Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh
Thánh Lễ Tiệc Ly
«Người yêu thương họ đến cùng »
Rửa Chân và Thánh Thể
Lời Chúa: Ga 13, 1-15
(1) Trước lễ Vượt
Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng.
(2) Trong bữa
ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức
Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong
tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4)
nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt
lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các
môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người
đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại
rửa chân cho con sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy
làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông
Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu
đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng
được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa:
"Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con
nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không
cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch,
nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ
nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".
(12) Khi rửa
chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có
hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là
'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14)
Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng
phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em
cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Suy Niệm:
1. Đức Giê-su rửa chân (c. 1-5)
a. Rửa chân và bí tích
Thánh Thể
b. Rửa chân và hành vi phản bội
c. Chiêm ngắm Đức Giê-su rửa chân
2. Không hiểu (c. 6-11)
3. Đức Giê-su giải thích
hành vi rửa chân (c. 12-15)
* * *
Như cách chúng ta phân đoạn trình thuật Tin Mừng của
thánh Gioan về việc Đức Giê-su rửa chân cho các tông đồ trong bữa ăn, phần
trung tâm nói về sự không hiểu (c. 6-11), không hiểu của ông Phê-rô, của các
tông đồ, của loài người và của từng người chúng ta thuộc mọi thời. Như chính
Người nói :
Việc Thầy làm, bây giờ anh
chưa hiểu”…(c.
7)
Thật vậy, Đức Giê-su rửa
chân cho các các môn đệ trong bối cảnh, Người “biết giờ của Người đã đến, giờ
phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về
mình còn ở thế gian, và Người yêu thương
họ đến cùng… (Người) bắt đầu rửa chân cho các môn đệ” (c. 1-5).
Đức Giê-su từ cung lòng
của Thiên Chúa Cha, sinh ra trong thế giới của chúng ta bởi quyền năng của
Thánh Thần, và từ thế giới của chúng ta, Người về với Chúa Cha, sứ mạng của
Người là bày tỏ “tình yêu đến cùng” của Ba Ngôi Thiên Chúa cho loài người và
cho từng người. Như thế, hành vi “rửa chân” của Đức Giê-su hướng tới mầu nhiệm
Vượt Qua, để diễn tả mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.
Vậy, khi chiêm ngắm “mầu
nhiệm rửa chân”, như cách nói của truyền thông thiêng liêng trong Giáo Hội, xin
Chúa ban cho chúng ta ơn nhận ra điều Chúa muốn thông truyền cho chúng ta,
chính là tình yêu đến cùng và sự sống viễn mãn của Người, và để cho con tim của
chúng ta được chinh phục hôm nay, suốt đời và mãi mãi; như Người nói với thánh
Phê-rô:
Nếu Thầy không rửa cho anh,
anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy. (c. 8)
1. Đức Giê-su rửa chân (c. 1-5)
a. Rửa chân và bí tích
Thánh Thể
Tại
sao thánh sử Gioan không tường thuật biến cố Đức Giê-su lập
bí tích Thánh Thể ? Có thể là vì ba Tin Mừng nhất lãm đã tường thuật rồi,
nên thánh Gioan cảm thấy không cần phải nhắc lại, nhưng muốn làm bật lên ý
nghĩa « hiện sinh » của mầu nhiệm Thánh Thể, nghĩa là Giáo Hội được
mời gọi không chỉ cử hành, nhưng còn sống mầu nhiệm Thánh Thể ; hay đúng
hơn, cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể phải là hai chiều kích hướng về nhau
trong cùng một hành trình đi theo Đức Ki-tô trong cuộc sống. Hơn nữa, đối với
thánh Gioan, lòng ước ao trao ban chính mình như là của ăn và của uống, đã có
từ rất sớm và đã được Chúa bày tỏ rồi (x. Ga 6).
Như thế, thay vì chỉ hiểu
hành vi rửa chân như là một bài học thực hành, một gương mẫu, về việc phục vụ
khiêm tốn, chúng ta được mời gọi hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thánh
Thể :
Mc 14, 22
|
Ga 13, 4-5
|
Cũng đang bữa ăn,
Đức Giêsu cầm lấy bánh,
dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông
và nói: « Anh em hãy
cầm lấy, đây là mình Thầy »
|
Trong một bữa ăn,
Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy
khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu,
bắt đầu rửa chân cho các môn đệ …
|
So
sánh hai trình thuật, chúng ta có thể nhận ra rằng hành vi rửa chân cho các môn
đệ mang tầm mức Thánh Thể : một bên, Đức Giêsu trở nên của ăn, một bên,
Ngài trở nên người tôi tớ phục vụ bàn ăn. Cả hai đều là hành vi trao ban chính ngôi
vị : một đàng là sự sống, một đàng là danh dự. Cả hai cử chỉ đều diễn tả
tình yêu tuyệt đỉnh : « Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở
thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng » (c. 1). Chính vì thế mà, Đức
Giêsu nói với Phêrô : « việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng
sau này anh sẽ hiểu ».
Như thế, cũng như mầu
nhiệm Thánh Thể, hành vi rửa chân muốn diễn tả tình yêu đến cùng của Đức Giê-su
dành cho các môn đệ. Tuy nhiên, như chính hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành vi
rửa chân, Đức Giê-su làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch tận căn, làm cho
chúng ta nên công chính tận căn, bằng chính ngôi vị của Ngài, bằng sự sống của
Ngài, bằng máu của Ngài.
b. Rửa chân” và hành vi
phản bội
“Trình thuật rửa chân” của
Tin Mừng theo thánh Gioan được đánh dấu rõ nét bởi hành vi phản bội: ở phần đầu
(c. 2), phần cuối (c 18) và phần giữa (c. 11).
Ø “Ma quỉ đã gieo vào lòng
Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
Ø “Người biết ai sẽ nộp
Người” (c. 11), trong lời tường thuật này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn
như là tác nhân.
Ø “Nhưng phải ứng nghiệm lời
Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c.
18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn
trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, bản chất đích
thực của hành vi phản bội phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với
Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là Satan, không những không ngăn cản được
tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và
đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng
người chúng ta.
c. Chiêm ngắm Đức
Giê-su rửa chân
Vậy, chúng ta hãy dừng lại
thật lâu để chiêm ngắm Đức Giê-su rửa chân: Nhìn Đức Giê-su và từng người; lắng
nghe sự thinh lặng và tiếng nói nội tâm; quan sát cử chỉ rửa chân và phản ứng
của từng người. Và nếu Đức Giê-su rửa chân cho tôi thì sao?
Chúa muốn nói gì với chúng
ta ngang qua hành vi rửa chân? “Đôi chân” của chúng ta ở vị trí nào trong cơ
thể, sạch đẹp ra sao, dùng để làm gì, nói lên điều gì, mang những ý nghĩa nào?
(thấp nhất, bẩn nhất, hay đi “lung tung”, mang nhiều dấu ấn và dấu vết cuộc đời
nhất…). Ngài không nói, nhưng chúng ta có nghe tiếng lòng của Ngài không, nghe
được tiếng lòng của các môn đệ không? Không có mùi thơm của nước hoa (ngược lại
là mùi hôi chân!), nhưng chúng ta có ngửi ra được mùi thơm tình yêu cho đi đến
cùng và một cách nhưng không của Đức Giê-su không? Chúng ta có nếm được sự ngọt
ngào của tình yêu này không? Đức Giê-su đụng đến chân của các tông đồ: lòng của
ngài xúc động thế nào, lòng các môn đệ và lòng chúng ta có xao động không?
Chúng ta có kinh nghiệm được Chúa “rửa chân” chưa?
Đặc biệt là Ngài rửa chân
cho từng người (chứ không phải, Ngài rửa chân cho một môn đệ, rồi môn đệ này
rửa chân cho môn đệ kia). Ngài tự làm lấy tất cả. Hành vi này tương ứng với
hành vi trao “bánh” cho các môn đệ trong các trình thuật Nhất Lãm. Qua hành vi
này, Ngài ước ao chia sẻ chính ngôi vị của Ngài và những gì thuộc về Ngài, như
Ngài sẽ nói với tông đồ: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, Ngài nói với Phêrô,
anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8). Chứ không phải chỉ là làm mẫu
cho chúng ta bắt chước. Chúng ta đừng quên ánh mắt và tâm tình của các môn đệ.
2. Không hiểu (c. 6-11)
Không có tông đồ nào phản
ứng, chỉ có một mình tông đồ Phêrô thôi. Thật đáng khâm phục ! Vì không thể để
cho Thầy của mình, Chúa của mình cúi xuống rửa chân cho mình được. Chúng ta hãy
lắng nghe cuộc đối thoại giữa ông Phê-rô và Đức Giê-su: “Thầy mà rửa chân cho
con sao?” Trong câu trả lời, Đức Giêsu nói rằng: “việc Thầy làm, bây giờ anh
chưa hiểu”. Thật lạ lùng, đồng thời cũng diễn tả tình yêu đến cùng của Người:
ông chưa hiểu, nhưng Ngài vẫn cứ rửa, vẫn cứ trao ban; như hàng ngày Đức Giêsu
vẫn cứ rửa cho chúng ta qua rất nhiều ân huệ, nhất là qua Mình và Máu Ngài, cho
dù chúng ta không hiểu, hay đúng hơn, không thèm hiểu. Đó là bởi vì, Ngài hi
vọng rằng, có một ngày “đẹp trời” nào đó, chúng ta sẽ hiểu ra. Ngoài ra, nơi
Phê-rô và các môn đệ, không chỉ có vấn đề không hiểu, nhưng còn có vấn đề chưa
hoàn hảo. Ngài vẫn “rửa chân” cho chúng ta, trong bí tích Thánh
Thể, như thế
đó. Bởi vì ơn huệ ở ngọn nguồn, luôn luôn là ơn huệ nhưng không.
Phêrô vẫn chưa chịu, vì
ông đóng kín mình trong cách hiểu của mình: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời
nào con chịu đâu”. Đức Giêsu đành phải mặc khải cho ông lời hứa chung phần. Mặc
khải quá lớn, nhưng điều kiện cũng không kém lớn: đó là để cho Thầy cúi xuống
rửa chân, để cho Thầy trở thành lương thực cho anh, để Thầy trở thành sự sống
cho anh.
Lời hứa “chung phần”,
nhưng là phần gì đây, đối với Phêrô và đối với chúng ta? Có vẻ Phêrô ngộ ra,
nên ông chịu để cho Thầy rửa chân. Nhưng lời của ông để lộ ra cách ông hiểu vẫn
còn nhiều vấn đề: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và
đầu con nữa”. Rửa “nhiều phần” như vậy, phải chẳng là để được “nhiều phần” hơn
người khác. Và “nhiều phần”, phải chăng là chỗ ngồi bên phải hay chỗ ngồi bên
trái, bên phải, là bổng lộc, là đỗ đạt, là vinh dự…?
3. Đức Giê-su giải thích
(c. 12-15)
Hãy lắng nghe lời giải
thích của Đức Giê-su. Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến lời sau đây: “Thầy đã
nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
“Như Thầy đã làm cho anh em”, nghĩa là như Thầy đã “rửa chân” cho từng người
trong anh em. Vì thế, lời của Đức Giê-su không dừng lại ở mức độ, Ngài đã nêu
gương hạ mình phục vụ, và chúng ta được mời gọi bắt chước. Điều này cũng đúng
nhưng chưa đủ, vì Thầy và trò vẫn còn ở bên ngoài nhau, và trò bắt chước Thầy
một hồi là đuối! Chính chúng ta phải có kinh nghiệm được Đức Giê-su đích thân
“rửa chân”, lúc ấy chúng ta mới có lòng ước ao và có sức mạnh nội tâm “rửa
chân” cho nhau.
Nhưng rửa chân có nghĩa là
gì, phải chăng là một nghi thức mà mỗi năm chúng ta lập lại một lần hay nghe kể
lại một lần? “Như Thầy đã làm cho anh em”, cho từng người trong anh em, là một
điều không dễ hiểu, như Đức Giêsu vừa nói với Phêrô: “việc Thầy làm bây giờ anh
chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”; và càng không dễ đón nhận, vì quá nhưng
không. Chúng ta thích cái gì sòng phẳng hơn, vì như thế mình làm chủ được. Hành
vi “rửa chân” được Tin Mừng Gioan đặt vào chỗ của mầu nhiệm Thánh Thể, nên cũng
là một mầu nhiệm: Ngài trao ban chính sự sống và ngôi vị cho chúng ta, dù chúng
ta ở trong tình trạng nào, để chúng ta “được chung phần” với Ngài. Chính tình
yêu nhưng không này mới làm cho chúng ta có thể “rửa chân” cho nhau theo cách
của Đức Giê-su.
Tuần Thánh 2018
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc