Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm
C
SỰ THA THỨ CÓ SỨC CHỮA LÀNH TÂM HỒN
Trong một phiên tòa tại bang
Florida - Hoa Kỳ xét xử một tên tội phạm giết người máu lạnh, hắn đã từng giết
tới tám thiếu nữ một cách dã man. Các nhân chứng và gia đình cũng được mời đến
tham dự phiên tòa. Họ mang theo hình ảnh con em của họ đã bị tên này giết chết.
Trong phần buộc tội, vị thẩm phán cho phép gia đình các nạn nhân lên tiếng, họ
lần lượt đứng lên nguyền rủa, chửi bới, kết tội hắn ta. Tên tội phạm nghe những
lời cáo buộc và nguyền rủa đó chỉ gật đầu, trên gương mặt không hé lộ một chút
cảm xúc hối hận nào. Sau cùng có một người là cha của một nạn nhân đứng lên
nói: “Này anh, anh có biết rằng tôi yêu
con gái của tôi đến chừng nào! Anh có biết rằng chính anh đã gây biết bao đau
khổ cho tôi và gia đình trong suốt những năm qua. Thời gian qua là thời gian vô
cùng tồi tệ đối với gia đình chúng tôi vì đứa con của tôi đã bị anh giết. Tôi
cũng muốn lên án anh, kết tội anh, nguyền rủa anh xuống đến đáy địa ngục. Nhưng
tôi không làm như thế. Hôm nay vì Chúa, tôi tha thứ cho anh về những gì anh đã
gây ra cho gia đình tôi”. Nghe đến đây, sắc mặt của tên tội phạm đã thay đổi,
hắn cúi xuống và khóc.
Thưa quý OBACE, chỉ có sự tha thứ
mới có thể làm mềm lòng con người, có sức mạnh chữa lành những vết thương trong
tâm hồn và có thể mở ra cho người khác một tương lai. Tuần trước chúng ta cùng
suy gẫm về Thiên Chúa như người cha nhân hậu vui mừng vì con cái trở về làm hòa
với cha và với nhau. Hôm nay, chúng ta lại được chiêm ngắm Thiên Chúa nhân hậu
và hay tha thứ, luôn tạo điều kiện và cơ hội cho con người làm mới lại cuộc đời
qua câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Tin Mừng thuật lại: Những người
Do Thái đã đem đến truớc mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội
ngoại tình và đặt vấn đề: Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang phạm tội
ngoại tình. Theo luật Môsê, hạng phụ nữ này sẽ bị ném đá. Còn Thầy, Thầy nghĩ
sao? Câu chuyện cho thấy cách cư xử và thái độ khác nhau của những người Do
Thái và của Chúa Giêsu.
Trước hết những luật sĩ và biệt
phái đã đối xử với chị như một con vật. Họ lôi chị đến giữa đám đông, đặt chỉ đứng
đó và cáo tội chị trước mặt mọi người. Họ làm như vậy để thể hiện sự đạo đức,
liêm chính của bản thân khi cho mình cái quyền kết án người khác. Việc làm này gây
sự nhục nhã cho một phụ nữ. Họ lớn tiếng kết án chị: Cứ theo luật, hạng phụ nữ
này đáng bị ném đá cho đến chết. Họ đối xứ bất công khi chỉ buộc tội người phụ
nữ còn đồng phạm của chị lại không bị kết án, không hề nhắc tới.
Những luật sĩ và biệt phái còn có
một âm mưu thâm độc hơn, họ muốn đưa ra cho Chúa Giêsu một cái bẫy và nghĩ rằng,
Chúa Giêsu không thể nào thoát khỏi cái bẫy này. Họ đặt vấn đề với Chúa Giêsu:
Theo luật Môsê, phụ nữ này sẽ bị ném đá cho đến chết, còn Thầy, Thầy dạy làm
sao? Nếu Chúa Giêsu trả lời, cứ ném đá theo luật Môsê, thì chứng tỏ giáo lý và
những lời giảng dạy của Chúa Giêsu không có gì mới mẻ. Trái lại, nếu trả lời:
Tha cho chị ta, thì những người này sẽ có cớ cáo buộc Chúa Giêsu là người chống
lại luật của Môsê.
Chúa Giêsu đã không trả lời ngay,
Ngài cúi xuống lấy tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và
bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ
việc lấy đá mà ném trước đi. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất”. Với
cách phản ứng này, Chúa Giêsu đã tạo ra một khoảng lặng để cho các luật sĩ và
biệt phái phải nhìn lại bản thân mình. Chúa cũng muốn nhắc họ, trước khi lớn tiếng
kết án người khác cần phải nhìn lại bản thân: “Ai sạch tội thì ném đá trước đi”. Vì trong thực tế cuộc sống, có
nhiều người lớn tiếng kết tội người khác là để cho người khác khỏi chú ý đến
cái sai của mình, ném đá người khác là để che giấu tội lỗi của mình.
Các luật sĩ và biệt phái khi nghe
Chúa Giêsu nói như thế, họ đã giật mình nhìn lại và lẳng lặng bỏ đi, kẻ trước
người sau, bắt đầu từ người lớn tuổi. Lời Chúa nói đã chạm vào tận lương tâm của
những con người giả hình này. Họ thấy rằng, Chúa Giêsu đã biết mưu đồ và sự
tính toán thâm độc của họ, nên đã bỏ đi. Các luật sĩ và biệt phái bỏ đi vì từ
trước đến giờ, họ chỉ khoe khoang cái áo và hình thức đạo đức bên ngoài, còn đời
sống và con người thật của họ lại hoàn toàn ngược lại. Họ thấy con người thật của
mình chưa phải là người sạch tội và vì vậy, họ không mạnh mẽ để kết tội người
phụ nữ nữa, trái lại họ đã buông những hòn đá xuống và bỏ đi.
Cuối cùng chỉ còn lại một mình Đức
Giêsu và người phụ nữ vẫn đứng đó. Khác với những luật sĩ và biệt phái, người
phụ nữ nhận thấy sự sai trái tội lỗi của mình, chị không bỏ đi, chị vẫn đứng đó
để chờ sự phán quyết của Chúa Giêsu. “Chúa
Giêsu ngẩng lên và nói với người phụ nữ: Họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị
sao? Chị trả lời: Thưa ông, không còn ai cả. Chúa Giêsu đáp: Tôi cũng vây, tôi
không lên án chị đâu! Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Với thái độ
này, Chúa Giêsu cho thấy tấm lòng xót thương của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Ngài đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi.
Ngài đến để cứu chữa và tha thứ chứ không phải để giết chết. Chúa Giêsu đã chạnh
thương trước một thân phận phụ nữ tội nghiệp, bị xã hội coi thường, bị đồng loại
kết án và loại trừ.
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy
sự nhân từ của Thiên Chúa là Cha: “Tôi
cũng không kết án chị đâu! Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thiên
Chúa không chấp nhận tình trạng tội lỗi, nhưng lại hết sức nhân từ và thông cảm
đối với tội nhân. Thiên Chúa không dung túng hoặc làm ngơ trước điều xấu, nhưng
mở ra cho con người một cơ hội, một tương lai mới: “Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” Người phụ nữ này đã được một
cơ hội để đổi đời. Tin Mừng cho thấy, sự tha thứ có sức chữa lành tâm hồn và biến
đổi con người. Theo nhiều nhà chú giải Kinh Thánh, người phụ nữ này đã trở thành
một trong các phụ nữ đi theo Chúa Giêsu và cũng chính là cô Maria Mađalêna sau
này theo Chúa đến chân thập giá cùng với Đức Maria, là người được Chúa Giêsu
trao phó cho việc loan báo sứ điệp phục sinh đầu tiên.
Chỉ có con người mới tìm cách
trói buộc và kết án nhau, còn Thiên Chúa luôn tháo cởi và tha thứ; chỉ có con
người mới đóng kín và chặn đường tương lai của kẻ khác, còn Thiên Chúa luôn mở ra
tương lai hy vọng cho con người. Đó cũng là điều tiên tri Isaia đã dùng nhiều
hình ảnh để diễn tả về Thiên Chúa trong bài đọc một: “Đây là lời của Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, mở
lối đi giữa sóng nước oai hùng…: Các ngươi đừng nhớ lại các chuyện ngày xưa, chớ
quan tâm về những việc thuở trước… Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những
dòng sông tại vùng đất khô cằn”. Với những lời này, tiên tri cho thấy Thiên
Chúa luôn muốn cho con người được sống chứ không phải chết, Ngài luôn mở ra
tương lai tốt đẹp cho con người. Tuy nhiên, con người có đi theo con đường Chúa
đã mở ra cho mình hay muốn tìm một con đường riêng mà không cần Thiên Chúa, điều
đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa của con người.
Kết án thì dễ, tha thứ thì khó; cáo
buộc người khác thì dễ, nhìn lại bản thân thì khó. Trong cuộc sống gia đình và
cộng đoàn, chúng ta cũng dễ dàng lên án kết tội nhau, ném đá nhau và tránh né
nhìn lại trách nhiệm của bản thân. Chúng ta cần mạnh dạn buông hòn đá xuống để
có thể bước đến với nhau, cầm lấy tay nhau và nâng nhau chỗi dậy làm lại cuộc đời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại bản thân, đã nhiều lần chúng ta được
Thiên Chúa tha thứ, thì xin cho chúng ta cũng dễ dàng tha thứ cho người khác.
Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta cơ hội đổi đời, thì xin cho chúng ta đừng bao
giờ chặn lối trở về của anh chị em, đừng chặn đứng tương lai của họ, nhưng xin
cho chúng ta cũng có được trái tim nhân hậu thương xót của Chúa để chúng ta sửa
chữa lại sai lầm thiếu sót của mình.
Ta
không kết tội con đâu! Con về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Đó cũng
là lời Chúa đang nói với mỗi chúng ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng
về tình trạng của mình, nhưng luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa để
sám hối và thay đổi cuộc sống bản thân nên hoàn thiện hơn. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí