Suy Niệm Lời Chúa Đêm Vọng Phục Sinh
CHÚA GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH
LỜI CHÚA: Mc 16, 1-8
"Giêsu
Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại".
Hết
ngày Sabbat, bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê mua thuốc
thơm để đi xức xác Chúa Giêsu. Và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt
trời hé mọc, các bà đến mồ, họ bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ
cho chúng ta". Khi đưa mắt nhìn, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra bên cạnh.
Mà tảng đá đó rất lớn. Các bà đi vào trong mồ, thấy một thanh niên ngồi bên phải,
mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà rằng:
"Các người đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nazarét chịu đóng đinh: nhưng
Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Ðây là chỗ người ta đã đặt Người. Các
bà hãy đi nói với các môn đệ Người, nhất là với Phêrô rằng: Ở đó các ông sẽ thấy
Người như Người đã từng nói trước". Nhưng các bà chạy ra khỏi mồ trốn đi,
run rẩy kinh hồn chẳng dám nói gì với ai vì sợ hãi.
SUY
NIỆM
Chúa
Giêsu chịu chết trên Thánh giá, được mai táng trong mồ đá, nhưng ngày thứ ba, tức
rạng sáng Chúa nhật, Ngài đã phục sinh. Tin Mừng đêm vọng Phục sinh mời gọi
chúng ta vui mừng, vì Cháu chúng ta đã từ cõi chết sống lại. Đó là niềm tin của
chúng ta, chúng ta cũng được hưởng ơn phục sinh với Ngài.
1. Đêm vọng Phục
sinh là trung tâm điểm của mọi cử hành đức tin
Nhiều người ngoài Kitô giáo cho rằng người
Công giáo tin vào một người đã chết và sống lại, đó chỉ là chuyện hão huyền, mơ
mộng và mị dân. Nhưng đối với Kitô giáo thì đây lại là niềm tin. Bởi thế, Giáo Hội cử hành Lễ vọng Phục Sinh trong đêm
nay, là trung tâm điểm của mọi cử
hành đức tin của Giáo Hội. Lễ này được cử hành đêm nay được coi là đêm Mẹ của mọi
đêm. Chúng ta qui tụ nơi đây để cùng với Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, là
Chúa của chúng ta đã chết và đã sống lại.
2. Tin Mừng
Chúa Giêsu sống lại qua các nhân chứng
Các tác giả Tin Mừng thuật lại việc Đức
Giêsu sống lại có khác nhau, nhưng một số sự kiện quan trọng đuợc minh chứng thống
nhất, đó là : việc các phụ nữ ra thăm mộ ngày thứ nhất trong tuần; tảng đá lăn
ra khỏi mộ; ngôi mộ trống; và các bà báo tin cho các tông đồ về việc Chúa sống
lại.
Bài Tin Mừng thánh Marcô thuật lại hôm nay,
khi các phụ nữ ra viếng mồ Chúa từ sáng sớm, các bà “thấy
một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ.” Người thanh niên này đã nói với các bà rằng: "Các người đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu
Nazarét chịu đóng đinh: nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa. Ðây là chỗ
người ta đã đặt Người.”
Thật ngỡ ngàng, thật bất ngờ, thật vui mừng
thay: “Chúa
Giêsu Nazarét chịu đóng đinh: nhưng Người đã sống lại, không còn ở đây nữa.” Đó
là Tin mừng Chúa phục sinh.
Vì thế, việc Chúa sống lại không phải là một
sự tưởng tượng của các tông đồ, nhưng là niềm tin của các ông vào Chúa sống lại
qua lời Kinh Thánh đã tiên báo trước, qua các sự kiện xảy ra, và qua các lời
nhân chứng thuật lại.
Sau khi Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần với các
tông đồ, Ngài từ giã các ông mà lên trời, các tông đồ đi rao giảng niềm tin vào
Đức Giêsu đã sống lại. Nhiều người đã tin và xin chịu phép rửa tội.
Biến cố Đức Giêsu sống lại là nền tảng cho
đức tin Kitô giáo, như Thánh Phaolô mạnh dạn nói với chúng ta: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng
của chúng tôi và đức tin của anh chị em sẽ trở nên phù phiếm.”
3. Niềm tin vào
sự sống lại nơi Đức Giêsu là cốt tủy của đức tin Kitô giáo.
Niềm tin vào sự sống lại của Kitô giáo, bị
các nhà triết học vô thần coi như một sự vong thân, cố quên đi thực tại, hiện
sinh của con người. Kitô giáo bị coi ra ru ngủ, là thuốc phiện mê dân. Đối với
những người này, con người chỉ là một hữu thể vật chất, kinh tế mà thôi !
Tin Mừng Chúa Phục sinh là cốt tủy của đức
tin Kitô giáo, vì :
1/ Chúng ta hãy đọc Thánh Kinh và hãy nhớ lại những điều Chúa Giêsu đã tiên báo trước : “Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập
giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”
Đức tin của chúng ta về việc Chúa đã sống lại,
có nền tảng từ lời Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã không ít lần nói xa, nói gần, nói
bóng, nói gió về việc Ngài sẽ sống lại: “Nếu
hạt lúa mì.”; “Hãy phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại...”;
“Một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, một ít lâu nữa các con sẽ chẳng thấy Thầy, vì
Thầy về cùng Cha....”
2/ Các phụ nữ ra viếng mồ, thấy mồ trống,
khiến các bà sợ hãi, nhưng khi được biết tin “Chúa đang sống”, các bà hết sức vui mừng chạy đi báo tin cho các
tông đồ được biết. Đó là Tin Vui, Tin Mừng Chúa đã sống lại mà các bà đã được
Chúa mạc khải ngay từ khi Người từ cõi chết chỗi dậy.
3/ Nhìn những người tin Chúa sống lại được biến đổi như thế nào? Các phụ nữ báo tin cho môn đệ Tin Mừng Phục
sinh, và các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng Chúa Phục sinh.
Những ai tin đã được Chúa biến đổi; Niềm hy
vọng và sự can đảm hòa quyện vào nhau; còn kẻ không tin thì tìm cách chối bỏ các
chứng cứ, kể cả việc dùng thủ đoạn ! Thật đúng như lời Chúa Giêsu đã nói: “Nếu chúng không tin Môisen và các Ngôn sứ
thì kẻ chết sống lại chúng cũng chẳng chịu tin đâu.”
4/ Ước mong niềm tin của mỗi chúng ta vào
việc Chúa sống lại được cử hành long trọng trong đêm nay – và còn được kéo dài
trong suốt 40 ngày tới - sẽ mang lại cho từng người niềm vui và hy vọng để vượt
qua những cám dỗ, những rào cản, ... của thế gian khi chúng ta dám đặt niềm tin
của chúng ta vào Chúa.
Xin Chúa ban sức mạnh của Ngài cho chúng
ta, hầu biến những hành vi, lời nói hằng ngày của chúng ta thành công cụ Loan
báo Tin Mừng Phục sinh và Niềm hy vọng cho con
người và thế giới hôm nay. Amen.
Lm. Duy Khang