Suy
Niệm Lời Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay Năm C
NIỀM VUI TRỞ VỀ LÀM HÒA VỚI CHÚA VÀ ANH EM
Mùa chay, chúng ta được mời gọi tin
vào tình thương của Chúa là Cha để trở về làm hòa với Chúa và với anh em. Trong
năm mục vụ đồng hành với các Gia đình đau khổ, chúng ta suy niệm về niềm vui và
hạnh phúc của người cha trong câu chuyện, khi ông tìm lại được những đứa con đã
hư mất và niềm vui khi thấy con cái anh em trong gia đình hòa thuận thương yêu
nhau.
Trước hết, bài đọc một kể lại niềm
vui trở về của dân tộc Israel. Đối với Thiên Chúa Israel không khác nào một đứa
con hoang đàng, bướng bỉnh. Đã nhiều lần qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã ấu yếm
gọi Israel là “con ta”, Ngài chăm sóc nâng niu nó như vú nuôi chăm sóc trẻ thơ.
Từ cảnh lưu đày tại Ai Cập, bị hành hạ áp bức, Thiên Chúa đã gọi Môsê, trao cho
ông nhiệm vụ đưa dân vượt thoát khỏi Ai Cập, dẫn họ băng qua sa mạc để về đất hứa.
Thiên Chúa đã ban lề luật để hướng dẫn Israel, uốn nắn, sửa phạt mỗi khi Israel
đi lạc xa đường lối của Thiên Chúa. Dân Israel dường như vẫn không nhận ra tình
yêu thương của Thiên Chúa, họ dễ thay lòng đổi dạ, tử bỏ Thiên Chúa, chạy theo
các thần minh và lối sống dân ngoại. Vậy mà Thiên Chúa vẫn trung thành, Ngài vẫn
một mực yêu thương và tha thứ cho họ.
Câu chuyện sách Giôsuê kể lại
cách bình dân cho thấy Thiên Chúa như người cha trong gia đình, vui và hạnh
phúc vì mình đã làm tất cả mọi sự có thể cho con, và giờ đây lại vui và hạnh
phúc khi thấy con cái đoàn tụ xum vầy. Khi nhìn thấy con cái vui và hạnh phúc,
cha mẹ có thể quên tất cả nhọc nhằn, đau khổ các Ngài đã trải qua. Có thể nói
chỉ những ai đã làm cha mẹ mới có thể hình dung được niềm vui này của Thiên
Chúa: Khi Israel đã vào Đất Hứa, Thiên Chúa đã tuyên bố: “Hôm nay, Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập”.
Con cái Israel đã thể hiện niềm vui
như những đứa con xum họp nô đùa trước mặt cha mẹ mình. Chúng cảm thấy được an
toàn khi có sự hiện diện của cha mẹ. Sách Giôsuê kể: Ngay khi vào đến Đất Hứa,
dân Do Thái đã cử hành đại lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu
thương và ơn giải thoát Thiên Chúa đã làm cho họ. Cũng từ đại lễ này đánh dấu
ngày chấm dứt việc Chúa cho Manna từ trên trời rơi xuống, thay vào đó, Chúa cho
họ được hưởng dùng thổ sản ngay trên mảnh đất mới này.
Nếu như câu chuyện sách Giôsuê kể
lại niềm vui của dân tộc Israel trong ngày trở về quê cha đất tổ, và niềm vui của
Thiên Chúa là Cha khi thấy con cái hạnh phúc, thì bài Tin Mừng nói đến niềm vui
của người cha trong ngày những đứa con hư hỏng trở về. Nhìn vào gia đình trong
câu chuyện vừa nghe, chúng ta thấy đây quả là một gia đình đau khổ. Chắc chắn
gia đình này không nghèo về vật chất, vì người cha có nhiều tiền của để chia
cho các con, có đầy tớ, người làm đông đúc, chứng tỏ ruộng đất cũng rất nhiều.
Nhưng người cha này lại hết sức đau khổ vì những đứa con.
Nỗi khổ đầu tiên của ông là đứa
con thứ, nó quậy phá gia đình, đòi chia tiền của, gia tài, nó bỏ nhà ra đi và
phung phí hết tiền của của cha. Cách nó sống và đối xử với ông còn tệ hơn nữa,
nó không quan tâm đến người cha, nó chỉ mong cho cha nó chết để nó được tự do
bay nhảy và được thêm nhiều của hồi môn. Chúng ta cứ thử đặt trường hợp đó là
thằng con trai trong gia đình mình, thì sẽ hình dung ra nỗi khổ tâm của người
cha lớn lao biết là chừng nào. Ông héo hắt đêm ngày, mất ăn mất ngủ vì thương
nó, vì thấy nó sa đà với bạn xấu và tương lai của nó sẽ rất là đen tối, nhưng
dường như nó đã vuột khỏi tầm tay của ông, ông chỉ còn biết hy vọng đợi chờ.
Nỗi khổ thứ hai của gia đình này
là đứa con cả. Nó là trai trưởng trong gia đình mà nó đối xử với ông như người
dưng nước lã. Nó làm việc trong nhà không phải vì ý thức nhà là nhà của nó, là
gia tài của nó, nên nó sống và làm việc không khác những kẻ đầy tớ. Khi nói
chuyện với người cha, nó vùng vằng hằn học, nó tính toán hơn thiệt với cha: “Cha coi, đã bao năm tôi hầu hạ cha không hề
trái lệnh, nhưng chưa bao giờ cha cho tôi được một con dê nhỏ để nhậu với chúng
bạn”. Điều đó chứng tỏ nó coi trọng con dê hơn tình nghĩa, coi trong bạn bè
hơn gia đình và hơn cả người cha. Một đứa con trưởng là niềm hy vọng của cả gia
đình, gia tộc, giờ đây nó sống trong nhà mà như người ngoài, nó sống gần cha mà
lòng đã đi xa. Có nỗi đau khổ nào hơn nỗi đau khổ này của người cha trong câu
chuyện.
Người cha này không chỉ đau khổ
vì con cái hư hỏng mà còn vì chúng xâu xé, bất hòa với nhau. Gia đình chỉ có
hai anh em, vậy mà do ghen tị, chúng không nhìn mặt nhau. Có lẽ, đây cũng là một
trong những lý do khiến cho đứa em bỏ nhà ra đi, vì nó ở trong nhà nhưng không cảm
nhận được tình huynh đệ và vì nó không chịu nổi ánh mắt khinh bỉ của người anh.
Chính người anh trong câu chuyện đã nói lên điều đó khi anh trả lời với cha: “Còn thằng con của cha kia, sau khi phung
phí tài sản với bọn điếm, nay trở về, cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng”.
Trong mắt của người con cả, đứa em dường như không có liên hệ máu thịt gì với
anh, nó chỉ là con của bố anh, một đứa ăn chơi đàng điếm. Vì vậy, anh không buồn
nói chuyện với nó cũng như không muốn nhìn mặt nó.
Trải qua nỗi đau khổ dày vò trong
đời sống gia đình như thế, người cha không nóng nảy chửi bới, trái lại ông vẫn
lấy tình thương, sự tha thứ và kiên nhẫn để đón nhận lại hai đứa con và để hòa
giải chúng với nhau. Ông đã vô cùng vui mừng khi đứa con thứ trở về, đã quên cả
tuổi già của ông, ngày ngày ông tựa cửa đợi con. Khi thấy nó từ xa, ông không
ngần ngại chạy ra ôm chầm lấy nó và cũng không quan tâm đến tình trạng hôi hám
và những lời xin lỗi của nó. Trông thấy nó trở về là tình phụ tử của ông đã phủ
lấp tất cả, đã tha thứ tất cả, bất kể nó về vì lý do gì và dù nó như thế nào,
nó vẫn là con ông. Ông tuyên bố: “Chúng
ta phải ăn mừng vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Cũng vậy, trong lúc mọi người vui
mừng thì ông lại phải bước ra ngoài để tìm đứa con cả, vì nó dằn dỗi không chịu
vào nhà. Ông tìm nó, ông xin nó, năn nỉ mời nó vào nhà để chung hưởng niềm vui
với mọi người trong ngày đứa con thứ trở về. Ông nói với nó: “Con à, con luôn ở với cha, tất cả những gì
của cha đều là của con”. Ông cho nó thấy rằng, dù lòng nó xa ông cũng không
khác gì đứa em, nhưng ông vẫn không xa nó, dù nó không thương ông, nhưng ông vẫn
thương nó và em nó. Ông cố gắng để giải thích cho nó nhận ra niềm vui ngày em
nó trở về, ông giúp nó gạt bỏ sự ganh tị thù hằn, làm hòa với em, đón nhận người
em vì: “Chúng ta phải ăn mừng, vì em con
đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Thưa quý OBACE, không niềm vui
nào lớn hơn niềm vui tìm lại được cái mình đã mất, đặc biệt của bị mất lại là
chính đứa con của mình, hạnh phúc gia đình của mình. Chúng ta là con cái trong
gia đình, có Thiên Chúa là cha. Có thể chúng ta cũng giống như hai đứa con
trong câu chuyện, đã tìm cách ra khỏi nhà Cha của mình, hoặc dù còn ở trong nhà
nhưng hồn đã ra ngoài. Thiên Chúa yêu thương, Ngài vẫn đợi chờ chúng ta trở về
với Ngài, Ngài sẵn sàng chạy ra để ôm chúng ta vào lòng, Ngài không quan tâm đến
quá khứ của ta đã gây ra, Ngài chỉ muốn nói lời yêu thương và tha thứ cho ta mà
thôi. Có thể chúng ta sống với Chúa cách dửng dưng vô hồn, không nhận ra rằng mọi
sự chúng ta đang có, đang được, là của Chúa ban, nên chúng ta nghĩ mình như một
kẻ làm công kiếm tiền của Chúa. Có khi chúng ta cũng kể lể tính toán thiệt hơn
với chúa, vì ghen tị với người bên cạnh, ta than trách Chúa và không nhìn nhận
anh chị em chung quanh. Thiên Chúa muốn chúng ta trở về, bước vào nhà Chúa, để
cảm nhận được tình thương của Chúa, sống tình huynh đệ, cùng dự tiệc chung vui
với Chúa, đừng hờ hững với Chúa nữa.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các
gia đình, nhất là những cha mẹ đang đau khổ vì con cái, biết tin tưởng vào
Thiên Chúa, tìm đến với Chúa trong cầu nguyện và thánh lễ để được an ủi, nâng đỡ,
hướng dẫn. Xin cho các bậc cha mẹ biết nhìn
vào người cha trong câu chuyện để sống quảng đại và tha thứ cho con cái và tha
thứ cho nhau, nỗ lực, chủ động bước đến với nhau, lắng nghe, thấu hiểu, cảm
thông và đón nhận nhau, nhờ đó gia đình tìm lại được niềm vui như gia đình
trong dụ ngôn Chúa kể hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí