Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C

CÁM DỖ SỐNG THEO LỐI SỐNG NGƯỜI ĐỜI

CN I MC C.jpg

Trong mấy tuần lễ vừa qua, cư dân trên mạng quan tâm theo dõi phiên tòa xử vụ ly hôn của ông vua cà phê Trung Nguyên. Mạng thông tin nóng lên không phải vì việc tranh chấp phân chia khối tài sản ngàn tỉ của tập đoàn Trung Nguyên, nhưng vì những câu nói trở thành một lời day dứt nuối tiếc của ông chủ tập đoàn này. Trong phần tranh luận, ông rút ra nhận định: “Con người cần phải có lương tâm, lương tri. Thiếu cái đó không còn phải là con người nữa”. Khi nói về gia đình, ông chua xót thốt lên: “Tiền nhiều để làm gì? Giành tiền và giành quyền để làm gì mà giờ đây phải đưa nhau ra tòa nhục nhã đau đớn như thế này?”. Chúng ta không nói đến việc ai đúng ai sai, nhưng chúng ta rút ra được một điều: giàu có, nhiều tiền bạc, chưa chắc đã hạnh phúc. Tiền bạc tuy cần nhưng nó không đem lại hạnh phúc và cũng không có khả năng bảo vệ hạnh phúc gia đình. Song; tiền bạc, quyền lực lại có sức hút mãnh liệt, là những cám dỗ vô cùng mạnh mẽ trong đời sống con người và nó có thể biến con người trở nên thù nghịch với nhau, khiến gia đình tan vỡ.

Tin Mừng chúa nhật I Mùa Chay cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của cơn cám dỗ về tiền bạc, quyền lực và danh vọng, vì nó mà nhiều người đi sai đường lạc lối, đánh mất mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của mình. Tin Mừng cũng cho chúng ta mẫu gương của Chúa Giêsu chống trả lại với những cơn cám dỗ này. Thánh Luca cho thấy, Chúa Giêsu khi mang thân phận con người đến thế gian, Ngài cũng phải chọn lựa một con đường để thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại. Con đường Chúa Giêsu chọn là con đường Chúa Cha muốn. Vì thế, Chúa Giêsu luôn để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Vì chỉ khi ngoan ngoãn bước theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, ta mới có thể đi đúng con đường của Thiên Chúa được: “Ngay sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần... Suốt bốn mươi ngày Ngài được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ”. Có thể nói Thánh Luca còn muốn nói rằng chính Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu đi qua cơn cám dỗ của Satan.

Thấy Chúa Giêsu đói, ma quỷ cám dỗ Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa bánh đi”. Cám dỗ này không chỉ đơn thuần là nhắm vào cơn đói của Chúa Giêsu, mà qua đó, nó còn cám dỗ Chúa Giêsu tìm kiếm vật chất để đáp ứng nhu cầu bản thân và là thứ sẽ sai khiến được nhiều người. Nó muốn Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài để tạo ra vật chất, giải quyết cái bụng hơn là giải quyết vấn đề về phần linh hồn; hơn nữa khi có nhiều của cải vật chất sẽ trở thành kẻ thống lĩnh sai khiến được thiên hạ. Chúa Giêsu đã dùng lời kinh Thánh để chống trả cám dỗ này: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Tin Mừng Luca chỉ kể vắn gọn như thế để ta có thể hiểu rộng rằng: Con người không sống theo bản năng như một con vật, không chỉ thỏa mãn cái bụng, nhưng con người còn phải sống đời sống thiêng liêng, tinh thần và của ăn để nuôi sống linh hồn còn quan trọng hơn của ăn nuôi sống thể xác. Vật chất là cái cần cho cuộc sống nhưng Chúa Giêsu cho thấy con người phải dám vượt lên trên sự ràng buộc và sức hút của vật chất, thì mới có thể hướng lòng và cuộc đời lên Chúa được.

Thất bại tại cuộc đấu trí thứ nhất, ma quỷ bày ra cám dỗ thứ hai: “Ma quỷ đem Ngài lên nơi cao trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả thiên hạ, rồi nói: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này... Nếu ông bái lậy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Ma quỷ đã dùng danh vọng và quyền lực để cám dỗ Chúa Giêsu, nó muốn Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài để phục vụ cho quyền lợi và địa vị cá nhân, thu phục nhân loại không phải bằng tình yêu thương mà bằng quyền lực cai trị và bằng sức mạnh. Cám dỗ thống trị người khác, bắt mọi người phải phục tùng mình là cám dỗ triền miên. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu đánh đổi quyền năng của Thiên Chúa để lấy quyền lực thống trị thiên hạ và kèm theo bổng lộc, bằng việc bái lạy nó. Cám dỗ này hết sức tinh vi và nguy hiểm, vì khi chấp nhận việc đánh đổi này thì đồng nghĩa là đánh đổi Thiên Chúa để chọn quyền lực thế gian. Chúa Giêsu đã hết sức tỉnh táo trước cám dỗ nguy hiểm này, Ngài đã cảnh cáo ma quỷ: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Đức Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi”. Qua câu trả lời lời này, Chúa Giêsu cho thấy phải dành cho Thiên Chúa một vị trí cao trọng nhất không thể thay thế và phải dành cho Ngài việc thờ phượng tuyệt đối, quyền ưu tiên trên hết mọi vật mọi loài. Mặc dù là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu luôn thể hiện tâm tình của một người con thảo đối với Chúa Cha và vâng phục Cha như một Tôi Tớ trung thành.

Nếu như hai cám dỗ trên ma quỷ nhắm vào sự ham muốn vật chất, địa vị và quyền lực trần gian, thì cám dỗ tiếp theo ma quỷ nhắm vào đời sống đức tin. “Ma quỷ đem Chúa Giêsu lên nóc đền thờ Giêrusalem và nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi... vì Thiên Chúa sẽ cho thiên sứ gìn giữ ông”. Cám dỗ này là cám dỗ ỷ nại vào Thiên Chúa, đòi buộc Thiên Chúa phải làm phép lạ, tự gieo mình vào khó khăn để thử thách Thiên Chúa. Với cám dỗ này, ma quỷ muốn gieo sự hồ nghi vào Chúa Giêsu vì nghĩ rằng: Với sứ mạng cứu thế bằng con đường thập giá thì Thiên Chúa có còn ở với mình không? Khi mình gặp đau khổ, Thiên Chúa có ra tay bênh vực không? Chúa Giêsu đã đáp trả lại cơn cám dỗ này bằng lời Kinh Thánh: “Ngươi đừng thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã dùng Lời Chúa để đương đầu với các cơn cám dỗ của ma quỷ. Vì lời của Chúa là sức mạnh nâng đỡ, hướng dẫn cho sứ mạng cứu thế của Ngài và cũng là sức mạnh đập tan các mưu chước ma quỷ cám dỗ. Ma quỷ muốn Chúa Giêsu chọn cho mình một con đường riêng không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, chọn cứu chuộc nhân loại bằng những phương thế của nhân loại. Nhưng Chúa Giêsu đã không để cho ma quỷ làm lung lạc ý chí và quyết tâm của Ngài là vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, cứu chuộc nhân loại bằng con đường hy sinh thập giá. Chúa Giêsu đã dùng chính Lời của Chúa làm vũ khí chống lại cám dỗ và khiến cho ma quỷ phải bỏ đi sau khi đã tìm đủ mọi phương cách để cám dỗ Người.

Ma quỷ đang tiếp tục dụ dỗ và tấn cống con cái Chúa ngày nay, nó cũng dùng vật chất tiền bạc để lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Ma quỷ tô vẽ cho chúng ta những hình ảnh hào nhoáng và sức mạnh của vật chất để dụ dỗ con người, khiến cho nhiều người đã đánh đổi Thiên Chúa để lao vào tìm kiếm vật chất, làm giàu. Nhiều người khi đã nhiều tiền của, thì lại biến tiền của thành thiên chúa của mình, để mình làm nô lệ cho nó. Ma quỷ cũng đang nói với nhiều người rằng: Có thực mới vực được đạo, ông bà cần phải làm cho gia đình và cuộc sống của mình sung túc trước đã, thì mới có thể lo việc đạo được. Những lời cám dỗ tưởng như hợp ý đó, đang khiến nhiều người đặt sai mục tiêu đời mình, thay vì tìm kiếm Thiên Chúa, họ lại chỉ tìm kiếm tiền của, thay vì tìm kiếm phần rỗi linh hồn thì họ tìm thỏa mãn vật chất. Họ đặt Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu và coi việc đạo đức trở thành không quan trọng. Cám dỗ về quyền lực và địa vị cũng đang là sự hấp dẫn với nhiều người. Ma quỷ thúc đẩy người ta giành địa vị và thể hiện quyền lực của mình từ những việc nhỏ trong gia đình. Vì thế khiến cho vợ chồng muốn thống trị nhau không còn tình yêu thương và sự phục vụ. Cám dỗ này cũng được thể hiện nơi cộng đoàn và các hội đoàn, khi mỗi thành viên đều muốn tự khẳng định mình, gây uy thế trong cộng đoàn bằng những việc kèn cựa, nói xấu nhau. Nhất là cám dỗ này thể hiện nơi những người đang nắm quyền cai trị, biến họ thành những kẻ độc đoán, độc tài và sẵn sàng thủ tiêu giết chóc người khác để thể hiện địa vị và quyền lực của mình.

Ngày nay ma quỷ vẫn cám dỗ con người thử thách Thiên Chúa cách tinh vi. Với cám dỗ này, ma quỷ có thể nhử mồi tất cả mọi người từ những người đạo đức đến người khô khan, từ linh mục tu sĩ đến giáo dân, từ người giàu đến người nghèo. Các linh mục bị cám dỗ coi mình là người thánh thiện, là thánh sống, có khả năng xin gì được nấy, khấn gì cũng được Chúa nhận lời và thậm chí có thể ép Thiên Chúa nhận lời. Nó cám dỗ người tín hữu năng cầu khẩn Thiên Chúa và nếu chưa được Thiên Chúa nhận lời thì nó cám dỗ người ấy thất vọng không tin vào Thiên Chúa nữa. Nó cám dỗ người giàu cậy dựa vào sức mình, vào tiền bạc mà không cần đến Thiên Chúa và nó cám dỗ người nghèo buông xuôi, vì nghĩ rằng có cầu nguyện nhiều cũng không giàu lên được.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng vào Chúa, tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ của ma quỷ. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy sau Lễ Tro- Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Sau Lễ Tro- MM Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Sau Lễ Tro_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Đêm Vọng Phục Sinh_Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng. OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần Thánh- Nt. Maria Anh Thư, OP