Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần II
Mùa Chay
HÃY CÓ LÒNG NHÂN
TỪ
LỜI CHÚA: Lc 6, 36-38
36 Khi ấy, Đức
Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là
Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị
Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh
em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa
cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà
đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại
cho anh em bằng đấu ấy”.
SUY NIỆM:
Phẩm hạnh của một người luôn lấy đức Nhân làm gốc. Người
có đức nhân thì sống vui vẻ hòa nhã, họ biết đặt lợi ích chung lên trên và mong
muốn làm điều tốt cho người khác. Trong gia đình, đức nhân thể hiện ra bằng
thái độ kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận, xóm giềng thân thiết. Ngoài xã
hội, đức nhân thể hiện ở việc tuân thủ các luật lệ, giữ công bằng và không gây
thiệt hại cho người khác.
Một kiếp làm
người thành người đã khó
Đâu dám mong
cõi thánh phi thường
Xin lạy tạ
trần gian khốn khổ
Biết bao giờ
hết hoạn nạn tai ương.
Một kiếp làm người, không đi, cũng mỏi
Chữ nhân thường viết mãi vẫn run tay
Môi bập bẹ, sợ lời mình lầm lỗi
Làm sao đương những đại sự cao dày?
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Con người – hai tiếng
thiêng liêng đã khơi lên trong tôi biết bao suy nghĩ. Tôi yêu con người vì con
người là hình ảnh Thiên Chúa. Cái hình ảnh mảnh mai ẻo lả như cánh vạc bay, mờ ảo
như diễm xưa ấy, hay vóc dáng đĩnh đạc cường tráng...Tất thảy đều âm vang một
tiếng gọi của tình yêu, một tiếng gọi không ồn ào nhưng hiền hòa lặng lẽ, chân
thật và mộc mạc như đất dưới chân ta. Dù có lên non cao chất ngất hay chìm sâu
dưới đáy biển, hình ảnh ấy vẫn nguyên vẹn tinh khôi.
Ngay ở buổi đầu sáng tạo,
Thiên Chúa đã ưu ái chúc phúc cho con người, Ngài đặt vào trái tim họ khát vọng
được sống và được yêu thương. Vì thế dù có đi xa mấy mươi năm, mấy mươi nghìn vạn
dặm, con người vẫn cứ mỏi mòn mong ngày trở về bờ xưa bến cũ để được làm người
được đắm chìm trong nguồn cội khôn nguôi. Nguồn cội ấy chính là Thiên Chúa.
Tất cả con người đều tội
luỵ nhưng cao quý, vì tất cả đều được yêu thương và cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và
phục sinh của Đức Kitô. Không phải chỉ có con người mà “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa
mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19).
Đức Giêsu,
Con Thiên Chúa đã bỏ mình hóa ra như không vì con người. Con Thiên Chúa đã đến
mang lấy cái mong manh, khờ khạo tội lụy của con người mà giương cao lên thập
giá, giương cao tất cả nước mắt, nụ cười, ngu muội lẫn khổ đau để biến thành
ánh sáng lung linh diệu vợi. Giây phút Đức Kitô căng mình trên thập giá là giây
phút đẹp nhất và tràn ngập niềm vui. Chỉ trong giờ phút linh thiêng ấy con người
và vạn vật mới thấu hiểu được lẽ của yêu thương. Có thể nói khi ta đau khổ nhất là lúc ta hạnh phúc nhất, yêu thương chân thật
nhất. Hy sinh là dấu chỉ và thước đo của tình yêu. Ai đã từng khổ tận trong
tình yêu, có đạt đạo trong nỗi khổ mới thể nghiệm được giá trị làm người và mới
lớn lên thực sự thành người.
Người Kitô hữu được mời gọi
sống yêu thương bằng chính trái tim và ánh mắt của Chúa Giêsu. Yêu với một tình
yêu sâu sắc như mẹ yêu con, yêu đến cùng tận của bản ngã. Hệ luận của yêu
thương là ta được giải thoát, được tự do giữa đất trời mênh mang. Đức Kitô đã từng
khẳng định “Chân Lý sẽ giải thoát
anh em” (Ga 8,32) là thế. Yêu thương luôn mở lối cho sự sống, sự sáng tạo mới.
Trong yêu thương người ta mới dám ngước nhìn lên Thiên Chúa mà xóa đi mặc cảm tội
lỗi, dám xưng với Thiên Chúa là Cha.
Con người là con đường của
Giáo Hội. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và
lo lắng của con người ngày nay nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng
là vui mừng và hy vọng ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô và không có
gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”(GS,
1). Mọi nỗ lực và hoạt động của Giáo hội đều nhằm xây dựng hạnh phúc cho con
người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đòi hỏi
chúng ta phải vượt lên trên cách ứng xử của xã hội loài người mà vươn tới sự
hoàn thiện đó là phải có lòng “Nhân Từ” như Thiên Chúa là Đấng rất mực nhân từ.
Chúa Giêsu giải thích thêm, lòng nhân từ đó thể hiện qua thái độ không xét đoán
người khác. Hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ
tha. Hãy cho thì sẽ được cho lại với những đấu ân sủng đầy tràn.
Nội dung trong từng câu có ý tưởng song đối cân xứng chắc
chắn như một chân lý, như khuôn vàng thước ngọc dành cho người môn đệ trong
cách đối nhân xử thế. Thái độ cần phải có: “Hãy
có lòng nhân từ. Hãy tha thứ. Hãy cho đi”. Thái độ phải tránh đó là “Đừng xét đoán. Đừng lên án”.
Thiên Chúa sẽ trả cho ta tất cả những gì ta đã làm cho
người khác. Vì thế những gì chúng ta muốn Thiên Chúa thực hiện thì trước hết
chúng ta phải làm cho người khác trước. Khi ta xét đoán và lên án người khác là
ta đã đặt mình lên trên họ như một vị quan tòa. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét
đoán, còn chúng ta là phàm nhân cũng đầy lầm lỗi yếu đuối nên không được xét
đoán tha nhân.
Lòng nhân từ còn mời gọi chúng ta tha thứ cho người khác
vì chính chúng ta cũng cần được Thiên Chúa thứ tha. Không ai trong chúng ta là
người trong sạch ngoại trừ Thiên Chúa. Tội nguyên tổ đã di căn trên chúng ta
khiến chúng ta phải đau khổ và phải chết. Chỉ có ơn công chính của Thiên Chúa mới
rửa sạch mọi tội lỗi của nhân loại. Vì thế muốn được Thiên Chúa tha thứ chính
chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Ơn tha thứ đến từ Thiên Chúa nhưng nó chỉ
được thực hiện khi chúng ta mở lòng đón nhận và tha thứ cho người khác. Quả thực,
lòng quảng đại của Thiên Chúa không bao giờ vơi cạn nếu chúng ta biết khiêm tốn
cầu xin. Việc thi hành lòng nhân từ còn là thái độ chia sẻ với tha nhân. Chia sẻ
không làm chúng ta hao mòn mất mát nhưng để được phong phú hóa, được lớn lên
trong ân sủng và tình yêu.
Ở một khía cạnh khác, lòng nhân từ còn được gọi là đức Mến,
đây là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Giáo hội dạy chúng ta một điều răn
quan trọng nhất đó là mến Chúa yêu người. Chúng ta phải kính mến Thiên Chúa vì
Người là Đấng quyền năng đã tạo thành trời đất muôn vật. Người đã cho Con Một
là Đức Giêsu sinh xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta
phải yêu mến mọi người vì họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, là đối tượng
được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.
Như
vậy, yêu mến tha nhân là thước đo lòng kính mến Thiên Chúa, vì như thánh Gioan
đã khẳng định: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em
mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông
thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Đức mến là cái gốc của mọi nhân đức. Nếu một
người làm được những việc phi thường trong thiên hạ mà không có đức mến thì những
việc đó chỉ vô ích, đó chỉ là nhà ảo thuật.
Lạy
Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con vui bước trên
con đường của Chúa với tất cả niềm hăng say yêu mến, để chúng con ra đi loan báo
tình yêu và ơn cứu độ của Chúa cho mọi người. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP