Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay

1 God-loves-You.jpg

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

40 Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ."41 Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? "43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay  bắt. 45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?"46 Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! "47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! "50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ:51 "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?"52 Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Suy niệm:  

Đức Giê-su là ai? Ông ấy xuất thân từ đâu? Đó là những câu hỏi làm cho dân chúng cũng như giới chức sắc tôn giáo có nhiều tranh luận sôi nổi và trái chiều khi nghe những lời rao giảng của Đức Giê-su và thấy các dấu lạ Người làm. Trong tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy có nhiều ý kiến trái ngược nhau khi họ bàn về Đức Giê-su.

Trong dân chúng

Sau nhiều ngày tháng nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su và chứng kiến những dấu lạ điềm thiêng Người làm, dân chúng bàn luận với nhau về Đấng Mê-si-a, về Đức Giê-su. Có nhiều người cho rằng "Ông này thật là vị ngôn sứ." (c.40), kẻ khác thì nói "Ông này là Đấng Ki-tô" (c.41a), nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?” (c.41b). Kinh Thánh đã dạy họ rằng “Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít” (c.42); như vậy ông này không thể là Đấng Cứu Thế được, vì ông Giê-su này xuất thân từ Galilêa! Như vậy, rõ ràng nhóm nào cũng có những lý lẽ riêng của mình, họ bàn luận theo trí hiểu hoặc theo sự trí tri mà Chúa Thánh Thần hoạt động nơi tâm hồn họ và ai cũng có lý. Chính những ý kiến khác nhau về Mê-si-a đã tạo ra sự chia rẽ và tranh cãi. Thậm chí, có một số kẻ định bắt Người, tống giam Người, nhưng họ không dám ra tay. Có lẽ vì họ sợ dân chúng (x. Mt 14,2).

Giới chức tôn giáo

Trong khi dân chúng hoang mang về nguồn gốc của Đức Giê-su, thì giới chức tôn giáo cũng không mấy tỏ tường. Họ đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giê-su (x. Ga 7,32), nhưng các vệ binh lại trở về tay không, bởi các vệ binh đã hết sức thán phục khi nghe lời Đức Giê-su rao giảng: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (c.46). Trước thái độ của dân chúng, các Pha-ri-sêu phản ứng rằng:  “Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao?”, “Đám tiện dân này không biết gì về Lề Luật” và để cho bản thân mình bị ông Giêsu kia lừa dối. Các ông lý luận rằng “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?”. Điều đó như thể họ nói rằng:  “Không, chỉ có chúng ta, những thượng tế, là người khôn ngoan hơn và chúng ta không để cho mình bị mê hoặc!” Chính thái độ trịch thượng, đầy kiêu ngạo của mình, như thể họ đã sở đắc được mọi mặc khải từ Thiên Chúa, do vậy mà họ có thái độ khinh miệt dân chúng “bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!”. Như thế, ai mới thực sự bị mê hoặc: các thủ lãnh, các pha-ri-sêu hay dân chúng?

Tuy vậy, trong giới chức tôn giáo cũng có những vị rất thận trọng và khiêm nhường, mà ông Ni-cô-đê-mô như là một đại diện. "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" (c.51). Câu nói chân thành và đầy ẩn ý này đã làm cho các giới chức thêm hăng máu khi quyết bảo vệ lập trường của mình, và cho lời góp ý của Ni-cô-đê-mô như là lời chế giễu họ. “ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả." Họ vẫn tin rằng, những nghiên cứu và tìm hiểu của họ về Kinh Thánh (Ngũ Thư) là quá rõ ràng cặn kẻ và không thể sai lầm được khi đối chiếu với hoàn cảnh của Đức Giê-su. Nhưng cũng có một điều khác, làm họ không dám chấp nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tức và sự sợ hãi khi dân chúng tin vào Người.

Và chúng ta

Trên đây là những thái độ khác nhau của các tiền nhân thời Chúa Giê-su, những vị ấy cũng soi sáng được nhiều trong lối suy nghĩ của chúng ta ngày nay. Nếu chúng ta đang sống và hiện diện trong những buổi rao giảng của Đức Giê-su, chắc hẵn chúng ta cũng sẽ thiên về một trong những thái độ ấy của tiền nhân. Có thể chúng ta sẽ tin chắc rằng, đó chính là Con Thiên Chúa làm người, bởi ta choáng ngợp trước những lời giáo huấn đầy uy quyền kèm theo nhiều dấu lạ mà Đức Giê-su đã làm. Nhưng cũng có thể, với lối suy nghĩ thực tế đầy “tính khoa học”, với những am tường của trí tuệ, ta cũng dễ dàng tìm cho mình những điều phi lý nơi lời rao giảng của Đức Giê-su, và rồi chúng ta sẽ cho rằng: Đức Giê-su là một ngôn sứ giả mà ta không thể tin được. Hoặc có thể ta lại là những nhà hữu trách tôn giáo, lòng nhiều ghen tỵ và nổi sợ hãi khi thấy “uy quyền” của ông Giê-su đã làm cho dân chúng tin theo cách mạnh mẽ. Cùng với thái độ thiếu khiêm tốn, khi nghĩ mình đã nắm chắc được mạc khải của Thiên Chúa và mọi người khác đang sai lầm và bị mê hoặc, thì ta cũng chẳng thể đội trời chung với Đức Giê-su khi bảo vệ quyền lợi và chính kiến của mình. Như vậy, dù ta ở góc nhìn nào thì cũng có thể bị mê hoặc bởi tính con người ở góc nhìn đó.

Trở lại với niềm tin của chúng ta hiện nay vào Thiên Chúa, nếu ta không sẵn sàng khiêm tốn để chân nhận rằng, ân sủng của Thiên Chúa luôn tác động cách mạnh mẽ nơi mặc khải và qua Giáo hội, thì ta cũng sẽ dễ dàng bị các học thuyết, những lời biện luận dựa trên sự hiểu biết mê hoặc và có thể làm ta sai lạc đức tin. Nghe Lời Chúa với thái độ khiêm tốn và lòng kính sợ sẽ là phương cách nhận ra sự tác động của Thánh Thần hữu hiệu nhất.

Lạy Chúa, trước thế giới truyền thông đa chiều, đa thông tin hiện nay đã làm chúng con lúng túng khi tìm kiếm chân lý mặc khải. Chúng con dễ dàng bị mê hoặc bởi những điều mới lạ, những điều làm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân và có thể khó đón nhận những lời chân lý. Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con khiêm tốn và hoán cải nội tâm để dám tin tưởng vào Lời của Chúa, và can đảm sống chứng tá Lời của Ngài trong thế giới hôm nay. Amen.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Mua Chay_Lm Mi-ca-e Vũ An Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay_Tam Thái.
     SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A: THẦY LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN_ LM ĐAN VINH
     CHỦ NHẬT 4 CHAY A: Ánh sáng cho những người khiếm thị_ Lm PhaoLô
     CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY A: CHÚA GIÊSU LÀ NGUỒN ÁNH SÁNG_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN III MÙA CHAY_Nt. Maria Chinh Anh, OP.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm tuần III Mùa Chay_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần III Mùa Chay_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc