Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay

THẬP GIÁ CỦA THẦY

t7t5mc.jpg

LỜI CHÚA: Ga 11, 45-56

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: "Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta". Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: "Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối.

Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: "Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?" Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

SUY NIỆM

Từ Giuđa…

Một trong những nhân vật “phản diện” trong tường thuật cuộc Thương khó của Đức Giêsu được đọc nhiều lần trong Tuần Thánh, chính là Giuđa Iscariốt, một trong mười hai tông đồ của Đức Giêsu. Có lẽ chẳng cần phải nhắc lại tỉ mỉ ở đây những hành động của Giuđa trong giờ phút nghiêm trọng này, bởi lẽ tên gọi của vị tông đồ này đã trở thành đồng nghĩa với một cái tội người đời ở mọi thời gớm ghiếc, đó là tội phản bội, phản thầy, phản đạo và phản bằng một nụ hôn vốn là cử chỉ dành riêng cho việc bày tỏ lòng yêu mến. Bản thân Giuđa cũng đã cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng về mình để còn có thể tin tưởng ở một sự bắt đầu lại, một cuộc đời mới, nên đã tự xử bằng cách thắt cổ tự vẫn.

Và có thể tuyệt vọng về cả con người ông từng kỳ vọng : Thầy đã chẳng phải là vị Cứu tinh như ông nghĩ vì chẳng có một cử chỉ nào để tự cứu lấy mình như Người đã từng làm để cứu người khác và chẳng có lấy một “bộ hạ” nào của Người được gửi đến để “chiến đấu” (xem Gioan 18, 36) bảo vệ Người và sự nghiệp Người đã gầy dựng, Người giờ đây đang là kẻ bị coi như một tội phạm và bị người ta hành hạ, kết án.

Đến các tông đồ khác

Nhưng suy nghĩ về Giuđa, người ta không thể không suy nghĩ về Phêrô, một tông đồ khác cũng khá nổi tiếng về sự chối bỏ Thầy mặc dù đã được Thầy báo trước. Trong khi Thầy phải chịu khổ hình, bị người ta “khạc nhổ vào mặt, đánh đập”, thì ở ngoài sân, chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ, Phêrô đã chối Thầy tới ba lần, và mỗi lần mỗi thêm cương quyết: Bị phát hiện lần thứ nhất, Phêrô chối: “Tôi không biết chị muốn nói gì”. Bị phát hiện lần thứ hai, Phêrô đã không chỉ chối mà còn thề: “Tôi không biết người ấy!”  Lần thứ ba bị phát hiện, Phêrô đã không chỉ thề và chối mà còn “ra sức rủa mình mà thề : ‘Tôi không biết người ấy!’” (cf. Mt 26, 67-75).

Phải chăng Phêrô chối Thầy chỉ vì sợ bị liên lụy? Chắc hoàn toàn không phải như vậy! Tin Mừng dẫu sao cũng đã cho người ta thấy : hình ảnh về một người Thầy “phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại”, đối với Phêrô và các tông đồ, quả là khó nuốt. Chẳng vậy mà khi nghe Đức Giêsu báo trước về những gì Người sẽ phải chịu để chu toàn sứ mạng Cha Người đã giao phó, Phêrô đã lấy làm chói tai và đã “lên tiếng trách Người”. Và điều tiếp theo có thể làm người ta sửng sốt : “quay lại, và nhìn các môn đồ, Đức Giêsu  mắng Phêrô :  ‘Xéo đi sau Ta, hỡi Satan! Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’” (Mc 8, 31-33).

Cuộc vượt qua

Và đây có thể là mấu chốt của sự vấp ngã của các tông đồ. Cho tới lúc này, các tông đồ đã đi theo Đức Giêsu, nhưng chưa “chối bỏ” được “chính mình,” một điều kiện tiên quyết Người đòi hỏi nơi những kẻ muốn đi theo Người (Mc 8, 34). Các tông đồ đi theo Đức Giêsu nhưng là để mong ý định và nguyện vọng của chính mình, được trở thành hiện thực. Chẳng vậy mà ngay cả sau khi được nghe báo những chặng đường chẳng mấy tốt đẹp sắp tới đối với Thầy của mình, các tông đồ, Tin Mừng cho thấy rõ, vẫn chỉ nghĩ đến những chiếc ghế bên tả, bên hữu “trong vinh quang của Thầy”. Tin Mừng kể : Con cái ông Zêbêđê, Giacôbê và Gioan, đến thưa với Đức Giêsu: “Xin cho chúng tôi được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả, trong vinh quang của Thầy”. “Nghe được, thì Mười người kia đâm phẫn uất với Giacôbê và Gioan” (xem Mc 10, 35-41). Ở đây, Marcô đã làm một con tính trừ và tính cộng thật rõ ràng để cho thấy toàn bộ các tông đồ đã có cùng ý nghĩ và theo đuổi cũng một niềm hy vọng : hai vị tông đồ bày tỏ ý nguyện với Thầy, mười người kia nghe vậy, đem lòng phẫn uất. Hai cộng với mười đúng là mười hai!

Và cũng chính vì một mực đi theo cái ý nghĩ của mình, “của loài người” mà Simon Phêrô đã thủ sẵn nơi mình một phương tiện của thế gian là thanh gươm, và khi hữu sự, đã rút gươm và “đánh nhằm người đầy tớ của Thượng tế và cắt đứt tai phải nó” (Gioan 17, 10). Phêrô phải chăng đã ngây thơ nghĩ rằng mình có thể giải thoát được Thầy chỉ với thanh gươm trong tay trước “một lũ đông mang gươm giáo gậy gộc” tới bắt Thầy hay cùng với thanh gươm ấy, Phêrô còn trông chờ ở một cử chỉ tiếp tay ngoạn mục từ phía Thầy của mình? Phêrô và các tông đồ đã chẳng từng được chứng kiến những phép lạ bày tỏ quyền năng của Người trên thiên nhiên, trên bệnh tật, trên cả cái chết đó ư? Nhưng Thầy lại bảo ông : “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì ai cầm gươm sẽ bị hại vì gươm”. Còn Người thì đã chấp nhận để người ta bắt mình và điệu đi. Và “các môn đồ thì đã bỏ mặc Người mà chạy trốn hết” (Mt 26, 52-56). Bỏ nhà, bỏ cửa đi theo Thầy, nhưng lại vẫn cứ muốn Thầy đi theo những gì mình mong muốn, mượn quyền năng của Thầy để thực hiện ý đồ của mình.

Các tông đồ đã không hiểu được điều cốt thiết đối với Đức Giêsu chính là làm theo ý Cha, là thực hiện sứ mạng Cha đã trao cho Người không phải theo cách Người chọn mà là theo ý Cha. Làm sao các tông đồ có thể hiểu được khi cuộc vượt qua từ “ý con” đến “ý Cha” đối với cả Đức Giêsu cũng đầy đớn đau như Người đã phải thốt lên cùng với các tông đồ :  “Hồn Ta buồn phiền quá đỗi, muốn chết được; các ngươi hãy ở lại đây mà thức với Ta” (Mt 26, 37-38). Các môn đồ không thức nổi, dù là trong cái đêm Thầy buốn phiền quá đỗi, muốn chết được ấy. Trong đêm ấy, ba lần Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Cha Người: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén này qua đi khỏi Con! Song không phải như ý Con, mà là như ý Cha!” Và cả ba lần, Chúa Giêsu tới tìm gặp các ông, nhưng Người thấy họ vẫn “đang ngủ, đôi mắt họ li bì nặng giấc” (Mt 26, 36-46). Ngủ trong giấc mơ đã hình thành sẵn trong đầu của mình : được ngồi bên phải, bên trái của Thầy khi công việc dựng nước của Thầy hoàn tất!

May thay! Đức Giêsu Kitô Phục sinh đã làm các ông thức tỉnh. Phêrô và các tông đồ đã rao giảng chính những sự kiện mà các ông đã lấy làm chướng khi nghe chính Đức Giêsu báo trước: Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị phế thải, bị giết đi, và sau ba ngày sẽ sống lại. Các ông đã không chỉ rao giảng mà còn lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho sự thật và ý nghĩa của chính các sự kiện này.

Nguyễn Văn Nghị


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay_Tam Thái.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Mùa Chay_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần V Mùa Chay-Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SOB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần V Mùa Chay_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SOB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần V Mùa Chay_Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần V Mùa Chay-Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm B_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí - Gp Xuân Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm B_LM ĐAN VINH HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay_Lm. JB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay_Nguyen Nghi