Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Chay
PHỤC VỤ và HY SINH
Lời Chúa: Mt 20: 17-28
(17) Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình,
và dọc đường, Người nói với các ông: (18) "Này chúng ta lên
Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án
tử hình Người, (19) sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn
và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy".
(20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà
đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà:
"Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một
người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy". (22)
Ðức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống
nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi". (23)
Ðức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu
hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì
kẻ ấy mới được".
(24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25)
Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì
lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26)
Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm
đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người
ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn
người".
Suy
Niệm
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ
anh em” (Mt 20,26).
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu
loan báo lần thứ ba về cuộc thương khó và tử nạn của Người. Bên cạnh đó, các môn đệ cũng
được loan báo rằng chính các ông, là môn đệ của Chúa,
cũng phải chịu những thương khó.
Chén ám chỉ cuộc thương khó của Chúa
Giêsu. Như vậy, uống chén đắng của Thầy là các môn đệ cũng tham dự vào cuộc thương khó và sự
sống lại của chính Đức Giêsu. Cho nên, sứ vụ của người môn đệ chân chính không
thể tách rời mầu nhiệm Thập giá ra khỏi Chúa Giêsu Kitô. Những đau khổ và hy
sinh, chỉ có ý nghĩa khi những hy sinh và đau khổ vì Chúa và cho Chúa trong đời
sống hằng ngày.
Ðức cố Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận đã giải thích thêm kinh nghiệm thiêng liêng này như sau: “Ai cũng kính trọng những người được in năm dấu
thánh, nhưng ai cũng sợ Chúa in năm dấu thánh trên mình bằng hy sinh” (Ðường Hy Vọng 152). Ngài nói tiếp: “Ai chưa bỏ mình vác
thánh giá thì chưa theo Thầy được. Đó là điều kiện tiên quyết” (Đường Hy Vọng 157).
Hy sinh cho Chúa được khởi đi bằng những việc bình
thường và đơn giản. Với cố Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê, dịp hy sinh cho Chúa khi
con tươi cười với một người nói móc họng con, thinh lặng trước một vụ vu cáo bất công, yêu thương một người bạn phản bội, không nói một lời hóc búa trả đũa,… (Đường Hy Vọng 153). Mọi
giây phút đều có dịp hy sinh cho mỗi chúng ta. Phục vụ người khác cũng là một trong cách hy sinh cho Chúa.
Lạy Chúa, tất cả chúng con được mời gọi trở thành những môn để theo Ngài
trên con đường Thập giá. Xin Chúa đồng hành và nâng đỡ chúng con trên hành
trình theo Ngài. Xin hướng lòng chúng con biết hy sinh phục người khác cho Chúa
và vì Chúa, đặc biệt trong mùa chay thánh này.
Bertrand Nguyễn
Thanh Hoài, FSF.