Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm B
HẠT LÚA MỤC NÁT VÀ TRỔ SINH HOA TRÁI
Có một
linh mục vừa chịu chức được hơn một năm, thì phát hiện bị suy thận trầm trọng.
Ngài được sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Cuộc sống vùng nông thôn
của một gia đình đông con hết sức khó khăn, song cha mẹ của ngài vẫn ngày ngày
tần tảo ruộng vườn để nuôi các con ăn học thành tài. Một trong những động lực lớn
lao để cho hai ông bà hy sinh cả cuộc đời là mong cho con trai được làm linh mục.
Mong ước của ông bà đã được toại nguyện khi cậu con trai được phong chức linh mục
cách đây hơn một năm. Tuy nhiên, ngay sau những ngày lễ tạ ơn, người con trai
linh mục của ông bà đã phát hiện ra căn bệnh suy thận. Bác sĩ cho biết, bệnh
nhân cần được ghép thận mới có thể qua được. Một lần nữa, sự lo âu và bao nhiêu
day dứt lại đổ xuống trên ông bà. Các anh em trong gia đình sẵn sàng hiến thận
cho người em của mình, nhưng người cha nhất mực không đồng ý. Chính ông sẽ cho
con trai ông quả thận của mình, vì ông nói, cả một cuộc đời hy sinh vì con, thì
bây giờ ông sẵn sàng tiếp tục hy sinh để cứu sống con và để con ông có thể tiếp
tục sống và phục vụ người khác trong vai trò là một linh mục. Việc làm của người
cha này giống như hạt lúa mì chấp nhận vùi cuộc đời mình vào gia đình, chấp nhận
mục rã để trổ sinh hoa trái nơi con cái.
Thưa quý OBACE,
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất, chấp nhận bị mục rã, làm
trổ sinh hoa trái mới, để nói về sự hy sinh đến cùng mà Thiên Chúa đã làm vì
con người chúng ta.
Tin Mừng
Gioan thuật lại: Sau nhiều năm rao giảng Tin Mừng, nhiều người đã nghe biết về
Chúa Giêsu, trong đó không chỉ những người Do Thái mà cả những người ngoại quốc.
Lần này, Chúa Giêsu và các tông đồ lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua, có mấy người
Hy Lạp đến gặp các tông đồ để xin các ông: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”.
Các tông đồ đến thưa với Chúa Giêsu, khi đó Chúa Giêsu đã nói với các ông: “Đã
đến giờ Con Người được tôn vinh”.
Theo tác
giả Gioan, giờ mà Chúa Giêsu nói: “Con người được tôn vinh” là giờ Chúa Giêsu
bước vào cuộc khổ nạn, bị treo trên thập giá. Đó là giờ mà nhân loại sẽ nhận biết
Đức Giêsu là Thiên Chúa như Ngài đã nói: “Khi nào các người treo ta lên, các
người sẽ biết Ta là Đấng Tự Hữu”. Với sự kiện những người Hy lạp tin và tìm đến
với Chúa Giêsu, cho thấy giờ quan trọng đó đã đến. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến
trần gian là để thực hiện “giờ cứu độ nhân loại” bằng cái chết thập giá. Thập
giá sẽ trở thành dấu chỉ để quy tụ mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ về cho Thiên Chúa.
Giờ Chúa Giêsu bước lên thập giá cũng chính là giờ Thiên Chúa được tôn vinh, được
nhân loại nhận biết, là giờ sự sống được trao ban cho nhân loại. Để giải thích
rõ hơn về giờ Thiên Chúa được tôn vinh, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa mì
được gieo vào lòng đất, nếu không chết đi thì sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu
nó chết đi thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Chúa Giêsu chính là hạt lúa mì được
Thiên Chúa Cha gieo vào trần gian, Ngài chấp nhận từ bỏ thân phận của một vị
Thiên Chúa để trở nên giống phàm nhân. Ngài chấp nhận sự giới hạn yếu đuối của
con người, chịu đói khát, bị từ chối, bị phản đối và nhục mạ, bị phản bội, hành
hạ và cuối cùng Ngài chấp nhận cái chết đau đớn ghê sợ trên cây thập giá. Chúa
Giêsu đã chấp nhận hy sinh, bị chôn vùi trong cái chết của thân phận con người
và từ trong cõi chết Ngài đã trỗi dậy để đem lại cho nhân loại sự sống mới, mùa
gặt mới.
Chúa
Giêsu cũng mời gọi những kẻ theo Ngài, muốn trở thành bạn hữu với Ngài cũng sẽ
phải chấp nhận bước vào “quy luật mục rã” của hạt lúa mì như Ngài: “Ai phụng sự
Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ
Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người đó”. Như thế, Chúa muốn tất cả những ai muốn
theo Chúa, không thể đi một con đường nào khác ngoài con đường của Chúa. Ai trở
nên bạn hữu với Chúa, sống thân mật với Chúa thì được Chúa Cha yêu thương và
cho vào trong nhà của Chúa.
Tuy
nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy giờ mà Chúa sắp trải qua không phải là giờ phút
dễ dàng. Chúa Giêsu đã thấy trước sự ghê sợ đau đớn của khổ hình thập giá, với
sức riêng của con người, khó có thể chịu đựng nổi. Chúa Giêsu mang thân phận
con người, có những lúc cũng bị cám dỗ chọn một giải pháp khác dễ hơn, bớt đau
khổ hơn. Ngài đã thưa cùng Chúa Cha: “xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì
giờ này mà con đã đến”. Lời cầu xin này cũng tha thiết như lời cầu xin trong vườn
cây dầu: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén này xa con, nhưng đừng theo
ý con, một vâng theo ý Cha”. Cả hai lần cầu xin, cho thấy, Chúa Giêsu bị giằng
co giữa con người tự nhiên và sứ mạng Chúa Cha trao phó. Kết cuộc cả hai lần,
Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận ý Cha, chấp nhận sự hủy diệt như hạt lúa mì, và chấp
nhận bước lên thập giá để cho ý Chúa Cha được trọn vẹn, cho Danh Cha được tôn
vinh.
Thư Do
Thái sau này đã nhìn thấy thái độ vâng phục hoàn toàn nơi Chúa Giêsu và nhìn thấy
tình thương vô biên nơi Chúa Cha. Thư Do Thái đã nói: “Mang thân kiếp con người,
Đức Giêsu đã khóc lóc van xin lên Đấng có quyền năng cứu mình khỏi chết. Vì có
lòng tôn kính, Người đã được nhậm lời”. Chắc chắn không có cha mẹ nào vui khi thấy
con mình đau khổ, Thiên Chúa không thể vui khi thấy Đức Giêsu phải trải qua đau
khổ và phải chết. Cha mẹ nào cũng muốn và làm điều tốt nhất cho con, Thiên Chúa
cũng muốn điều tốt nhất và làm điều tốt nhất cho Chúa Giêsu con của Ngài. Sau
khi vâng phục hoàn toàn để đón nhận cái chết thập giá, Thiên Chúa đã cho Chúa
Giêsu được sống lại trong vinh quang, trở nên Nguồn ơn cứu độ và là Đấng ban ơn
cứu độ cho nhân loại và đặt Chúa Giêsu làm Chúa tể trên trời và dưới đất.
Thưa quý
OBACE, quy luật của hạt lúa mì phải mục nát để sinh nhiều bông hạt là quy luật
chung cho tất cả mỗi chúng ta. Các học sinh, sinh viên muốn học giỏi thành tài
thì phải chấp nhận chôn vùi thời gian, sức lực, tuổi trẻ của mình với đèn sách.
Các cầu thủ, ca sĩ hoặc vận động viên muốn đạt giải cao thì không thể tự nhiên đạt
được, nhưng phải trải qua rất nhiều thời gian khổ luyện. Cũng vậy, để có được một
gia đình êm ấm thuận hòa hạnh phúc, thì mọi thành viên, đặc biệt là cha mẹ, phải
chấp nhận hy sinh cả cuộc đời mình: thời gian, sức lực, tuổi trẻ và phải hy
sinh cả những sở thích đam mê riêng, để vun đắp cho hạnh phúc chung của gia
đình. Hơn nữa, để có một gia đình đạo đức, con cái ngoan ngoãn đức hạnh, cha mẹ
cần phải hy sinh hơn, sống đạo đức và làm nhiều gương sáng hơn. Cha mẹ siêng
năng đến với Chúa trong thánh lễ mỗi ngày, siêng năng cầu nguyện, tạo lập nên
những giờ kinh cho gia đình, tham gia công tác tông đồ, gia đình sẽ trổ sinh những
đứa con đạo đức ngoan ngoãn, yêu thích công việc nhà Chúa.
Trong đời
sống cá nhân, mỗi người được mời gọi để sống theo quy luật mục nát của hạt lúa
mì, dám chôn vùi những tội lỗi, thói hư tật xấu, những thú vui và đam mê xấu,
nhất là dám hủy bỏ cái tôi ích kỷ và tính tự ái tự mãn, kiêu căng. Vì những tính
xấu này sẽ khiến ta như “hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, trơ trọi một
mình”. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận để cho Ơn sức mạnh của Chúa làm cho nó mục
nát tan biến, thì cuộc sống chúng ta sẽ được Chúa biến đổi, làm cho trổ sinh những
hoa trái tốt lành là: tình yêu thương, lòng quảng đại, sự khiêm nhường… Muốn được
như vậy, chúng ta cần phải sẵn sàng trở nên hạt giống trong tay người chủ ruộng
là Thiên Chúa, để cho Chúa gieo theo ý Chúa và để cho Lời Chúa và Thánh Thể
chăm sóc, cắt tỉa chúng ta mỗi ngày. Như thế chúng ta sẽ trổ sinh mùa màng, hoa
trái tươi mới cho bản thân, gia đình và giáo hội.
Các bạn
trẻ cũng cần phải chấp nhận quy luật “hạt lúa mì” hôm nay, đừng để tuổi trẻ
trôi qua trong uổng phí hoặc lười biếng, nhưng biết dành hết thời giờ, khả năng
và sức lục Chúa ban để vun đắp cho tương lai của mình. Cắt bỏ, chôn vùi những
thú vui và những đam mê lôi kéo của xã hội hôm nay, hãy dồn năng lượng tuổi trẻ
của mình để cống hiến và phục vụ, hãy mạnh dạn vùi cả cuộc đời mình trong bàn
tay của Chúa, chắc chắn Chúa sẽ làm cho cuộc đời ta trổ sinh hoa trái theo ý
Chúa. Amen.
Linh mục
Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc