Suy Niệm
Chúa Nhật 5 Mùa Chay.
Những
Nguyên Nhân Dẫn Đến Cái Chết Của Đức Giêsu
Trong Tuần Thánh, chúng ta đứng
trước biến cố Đức Giêsu chịu chết. Đó là đỉnh cao của mầu nhiệm cứu độ. Thiên
Chúa đã chọn cách “liều lĩnh”[1]:
Con Một của Người phải chịu chết để cứu độ con người. Một vài câu hỏi có thể
đặt ra: vì sao Đức Giêsu bị đóng đinh vào thập giá? Tại sao Ngài phải đi vào
con đường đau thương ấy? Ý nghĩa của Cuộc thương khó là gì? v.v.
1. Nguyên nhân chính trị
Nếu sống ở thời Đức Giêsu,
chúng ta cũng có thể nhận thấy nhiều lần Ngài bị chính thế lực chính trị để mắt
đến. Phần vì mức độ nổi tiếng của Đức Giêsu quy tụ đám đông, phần vì những lời
giảng của Ngài ít nhiều đụng chạm đến vài chính khách[2] (ví
dụ Hêrôđê và Philatô). Họ buộc phải để tâm đến đường đi nước bước của Đức Giêsu.
Hẳn nhiên Đức Giêsu đến thế
gian không để làm chính trị. Vì giới thiệu Tin Mừng Nước Trời, Ngài sẵn sàng
lên án những luật lệ vô lối của người đương thời. Ngài muốn công bằng xã hội,
muốn người ta tôn trọng phẩm giá con người, v.v. Có lẽ những lý do ấy khiến
giới lãnh đạo dân sự phải vào cuộc.
2. Lãnh đạo tôn giáo
Trong Bài Thương Khó, chúng ta
thấy chính giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã bắt Đức Giêsu. Số là suốt ba năm
công khai rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã trực tiếp hoặc gián tiếp công kích
các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Ngài đến để kiện toàn lề luật[3] và
đưa con người về với luật lệ của yêu thương. Thậm chí, Đức Giêsu không chỉ phê
phán, lên án nhiều lãnh đạo tôn giáo, mà Ngài còn đòi họ phải đổi thay. Nói
chung giữa họ và Đức Giêsu là hai phương trời cách biệt, mỗi lúc một lớn.
Đây dường như là nguyên nhân
trên dễ thấy để dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Biên bản thượng hội đồng Do
thái ghi rõ: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu
diệt.” (Ga 11,45-57). Liền sau đó, họ truy bắt Đức Giêsu. Dĩ nhiên họ không có
quyền kết án tử hình bất kỳ ai, nên họ mới dẫn Đức Giêsu đến Philatô để tố cáo.
Bài Thương Khó đã ghi lại tình tiết của phiên tòa này. Kết quả là giới lãnh đạo
tôn giáo đã thành công để loại trừ Đức Giêsu.
3. Đức Giêsu tự nguyện chịu
chết
Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa
Chay hôm nay cho chúng ta câu trả lời rõ hơn: “Ðã đến giờ Con Người được tôn
vinh!” Nghĩa là Đức Giêsu biết giờ chết của Ngài sắp tới. Trước đó, chính Ngài
đã tiên báo đến ba lần về thời khắc đau thương này. Hơn ai hết, Đức Giêsu ý
thức rất rõ về sứ mạng của Ngài trên trần gian. Ngài đến để dùng chính mạng
sống mình làm giá chuộc muôn người. Do đó trước cái chết, Ngài không trốn
tránh, nhưng tự nguyện đi vào con đường thập giá (Lc 9,51). Tất cả là vì yêu
thương con người. Hoặc nói như Đức Bênêđictô XVI: “Đức Giêsu đón nhận cái chết
tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là
chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành
vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Youcat 210).
Đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy
có mấy người Hy Lạp mộ mến muốn gặp Đức Giêsu. Thay vì gặp những người này, Đức
Giêsu muốn dành giờ trò chuyện, hàn huyên với các môn đệ. Là con người, Đức
Giêsu cũng sợ chết, bàng hoàng với những gì sắp diễn ra (Ga 12,27). Ngài cần
các môn đệ lúc này! Bên cạnh đó, để chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu, để được
cứu độ, chính Ngài phải chịu chết, phải được tôn vinh. Thiên Chúa sẽ giải
thoát, chữa lành và đưa các tín hữu đến đời sống mới trong ân sủng nhờ Cuộc Khổ
Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Do đó cả đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe
thấy Đức Giêsu dùng nhiều từ liên quan đến cái chết: giờ, tôn vinh, sinh hoa
trái, yêu và ghét sự sống, sự sống đời đời, đi theo Đức Giêsu, xét xử thế gian,
v.v.
Như vậy, vì cứu độ con người,
Đức Giêsu đã tự nguyện hiến mạng sống mình. Đó là cách thế duy nhất Thiên Chúa
dành cho Con Một của Người. Vì yêu mến và vâng phục, Đức Giêsu đã bước vào con
đường khổ giá. Ngài cũng mời gọi các môn đệ bước theo sau. Với Đức Giêsu, chết
là mở ra một chân trời vinh quang. Nơi đó, với cái chết và sự phục sinh, Đức
Giêsu sẽ quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành cộng đoàn đông đảo những người
được cứu độ. Hai từ “cứu độ” là nguyên nhân chính để Đức Giêsu chịu chết. Do
vậy những ai muốn bước theo Đức Giêsu, muốn phục vụ Ngài, con đường chông gai
ấy cũng chờ họ phía trước.
4. Đức Giêsu chết vì bạn và vì
tôi
Nhiều người cho rằng cái chết
của Đức Giêsu đã đi vào quên lãng. Đó là biến cố xảy ra cách đây 2000 năm,
chẳng liên quan gì đến tôi và bạn. Nếu Đức Giêsu không sống lại, thì đúng là
cái chết của Ngài chẳng liên hệ gì đến tôi. Hoạc nói như thánh Phaolô: “Nếu Đức
Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người.”
(1Cor 15,19). Thực tế là Đức Giêsu đã phục sinh để cứu độ con người. Bạn nghĩ
sao khi hôm nay: Đức Giêsu vẫn đang chọn con đường hiến mạng sống mình để cứu
bạn và tôi?
Chúng ta vẫn tuyên xưng rằng:
Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta! Mỗi khi phạm tội, chúng ta cũng góp phần
vào cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Là tội nhân, chúng ta cần cái chết
của Đức Giêsu để chuộc hết mọi lỗi lầm cho ta. Khi nói với người trẻ, Giáo hội
chia sẻ rằng: Để chúng ta, là những con cái của tội lỗi và sự chết, được cứu
sống, Cha trên trời của Đấng vô tội đã “làm cho Con của Ngài thành tội nhân, vì
chúng ta.” (2 Cr 5,21). Vì yêu tôi mà Con Thiên Chúa phải chết; vì yêu bạn mà
Đức Giêsu sẵn lòng chịu đóng đinh. Có lần thánh Phanxicô Assisi chia sẻ rằng:
“Không phải ma quỷ đã đóng đinh Chúa Giêsu mà là chính bạn cùng với ma quỷ đã
đóng đinh Người và còn đóng đinh Người bằng cách ham thích thói xấu và tội
lỗi.” (Youcat 97). Dù ý thức hay không, đây cũng là nguyên do dẫn đến cái chết
của Đức Giêsu: “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng
đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.” – thánh Bernard de Clairvaux.
Để kết thúc, với những lý do
trên đây, hy vọng chúng ta không ngại ngùng nói về cái chết của Đức Giêsu. Nơi
đó có sự sống, có tình yêu và có Thiên Đàng. Như thế chúng ta hoan hỉ với lời
này của Đức Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất
không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác.” (Ga 12,24)
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
…….
[1] Để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mệnh
nguy hiểm: Người đã đem vào thế giới sự chết của ta “một thứ thuốc bất tử.”
(Thánh Inhaxiô Antiôkia).
[2] Vua Hêrôđê từng có ý định giết Đức Giêsu: “Xin ông đi khỏi
đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông.” (Lc 13,31)
[3] Chẳng hạn chúng ta thường nghe: “Luật xưa dạy rằng… còn
Thầy, Thầy bảo thật anh em….”(Mt 5, 21- 48). Rõ ràng điều này nói lên tính đối
kháng giữa luật Môsê và lề luật của Đấng Messia.
Trích
Nguồn: https://dongten.net/2021/03/18/nhung-nguyen-nhan-dan-den-cai-chet-cua-duc-giesu/