ĐÓN NHẬN CHÚA VÀ CHIA SẺ
CHO ANH EM
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 14,13-21
(13) Nghe tin ấy, Đức Giê-su
lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe
biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. (14) Ra khỏi
thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng
thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ. (15) Chiều đến, các môn đệ
lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi. Vậy xin
Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.
(16) Đức Giê-su bảo: “họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho
họ ăn”. (17) Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái
bánh và hai con cá !” (18) người bảo: “Đem lại đây cho Thầy !”. (19)
Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm
lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc
tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. (20) Ai
nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại
được mười hai giỏ đầy. (21) Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không
kể đàn bà và trẻ con.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU NHÂN
BÁNH RA NHIỀU LẦN THỨ NHẤT
Như
ông Mô-sê trong thời Xuất Hành, Đức Giê-su cũng đưa dân chúng tin Người vào trong
hoang địa. Tại đây Người đã thể hiện tinh thương bằng việc làm phép lạ nhân
bánh ra nhiều để nuôi “năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà con trẻ” được ăn
no, giống như Mô-sê đã cầu xin và được Đức Chúa ban man-na cho dân Ít-ra-en suốt
thời gian bốn mươi năm trước khi về tới “Hứa Địa”. Phép lạ nhân bánh ra nhiều này
tiên báo bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su sẽ thiết lập trong bữa tiệc ly
trước cuộc Tử nạn và Phục sinh.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 13-14: + Lánh khỏi nơi đó: Khi nghe biết Gio-an Tẩy Giả bị vua Hê-rô-đê
bỏ tù thì Đức Giê-su đã lánh sang miền Ga-li-lê (x. Mt 4,12). Giờ đây,
nghe tin Gio-an đã bị vua Hê-rô-đê chém đầu thì Đức Giê-su lại lánh vào
nơi hoang vắng, vì chưa đến “giờ của Người” (x.Ga 8,59;11,53-54). Cái
chết của Gio-an Tẩy Giả là điềm báo về cái chết của Người sắp xảy
đến. + Đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt: Theo Mác-cô và
Lu-ca, lý do chính rút lui của Đức Giê-su là để thầy trò có thời giờ
ở riêng với nhau, tránh sự quấy rầy của đám đông dân chúng (x. Mc 6,31).
Thuyền các ngài hướng về phía hoang địa gần thành Bét-sai-đa (x. Lc
9,10), về phía Đông Bắc và cách biển hồ Ga-li-lê khoảng một cây số.
Đây là thời gian gần đến lễ Vượt qua của dân Do Thái (x. Ga 6,4). +
Đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người: Đông đảo dân chúng đi theo
Đức Giê-su gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa đã theo Mô-sê vào trong sa
mạc Xi-nai. + Chạnh lòng thương: Khi chạnh lòng thương và chữa lành
các bệnh nhân, Đức Giê-su chứng tỏ Người chính là mục tử lý tưởng
mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm (x. Ed 34,11-16).
-
C 15-18: + xin Thầy giải tán đám đông: Các môn đệ đã biết nghĩ đến
nhu cầu của dân chúng đang cần được ăn uống, nhưng các ông lại bất lực
trước nhu cầu to lớn ấy, nên đã đề nghị Đức Giê-su giải tán đám đông để
ai nấy tự lo phần lương thực cho mình. + Chính anh em hãy cho họ ăn:
Đức Giê-su biết rõ sự bất lực của các môn đệ, nhưng Người đã lệnh cho
các ông phải lo cho đám đông kia được ăn. Qua đó, Người muốn Hội Thánh không
những phải lo chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời, mà còn có nhiệm
vụ đáp ứng nhu cầu vật chất cho họ với hết khả năng của mình nữa. + chúng
con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá ! : Số lượng quá nhỏ
bé so với nhu cầu lớn lao của đám đông. Riêng Tin Mừng Gio-an còn cho
biết năm chiếc bánh đó làm bằng lúa mạch, tức là loại bánh rẻ tiền của
người nghèo. + Đem lại đây cho Thầy! : Với mấy chiếc bánh rẻ tiền như
vậy, các môn đệ chắc sẽ không thể làm được gì lớn lao. Nhưng Đức Giê-su
chỉ cần các ông tỏ thiện chí đóng góp hết khả năng là Người sẽ thực
hiện phần việc còn lại là nhân ra nhiều.
-
C 19: + Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ: Cỏ chỉ mọc vào
mùa xuân, nghĩa là phép lạ nhân bánh xảy ra khoảng tháng ba dương lịch
trước lễ Vượt Qua (x. Ga 6,4.10; Mc 6,39). Việc cho dân chúng ngồi trên
cỏ nhằm mục đích duy trì trật tự thường bị mất mỗi khi có việc phân phát
đồ ăn cho đám đông. + Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá: Trong
các gia đình Do thái, vào trước bữa ăn, người cha thường đọc kinh tạ ơn
Thiên Chúa về những ơn lành Người đã thương ban. Ở đây khi làm việc này,
Đức Giê-su cho thấy Người chính là gia chủ của đại gia đình nhân loại
mới được hứa ban ơn cứu độ. + Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và
bẻ ra, trao cho các môn đệ: Các cử chỉ và hành động nói trên giống như
các cử chỉ của Người trong bữa tiệc ly khi thiết lập bí tích Thánh Thể
vào buổi tối ngày Thứ Năm trước cuộc khổ nạn (x. Mt 26, 26).
-
C 20-21: + Ăn no và còn dư: “No và dư” là hai yếu tố nói lên sự dồi
dào của bữa tiệc Thiên Sai mà ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm trước đó như
sau: “ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân
một bữa tiệc: tiệc thì béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu
ngon tinh chế” (Is 25,6). + Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại
đựơc mười hai giỏ đầy: Mười hai tông đồ đi thu được mười hai giỏ. Con
số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ít-ra-en. Qua đó cho thấy sự
nghiệp của Đức Giê-su lan rộng đến toàn dân Do thái chứ không dừng lại
ở con số người được ăn bánh hôm ấy. + Số người ăn có tới năm ngàn
đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con: Vì con đường theo Đức Giê-su vào
hoang địa hơi xa nên có lẽ chỉ những người đàn ông mới quyết tâm và đi được
đến nơi. Có thể đàn bà con nít cũng có mặt, nhưng không được tác giả
Tin mừng nhắc đến theo quan niệm “trọng nam khinh nữ” của dân Do thái
thời bấy giờ.
4.
CÂU HỎI:
1)Tại
sao Đức Giê-su phải lánh vào nơi hoang địa? Nơi đó nằm ở đâu? 2) Đông
đảo dân chúng đi theo Đức Giê-su gợi lên hình ảnh nào trong thời kỳ
Xuất Hành? Thái độ chạnh lòng thương và chữa lành bệnh tật của Đức
Giê-su cho thấy Người là ai? 3) Tại sao các môn đệ lại đề nghị Đức
Giê-su giải tán đám đông? Khi đòi chính các ông phải lo cho dân chúng
ăn, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì cho các mục tử của Hội Thánh? 4)
Đức Giê-su đã làm gì trước khi nhân bánh ra nhiều để nuôi dân chúng?
Phép lạ nhân bánh ra nhiều tiên báo về bí tích nào sẽ được Đức Giê-su thiết
lập sau này ? 5) Hai đặc tính của bữa tiệc là ăn no và ăn dư dật đã ứng
nghiệm lời tuyên sấm nào của Ngôn sứ I-sai-a? Ý nghĩa của con số 12
giỏ đầy những mẩu bánh thừa nói lên điều gì? 6) Phải chăng đàn bà và
trẻ con không được ăn bánh nhân ra nhiều trong phép lạ này?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: Đức
Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn”
(Mt 14,16).
2. CÂU CHUYỆN: BẠN CHÍNH LÀ
ĐÔI TAY CỦA CHÚA:
Vào
cuối Thế Chiến Thứ Hai, để thu phục nhân tâm của dân chúng trong một
làng quê ở miền cực Nam nước Ý mới được giải phóng khỏi bọn phát xít
Đức, toán quân Đồng Minh đã cố gắng phục hồi lại bức tượng Thánh
Tâm Chúa Giê-su bằng thạch cao, đã bị bể tan trong cuộc chiến trước
đó. Bức tượng này cao khoảng 2 mét, được dựng trên đài phía trước
nhà thờ của làng. Sau nhiều ngày tìm kiếm, toán lính kia đã tìm ra các
mảnh bị vỡ và gắn lại thành bức tượng Thánh Tâm đẹp đẽ như trước,
duy chỉ còn thiếu đôi tay của bức tượng, có lẽ đã bị bể tan do bom
đạn chiến tranh. Sau khi đã làm hết cách, cuối cùng tóan lính đành
chịu bỏ dở công việc dựng lại bức tượng nói trên. Bấy giờ một người
trong bọn bật ra sáng kiến hay. Anh ta đi lấy hai khúc gỗ gắn giả để thay
cho hai cánh tay của bức tượng Chúa, rồi viết vào tấm bảng nhỏ đặt trước
bức tượng một hàng chữ: “BẠN CHÍNH LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÚA”. Hàng chữ này
không những đã đánh động tâm hồn của dân chúng trong làng, mà còn thu
hút nhiều du khách từ các nơi đến chiêm ngưỡng bức tượng Thánh Tâm
Chúa với hai cánh tay bằng gỗ của loài người.
Ngày
nay khi chúng ta biết chạnh lòng xót thương những người đau khổ bệnh
tật và đói khát rồi tìm cách đáp ứng nhu cầu của họ là chúng ta đang
làm theo lời Đức Giê-su dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Người chạnh lòng
thương và chữa lành các bệnh tật của họ” (Mt 14,14). Người cũng muốn
chúng ta cộng tác với Người để chăm lo phục vụ giúp đỡ những kẻ đau
khổ nghèo đói, khi Người nói với các môn đệ rằng: “Họ không cần phải
đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt
14,16).
3. SUY NIỆM:
-
DIỄN TIẾN PHÉP LẠ: Tin Mừng thuật lại câu chuyện nhân bánh ra nhiều với
ba điểm nhấn như sau:
+
Đem lại đây cho Thầy !: Đức Giê-su không chê phần đóng góp nhỏ bé của các môn
đệ để làm phép lạ nhân chúng ra nhiều. Người chỉ cần chúng ta trao cho người
những gì chúng ta có là sự quảng đại và lòng nhiệt tình.
+
Người cầm lấy năm chiếc bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho
môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông: Con đường đi của năm chiếc bánh nhỏ
là từ tay các môn đệ đến tay Đức Giê-su, được Người dâng lên cho Chúa
Cha, rồi trao lại cho các môn đệ, để cuối cùng đến tay từng người trong
đám đông dân chúng.
+
và trở nên nhiều: Phép lạ nhân bánh ra nhiều đã xảy ra khi nó đang ở
trong tay ai ? Bình thường chúng ta sẽ tưởng tượng Đức Giê-su nhân bánh và cá thành
một đống bánh và cá lớn, rồi các môn đệ đến lấy mang đi phân phát cho
dân chúng, nhưng ở đây thánh Mát-thêu viết tiến trình biến hóa bánh và cá ra
nhiều như sau: “Người bẻ bánh ra trao cho các ông”, và sau đó chắc các
ông cũng tiếp tục bẻ bánh ra và chia cho đám đông. Và có lẽ mỗi người
trong đám đông cũng phải bẻ tấm bánh của mình ra để chia sẻ cho người
bên cạnh. Chẳng mấy chốc ai nấy đều có bánh ăn. Như thế những tấm
bánh từ tay Đức Giê-su đã được bẻ ra, trao đi và nhân ra nhiều khi nó di
chuyển từ tay người này sang tay người khác. Đó là điều mấu chốt mà
phép lạ này muốn nói lên.
-
ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY (Lc 22,19):
+
Phép lạ Bánh được nhân ra nhiều là hình ảnh của bí tích Thánh Thể
Đức Giê-su sắp thiết lập trong bữa Tiệc ly trước khi chịu tử nạn: Bữa
tiệc này trùng với bữa tiệc Vượt Qua của dân Do thai. Đức Giê-su đã
sử dụng Bánh Không Men dùng trong tiệc Vượt Qua theo truyền thống, để
biến thành Bánh Ban Sự Sống tức là Thân Mình của Người, sắp chịu
hiến tế vì nhân loại. Người cũng dùng chén rượu nho để biến thành
Máu Huyết Người sắp đổ ra để đền tội thay cho nhân loại. Cuối cùng
Người truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến
Thầy” (x. Lc 22,19-20).
+
Điều kiện để tham dự Bữa Tiệc Thánh của Chúa là quảng đại tha thứ
và yêu thương hiệp nhất (x. Mt 5,23-24; 6,14-15): Thánh Phao-lô đã quở
trách các tín hữu Cô-rin-tô họp nhau mà không làm theo cách thức như
bữa ăn tối của Chúa. Vì mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước,
và như thế kẻ thì đói, người lại no say (x. 1 Cr 11,17-21). Thánh nhân
cảnh cáo họ về tội chia rẽ và thái độ lỗi đức bác ái với nhau:
“Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của
Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? ”(1 Cr 11, 20-22). Vì
thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì
cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11, 27).
-
PHÉP LẠ BẺ BÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG: Phép lạ nhân Bánh ra nhiều không
dừng lại ở việc Bẻ Bánh tại nhà thờ, mà còn phải đựơc tiếp tục
kéo dài trong cuộc sống: bẻ ra, trao đi và hóa nhiều.
+
Đừng sợ tấm bánh bị bẻ ra và cho đi sẽ bị hao hụt và không còn đủ phần
bánh cho mình và người thân: Nếu các môn đệ xưa cũng nghĩ như vậy và
không chịu trao cho Đức Giê-su năm chiếc bánh và hai con cá thì số
bánh cá đó vẫn chỉ có bằng đó. Nhưng nhờ quảng đại trao cho Đức
Giê-su, để Người bẻ ra trao lại cho các ông để các ông chia cho dân
chúng mà bánh đã được nhân ra nhiều.
+
Ngày nay cũng có nhiều người đang cần các thứ bánh vật chất và tinh
thần: bánh công lý, bánh yêu thương, bánh cảm thông tha thứ và phục
vụ. Đừng ngại khi phải hy sinh nhiều. Nếu bạn dám bẻ đôi những gì
bạn có thì chắc thế giới này sẽ không còn người đói, mà tất cả sẽ
được no nê bánh ăn vật chất và còn được no đầy cả bánh tinh thần là
sự bình an, niềm vui, hạnh phúc và hy vọng.
4. THẢO LUẬN:
1)
Ngoài việc cho kẻ đói bánh ăn vật chất, bạn có thể cho họ những thứ
bánh tinh thần nào nữa ? 2) Trong những ngày sắp tới bạn quyết tâm sẽ
trao bánh tinh thần nào cho người sống bên cạnh như: Một nụ cười, một
lời khen thành thật, một sự giúp đỡ tận tình và còn gì nữa không…?
5. NGUYỆN CẦU:
-
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng con noi gương
Chúa “Luôn chạnh lòng xót thương” những kẻ đói nghèo đang sống bên cạnh
chúng con. Xin cho chúng con cảm nghiệm được sự đói khát đang giày vò
bao người, để sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy: “Chính anh em hãy cho họ
ăn”. Nhưng Lạy Chúa, bản thân con và gia đình con cũng đang gặp khó
khăn, phải “ăn bữa nay lo bữa mai”, thì làm sao chúng con có thể chia
sẻ cơm ăn áo mặc cho người khác được? Khả năng của chúng con thì giới
hạn và không thấm vào đâu so với nhu cầu to lớn của tha nhân. Xin cho
chúng con biết noi gương quảng đại của các môn đệ Chúa xưa để dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa, và Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho
chúng con, rồi chúng con sẽ noi gương Chúa tiếp tục chia sẻ cơm bánh tiền
của và tình thương cho những người nghèo khổ đang ở chung quanh chúng con.
-
LẠY CHÚA. Con xin mượn lời cầu nguyện của một thi sĩ để dâng lên
Chúa lời cầu nguyện như sau: “Con chỉ là một tia lửa, xin biến con thành
ngọn lửa hồng. Con chỉ là một sợi dây, xin biến con thành một cây
đàn. Con chỉ là một quả đồi, xin biến con thành một rặng núi. Con
chỉ là một giọt nước, xin biến con thành đại dương. Con chỉ là một
cọng lông, xin biến con thành đôi cánh lớn. Con chỉ là một gã ăn xin,
xin biến con thành một vương hầu”. Khi nhìn lại bản thân, con cảm thấy
thân xác con quá yếu đuối, suy nghĩ con thật nông cạn, trái tim con
lại nhỏ bé, địa vị con quá thấp hèn, tài sản con chỉ là đôi bàn
tay trắng! Nhưng con tin rằng, nếu con biết quảng đại hiến dâng những gì
chúng con có cho Chúa, thì Chúa sẽ biến hóa nó nên sức mạnh giúp con
làm được những việc lớn lao. Xin cho con luôn sẵn sàng đóng góp phần
nhỏ bé của con cho Chúa để chu tòan sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ
cho anh em con.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM
ĐÓI NGHÈO TRONG TÂM HỒN VÀ LƯƠNG THỰC CỨU ĐÓI
Theo thống kê của ngân hàng thế
giới, trong khi con số những người giàu nhất thế giới có tăng đôi chút, thì ngược
lại, con số những người nghèo lại tăng gấp nhiều lần mỗi năm. Thống kê cũng cho
biết, mỗi ngày trên thế giới có hàng chục ngàn người chết đói, và hàng năm, con
số người chết lên đến hàng triệu. Theo tiêu chí của ngân hàng thế giới, người
nghèo là người có thu nhập bình quân một ngày dưới 1$ (20.000đ). Theo tiêu chí
này, thì Việt Nam là một trong những quốc gia đói nghèo. Tuy nhiên gần đây, Việt
nam cũng có hơn 100 người được xếp vào hạng giàu trên thế giới, có những người
ăn sáng bằng một tô phở ở Hà Nội với giá 700 ngàn ; bên cạnh đó, nhiều người
không kiếm nổi 10 ngàn một ngày. Có những người một bữa nhậu đãi nhau hết cả chục
triệu, và bên cạnh đó có những người khác bữa đói, bữa nhịn.
Thưa quý OBACE, vấn đề nghèo đói
lương thực luôn là vấn đề trầm trọng nơi nhiều quốc gia, nhiều gia đình. Bên cạnh
đó, còn một tình trạng đói nghèo khác, đó là đói nghèo trong tâm hồn : đói tình
yêu, nghèo hạnh phúc, thiếu niềm vui, thiếu bình an ; dư thừa của cải nhưng tâm
hồn trống rỗng, nghèo đói… Tình trạng đói nghèo này có khi còn trầm trọng và
gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người nhiều hơn là thiếu đói cơm áo.
Thiếu đói cơm áo, người ta có thể
chờ đợi sự trợ giúp của các nhà hảo tâm hoặc của các quốc gia giàu có, nhưng việc
thiếu đói trong tâm hồn, thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn cho chúng
ta, mà mỗi người phải tìm đến với sự trợ giúp này. Thiên Chúa là Đấng đầy tràn
hạnh phúc và bình an. Ngài nhìn thấy sự đói khát trong tâm hồn và thể xác của
con người. Ngài sẵn sáng đáp ứng mọi sự đói khát và thiếu thốn của con người,
chỉ với một điều kiện duy nhất là hãy đến mà lãnh nhận.
Qua miệng tiên tri Isai, Thiên
Chúa mời gọi : Hãy đến, hỡi tất cả những
người đang khát, hãy đến…dầu không có tiền, cứ đến mà dùng, đến mua rượu mua sữa
không phải trả đồng nào… Hãy chăm chú nghe lời ta, thì các ngươi sẽ được ăn
ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với ta, các ngươi sẽ
được sống. Như vậy, lương thực Thiên Chúa ban trước hết không chỉ ăn bằng
miệng, nhưng còn là “ăn bằng tai”. Những ai nghe và thực hành Lời Chúa truyền dạy
thì sẽ được no thỏa ân phúc, tìm được bình an, và Lời Chúa sẽ thỏa mãn sự khao
khát, thiếu đói trong tâm hồn con người.
Nếu như tiên tri Isai nói đến một
thứ lương thực “ăn bằng tai”, thì khi Chúa Giêsu đến, Ngài vừa mời gọi những
người đi theo Ngài nghe và tuân giữ lời Ngài, vừa còn đáp ứng cái đói thể xác bằng
bánh và cá. Hơn nữa, Ngài còn làm no thỏa cái đói trong tâm hồn bằng một thứ
lương thực đặc biệt, đó là máu và thịt Ngài. Tin Mừng hôm nay kể lại: Chúa
Giêsu thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài mấy ngày trong hoang địa để nghe lời
Ngài, Ngài chạnh lòng thương.
Chạnh lòng thương có nghĩa là để
cho trái tim mình rung nhịp trước đau khổ của người khác. Đám đông không chỉ bơ
vơ, đói khát thể xác mà còn bị sự dày vò bởi bệnh tật và đau khổ, nghĩa là theo
quan niệm lúc bấy giờ, họ đang bị trói buộc bởi ma quỷ, tội lỗi. Thấy thế, Chúa
đã ra tay chữa lành bệnh tật thể xác và đau khổ tâm hồn của họ.
Buổi chiều hôm đó, thấy một đám
đông đang có nguy cơ đói lả, các tông đồ cảm thấy bất lực trước một nhu cầu quá
lớn là lo cho cả ngàn người ăn. Vì thế, các ông đã muốn chọn một giải pháp dễ
dãi, thoái thác trách nhiệm nên các ông nói với Chúa : Thưa Thầy, đã muộn rồi, ở đây lại thanh vắng, chúng ta nên giải tán đám
đông, để họ tự đi mua thức ăn. Chúa Giêsu đã không đồng ý với giải pháp
đó. Ngài ra lệnh cho các tông đồ : Chính anh em hãy cho họ ăn. Các tông đồ, với sự giới hạn của mình, dường
như bó tay trước nhu cầu quá lớn như thế. Các ông đã thưa với Chúa về giới hạn
nhỏ bé của mình : Ở đây, chúng con chỉ có
vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, tức là chỉ đủ cho một phần ăn.
Đối với Chúa Giêsu, ít hay nhiều
không quan trọng, nhưng quan trọng là các tông đồ có dám nhường phần ăn của
mình cho người khác hay không, phần còn lại Chúa sẽ làm. Thế là chỉ với năm chiếc
bánh và hai con cá do sự quảng đại chia sẻ của con người, Chúa Giêsu đã cầm lấy…, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ,
các môn đệ trao cho đám đông. Chi tiết này cho thấy, một lần nữa, Chúa
Giêsu lại muốn có sự cộng tác quảng đại của các tông đồ. Chúa trao cho các ông
để các ông tiếp tục trao cho người khác. Như thế lương thục, của ăn cứ liên tục
được trao tặng qua các môn đệ, phục vụ đến mọi người, và sẽ mãi là như thế.
Từ năm chiếc bánh và hai con cá
nhỏ là đóng góp của con người, cùng với sự cộng tác của các môn đệ, Chúa Giêsu
đã nuôi năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư thừa đến mười hai giỏ đầy bánh vụn.
Phép lạ này được thực hiện để báo trước một phép lạ lớn lao hơn, đó là phép lạ
Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện. Ngài đã biến máu thịt mình nên của ăn
nuôi dưỡng nhân loại. Với phép lạ Thánh Thể tại nhà tiệc ly và vẫn còn kéo dài
đến ngày nay, Đức Giêsu cũng vẫn đang cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho các môn đệ mà nói : Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, mà uống, vì này
là mình và máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em, hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
Với việc biến mình trở nên lương
thực làm của ăn, của uống cho con người, Chúa Giêsu đã làm thỏa mãn mọi đói
khát thể xác và tâm hồn cho con người mọi thời và mọi nơi. Chỉ nhưng ai đến
lãnh nhận lương thực này, ăn mình và uống máu Ngài, thì sẽ không bao giờ còn bị
các cơn đói khát, thèm muốn của thế gian đe dọa nữa. Nói như thánh Phaolô trong
bài đọc hai : Khi gắn bó với Đức kitô qua việc nghe Lời Ngài và ăn lương thực của
Ngài ban tặng, thì không một đau khổ, nghèo đói nào có thể làm lung lạc tinh thần
của chúng ta : Không ai có thể tách chúng
ta ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô, dù là gian truân khốn khổ, đói rách, hiểm
nguy, bắt bớ, gươm giáo. Tức là tất cả những nghèo đói, thèm khát, đau khổ
của thế gian sẽ không làm gì được chúng ta, một khi chúng ta ở trong tình yêu với
Chúa Giêsu.
