HẠT LÚA MỤC NÁT MỚI NẢY SINH BÔNG LÚA MỚI
Công nghệ sinh học
ngày nay đã tạo ra một bước tiến rất dài trong ngành nông nghiệp. Ngoài các yếu
tố thời tiết, kỹ thuật sản xuất, thì hạt giống là yếu tố hết sức quan trọng. Các
loại cây trái truyền thống có năng xuất kém, chất lượng thấp, dần bị loại bỏ để
thay thế bằng những giống tốt hơn, có năng suất và chất lượng cao hơn. Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt giống được ươm vào lòng đất,
chấp nhận mục nát và trổ sinh bông hạt mới, để nói về sứ mạng và con người của
Ngài.
Thánh Gioan thuật
lại: Vào dịp lễ Vượt Qua năm ấy, có mấy người Hy Lạp đến gặp ông Philipphê và
xin: “Thưa ông chúng tôi muốn được gặp
ông Giêsu”. Điều này cho thấy rằng, sau mấy năm miệt mài rao giảng, gặp biết
bao chống đối, khó khăn thử thách, nay Tin Mừng đã chạm đến những người Hy Lạp,
là những người được coi là dân ngoại. Người Hy Lạp là những người có một nền
văn hóa triết học hoàn toàn khác với giáo lý, Tin Mừng của Chúa Giêsu, nay họ
đã cảm phục đã tin và đã tìm đến để xin gặp Đức Giêsu.
Khi Philipphê đưa
những người này đến với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu rất vui mừng và dâng lên Thiên
Chúa Cha lời tạ ơn: “Đã đến giờ Con Người
được tôn vinh” Tại sao Chúa Giêsu lại nói đã đến giờ Con Người được tôn
vinh? Thưa vì đó là giờ ơn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện, là giờ mà quyền
năng và Danh của Thiên Chúa được biết đến, được bao trùm cả thế giới của dân
ngoại. Mọi dân nước sẽ tôn vinh Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, Đấng được Thiên Chúa
Cha sai đến.
Chúa Giêsu cho thấy,
sứ mạng cứu độ thế giới mà Người sẽ thực hiện hoàn toàn khác với cách suy nghĩ
thông thường của nhiều người. Người sẽ cứu độ nhân loại theo quy luật của hạt
lúa mì: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà
không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác”. Chúa Giêsu chính là hạt lúa được Thiên Chúa Cha gieo vào
thế giới này qua mầu nhiệm nhập thể làm người. Người chấp nhận từ bỏ thân phận
địa vị của một Thiên Chúa để trở nên một người phàm trong số các phàm nhân. Người
chia sẻ đến tận cùng thân phận của con người với nhiều giới hạn, yếu đuối và chấp
nhận cái chết thập giá và bị chôn vùi trong lòng đất. Thiên Chúa quyền năng đã
làm cho hạt lúa được nảy mầm qua cuộc phục sinh và đem lại hoa trái ơn cứu độ cho
nhân loại.
Cuộc phục sinh của
Chúa Giêsu mở ra một thời đại mới, một mùa lúa mới. Từ hạt lúa Giêsu chịu chết,
chịu chôn vùi đã làm nảy sinh một đoàn dân mới là Giáo Hội. Sống và thực hành
theo quy luật của hạt lúa mì không phải là điều dễ dàng, nhưng là một sự hy
sinh, từ bỏ lớn lao và là sự giằng co mạnh mẽ giữa được và mất, sống và chết.
Thư Do Thái đã diễn tả sự giằng con này nơi chính Đức Giêsu: “Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà
dâng lời khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết… Dầu là Con Thiên Chúa,
Người đã trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục… Người đã trở
nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người”.
Với cái chết trong
sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha và cuộc phục sinh trong vinh quang của
Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thiết lập nên một giao ước mới. Giao ước này xóa bỏ tất
cả tội lỗi cản bước con người đến gần Thiên Chúa, để lập nên một giao ước mới.
Từ nay tất cả mọi người, mọi dân đều được vào nhà của Thiên Chúa, được làm con
của Ngài. Trong bài đọc một, tiên tri Giêrêmia đã tiên báo về giao ước này: “Ta sẽ thiết lập với nhà Israel và Giuđa một
giao ước mới… Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng… Lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa
của chúng còn chúng sẽ là dân của Ta”.
Đức Giêsu đã thực
hiện lời giao ước của Thiên Chúa bằng sự yêu mến và vâng phục hoàn toàn thánh ý
Chúa Cha. Vì vậy, Chúa Giêsu cũng muốn tất cả mỗi chúng ta đi vào con đường yêu
mến và vâng phục Thiên Chúa theo quy luật của hạt lúa mì, đó là chấp nhận sự
buông bỏ khỏi những bám víu thế gian vật chất; chấp nhận để cho cái tôi và sự
kiêu ngạo cùng những bản năng xác thịt bị chôn vùi và để cho đời sống mới nảy
sinh và đem lại nhiều bông hạt mới cho mình và cho mọi người.
Trong mắt người đời,
sự buông bỏ, chấp nhận mục nát như đòi hỏi của Tin Mừng dường như bị coi là
thua thiệt, mất mát, nhưng trong cái nhìn của Thiên Chúa thì đó lại là sự khôn
ngoan. Vì vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu
quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ
giữ lại được cho sự sống đời đời”. Cái nghịch lý “được và mất” này chỉ những
người yêu mến gắn bó với Đức Giêsu và hết lòng phục vụ Người thì mới có thể hiểu
và cảm nhận được mà thôi.
Thưa quý OBACE,
chúng ta là những hạt lúa mới phát sinh từ hạt lúa mì là Chúa Giêsu. Vì thế,
chúng ta sẽ phải là những hạt giống chất lượng tốt F1, cho năng suất cao, có khả
năng kháng bệnh. Trong thực tế, có nhiều Kitô hữu không còn phải là F1 phát
sinh từ hạt giống Giêsu nữa, cuộc đời của họ bị thoái hóa, ngày càng đi xa,
tách biệt khỏi Đức Giêsu và Tin Mừng của Người.
Cánh đồng của Hội
Thánh luôn bị các sâu rầy là ma quỷ, và thế gian tấn công, cắn phá. Nó làm cho
cuộc đời của nhiều tín hữu trở nên èo uột, mất sức sống, nên cằn cỗi và không
sinh hoa kết trái được. Chúa đã ban cho Giáo Hội các loại thuốc sinh học, để có
thể phục hồi đời sống người tín hữu nên xanh tươi, và làm cho môi trường sống của
thế giới nên tốt đẹp: Bí tích Giải Tội là loại thuốc cực mạnh, có thể diệt tất
cả mọi loại sâu bệnh là tội lỗi. Đón nhận Bí tích Giải Tội thường xuyên, tâm hồn
chúng ta sẽ được phục hồi. Bí tích Thánh Thể là chất dinh dưỡng cần thiết cho đời
sống người tín hữu. Thiếu chất dinh dưỡng này, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên èo
uột, mất sức sống. Sau cùng, Lời Chúa và Tin Mừng là loại thuốc kháng khuẩn,
phòng ngừa được tất cả mọi thứ sâu bệnh trong tầm hồn và đời sống người tín hữu.
Sử dụng thuốc này, chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi sự tấn công của ma quỷ, thế
gian và xác thịt.
Phát xuất từ hạt
giống Giêsu, chúng ta được mời gọi trở thành những hạt giống F1 cho thế giới hôm
nay. Đồng thời chấp nhận bị chôn vùi, bị mục rã con người cũ, để tiếp tục làm nảy
sinh thêm mùa lúa mới cho Chúa và Giáo Hội. Các bậc làm cha mẹ sẽ là những hạt
lúa F1 được vùi vào trong gia đình. Qua tình yêu thương, sự hy sinh dành cho
nhau, qua việc chú tâm giáo dục đức tin cho con cái, họ sinh ra những hạt lúa tốt
là con cái, làm nên cánh đồng lúa mới cho Chúa và Giáo Hội. Để có thể trổ sinh
những bông lúa trĩu hạt, đòi cha mẹ chấp nhận sự mục nát là hy sinh cuộc đời,
thời giờ, sức lực cho con cái; làm gương sáng cho con cái trong việc đạo đức hằng
ngày, kiên trì uốn nắn dạy dỗ con cái theo luật Chúa và Tin Mừng. Ví dụ: từ bỏ
những thú vui cá nhân để dành giờ cho gia đình; bớt ít phút xem tivi để cả gia
đình cùng đọc kinh mỗi tối; siêng năng xưng tội, rước lễ, tham dự Thánh Lễ mỗi
ngày, là chấp nhận mục nát con người và sở thích riêng của mình.
Mỗi người, được mời gọi trở nên những hạt lúa thật tốt được gieo vào xã
hội và thế giới hôm nay. Tính ích kỷ, lối sống cá nhân, hưởng thụ, thỏa mãn đam
mê, sống vô tâm vô cảm với anh em là những thứ làm cho hạt lúa cuộc đời chúng
ta chỉ trơ trọi một mình, không mang hoa trái cho đời. Trái lại, khi dám sống
quên mình vì Chúa vì anh em, khi dám nghĩ đến người khác nhiều hơn, bắt con người
và bản năng thuần phục theo lề luật của Chúa và Giáo Hội, chúng ta sẽ trổ sinh
nhiều điều tốt đẹp cho xã hội và thế giới. Công việc, tiền bạc, danh vọng đang
khiến nhiều bạn trẻ chỉ biết tìm kiếm thỏa mãn bản thân mà không biết nghĩ đến
anh em. Nhiều người chỉ biết tìm kiếm vật chất mà không quan tâm đến việc làm
cho đời sống linh hồn được lớn lên và phát triển. Nhiều bạn đã để cho đời sống
đức tin của mình bị các sâu rầy là khoa học lệch lạc và lối sống hưởng thụ, duy
vật tàn phá, làm cho đời sống đức tin bị èo uột lệch lạc.
Lời Chúa hôm nay mời
gọi mỗi người tự chất vấn mình: Tôi có còn là hạt giống được sinh ra từ hạt giống
Giêsu không? Tôi có còn là hạt giống F1 của Chúa hay đã thoái hóa biến chất?
Tôi có đang chấp nhận bị chôi vùi, mục nát hay vẫn cứ trơ trọi một mình, trở thành
vô dụng vô ích?
Xin Chúa giúp ta mãi
là hạt giống tốt của Chúa được gieo vào xã hội hôm nay và sẽ đem lại cho Chúa
và Giáo Hội nhiều bông lúa tốt. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí