Suy Niệm Lời
Chúa Chúa Nhật Lễ Lá
Năm B
LÒNG NGƯỜI THAY TRẮNG ĐỔI ĐEN
Thưa quý
OBACE, Lễ Lá hôm nay được diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc
tưng bừng phấn khởi, lúc trầm buồn sâu lắng đến tang thương. Lắng nghe và suy
gẫm các bài đọc Lời Chúa hôm nay, nhất là bài thương khó của Chúa Giêsu, chúng
ta thấy: Chúa Giêsu mặc dù thấy trước đau khổ thập giá, nhưng Ngài vẫn bình thản
đón nhận một kế hoạch đã định sẵn. Còn các thượng tế, luật sĩ và người Do Thái
đã thể hiện lòng gian ác, tráo trở của họ qua việc dẫn dắt và sắp xếp, để đưa
Chúa Giêsu vào cái chết thập giá. Bài thương khó cũng phác họa lên cho chúng ta
nhiều gương mặt khác nhau với lòng dạ và sự toan tính khác nhau, có người chân
thành, có người gian dối, dễ dàng thay trắng đổi đen.
Bài Tin Mừng
trước cuộc kiệu lá cho thấy, Chúa Giêsu lên Giêrusalem lần này để thực hiện
chương trình Thiên Chúa Cha đã muốn, đó là cứu độ nhân loại bằng thập giá. Các
việc làm của Chúa Giêsu lúc này có tính biểu tượng và mang ý nghĩa đặc biệt. Biến
cố Chúa Giêsu long trọng vào Giêrusalem trong tiếng reo mừng, gợi lại hình ảnh
ngày xưa, Vua Đavít rước hòm bia Thiên Chúa lên Giêrusalem trong tiếng ca hát
hoan hô và nhảy múa của toàn dân. Cũng vậy, vua Salomon vị vua của thời hòa
bình cũng đã cưỡi con lừa, con vật hiền lành của thời bình, tiến vào Giêrusalem
để được tôn vương trong tiếng tung hô của các thanh thiếu niên Do Thái. Hôm
nay, Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, thuộc dòng dõi vua Đavít cũng ngồi trên lưng lừa
để tiến vào thành Giêrusalem trong tiếng hò reo: “Hoan hô con vua Đavít”. Ngài sẽ
là một vị tân vương đem đến một thời đại hòa bình thịnh vượng mới cho cả dân tộc.
Tuy nhiên, thời đại hòa bình thịnh vượng mà vua Giêsu đem đến không như dân Do
Thái hình dung và mong đợi. Chúa Giêsu không thiết lập vương quốc theo kiểu trần
gian, nhưng sẽ thiết lập vương quốc của Ngài trong tâm hồn mỗi con người. Những
ai tin nhận Chúa, sẽ có Chúa là vua bình an cư ngụ trong tâm hồn, giúp cho tâm
hồn được mở ra với mọi người. Những ai từ chối hoặc không tin Ngài, thì sẽ rơi
vào sự điều khiển của ma quỷ và sự dữ.
Khởi đầu
bài thương khó theo thánh Marcô cho thấy hai gương mặt khác biệt, thuộc về hai
vương quốc khác nhau: Người phụ nữ tội lỗi thuộc về vương quốc của Thiên Chúa,
còn Giuđa một trong các môn đệ thuộc về vương quốc của Satan. Với một tấm lòng
sám hối chân thành, người phụ nữ tội lỗi đã bước đến bên chân Chúa Giêsu. Cô biết
rất rõ về tình trạng và đời sống của bản thân, cô không dám hiên ngang hoặc
khoe khoang, nhưng âm thầm đến phủ phục dưới chân Chúa Giêsu. Cô đem theo một
bình bạch ngọc đựng dầu thơm quý giá. Trước đây vật này là đồ đắt tiền, gắn liền
với cuộc đời cô, giờ đây khi nhận biết Chúa Giêsu, nó không còn cần thiết và không có ý nghĩa gì
nữa. Theo thánh Gioan, cô đã đập vỡ bình dầu quý giá ấy, chỉ để xức lên chân
Chúa Giêsu. Một việc làm bề ngoài tưởng chừng vô lý, nhưng nó thể hiện tấm lòng
của cô đối với Chúa, vừa là lòng sám hối chân thành, vừa là lòng biết ơn kính
trọng cô dành cho Chúa, vừa là quyết tâm đập bỏ quá khứ buôn hương bán phấn
của mình. Còn Giuđa, mặc dù là môn đệ của Chúa, ở bên Chúa, nhưng lòng anh
không thuộc về Chúa. Anh để lòng mình và cả con người của anh thuộc về ma quỷ
và thế gian. Vì thế, khi thấy hành động đập bể bình bạch ngọc đựng dầu thơm của
người phụ nữ, anh tiếc nuối và coi đó là phi lý. Giuđa cũng có lòng không ngay
thẳng khi anh mượn danh người nghèo để trách lòng quảng đại của cô gái: “Phí phạm
dầu để làm gì? Sao không bán để giúp cho người nghèo?”. Tác giả Gioan còn nhận
định: “Hắn nói thế không phải vì thương người nghèo đâu, nhưng vì hắn giữ tiền
chung, hay bớt xén tiền của anh em”. Khi lòng người đã không ngay thẳng, không
thật, thì những hành động hoặc lời nói bên ngoài cũng sẽ không thật. Gioan chắc
chắn rất đau lòng khi phải nhận định về người anh em mình như vậy.
Sau đó
khi vào bàn tiệc cùng với Chúa Giêsu, Giuđa vẫn mang trong mình lòng gian dối
tham lam, mặc dù Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở anh. Khi Chúa nhắc cho mọi
người trong bữa tiệc: “Có một người trong anh em sẽ phản bội thầy”. Câu nhắc nhở
của Chúa khiến cho những người có lòng ngay, tự rà soát lại hành vi của mình.
Giuđa cũng biết rõ về việc anh làm, song anh vẫn giả dối quay sang hỏi Chúa: “Thưa
Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Đúng như con nói”. Anh không một chút giật
mình, sau đó anh đứng dậy ra ngoài để thực hiện mưu đồ phản bội của mình.
Chúng ta
cũng thấy được sự tráo trở, hai mặt, hai lòng của người Do Thái. Họ là đám đông
theo Chúa Giêsu, chứng kiến phép lạ Chúa làm, được Chúa cho ăn no, được chữa
lành bệnh. Những đám dân chúng này, họ chính là những người mới đây đã theo
Chúa vào đền thờ Giêrusalem, reo hò mừng hát: “Hoan hô con vua Đavít”. Vậy mà,
khi các thượng tế và luật sĩ tìm cách bắt Chúa Giêsu và điệu đến dinh Philatô, thì
không một người nào trong họ lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu. Trái lại, họ để
lòng mình chiều theo thói đời, nghiêng theo sự dữ, vào hùa với gian ác để kết
án Chúa Giêsu. Các thượng tế và luật sĩ thể hiện sự lưu manh tráo trở của họ
trong việc tìm cách mượn tay Philatô để loại trừ Chúa Giêsu. Còn người Do Thái
thể hiện sự thay trắng đổi đen trong tâm hồn của họ. Mới cách đây không lâu, họ
lớn tiếng tung hô Chúa Giêsu là con vua Đavít, có nghĩa là tung hô Ngài là Đấng
các tiên tri loan báo. Liền sau đó, trước mặt quyền lực thế gian, họ đã dễ dàng
thay đổi, họ chọn tha Baraba là một tên trộm cướp và đòi giết Giêsu. Cũng trước
mặt Philatô, họ không nhận Chúa Giêsu là Con vua Đavít, họ đòi đóng đinh Người
và công khai tuyên bố: “Chúng tôi chỉ có một vua là hoàng đế Cesare”. Họ đánh
đổi Vua Hòa Bình bằng vua trần gian, họ từ chối tuân phục Vua Công Chính để cúi
đầu trước quyền lực của hoàng đế dân ngoại.
Trước sự
thay trắng đổi đen của con người, Chúa Giêsu vẫn một lòng vâng phục thành ý
Chúa Cha và một lòng trung thành với sứ mạng yêu thương cứu chuộc nhân loại.
Ngài không một lời oán trách những kẻ đã gây ra đau khổ cho Ngài, cũng như những
kẻ muốn Ngài phải chết, nhưng luôn muốn cho chúng có cơ hội để thay đổi và làm
lại cuộc đời. Trước sự phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn dành cho các môn đệ,
kể cả Giuđa những giờ phút thân thương ấm tình nhất. Ngài hướng dẫn họ từng chi
tiết, từ việc sai họ đi mượn con lừa để tiến vào thành, dạy họ cách trả lời khi
có người hỏi. Chúa cũng hướng dẫn các môn đệ chuẩn bị bữa tiệc Vượt qua, để bữa
tiệc này không chỉ là bữa tiệc truyền thống, mà còn là bữa tiệc đậm tình thầy
trò. Cũng trong bữa tiệc, dù bị học trò phản bội, Chúa không hồ nghi các người
còn lại, nhưng vẫn tín nhiệm trao cả con người mình cho các tông đồ và còn cho
họ quyền: “Hãy làm việc nay mà tưởng nhớ đến thầy”.
Trước sự
bạc bẽo của dân chúng, Chúa Giêsu không hề oán trách, Ngài chỉ nhìn họ với cái
nhìn xót thương và cảm thông. Khi bị những người Do Thái từ chối và tìm cách loại
trừ, Chúa không từ chối họ. Khi đứng trên cây thập giá, kẻ qua người lại xỉ vả
nhạo cười, Chúa Giêsu đón nhận tất cả với tình thương tha thứ. Trên cây thập
giá, Chúa Giêsu đã trao phó tất cả nhân loại cho Thiên Chúa Cha, đón nhận mọi
đau đớn cực hình, nhục nhã, để làm nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân loại và xin
ơn tha thứ tất cả cho nhân loại.
Cho dù
lòng con người có thay đổi, thì Thiên Chúa vẫn trung thành mãi, vẫn tha thứ và
yêu thương. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay gửi đến cho mỗi người. Suy gẫm Lời
Chúa hôm nay, chúng ta thấy gương mặt của mình thấp thoáng qua những con người
tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Có những lúc ta như người phụ nữ,
dám đập bể bình dầu để xức lên chân Chúa, nhưng không thiếu những lúc ta để
mình bị điều khiển bởi Satan hoặc tiền bạc như Giuđa. Cũng có nhiều lần,
chúng ta tráo trở như các thượng tế và luật sĩ, tìm kiếm thỏa mãn sự cao ngạo của
mình. Và, nhất là nhiều khi chúng ta cũng vô ơn với Chúa như những người Do
Thái, thay trắng đổi đen, hai dạ hai lòng với Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người
trong Tuần Thánh này, dành những giờ phút thinh lặng để sống với Chúa, bước
theo Chúa trên hành trình thập giá và để cảm nhận được tình yêu thương của
Chúa dành cho cuộc đời mỗi chúng ta. Amen.
Lm. Giuse
Đỗ Đức Trí