Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 18

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XVIII Thường Niên B

ao.jpg

Phải chi mọi người biết được thế nào là ơn Thiên Chúa ban! Bị thiếu thốn và đói khát dày vò, chúng ta chờ mong Thiên Chúa thực hiện các ước mơ của mình. Nhưng vì không hiểu hết được sự phong phú trong những gì mà Người ban, nên chúng ta thường tỏ ra là người đứng ngoài Tình Yêu mà Người muốn đưa chúng ta vào. Nếu có thể khám phá ra Vương quốc tình yêu ấy, chúng ta sẽ biết SỐNG đích thật.

Sách Xuất Hành:

Thiên Chúa dẫn dân Người qua sa mạc để thanh tẩy, để dạy cho họ biết chỉ lệ thuộc vào Người mà thôi. Người gửi đến cho họ một thức ăn lạ lùng là man na để cứu họ khỏi nạn đói. Đó là dấu chỉ báo trước một thứ lương thực tuyệt vời hơn mà Người sẽ ban cho con người.

Thánh Vịnh 77:

Tác giả Thánh vịnh suy niệm về hành động của Thiên Chúa trong Lịch sử dân Is ra el. Ông gợi lại thức ăn man na đã cứu sống họ khỏi nạn đói, nhưng cũng xác nhận rằng dân đã đáp lại lòng tốt của Thiên Chúa bằng sự vô ơn.

Thư Ê phê sô

Sau khi cố gắng mô tả thế nào là sự giàu có trong chương trình của Thiên Chúa về con người, thánh Phao lô mời gọi mọi người đáp trả lại ơn gọi mà họ nhận được. Vì thế họ phải thăng hoa các ước muốn tự nhiên nhất của con người và để Thiên Chúa canh tân nội tâm. Những dấu chỉ mà Chúa ban cho chúng ta, con đường mà Người vạch ra cho chúng ta sẽ không thể vượt qua nếu không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa, vì Người là Ánh sáng soi đường chúng ta đi, là Nguồn suối đổi mới đức tin của chúng ta. Thánh Phao lô nói rằng chúng ta là những người mới.

Tin mừng: Ga 6, 24-35

NGỮ CẢNH

Chương 6 tin mừng Gioan khởi đầu bằng hai trình thuật: hoá bánh ra nhiều (6,1-15) và Chúa Giê đi trên mặt nước (6,16-21). Tiếp theo là một giáo huấn dài về Bánh ban sự Sống (6,22-59). Đó là giáo huấn đầu tiên của Chúa Giê su dành cho đám đông trong tin mừng Gioan. Khung cảnh của giáo huấn là vùng biển Ga li lê: núi, biển và hội đường Ca phác na um. Bài tin mừng thuộc phần thứ hai của bài diễn từ nói về của ăn đích thực trước khi đề cập về sứ mạng của Con (6,35-48). Có thể đọc đoạn tin mừng theo cấu trúc sau đây:

- Nhập đề: cc. 24-25: khung cảnh và câu hỏi đưa đến bài diễn từ.

- Bài diễn từ: cc 26-34: cần phải làm việc để có của ăn đích thực.

- Mạc khải của Chúa Giê su: c. 35: của ăn ấy là chính Chúa Giê su.

TÌM HIỂU

Dân chúng thấy: ghi chú trùng hợp với câu 22, một dấu cho thấy sọan giả làm việc trên hai nguồn tiên khởi khác nhau.

Tìm Người: đám đông tự động đi đến với Chúa Giê su. “Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống” (Am 5,4): tòan bộ bài diễn từ đi sau phản ánh lời của vị Tiên tri. Nhưng chỉ trong Chúa Giê su Thiên Chúa mới ban sự sống.

Gặp thấy Người: hai từ “tìm-gặp thấy” luôn được các tiên tri và các nhà khôn ngoan nối kết lại với nhau: ai tìm Chúa sẽ được gặp Ngài (x. Lc 11,10). Tuy  nhiên Chúa Giê su sẽ chứng tỏ rằng ngay khi đã gặp thấy rồi, còn cần phải thanh tẩy và tiếp tục định hướng sự tìm kiếm nữa.

Các ông đi tìm tôi: Chúa Giê su không trả lời câu hỏi người do thái đặt ra cho Ngài, vì nó không có nghĩa gì cả. Chúa Giê su không từ chối khía cạnh tích cực trong việc đám đông đi tìm Ngài (6,24), nhưng tìm cách thanh lọc và hướng về sự sống mà Ngài sẽ ban cho họ.

Dấu lạ: người Do thái quá quan tâm đến bánh mà họ được ăn nên không nhìn thấy và đọc được dấu chỉ ẩn chứa trong đó. Họ đã không tìm cách nhận ra Chúa Giê su.

Các ông hãy ra công làm việc..: trong hi ngữ động từ nầy cùng một ngữ căn với từ “việc làm”. Trong câu 12, người ta có thể dịch như sau: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc làm của Thiên Chúa?”.

Việc của Thiên Chúa là chương trình cứu độ đang được thực hiện nơi Chúa Giê su Ki tô. Chúa Giê su đang làm việc cũng như Cha (5,17) và theo những gì Ngài đã thấy nơi Cha (5,19-20). Đến lượt mình, con người phải tìm cách đưa việc làm của mình hòa hợp với chương trình của Người.

Lương thực: việc làm và lương thực liên kết với nhau: người ta làm việc để mua được cơm bánh. Chúa Giê su dựa vào động thái của đám đông: họ đang đi tìm đấng ban cho họ lương thực phần xác. Để làm việc với Thiên Chúa cần phải tìm một thứ lương thực khác.

Mau hư nát: cùng một từ như ở câu 6,12 cho thấy mối quan tâm của Chúa Giê su là ban thứ bánh đích thực không hư nát cho con người.

Thường tồn: tức là “còn mãi”. Thánh Gio an thường dùng từ nầy để diễn tả sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa hoặc của Chúa Giê su và hoạt động của Ngài nơi con người. Thức ăn mà Con ban cho sẽ còn mãi hiệu năng cho đến cuộc sống đời đời.

Ghi dấu xác nhận: dấu xác nhận sứ mạng của đấng được sai đến. Như Chúa Giê su, các “việc làm” mà Thiên Chúa ban cho Ngài chứng nhận rằng Ngài là đấng được sai đến (3,2;5,36). Đó là dấu cho thấy Con hoàn tòan tương hợp với Cha mình (5,19).

Phải làm gì: câu hỏi của đám đông nhằm đưa vào những khai triển mới về việc làm của Thiên Chúa và “bánh từ trời ban xuống”.

Việc Thiên Chúa muốn: người do thái hỏi những việc nào, Chúa Giê su trả lời chỉ có một việc. Việc làm duy nhất đó là đức tin cho phép Chúa Giê su hoàn thành trong chúng ta công việc của Ngài. Chúng ta phải kết hợp với Chúa Giê su trong việc thực hiện thánh ý của Cha như Ngài. Đó là “việc” mà nhờ đó con người có được lương thực còn mãi cho sự sống đời đời.

Đấng Người đã sai đến: khẳng định nền tảng trong sách tin mừng Gioan: đó là “tin vào Chúa Giê su”.

Dấu lạ nào: đám đông cảm kích trước phép lạ Chúa Giê su làm đến nỗi muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lánh đi (6,15). Giống như ma quỉ trong giờ thử thách Chúa (Mt 4,6; Lc 4,9), như những người biệt phái trong những hoàn cảnh khác (Mc 8,11), đám đông đòi hỏi Chúa Giê su thực hiện một dấu cho họ chứng kiến một quyền phép cả thể.

 Thấy để tin: người do thái đặt điều kiện: để tin, họ cần phải thấy như cha ông họ ngày xưa trong sa mạc (Xh 16,2; 17,2.7). Rốt cục, họ muốn thử thách Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giê su từ khước thực hiện một dấu lạ kiểu đó. Và khi hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại, Ngài nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (20,29).

Như có lời chép: Thánh vịnh 78,24 nói về man na từ trời rơi xuống trong suốt thời gian trong sa mạc. Chúa Giê su có làm được như thế hoặc khá hơn không?

Không phải ông Mô sê: người do thái trích dẫn Thánh vịnh 78 nói: “Ngài ban cho họ bánh..” Chúa Giê su điều chỉnh lại: không phải ông Mô sê, mà chính là Cha Ngài ban bánh đích thực. Bằng cách đó, Ngài báo trước phần tiếp theo của diễn từ:

- “Bánh bởi trời”: chính là Ta (phần hai: 6,35-48);

- Cha ông các ngươi ăn manna, nhưng đã chết (phần ba: 6,49-58)

Bánh bởi trời, bánh đích thực: đây là bánh mà nhờ đó các lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành mĩ mãn

Bánh từ trời xuống: Chúa Giê su tiếp tục tự so sánh với man na, nhưng người do thái nghe Chúa Giê su nói vẫn chưa hiểu Ngài nói về chính mình Ngài. Còn đối với độc giả đã biết cuộc đối thọai với ông Ni cô đê mô thì kiểu nói ấy lại rất rõ ràng: đấng từ trời xuống chính là Con Người (3,13).

Đem lại sự sống: xem 3,15-16 và 5,24.

Thứ bánh ấy: phản ứng giống với phụ nữ Sa ma ri ta na (4,15). Chúa Giê su đã đưa thính giả của Ngài đi từ sự tìm kiếm hoàn toàn vật chất đến sự tìm kiếm điều mà Ngài ao ước ban cho họ. Nhưng khi Ngài vừa cắt nghĩa ý của Ngài thì họ lại khó chấp nhận.

Chính tôi là: tới đây Chúa Giê su có một thay đổi dứt khoát. Vấn đề không còn là tiếp nhận những thức ăn vật chất từ Ngài nữa mà là chính bản thân Ngài, tức là nhận biết và chấp nhận Ngài.

Bánh trường sinh: ngay từ đầu Chúa Giê su đã nói về sự sống (6,27), và Ngài sẽ nói như thế cho đến cuối bài diễn từ và trong khung cảnh đi sau (6,63.68). Không có man na thì cuộc Xuất hành có thể sẽ thất bại. Chúa Giê su tự nói về mình như là bánh cần thiết để sống và đạt tới sự sống đời đời.

Chẳng khát bao giờ: sự hỗ trợ vật chất luôn đòi hỏi người ta phải không ngừng làm mới lại. Còn sự gặp gỡ Chúa Giê su thì mang lại sự sống phong phú và có tính quyết định. X 4,14.

SỨ ĐIỆP

Hình ảnh cả đám đông nhốn nháo đi tìm Chúa Giê su thật là đẹp. Đó đã là thái độ của ba môn đệ ngay từ đầu sứ vụ, rồi của bà Maria Mađalêna vào buổi sáng Phục sinh trước ngôi mộ trống. Đó cũng là cách thức của mỗi người chúng ta. Đi tìm Chúa phải là mục đích sâu xa trong cuộc đời. Chính vì thế mà chúng ta qui tụ lại trong nhà thờ ngày Chủ nhật. Và chúng ta sẽ không ngừng tìm kiếm Chúa.

Lời mời gọi sau đây không ngừng vang lên trong suốt Thánh Kinh:

 «Hãy không ngừng tìm kiếm nhan Chúa » (Tv 104). Hết lòng tìm Chúa (1Ks22,19). « Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa của con, con tìm Ngài ngay từ rạng đông, linh hồn con khao khát Chúa (Tv 118,10). Tất cả chúng ta được mời gọi không ngừng tìm Chúa, và khi chúng ta nghĩ rằng mình đã gặp thấy Ngài, thì chính là lúc mà chúng ta phải tiếp tục tìm Ngài hơn nữa bởi vì Ngài luôn ở bên kia hình ảnh mà chúng ta có về Ngài cũng như tất cả những gì chúng ta có thể nói về Ngài. 

Nhưng điều kì diệu hơn đó là cuộc đi tìm của chính Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài đi trước chúng ta. Người không ngừng đi bước trước về phía chúng ta. Ở vườn địa đàng, Người đi tìm con người phạm tội. Và toàn bộ sách tin mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giê su đã đến để tìm và giải cứu những con chiên lạc. Ngày nay cũng thế, chúng ta vẫn còn gặp những người đi tìm và đặt nhiều câu hỏi về Thiên Chúa, về đức tin Giáo Hội. Và chính chúng ta nữa, không phải lúc nào chúng ta cũng biết mình đang ở đâu. Điều quan trọng là không để mình ở mãi trong sự nghi ngờ nhưng tiếp tục tìm kiếm khi sốt sắng lắng nghe lời Ngài. Chúng ta hãy cầu nguyện để Ngài đặt trên đường của chúng ta những người sẽ giúp đỡ chúng ta tìm gặp Ngài.

Các đám đông mà tin mừng nói đến đã gặp thấy Chúa Giê su ở bờ bên kia. Điều đó có nghĩa là phải luôn luôn vượt qua bờ bên kia để gặp Ngài. Đám đông đã vượt qua biển hồ, nhưng đã không làm một cuộc vượt qua đích thực trong lòng tin. Chúa Giê su đã giúp họ nhận ra điều đó: Ngài chỉ cho họ biết đâu là bến bờ đích thật mà Ngài đang chờ đợi họ: “Các ngươi đi tìm Ta vì đã được ăn bánh. Nhưng đừng dừng lại ở đó. Bánh đích thật không phải là bánh mà các ngươi đã ăn ngày hôm qua. Cũng không phải là man na mà cha ông các người đã ăn trong sa mạc thời ông Môi sê. Bánh đích thực duy nhất, chính là Ta. Ta từ trời xuống, để ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không còn đói. Kẻ nào tin vào Ta sẽ không còn khát nữa”.

Đó là những lời nói mạnh mẽ khiến chúng ta phải coi trọng. Và điều mà chúng ta phải nhìn nhận là chúng ta còn ở xa lí tưởng ấy. Bài tin mừng mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa mà chúng ta gán cho cuộc sống và việc làm của chúng ta. Chúng ta đang sống trong một xã hội đặt tiền bạc ở hàng đầu; ai cũng lo cho mình có nhiều tiền hơn để tiêu xài nhiều hơn. Nhưng rút cục rồi chúng ta vẫn không hạnh phúc hơn. Tìn mừng thánh Gioan vừa nhắc chúng ta rằng chúng ta phải làm việc không phải vì của ăn hư nát, nhưng vì của ăn còn mãi trong Sự Sống đời đời.

Nhưng để đạt được điều đó, chúng ta phải làm một cuộc vượt qua, vượt qua nghi ngờ để đến đức tin, vượt qua xác tín của mình để tiếp nhận sự mới mẻ nơi sứ điệp tin mừng. Hoàn thành công việc của Thiên Chúa là “tin” vào đấng Ngài đã sai đến. Khi chúng ta nói “tin”, thì không chỉ là một ý tưởng; mà còn là một câu trả lời liên hệ đến toàn bộ cuộc sống. Chính vì thế mà Chúa Giê su đã đòi hỏi người thanh niên giàu có bán hết tất cả những gì mình có, phân phát cho người nghèo và đi theo Ngài. Điều quan trọng là không chỉ vâng giữ các giới luật, mà đặt nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng và cùng với Ngài lập một tương quan tin tưởng và yêu thương.

Làm sao không nhớ đến những người đã quảng đại trả lời cho lời mời gọi của Chúa. Một vài người đã rời bỏ một cuộc sống tiện nghi để hoàn thành công việc của Thiên Chúa. Họ biết rằng sự dấn thân ấy sẽ dẫn họ trên những con đường mà họ không thấy trước. Nhưng đó chính là nơi mà họ tìm được niềm vui đích thực.

Ngày hôm nay, chúng ta dành thời giờ để nhìn trong sự thật. Hãy nhận ra những nơi trong cuộc sống vắng bòng tình yêu. Việc Thiên Chúa muốn là tin vào tình yêu của Ngài và để cho Ngài yêu thương chúng ta. Phương tiện tốt nhất để đi vào trong tình thân ái của Ngài là nhận ra nơi Ngài là “bánh ban sự sống”. Nhưng để được vậy, chúng ta phải rời bỏ bờ trần gian hoàn toàn trần tục. Chúng ta hãy cầu nguyện để giúp chúng ta vượt sang bờ bên kia, bờ của đức tin. Xin Ngài đến giúp sức chúng ta.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sách Xuất hành là sách gì?

THƯA: Sách Xuất hành là quyển sách thứ hai của Kinh Thánh, thuộc loại sách Sử. Sách Xuất hành kể lại cuộc đi ra khỏi Ai cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa, và kể lại Giao Ước như là một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa.

2. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Sau khi ca mừng Thiên Chúa đã dẫn họ vượt thoát Ai cập (Xh 15,1-21), dân Híp pri bắt đầu lên đường tiến về đất hứa (22-26), họ đã đến Ê-lim, nơi có mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là và đóng trại ở đó, bên bờ nước (Xh 15,27). Dân Híp pri nhổ trại rời Ê-lim lên đường, và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en tới sa mạc Xin, giữa Ê-lim và Xi-nai, vào ngày mười lăm tháng thứ hai kể từ khi họ ra khỏi đất Ai-cập (16, 1).

3. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ sách Xuất hành nói về phép lạ Man na Thiên Chúa ban cho dân Ít ra ên trong sa mạc. Bấy giờ đoàn dân đang đi trong sa mạc tiến về đất hứa. Họ càm ràm trách móc ông Mô sê vì dẫn họ lên sa mạc để chết đói. Thiên Chúa nghe thấy, động lòng thương, ban cho họ bánh ban sáng và thịt chim cút ban chiều. Ông Mô sê liền dạy cho họ biết đó là Bánh bởi trời Thiên Chúa ban, hình ảnh báo trước Bánh ban sự sống là chính Đức Ki tô: “Ai đến với tôi, không hề đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.

4. HỎI: Tại sao họ ‘đã càm ràm’ trách Mô sê?

THƯA: Bởi vì họ không chịu nổi cơn đói khát trong sa mạc. Họ bắt đầu tiếc nuối những tháng ngày nô lệ bên Ai cập, dù gì thì cũng có bánh thịt ăn và nước uống.

5. HỎI: Như thế có phải họ trách móc Thiên Chúa không?

THƯA: Đúng thế. Chính Mô sê cho họ biết: ‘Không phải anh em đã kêu trách chúng tôi, mà là kêu trách ĐỨC CHÚA.’ (Xh 16, 8). Càm ràm như thế là đi ngược lại với đức tin, phát sinh từ sự nghi ngờ vì lo lắng: lo không có cái ăn cái uống trong hoàn cảnh khắc nghiệt trong sa mạc.

6. HỎI: Thiên Chúa đã đáp lại như thế nào?

THƯA: Để đáp lại những lời càm ràm của dân, Thiên Chúa vẫn không thay đổi. Ngài không trách phạt hay bỏ rơi họ nhưng gửi đến cho họ lương thực, bánh và chim cút. Từ nay manna từ trời rơi xuống mỗi buổi sáng trong suốt thời gian trong sa mạc cho đến khi họ ăn thổ sản của đất hứa (Gs 5,2).

7. HỎI: Tại sao manna lại là một thử thách?

THƯA: Ơn ban Manna là một thử thách bởi vì trước hết, mọi ơn ban Thiên Chúa đều là sự thử thách lòng biết ơn của con người. Khi hưởng dùng lương thực Ngài ban, họ có biết vượt qua cám dỗ càm ràm trách Thiên Chúa không, họ có biết tin cậy vào Người, biết ơn những gì Người ban và sự hiện diện của Người không?

8. HỎI: Còn lí do gì nữa?

THƯA: Thử thách thứ hai là con người có biết vâng lời và kính trọng các giới răn của Người không, giới răn giữ ngày sa bát, và chia sẻ cho người khác không? Vì Chúa dạy: ‘Mỗi người hãy tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu mà lượm, mỗi người một đấu, tuỳ theo số người; mỗi người hãy lấy luôn cho những người ở cùng lều với mình’ (Xh 16, 16). ‘ĐỨC CHÚA đã ban ngày sa-bát cho các ngươi; vì thế, ngày thứ sáu, Người ban cho các ngươi bánh đủ ăn hai ngày. Ai nấy hãy ở yên một chỗ; ngày thứ bảy, đừng có ai ra khỏi chỗ ở của mình’ (Xh 16,29).

9. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Chương 6 tin mừng Gioan khởi đầu bằng hai trình thuật: hoá bánh ra nhiều (6,1-15) và Chúa Giê đi trên mặt nước (6,16-21). Tiếp theo là một giáo huấn dài về Bánh ban sự Sống (6,22-59). Đó là giáo huấn đầu tiên của Chúa Giê su dành cho đám đông trong tin mừng Gioan. Khung cảnh của giáo huấn là vùng biển Ga li lê: núi, biển và hội đường Ca phác na um. Bài tin mừng thuộc phần thứ hai của bài diễn từ nói về của ăn đích thực trước khi đề cập về sứ mạng của Con (6,35-48).

10. HỎI: Tại sao đám đông lui về Capharnaum tìm Chúa Giê su?

THƯA: Khi đám đông thấy không có Chúa Giê su và các môn đệ ở bờ biển hồ Galilê, họ liền xuống thuyền đi Capharnaum tìm Ngài. Capharnaum là một thành phố nằm phía Bắc biển hồ Galielê, được coi là trung tâm hoạt động của Chúa Giê su. Mt 4,13 ghi chú rằng Ngài thiết lập một nơi trú ngụ ở đó, bắt đầu sứ vụ công khai bằng cách giảng dạy trong hội đường (Mc 1,21; Lc 4,31). Chúa Giê su trốn lánh đi một mình, và đám đông biết rằng Ngài không đi với các môn đệ (Ga 6,16) nên họ đi tìm Ngài nơi mà Ngài thường lui tới như nhà riêng.

11. HỎI: Rabbi nghĩa là gì?

THƯA: Trong Tân Ước, Rabbi có nghĩa là Thầy. Thường cách gọi “rabbi” được dùng như một lời chào hơn là một tước hiệu. Các môn đệ gọi Chúa Giê su là Rabbi có nghĩa là dù họ không biết chính xác Ngài là ai, và sứ mạng của Ngài là gì, họ vẫn coi Ngài là một Tôn sư đáng kính.

12. HỎI: Đám đông hỏi gì và Chúa Giê su có trả lời không?

THƯA: Trước tiên, họ muốn biết Chúa Giê su đến Capharnaum từ bao giờ. Thay vì cho họ biết Ngài đã đến đấy bằng cách nào, Chúa Giê su hướng sự chú ý của họ về sứ mạng đích thực của Ngài.

13. HỎI: Chúa Giê su bắt đầu trả lời như thế nào?

THƯA: Chúng ta thường kết thúc lời cầu nguyện bằng Amen, nhưng ở đây Chúa Giê su bắt đầu trả lời bằng hai từ Amen, Amen. Amen có nghĩa là “thật vậy”, nói hai lần Amen là để xác định một lời thề, ở đây là long trọng xác định điều Ngài sắp nói là rất quan trọng. Trước tiên, Ngài nói rõ lí do hành động của họ: vì không hiểu ý nghĩa các dấu chỉ Ngài làm, nên họ đi tìm Ngài không phải vì tin mà vì được Ngài cho ăn bánh no nê.

14. HỎI: Tiếp đến, Chúa Giê su khuyên họ như thế nào?

THƯA: Vì thế, Ngài khuyên họ đừng tìm kiếm thức ăn hư nát, nhưng hãy tìm kiếm thức ăn đem lại cuộc sống đời đời. Đó là thức ăn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho bất cứ ai tin vào Ngài.

15. HỎI: Chúa Giê su đã dạy họ phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?

THƯA: Chúa Giê su bảo họ: “Hãy ra sức làm việc”. Người do thái hiểu sai ý nghĩa điều mà Chúa Giê su đòi hỏi. Họ lẫn lộn công việc của Thiên Chúa với những việc họ làm cho Thiên Chúa. Họ tưởng rằng mình có thể đem lại cho bản thân sự sống vĩnh cửu bằng cách gìn giữ những giới luật Thiên Chúa truyền. Trong khi đó, điều mà họ phải làm là tin vào Chúa Giê su, Đấng Thiên Chúa sai đến.

16. HỎI: Đối với người Do thái, điều đó dễ hay khó?

THƯA: Cực kì khó và hầu như không thể vì thái độ cứng lòng của họ.Họ tiếp tục đòi Ngài làm những dấu lạ cả thể, ít nhất cũng tỏ ra bằng ông Mô sê, người mà họ cho là đã nuôi cha ông họ bằng Man na suốt 40 năm ròng rã trong sa mạc. Và chính thái độ đó đã ngăn chận mọi con đường dẫn họ đến với Chúa Giê su và tin vào Ngài là Đấng Messia Thiên Chúa sai đến

17. HỎI: Chúa Giê su đã giải thích cho họ như thế nào?

THƯA: Chúa Giê su vạch rõ sự sai lầm của người Do thái khi tiếp tục đòi hỏi những dấu chỉ bên ngoài để tin vào Chúa Giê su. Họ bị thu hút bởi những dấu lạ, nhưng Chúa Giê su dạy cho họ biết rằng nếu chỉ đi theo Ngài vì được ăn no thì chưa phải là tin. Cần phải vượt qua dấu chỉ để đạt đến ý nghĩa mà dấu chỉ bày tỏ thì mới có đức tin chân thật.

18 HỎI: Cuối cùng Chúa Giê su đã mạc khải như thế nào?

THƯA: Trong khi người do thái tìm kiếm một dấu chỉ khác để tin, và cho rằng chính ông Mô sê đã ban cho cha ông họ bánh bởi trời, thì Chúa Giê su đã dạy họ: “Các ngươi đi tìm Ta vì đã được ăn bánh. Nhưng đừng dừng lại ở đó. Bánh đích thật không phải là bánh mà các ngươi đã ăn ngày hôm qua. Cũng không phải là man na mà cha ông các người đã ăn trong sa mạc thời ông Mô sê. Bánh đích thực  

19. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay như thế nào?

THƯA: Trước sự lầm lạc, ngoan cố và cách sống đạo vị luật của những người đồng hương, Chúa Giê-su ân cần chỉ bảo cho họ biết việc mà Thiên Chúa muốn họ phải làm  là Tin vào Ngài là đấng Thiên Chúa sai đến. Ngài chính là bánh ban sự sống đời đời cho bất cứ ai tin vào Ngài.

20. HỎI: Chúng ta phải thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: Chúng ta phải:

1. Là tin vào Đấng Người đã sai đến là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Không chỉ là tin một cách mông lung, mờ nhạt mà là phó thác trọn cuộc đời mình cho Chúa, là sống chết với Chúa. (như Thánh Phao lộ, x. Gl 20).

2. Sống mối tương quan gắn bó mật thiết như thế với Chúa Ki-tô là chúng ta sống phong cách của những con người mới và tâm trí chúng ta sẽ được Thần Khí đổi mới theo kế hoạch cứu độ yêu thương của Thiên Chúa.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần XVIII Thường niên A. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên: TỪ BỎ MÌNH. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên: ĐỐI VỚI TÔI, ĐỨC KITÔ LÀ AI?. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên: ĐỨC TIN LÀM CHÚA MỦI LÒNG. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên: « Cứ yên tâm, Thầy đây đừng sợ ». Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần XVIII Thường Niên A: TIN TƯỞNG VÀO CHÚA. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Chúa Nhật XVIII Thường Niên A - 5' LỜI CHÚA - Kinh Thánh Bằng Hình - Việt Anh
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên A: BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường Niên A. Nhiều tác giả
     Các bài đọc Chúa Nhật XVIII Thường Niên A