống lại ra khỏi mồ (x. Ga 11,34-45). Ba người này
sau khi sống lại cũng chỉ sống thêm được một thời gian rồi lại phải chết. Sự
sống lại của họ nhằm tiên báo việc Ðức Giê-su sau này sẽ chiến thắng thần chết.
Người sẽ trải qua cái chết và đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Ga
20,1-10). Sự phục sinh của Người là bằng chứng bảo đảm cho niềm tin vào mầu
nhiệm kẻ chết sống lại trong ngày tận thế như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu
Ðức Kitô không sống lại, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng tôi
là vô ích” (1 Cr 15,14), và sự phục sinh của Người chứng tỏ
Người thực là Con Thiên Chúa hằng sống.
2. ĐỨC GIÊ-SU, CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI CÓ QUYỀN TRÊN SỰ
CHẾT:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy:
Ðức Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là người phàm; Người chính là Đấng Thiên
Sai mà các ngôn sứ đã tiên báo sẽ đến và dân Do thái trông mong.
- Là người phàm, nên Đức Giê-su đã xúc động thổn
thức và khóc thương người bạn thân khi đứng trước mộ của anh (c 33-35), đến nỗi
người ta phải thốt lên: “Kìa xem! Ông ta thương La-da-rô biết
mấy!” (c 36). Nhưng là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phán một lời khiến
La-da-rô chết 4 ngày được trỗi dậy và ra khỏi mồ. Vì Người “là sự sống lại
và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.
Ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (x. Ga 11,25-26).
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su đã mở
cánh cửa sự sống, phá tan sào huyệt của tử thần: Khi truyền cởi những dải băng
liệm cuốn quanh người La-da-rô, Người giải phóng anh khỏi quyền lực của tử
thần.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở
cánh cửa đức tin của Mác-ta: Trước đó, đức tin của Mác-ta chỉ mới là thứ đức
tin chung chung giống như đa số người Do thái đương thời. Nhưng sau khi chứng
kiến La-darô sống lại, đức tin của bà đã trở thành sống động vững chắc. Trước
đó, nhiều người Do thái vẫn chưa tin Đức Giê-su. Nhưng sau khi chứng kiến
La-da-rô từ cõi chết sống lại, họ đã đạt đến đức tin vào Đức Giê-su. Chính khi
tảng đá lấp cửa mộ La-da-rô mở ra cũng phá tan tảng đá nghi ngờ, dẫn họ tới đức
tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở
cánh cửa niềm vui: Sự chết của La-da-rô gieo tang tóc u buồn cho hai bà chị
Mác-ta và Ma-ri-a. Tiếng khóc của hai người này đã khiến Đức Giê-su cảm động và
không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi La-da-rô được Người cho sống lại, đám tang
biến thành đám hội, lời phân ưu trở thành lời chúc mừng.
+ Khi mở cửa mộ của La-da-rô, Đức Giê-su cũng mở
cánh cửa niềm hy vọng: Từ nay nhân loại hy vọng Đức Giê-su là “sự sống lại và
là sự sống”, cũng sẽ làm cho những ai tin vào Người được tham phần vào sự sống
đời đời với Người như Người đã nói:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy,
thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ
không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
3. MUỐN ĐƯỢC THAM PHẦN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI PHẢI BIẾT YÊU
THƯƠNG:
- Đức Giê-su không chỉ yêu bằng thứ tình yêu thần
linh, mà còn yêu thương bằng tình cảm nhân loại. Tình yêu của Người là thứ tình
yêu tột đỉnh như Tin Mừng Gio-an viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về
mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng!” (Ga 13,1b). Yêu
đến cùng là yêu tột cùng, đến nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người mình
yêu, như lời Đức Giê-su: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của
người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
- Tình yêu của Ðức Giê-su đối
với anh bạn thân La-da-rô được thể hiện qua thái độ xúc động khi trước mộ của
anh. Tình yêu tự nhiên được thể hiện qua ánh mắt trìu mến, lời nói cử chỉ dịu
dàng và thái độ quảng đại như bà mẹ hiền nựng đứa con thơ, như Thiên Chúa đã
yêu thương con cái loài người chúng ta, đã sai Con Một đến chịu chết trên thập
giá để đền tội thay cho chúng ta và đã từ cõi chết sống lại để cứu sống chúng
ta (x. 1 Ga 4,9).
4. TRỞ NÊN NGÔN SỨ CỦA SỰ SỐNG BẰNG VIỆC THỰC THI GIỚI RĂN
YÊU THƯƠNG:
- Trong sứ điệp ngày Giới
Trẻ Thế Giới năm 1996, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã khuyên các
bạn trẻ như sau: “Hãy trở nên những ngôn sứ của sự sống và tình thương,
những ngôn sứ của niềm vui. Hiện nay tuy nhân loại ngày càng văn minh hơn.
Nhưng vẫn có nhiều bóng tối của sự chết như: chiến tranh, đói kém,
phá thai, tự tử, si-đa, ám sát, đặt mìn, tai nạn giao thông… Những
cái chết về thể xác phản ảnh một cái chết nguy hiểm hơn. Đó là
cái chết của Tình Yêu trong lòng con người ! Cái chết ấy sẽ thắng
thế khi con người sống buông thả, chán chường và khép kín trong sự
ích kỷ. Nhưng chúng ta có Đức Giê-su là “Sự Sống Lại và là Sự
Sống”. Một khi chúng ta liên kết mật thiết với Đức Giê-su, chúng ta
cũng có thể thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới, giống như
Đức Giê-su xưa đã trả lại sự sống cho La-da-rô và lau khô giọt lệ cho
hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a… Ki-tô hữu phải sẵn sàng lao tới bất cứ
nơi đâu có những anh em cần được giúp đỡ, những nơi có những giọt
nước mắt cần được lau khô, những nơi có những lời cầu cứu đang mong
chờ được đáp ứng”.
- Mỗi ngày chúng ta cần tích cực chuẩn bị cho cuộc
sống mai sau, bằng một nếp sống bác ái cụ thể như: "Vui với người vui và
khóc với người khóc”; bằng việc quan tâm thăm viếng, an ủi động viên, quảng đại
chia sẻ tinh thần vật chất và khiêm tốn phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật
và bất hạnh… Yêu thương không phải bằng môi miệng nhưng bằng sự quan tâm tới
người đau khổ nghèo đói bệnh tật bất hạnh đang sống ngay bên và sẵn sàng đáp
ứng các nhu cầu, phục vụ họ như phục vụ chính Đức Giê-su bị bỏ rơi.
4. THẢO LUẬN:
Chúng ta
cần phải làm gì để trở thành Ngôn Sứ của Sự Sống, sẵn sàng chia
sẻ tình thương của Chúa cho đồng bào Việt Nam, cho những người bệnh
tật đau khổ đang sống chung quanh chúng ta ?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con chưa chết
nên không xin Chúa cho sống lại về phần xác, nhưng chúng con xin Chúa
ban cho chúng con sống lại thật về phần linh hồn: để không những chúng con
chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết, mà còn tiêu diệt những
nguyên nhân dẫn tới cái chết như: thói tham lam tiền bạc, ham mê rượu
chè, chích hút và những đam mê bất chính khác… Xin cho chúng con thắng
vượt tất cả những gì hủy hoại sự sống thiêng liêng trong chúng con
như: sự thất vọng, buồn chán, sống không lý tưởng…
- Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đổ tràn ngập tâm hồn
chúng con Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để
chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những
người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không
phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn
đầy tình yêu của Chúa (Mẹ Têrêxa Calcutta).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM