Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
BƯỚC VÀO NHỮNG NGÀY ĐAU KHỔ
Lời
Chúa: Ga 10:31-42
(31) Người Dothái lại lấy đá để ném Ðức
Giêsu. (32) Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc
tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?" (33)
người Dothái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp,
nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên
Chúa". (34) Ðức Giêsu bảo họ:
"Trong Lề Luật các ông,
đã chẳng có chép lời này sao:
'Ta đã phán: các người là những bậc thần
thánh'?
(35) Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa
ngỏ lời
là những bậc thần thánh,
mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ,
(36) thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến
và sai đến thế gian,
làm sao các ông lại bảo tôi:
'Ông nói phạm thượng!'
vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'?
(37) Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi,
thì các ông đừng tin tôi.
(38) Còn nếu tôi làm các việc đó,
thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin vào các việc đó.
Như vậy, các ông sẽ biết
và ngày càng biết thêm rằng
Chúa Cha ở trong tôi
và tôi ở trong Chúa Cha".
(39) Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng
Người đã thoát khỏi tay họ.
(40) Ðức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông
Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. (41)
Nhiều người đến gặp Ðức Giêsu. Họ bảo nhau: "Ông Gioan đã không làm một
dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng". (42)
Ở đó, nhiều người đã tin vào Ðức Giêsu.
Suy Niệm:
Hành trình mùa chay đang đi vào những ngày cao điểm,
không phải vì sắp kết thúc mùa chay, nhưng là những ngày phụng vụ Giáo hội cho
chúng ta cùng đi vào những ngày đau khổ của Chúa Giêsu, để cảm nhận giá trị thập
giá trong mầu nhiện Cứu độ.
1. Việc tốt nhưng lại bị kết án
Đau khổ thứ
nhất mà Chúa Giêsu phải trải qua đó là việc tốt lại bị lên án. Nhìn lại hành trình
của Chúa Giêsu, mỗi bước chân ra đi rao giảng của Ngài luôn mang đậm giáo lý tình
yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thế nhưng Ngài được đền đáp bằng những lời
vu khống, cáo vạ, và kết án. Khi Ngài chữa người bị quỷ ám, Ngài nhận được lời
cám ơn: “Ông ta nhờ tướng quỷ để trừ quỷ”. Khi Ngài lôi kéo người tội lỗi trở về
đường công chính, thì Ngài nhận được tước hiệu: “Ông ta là phường mê ăn mê uống,
thích làm bạn với những người tội lỗi”. Khi Ngài cho họ thấy nhiều việc tốt đẹp
Chúa Cha đã trao cho làm, thì Ngài nhận được món quà: “Họ lấy đá ném Ngài”. Và một
lần duy nhất khi Ngài được đưa ra giới thiệu với toàn dân: “Đây Vua các ngươi”,
thì Ngài nhận được tiếng tung hô: “Giết đi, giết đi, đóng đinh nó vào thập giá”.
Sự đau khổ mà
Chúa Giêsu gánh chịu chính là thái độ đáp trả của con người khi quay lưng lại với
tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. như thế thập giá và đau khổ không có
điểm dừng, nhưng vẫn tiếp diễn bao lâu con người còn quay lưng lại với tình yêu
vào lòng thương xót của Ngài.
2. Con cùng Cha nhưng lại bị kết án
Đau khổ thứ
hai đó là “Con cùng Cha Trên Trời nhưng lại kết án lẫn nhau”. Kể từ khi sự ghen
tỵ đã len lỏi vào thế gian, anh em cùng cha giết nhau, “Cain giết Aben”, hậu quả
này được chính Chúa Giêsu phải đề bù khi những người Do Thái tuyên bố: “Chúng tôi
ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng, ông
là một người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Mặc dù Chúa Giêsu đã giải
thích theo lề luật, và theo sự hiệp thông ân sủng với Thiên Chúa mà Ngài mới làm
được những sự lạ lùng, nhưng họ vẫn bưng tai bịt mắt, và nhân danh tôn giáo để
ném đá Chúa Giêsu.
Còn gì đau khổ
hơn khi người ta đang nhân danh Cha của Ngài để giết Ngài, và đau khổ này ngày
hôm nãy vẫn còn tiếp diễn, khi người ta nhân danh tôn giáo mà sát hại lẫn nhau.
Trong buổi tiếp kiến sáng 2-2-2018
dành cho 50 nhà chính trị và các vị lãnh đạo các tôn giáo, chính trị, giáo dục
và truyền thông, liên kết với nhau để chống lại nạn bạo lực nhân danh tôn giáo.
ĐTC kêu gọi: “Người có tôn giáo biết rằng
Thiên Chúa là Đấng Thánh và không ai có thể nại danh Chúa để thực hiện sự ác. Mỗi
vị lãnh đạo tôn giáo được kêu gọi vạch mặt bất kỳ toan tính nào nhắm lèo lái
Thiên Chúa vào những mục tiêu không có liên quan gì đến Ngài và vinh quang của
Ngài. Cần chứng tỏ không biết mệt mỏi rằng mỗi sự sống con người tự nó đều có
tính chất thánh thiêng, đáng được tôn trọng, cảm thông, liên đới, không phân biệt
chủng tộc, tôn giáo, văn hóa và khuynh hướng ý thức hệ hay chính trị”.
3. Phần thưởng cho người công
chính
Chúa Giêsu chịu
đau khổ, đó chính là hình ảnh đã được tiên tri Giêrêmia loan báo. Cuộc đời của
Gêrêmia vì vâng lời Chúa, ông tuyên cáo về thành Giêrusalem phải chịu hậu quả vì
đường tội lỗi, điều này đã làm cho tư tế Pathhur không hài lòng, ông những không
nghe mà còn bắt tiên tri đánh đòn. Tiên tri Giêrêmia một mình phải đương đầu với bao nhiêu
chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua, tiên-ri
Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không có sức
mạnh của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng
vậy, trước những đau khổ vì bị hiểu lầm, vu cáo, kết án. Một mình Ngài phải trải
qua nỗi cô đơn từ chính quyền, các nhà chức trách tôn giáo, những người dân chúng,
và thậm chí ngay cả các môn đệ. Nhưng Ngài không tuyệt vọng, sức mạnh duy nhất
của Ngài là niềm tin và hy vọng ở nơi Chúa Cha, như lời tiên tri Giêrêmia loan
báo: “Nhưng Đức
Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại
con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại,
và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Xin cho những ngày chay thánh còn lại này, mỗi
người chúng ta cùng đi vào hành trình đau khổ của Chúa Giêsu, để cảm nhận được
sự cô đơn và đau khổ của Chúa, và cùng với Chúa Giêsu chúng ta tin thác vào Chúa
Cha, chỉ nơi Ngài là nguồn cậy trông và hy vọng.
Tam
Thái.