Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
Lời Chúa: Ga 7, 1-2.10.25-30
(1) Sau đó, Ðức
Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong
miền Giuđê, vì người Dothái tìm giết Người.
(2) Lễ Lều của
người Dothái gần tới,
(10) Tuy nhiên,
khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai
và hầu như bí mật.
(25) Bấy giờ có
những người ở Giêrusalem nói: "Ông này không phải là người họ đang tìm
giết đó sao? (26) Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì
cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Ðấng Kitô? (27)
Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Ðấng Kitô, khi Người đến
thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả". (28) Lúc giảng
dạy trong Ðền Thờ, Ðức Giêsu nói lớn tiếng rằng:
"Các ông biết tôi ư?
Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư?
Tôi đâu có tự mình mà đến.
Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật.
Các ông, các ông không biết Người.
(29) Phần tôi,
tôi biết Người,
bởi vì tôi từ nơi Người mà đến
và chính Người đã sai tôi".
(30) Bấy giờ họ
tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
Suy Niệm
Cái
chết của Chúa Giêsu đã kề bên. Những người ở xung quanh Ngài biết là người ta
đang «tìm giết» Ngài. Còn Tin Mừng của Gioan thì nói rõ «người ta» ở đây là
những người nào: «ở Giuđê Ngài không thể lai vãng được, bởi người Do Thái tìm
giết Ngài».
Dân
Do Thái trong Cựu Ước chính là dân đã được Thiên Chúa giải cứu khỏi cảnh nô lệ
để đưa tới vùng Đất Hứa. Xuất hành là một sự kiện vô cùng vĩ đại và ngoạn mục
trong lịch sử của dân Chúa chọn. Hàng năm, sự kiện này được toàn dân gợi lại
bằng một cuộc lễ long trọng kéo dài tới tám ngày gọi là lễ Nhà Tạm, được nói
đến trong Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay, để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa,
Đấng cứu độ mình. Cuộc lễ không chỉ gợi lại quá khứ xa xôi mà còn mời mọi người
cảm tạ Thiên Chúa vì những mùa gặt phong phú Thiên Chúa ban cho họ trong năm họ
đang sống, và, từ những gì đã qua và đang qua, cuộc lễ còn mời mọi người hướng
về những sự chúc lành Chúa sẽ đổ xuống cho họ vào thời kỳ Đức Mêsia sẽ đến.
Nhưng
đọc Tin Mừng, người ta thấy có cái gì đó thật mỉa mai, chua xót đang sắp sửa
xảy ra: Đấng được sai đến để kiện toàn công cuộc cứu độ lại đang bị người ta
truy tìm để giết đi. Những người đang tìm cách để thực hiện âm mưu giết người
này lại chính là những người đang nóng lòng chờ đợi Đấng họ gọi là Mêsia, tức
Đức Kitô. Và điều mỉa mai đó là: Đức Kitô là chính Đức Giêsu đang ở giữa họ và
giảng dạy cho họ về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ.
Những
người này tìm giết Ngài bởi vì họ cho rằng mình đã biết quá rõ về Ngài. Và cái
biết quá rõ này đã bao phủ tất cả lòng, trí của họ, không còn một kẽ hở nào để
tiếp nhận lời mách bảo cho họ nhận ra Đấng đang giảng dạy họ về Nước Trời chính
là Đấng ở nơi Thiên Chúa, được chính Thiên Chúa sai đến và giáo huấn Ngài giảng
dạy là sự thật Ngài lãnh nhận từ chính Thiên Chúa.
Niềm
tự hào của họ đã khiến họ, khi tới trước mặt Chúa, chọn thái độ ‘đứng thẳng’,
tự tiện đặt mình lên trên người khác và đầy tự tin liệt kê những việc đã làm
được cho Chúa để rồi ‘xin tạ ơn Chúa’. Họ không nuốt nổi giáo huấn của Đấng từ
Thiên Chúa đến, khi giáo huấn ấy khẳng định chính người bị xã hội liệt vào hàng
bất lương, quân tội lỗi, khi tới trước mặt Chúa, chỉ dám ‘đứng đàng xa’, mặt
cúi gằm và chỉ biết đấm ngực, lại là người được Chúa xót thương và tha thứ. Và
giáo huấn ấy kết luận, một kết luận không thể không làm người nghe sửng
sốt : “Tôi nói cho các ông biết : người này [người
nhận mình tội lỗi], khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi,
còn người kia [người tự cho mình là ngoan đạo] thì không” (xem Lc 18, 9-14).
Mùa chay chính là thời gian đặc biệt để
suy niệm giáo huấn này của Đấng từ Thiên Chúa đến và mạc khải về cách xử sự của
Người. Mùa chay cũng là mùa cầu xin Chúa cho giáo huấn này lay tỉnh chúng ta để
nhận ra con đường quay đầu ‘trở lại’ với sự thật, sự thật của Thiên Chúa, một sự
thật vốn là nền tảng không thể thiếu cho sự ‘công chính’ của chúng ta, tức tư
cách làm con của Cha trên trời, làm người được cứu độ, làm người kitô hữu đích
thực: sự công chính ấy hoàn toàn là một quà tặng từ lòng thương xót của Thiên
Chúa, cho kẻ tội lỗi và cho cả người có tiếng hay tự cho là ngoan đạo theo những
tiêu chí do mình đặt ra.
Thiên Chúa vẫn luôn là người Cha đứng ở
đầu ngõ ngóng chờ đứa con hoang đàng, tội lỗi trở về và cũng chính là người Cha
bước ra khỏi nhà mời gọi, thuyết phục đứa con vốn vẫn ở nhà với cha, nhưng lại
tự coi mình như kẻ làm công, - làm để lãnh tiền công- vào nhà để sống mối quan
hệ thực sự giữa cha con, trong gia đình, trên cơ sở ‘tất cả những gì của cha
cũng đều là của con’, như Chúa Giêsu đã cho thấy trong dụ ngôn quen gọi là dụ
ngôn ‘Đứa con hoang đàng’ (xem Lc 15, 11-32).
Người được ân sủng của Thiên Chúa biến
thành công chính hẳn sẽ nỗ lực để sống sao cho xứng đáng với ân sủng được lãnh
nhận một cách nhưng không này. Và sẽ không còn cái cảnh ngó ngang để so sánh
mình với người khác mà chỉ còn là với người khác, trong sự nâng đỡ nhau, để nỗ
lực mỗi ngày mỗi trở nên xứng đáng hơn, với ân sủng đã được ban cho và được
lãnh nhận trong tâm tình cảm tạ.
Nguyen Nghi.