Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh
THẬP GIÁ BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH
YÊU VÀ THA THỨ
Thưa quý OBACE, thứ sáu Tuần Thánh là
ngày duy nhất trong năm Giáo Hội không cử hành thánh lễ, thay vào đó là cử hành
cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bầu khí của buổi chiều thứ sáu thánh hôm nay thật
tang thương, buồn thảm vì dường như cái ác và bóng tối đang làm chủ thế gian.
Nhưng giữa bóng tối của cái ác, chúng ta vẫn nhận ra ánh sáng của tình yêu và
hy vọng, giữa bầu khí bừng bừng căm thù, chúng ta vẫn nhận thấy giá trị cao cả
của sự tha thứ. Trước sự ghê sợ của cây thập giá, chúng ta thấy hoa trái của
tình yêu và tha thứ đã trổ sinh.
Tin Mừng Gioan khi thuật lại cuộc
thương khó của Chúa Giêsu như vẽ lên một bức tranh với đủ gam màu, màu đen của
thế lực tăm tối và sự ác, màu tím của tang thương chết chóc, màu sẫm của sự
gian dối và còn có những gam màu sáng của tình yêu của tha thứ và hy vọng. Nghe
bài thương khó, chúng ta có cảm tưởng như Thiên Chúa cũng bó tay trước sức mạnh
của tội lỗi và sự ác. Cái ác và sự dữ được thể hiện nơi con người, nơi hành động
của các thượng tế và luật sĩ. Họ là những kẻ chủ mưu trong việc loại trừ Chúa
Giêsu và rắp tâm đưa Ngài đến cái chết. Khởi đầu của lòng căm thù này đó là sự
ghen tị. Các thượng tế và luật sĩ đã ghen tị với Chúa Giêsu vì thấy Ngài rao giảng
một giáo lý hoàn toàn mới và thu hút được nhiều người. Những người này cảm thấy
khó chịu khi bị Chúa Giêsu chỉ trích về lối sống giả dối và lòng tham của họ.
Hơn nữa, do tự mãn với những gì đã học nơi truyền thống, họ không mở lòng đón
nhận giáo lý mới của Chúa Giêsu và không chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Vì vậy,
các luật sĩ và biệt phái đã tìm cách để giết Chúa Giêsu.
Để
thực hiện dã tâm của mình, các luật sĩ và biệt phái đã khéo lợi dụng sự nhẹ dạ
cả tin, dễ kích động của đám đông, la ó, gây sức ép lên án Chúa Giêsu. Chính
đám đông dân Do Thái trở thành kẻ đồng lõa tiếp tay với các thượng tế và luật
sĩ để lên án Chúa. Đám đông dân chúng này là những người đã từng đi theo Chúa
Giêsu, nghe lời Ngài giảng và cả những kẻ đã từng tin vào Ngài. Nhưng trước
dinh Philatô, họ đã không nghe theo lời nhắc bảo của lương tâm để bênh vực cho
sự thật. Trái lại, họ đã rơi vào âm mưu của các thượng tế, la hét đòi giết
Giêsu và xin tha Baraba. Vì để mình bị cuốn vào đám đông, nhiều người đã khiến
cho bản thân mất đi khả năng sử dụng lý trí để phân định về hành động của mình.
Trước đây, mặc dù sống dưới quyền đô hộ của đế quốc Rôma, nhưng người Do Thái
chưa bao giờ tỏ ra thần phục hoàng đế Rôma, thậm chí họ còn coi những người Rôma
là dân ngoại, là những kẻ ô uế. Vậy mà, trong vụ án này, do sự xúi giục của các
thượng tế, trước mặt Philatô, dân Do Thái đã công khai tuyên bố nhìn nhận vương
quyền của hoàng đế Cesare, loại trừ Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài. Điều đó
có nghĩa là người Do Thái công khai tuyên bố mình thuộc về bóng tối và thế gian,
công khai đoạn tuyệt với Thiên Chúa là chân lý và là ánh sáng.
Vì rắp tâm tiêu diệt bằng được Chúa
Giêsu, các luật sĩ và kỳ lão không ngần ngại thể hiện sự tráo trở của họ. Khi bắt
trói Chúa Giêsu và điệu Ngài đến trước mặt thượng tế Anna và Caipha, họ tố cáo
Chúa Giêsu về các tội danh tôn giáo như: “Tên này xưng mình là con Thiên Chúa.
Tên này nói phạm thượng, xúc phạm đến Thiên Chúa…”. Nhưng những cáo buộc này
không đủ để kết án tử cho Chúa Giêsu. Thế là chúng đã nghĩ đến việc mượn tay
Philatô để thực hiện ý đồ này. Sáng sớm ngày hôm sau, khi điệu Chúa Giêsu đến
trước Philatô, họ đã tráo trở thay đổi lời cáo buộc Người. Thay vì những cáo buộc
mang tính tôn giáo, họ đã chuyển qua những cáo buộc mang tính chính trị: “Tên này
xúi dân làm loạn; Tên này xúi dân không nộp thuế; Tên này tự xưng mình là vua”.
Với những cáo buộc như thế, chắc chắn Philatô không thể bỏ qua.
Philatô cũng có một chút thiện chí,
lương tâm ông vẫn còn lên tiếng nhắc bảo, nhưng Philatô đã không đủ can đảm để
làm theo tiếng nhắc bảo của lương tâm, mà chiều theo sự gian dối. Philatô biết
rõ những người Do Thái tố cáo Chúa Giêsu chỉ vì ghen tị, ông thấy những cáo buộc
của người Do thái không đáng tin, ông đã tìm cách để tha Chúa Giêsu. Philatô
cũng muốn tìm kiếm sự thật về con người và lời nói của Chúa Giêsu khi Ngài
tuyên bố: “Tôi đến để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe
tiếng tôi”, Philatô đã hỏi Chúa: “Sự thật là gì?”. Tuy nhiên, Philatô đã không
dám đi đến cùng của con đường tìm kiếm sự thật, ông đã tìm cách tránh né sự thật
và cuối cùng ông đã ngả theo con đường của sự gian dối mà người Do Thái đã đặt
ra cho ông. Philatô trở thành kẻ gia tăng thêm đau khổ cho Chúa Giêsu bằng việc
đánh đòn Ngài, để cho quân lính xỉ vả Ngài và cuối cùng phủi bỏ trách nhiệm bằng
cách rửa tay và chấp thuận tuyên án tử hình Chúa Giêsu.
Trong bầu khí u ám của sự dữ, sự ác và
gian dối bao trùm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta vẫn nhận ra ánh sáng của lòng
xót thương và tình yêu tha thứ nơi Chúa Giêsu. Trước hết là tình thầy trò Chúa
Giêsu dành cho các môn đệ. Chúa biết rõ từng học trò của mình, biết họ yếu đuối,
kém cỏi, biết họ nhát đảm và phản bội, nhưng Chúa vẫn thương dìu dắt họ vượt
qua cơn thử thách ghê sợ của thập giá. Chúa không hề tỏ ra giận dữ hoặc oán
trách các tông đồ, nhưng vẫn dành cho họ sự ân cần của một người cha và tình
yêu thương tinh tế của một người mẹ. Để có thể vượt qua được thử thách của thập
giá, Chúa dắt các môn đệ của Ngài đi vào trong việc cầu nguyện, gặp gỡ với Chúa
Cha. Vì chỉ có cầu nguyện mới có thể giúp các môn đệ đứng vững và đón nhận thử
thách trong bình an. Trong khi cùng Chúa đi cầu nguyện, các môn đệ để mình bị sức
lôi kéo của xác thịt, của bản năng hạ gục, các ông chìm vào giấc ngủ. Chúa
Giêsu rất cảm thông với sự yếu đuối của các ông, Chúa đánh thức các học trò và
nhắc họ cầu nguyện. Khi các ông vẫn không thể cưỡng được cơn buồn ngủ, Chúa
Giêsu để các ông ngủ và cầu nguyện thay cho các ông. Khi bị bắt, một mình Chúa đứng
ra đương đầu với thế lực sự dữ, và hết mình khoan dung, bảo vệ các môn đệ của
mình: “Các anh cứ bắt tôi, nhưng hãy để cho những người này đi”.
Trước dinh Caipha một tên lính đã vả mặt
Chúa, Chúa không tức giận, Ngài chỉ nhắc cho anh biết tôn trọng sự thật, đừng
dùng bạo lực để lấn át người khác: “Nếu tôi nói sai, hãy chỉ ra chỗ sai. Còn nếu
tôi nói đúng, tại sao anh lại đánh tôi?”. Trước những lời cáo buộc, vu khống của
đám đông dân chúng tại dinh Philatô, Chúa Giêsu chỉ giữ một thái độ im lặng.
Ngài nhìn đám đông với cái nhìn của tình thương và cảm thông. Vì họ là những
người đáng thương, là những kẻ đang bị các thượng tế và luật sĩ lợi dụng để làm
điều ác. Chúa Giêsu cũng nhìn Philatô bằng một cái nhìn cảm thông, và nhắc cho
Philatô biết, ông ta cũng chỉ là người thừa hành pháp luật và sẽ phải chịu
trách nhiệm về quyết định của mình: “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ
trên không ban xuống cho. Vì thế kẻ nộp tôi cho quan thì mắc tội nặng hơn”.
Trên hết, Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả
đau đớn về tinh thần và thể xác, bị hành hạ, đánh đòn và làm nhục trước mặt mọi
người vì một lòng yêu mến vâng phục Thiên Chúa Cha, vì muốn cho ý Cha được trọn
vẹn. Chúa Giêsu còn đón nhận tất cả cực hình đau đớn ấy vì yêu mến nhân loại
chúng ta. Cây thập giá là hình ảnh của sự ác, đau khổ chết chóc, mà con người
gây ra cho nhau, nay được Chúa vác trên vai và bước đi cho đến tận cùng. Không
chỉ vác thập giá, Chúa Giêsu còn yêu mến chính cây thập giá này, và chấp nhận bị
treo trên cây thập giá ấy. Vì Chúa Giêsu biết rằng, trong ý định quyền năng của
Thiên Chúa, cây thập giá này sẽ trở thành cây mang lại hoa trái ơn cứu độ nhân
loại. Trên cây thập giá, mặc cho những lời xỉ nhục, thách thức của dân chúng,
Chúa Giêsu đã xin cùng Thiên Chúa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng”. Ngài còn biện
mình: “Vì chúng lầm không biết”. Với lời cầu xin này, cây thập giá không còn phải
là cây hành hình nữa, mà nó đã trở thành cây của yêu thương và tha thứ đến tận
cùng. Bóng tối của sự dữ, hận thù đã bị đầy lui để nhường chỗ cho tình yêu
thương tha thứ trổ sinh hoa trái.
Xin cho chúng ta khi chiêm ngắm đau khổ
và thập giá của Chúa Giêsu hôm nay, đón nhận được tình thương tha thứ của Chúa
và nhờ can đảm bước theo Chúa trên con đường thập giá, chúng ta cũng làm cho thập
giá đời mình đơm hoa kết trái yêu thương và tha thứ cho anh chị em chung quanh.
Amen.
Linh
mục Giuse Đỗ Đức Trí – GP Xuân Lộc