Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay
CHẲNG HỀ CÓ AI ĂN NÓI NHƯ NGƯỜI
LỜI CHÚA: Ga 7, 40-53
(40) Trong dân
chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: "Ông này thật là vị ngôn
sứ". (41) Kẻ khác rằng: "Ông này là Ðấng Kitô". Nhưng
có kẻ lại nói: "Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? (42)
Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ
Bêlem, làng của vua Ðavít sao?" (43) Vậy, vì Người mà dân chúng
đâm ra chia rẽ. (44) Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng
có ai tra tay bắt.
(45) Các vệ
binh, trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại
sao các anh không điệu ông ấy về đây?" (46) Các vệ binh trả
lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" (47)
Người Pharisêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê
hoặc rồi sao? (48) trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã
có mặt ai tin vào tên ấy đâu? (49) Còn bọn dân đen này, thứ người
không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" (50) Trong
nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Ðức Giêsu;
ông nói với họ: (51) "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án
ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" (52)
Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi
sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả".
(53) Sau đó, ai
nấy trở về nhà mình.
SUY NIỆM
Trước những lời giảng dạy và phép lạ
của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có ba dư luận khác nhau về Chúa Giêsu:
Dư luận thứ nhất: là những người ngay
lành có một lương tâm trung thực như thường thấy nơi giới bình dân. Họ dễ dàng
đón nhận và tin nhận sự thật, cho nên đứng trước Chúa Giêsu họ nói: “Chính Ngài
là một tiên tri” (c.40).
Dư luận thứ hai: là những người xác tín
rằng Chúa Giêsu là Đấng cứu thế (c.41).
Dư luận thứ ba: là những người cho rằng
Ngài không phải là Đấng tiên tri, không là Đấng cứu thế, vì không hội đủ điều
kiện về địa dư và dòng tộc (c.42). Họ nại vào Kinh Thánh cho rằng Đấng Cứu Thế phải
sinh ra bởi dòng dõi vương đế Đavít (2Sm 7, 12; Tv 132, 11; Is 11, 1 Gr 23, 5),
phải sinh ra ở Belem (Mik 5, 2) ở ngôi làng của vua Đavít (1Sm 18, 15). Nay họ
thấy Chúa Giêsu là con của bác thợ mộc (Mt 13, 35). Họ cho rằng: Đấng Cứu Thế phải
sinh ra trong thành Belem, nơi cung điện nguy nga, trong oai hùng thần thánh.
Họ cho rằng: Đấng Cứu Thế phải đến trong oai hùng chinh chiến, oai phong lẫm
liệt trên lưng ngựa, chứ đâu lại thấy Ngài rong ruổi miền Galilê. Cho nên đứng
trước một con người mà họ cho là kỳ diệu khác thường thì họ đã ra lệnh cho lính
canh tới bắt Chúa (c.44). Nhưng bọn họ phải trở về tay không vì chính họ gặp
phải một con người mà chính họ cũng chưa dám làm gì hơn là cúi đầu bỏ đi thì
tốt hơn (c.44) vì như họ thú nhận “chưa từng gặp một người nào nói năng như
vậy” (c.46). Ít ra họ đã phải công nhận
đó là một người khác biệt, siêu vượt.
Giới trưởng tế nghe thấy thế càng bực
bội hơn nữa, không cần lý luận gì thêm nữa. Mối bận tâm duy nhất là kiếm cho ra
nhiều lý lẽ để kết tội Chúa Giêsu. Giữa lúc ấy, một nhân vật có tiếng tăm thế
giá đến trình bày. Đó là ông Nicôđêmô (c.50). Ông là thành phần của Hội đồng
lập pháp, là một tiến sĩ luật có thế giá lúc ấy (Ga 3, 2). Ông đề nghị muốn bắt
Chúa Giêsu thì trước hết phải đối diện với thẩm vấn, phải có nhân chứng và xử
theo lề luật (c.51). Nicôđêmô đã dám đương đầu và đề nghị như thế. Nhưng lời
ông có ăn nhằm gì với số đông không cần luật gì hơn là luật rừng. Và họ quay qua
hỏi Nicôđêmô: “Ông cũng bênh cho một phạm nhân như thế ư ?” hẳn “cùng quê
Galilê chứ gì ?” (c.52). Họ nói thêm cho Nicôđêmô biết Kinh Thánh không nói tới
một tiên tri nào xuất thân từ Galilê (c.52).
Câu nói này của họ đã lầm. Chúng ta biết
tiên tri Giôna (2V 14, 25) xuất thân từ Galilê. Mà nếu như Kinh Thánh không nói
tới, thì không có nghĩa nơi đó không có. Xưa không có nhưng tương lai có thể có
lắm chứ. Ngoài ra, tiên tri Isaia đã chẳng nói bóng gió về một nước Đấng Cứu
Thế ở Galilê là gì (Is 8, 32). Mà rồi sự thật Ngôi Hai đã giáng sinh ở Belem,
nhưng làm việc tại miền Galilê đó sao.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy
một vị Thiên Chúa đã bị hiểu lầm. Biết được Ngài, đón nhận Ngài là hai vấn đề
khó khăn. Chúa Giêsu là đá tảng và Người cũng có thể là đá vấp ngã nữa (Rm 9, 33;
1Pr 2, 6). Cái đó tùy ở mỗi người, tùy ở thái độ đón nhận của chúng ta trước
Thiên Chúa.
Xưa kia trong Cựu ước, Thiên Chúa đã
trao sứ mệnh cho Isaia: “ngươi hãy đi bảo dân này: các ngươi có nghe cũng không
hiểu, có nhìn cũng chẳn thấy. Hãy làm cho lòng dân này chai đá, hãy làm cho
chúng nặng tai, bịt mắt chúng lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu
được mà chúng trở lại Chúa được chữa lành chăng” (Is 6, 9t. cf. Mt 13, 13. Sđcv
28, 35t). Thật ra, đây là câu tiên báo sự cứng lòng hoàn toàn và không cưỡng
bức ai. Chúa muốn nói lên sự cứng lòng không hoán cải và đó là hình phạt. Dù
sao, sự cứng lòng đó cũng nói lên sự kiên nhẫn của Chúa (Rm 10, 20. Is 65,2 Os
11, 1) và lòng từ bi cuối cùng của Ngài. Chúng ta cầu xin được hưởng lòng từ bi
đó trong mùa chay này.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa Giêsu, trong Mùa Chay Thánh này, xin Chúa giúp chúng con biết khiêm tốn học
hiểu về Chúa để chúng con thêm lòng yêu mến Chúa. Nhờ đó, chúng con cũng có thể
giúp người khác hiểu biết và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
Lm.
J.P