Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XVIII Thường Niên C
BẠN NÊN GỬI TIẾT
KIỆM Ở ĐÂU?
Trên
báo thỉnh thoảng có người xin tư vấn: Tôi có năm mươi triệu, tôi nên làm gì?
Mua nhà hay mua vàng? Người khác lại hỏi: Tôi có một ít tiền nhàn rỗi, tôi nên
gửi tiết kiệm ở đâu? Nói chung, nhiều người quan tâm làm sao để số tiền của
mình sinh lời nhiều nhất. Mấy tuần qua, Nhà nước dự đóan số vàng trong dân hiện
nay lên đến khoảng 500 tấn, Nhà Nước sẽ khuyến khích dân gửi ngân hàng, sau đó,
họ lấy số vàng đó gửi ngân hàng quốc tế để đổi lấy đôla về phát triển đất nước.
Không biết liệu dân có dám gửi vàng thật để đổi lấy vàng giấy như vậy không?
Có
một cán bộ đã kể lại, khi còn đi làm, ông góp số tiền lương được hơn 4500 đồng,
tương đương số tiền mua một căn nhà nhỏ tại Hà Nội, ông đem gửi tiết kiệm tại
ngân hàng. Sau hơn ba mươi năm, ông đem sổ tiết kiệm ra ngân hàng để rút cả vốn
lẫn lời, ông vô cùng bức xúc vì số tiền ông gửi, đến nay được Ngân hàng Nhà nước
quyết định trả cho ông hơn 100 ngàn, tương đương với hai bát phở Hà Nội.
Các
bài đọc Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta biết phải đầu tư vào lãnh vực nào là
khôn ngoan, an toàn và sinh lời cho cuộc đời của mình. Câu chuyện Tin Mừng thuật
lại cho thấy có hai vấn đề: vấn đề thứ nhất là vấn đề tranh chấp tài sản thừa kế,
vấn đề thứ hai là vấn đề đầu tư khôn ngoan.
Từ
thời Chúa Giêsu cho đến nay, việc tranh chấp tài sản thừa kế là việc vẫn thường
xảy ra, khiến cho anh em ruột thịt giận dỗi nhau, không nhìn nhau, có khi đưa
nhau ra tòa. Có những gia đình cha mẹ vừa chết, xác còn nằm đó, nhưng anh em đã
đánh nhau vì của cải. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này phát xuất từ lòng tham,
ai cũng muốn giành cho mình phần hơn. Hôm nay, một người đến xin Chúa phân xử vấn
đề tài sản, anh thưa cùng Chúa: Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi. Chúa
Giêsu đã trả lời: Này anh, ai đã đặt tôi là người xử kiện hoặc là người chia
gia tài cho anh? Câu trả lời cho thấy, Chúa Giêsu đến không phải như một quan
tòa đứng ra xử kiện, Ngài cũng không phải là người đứng ra phân chia tài sản hoặc
làm trọng tài thiết lập sự công bằng trong xã hội. Nhưng Chúa Giêsu cho thấy, để
giải quyết vấn đề tranh chấp bất công, thiết lập sự công bằng, cần phải đi từ gốc
rễ, đó là loại trừ khỏi mình sự tham lam.
Lòng
tham thì vô đáy, sự tham lam khiến cho người ta không bao giờ cho mình là đủ,
vì thế con người thường muốn vơ vét cho mình thật nhiều, ăn thật nhiều, sở hữu
thật nhiều, không có điểm dừng. Vì vậy, để tạo được sự công bằng trong cuộc sống
và giữ được tình anh em, mỗi người cần loại trừ khỏi mình sự tham lam của cải vật
chất. Để có thể thực hiện được việc này, mỗi người cần phải biết nghĩ đến người
khác trước, quan tâm đến người khác trước, đặt mình vào trong hoàn cảnh của người
khác, để cảm thông. Chúa Giêsu cảnh báo: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình
khỏi mọi thứ tham lam, vì của cải vất chất dư thừa không thể bảo đảm cho mạng sống
con người hôm nay và hạnh phúc Nước Trời mai sau. Ngài đã kể câu nguyện người
phú hộ dại khờ để nói về vấn đề này.
Một
đại gia giàu có, anh tự nhủ: Mình phải làm gì với số tài sản này? Anh đã quyết
định: Mình sẽ phá những kho nhỏ, xây những kho lớn để cất lúa thóc của cải. Anh
nhủ lòng: Hồn tôi ơi, cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho đã ! Nhưng Thiên Chúa
bảo anh ta: Đồ ngốc ! Đêm nay, ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi, thì những thứ
ngươi tích trữ sẽ về tay ai? Chúa kết luận: Kẻ nào lo tích trữ của cải cho mình
mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế.
Cái
ngốc của đại gia này ở chỗ nào? Anh không có lỗi vì sự giàu có, anh có lý do
chính đáng để xây kho mới to hơn để tích cóp của cải, vì anh được mùa. Cái ngốc
của anh là, anh biết tính toán để tích trữ, nhưng không biết tính toàn để chia
sẻ cho những người thiếu thốn. Anh lo
tích góp của cải cho bản thân cuộc sống này, mà không tích góp tài sản mai sau
cho mình. Anh chỉ biết nghĩ đến bản thân, nghĩ đến sự hưởng thụ và đặt trọn cuộc
đời mình trên các kho lẫm của cải của mình, thay vì đặt vào giá trị vĩnh cửu.
Anh quên rằng, của cải không bao giờ là thứ bền vững, nay nó ở trong tay ta,
mai nó qua tay người khác. Vậy mà, anh lại đặt cả tương lai đời mình trên những
của cải đó.
Anh
trở thành kẻ ngu ngốc vì chỉ nghĩ đến tích trữ, hương thụ vật chất mà không
quan tâm đến việc đầu tư tích trữ, làm giàu đời sống linh hồn. Anh quên rằng,
chính Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ cuộc sống và vận mạng của con người. Tài sản
ở trần gian chỉ là phương tiện, và mỗi người chỉ là người quản lý. Đấng làm chủ
thật sự cuộc đời mỗi người và mọi vật là Thiên Chúa, vì thế, người khôn ngoan
phải là người biết đặt cuộc đời mình nơi Thiên Chúa. Nội đêm nay ta đòi linh hồn ngươi, thì những
của ngươi tích trữ sẽ về tay ai? Như thế giữa linh hồn và của cải, giữa cuộc sống
trần gian và cuộc sống mai sau, mỗi người phải khôn ngoan để biết đầu tư cho
đúng.
Sách
Giảng Viên đã cho thấy một thực tế : Tất cả là phù vân, trần gian, vật chất quả
là phù vân. Con người vất vả lo toan để thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp
vào tay người khác. Cả đời con người vất vả lao công chỉ đem lại ưu phiền, ngay
cả ban đêm cũng không được yên lòng mà nghỉ ngơi. Điều đó cũng chỉ là phù vân.
Như vậy, để trở thành kẻ khôn ngoan, Thánh Phaolô khuyên: Anh em hãy hướng lòng
trí về những gì thuộc thượng giới, đừng chỉ chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
Chúng ta mang trong mình sự sống của Chúa Kitô, vì thế, chúng ta phải làm cho sự
sống này triển nở trong cuộc đời, đó mới là sự sống vĩnh cửu. Như vậy, vấn đề
không phải là giàu hay nghèo, cũng không phải chúng ta đầu tư tiền bạc của cải
vật chất ở đâu, nhưng là chúng ta để lòng mình, linh hồn mình quy hướng về đâu?
Khi tâm hồn quy hướng về Chúa, con người sẽ khao khát tím kiếm Chúa và sẽ đặt mọi
ưu tư đời sống của mình nơi Chúa, ngược lại, khi tâm hồn chỉ quan tâm đến việc
phàm tục thì lời nói cử chỉ cuộc sống cũng sẽ chỉ xoay quanh sự phàm tục mà
thôi.
Của
cải vật chất ở trần gian tự nó không xấu cũng không tốt, nó trở thành xấu hoặc
thành tốt là do người sử dụng chúng. Của cải vật chất là do Thiên Chúa tạo dựng
và trao tặng cho mỗi người tùy theo khả năng và sự cố gắng của họ; nếu người
nào loại trừ Đấng Tạo hóa và biến vật chất thành thiên chúa của mình, thì đó là
kẻ dại dột. Trái lại, người nào biết đặt cuộc đời mình và mọi lo toan cuộc sống
nơi Thiên Chúa và biết dùng của cải vật chất để đem lại lợi ích cho cuộc sống
và cho anh em, đó là kẻ khôn ngoan, biết đầu tư đúng chỗ.
Tuy
nhiên trong cuộc sống, sự tham lam, ham muốn vật chất khiến cho con người quên
mất cội nguồn và cùng đích cuộc sống của mình là Thiên Chúa; nó biến con người
trở nên như những con thú có thể cắn cấu giành giật lẫn nhau vì miếng mồi vật
chất, khiến cho con người đi lạc xa Chúa và mất tình nghĩa anh em.
Câu
chuyện Chúa Giêsu kể vẫn mang tính thời sự cho chúng ta. Hiện nay nhiều người
đang bị cuốn hút vào công việc, lao vào kiếm tiền bằng mọi giá, khiến họ không
còn nhìn thấy sự hiện diện của vợ con, anh em ở bên cạnh; những người này nghĩ
rằng, tự mình có thể làm được tất cả, vì thế họ để cho công việc lấn át sự hiện
diện của Thiên Chúa, không còn giờ cho Thiên Chúa. Họ đặt tiền bạc của cải trên
tất cả, họ nghĩ rằng họ có thể dùng tiền bạc của cải để giải quyết mọi vấn đề.
Cũng vậy, nhiều bạn trẻ ngày nay đang bị cuốn hút không chỉ bởi sức hấp dẫn của
tiền mà còn bởi sức hút của dục vọng, nhiều bạn trẻ đang dìm mình trong các thú
vui, thỏa mãn xác thịt và những lôi kéo của xã hội; nhiều người khác bị cuốn
hút bới công nghệ, khiến cho nhiều bạn trẻ quay cuồng với cuộc sống và đặt mục
tiêu sống của mình vào những hư danh.
Sư
tham lam, tìm kiếm danh vọng, vật chất và hưởng thụ, là cám dỗ triền miên nơi
con người, chính nó là thủ phạm khiến cho con người tách lìa khỏi Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên lời cảnh báo của Chúa Chúa hôm nay: Đêm
nay ta đòi lại linh hồn người thì tất cả những gì ngươi sắm sẵn sẽ thuộc về ai,
để chúng ta biết đặt lại thứ tự ưu tiên để đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu cho cuộc
đời mình. Amen