Thưa quý OBACE, trong chúng ta,
có những người đang nghèo túng của ăn, cơm áo. Bên cạnh đó, có rất nhiều người
giàu của cải nhưng lại đang nghèo đói tinh thần. Có nhiều gia đình thèm muốn có
một bữa ăn xum họp cả nhà mà không được ; có nhiều gia đình mong một ngày yên ổn
không cãi vã, không to tiếng mà cũng không tìm ra ; có những người quá mệt mỏi
với công việc, mong được một ngày nghỉ ngơi, thoát khỏi những lo toan cũng
không thể... và nhiều người khác, tuy ngoài miệng vẫn cười, mà lòng đầy nước mắt
và sự bất an. Nhiều bạn trẻ đang khao khát tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc và tìm
cho mình một hướng đi, một mục đích sống… Tất cả những khát khao đó là những
hình thức của đói khát tinh thần ngày nay. Chắc chắn rằng, con người, xã hội và
của cải không thể làm nguôi cơn đói ấy. Chỉ có một Đấng có thể thỏa mãn cho
chúng ta đó là Thiên Chúa. Chỉ có một thứ lương thực có thể xoa dịu mọi khát
khao của con người đó là Lời của Chúa và Tin Mừng của Ngài. Chỉ có một thứ
lương thực cứu đói và gia tăng sức mạnh đó là Mình và Máu Chúa Giêsu được trao
ban trong thánh lễ mỗi ngày.
Vì thế, mỗi người, mỗi gia đình
hãy tìm đến để lãnh nhận lương thực kỳ diệu này mỗi ngày. Hãy ăn bằng tai những
lời dạy bảo của Chúa. Hãy để cho Lời Chúa thấm nhập và chi phối cuộc sống và hướng
dẫn hành động của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ không còn khát khao điều gì nữa, vì Lời Chúa chính là
lương thực cho chúng ta. Hãy siêng năng đến với Bí Tích Thánh Thể qua thánh lễ
mỗi ngày. Hãy lãnh nhận và ăn mỗi ngày thứ lương thực thần linh này, Chúa sẽ bổ
sức cho cuộc đời chúng ta, sẽ dập tắt mọi khát khao thấp hèn của con người và
hướng chúng ta đến sự khao khát thánh thiện, khao khát hạnh phúc đời đời.
Một khi được đón nhận lương thực
từ tay Chúa, chúng ta còn có bổn phận tiếp tục chia sẻ cho những người bên cạnh.
Hãy quảng đại như các mộn đệ xưa, dâng cho chúa cả phần ăn mà chúng ta phải sử
dụng để Chúa dùng sự quảng đại nhỏ bé của chúng ta, mà nuôi dưỡng nhiều anh em
khác nữa. Hãy dâng cho Chúa không chỉ những của ăn hay những thứ dư thừa, mà
hãy dám dâng cho Chúa cả những cái chúng ta đang cần. Chúa đang chờ đợi sự công
tác của chúng ta để xoa dịu nỗi đau khổ, đói khát của anh em. Không chỉ dâng tặng
cho Chúa những của cải vật chất, mà còn dâng cho chúa những sự hy sinh, lời cầu
nguyện và những việc lành, việc tốt âm thầm. Chúa rất vui lòng đón nhận những của
hy sinh đó để đem lại ân phúc cho người thân, cho gia đình chúng ta và cho nhiều
anh chị em khác nữa. Xin cho chúng ta luôn biết noi gương Mẹ Maria, mở rộng tâm
hồn để Chúa lấp đầy mọi thiếu thốn, nghèo đói của thân phận con người và biến
chúng ta trở nên những con người no thỏa ân phúc của Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Gp. Xuân Lộc
Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên A
Ys 55,1-3; Rm 8,35.37-39; Mt 14,13-21
Chúng ta hết thảy đều
thuộc lòng câu truyện Chúa Yêsu hóa bánh ra nhiều. Câu truyện ấy hôm nay lại
được bài sách Isaia báo trước, vì ngay từ thời bấy giờ �
khoảng 600 năm trước Chúa Yêsu giáng sinh � nhà tiên tri đã thay mặt
Chúa hứa cho người ta bánh rượu no đầy. Ðứng trước lòng rộng rãi bao la và
quyền năng của Thiên Chúa, người ta có thể kêu lên như thánh Phaolô trong đoạn
thư hôm nay: dù sự chết hay sự sống� dù hiện tại hay tương
lai... hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi
lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô.
Như vậy những bài Kinh
Thánh hôm nay đã rõ nghĩa và chúng ta không thấy khó khăn gì khi muốn liên kết
cả ba lại thành một để có một giáo huấn duy nhất. Chúng ta chỉ còn cần đọc lại
để có một nhận thức sâu xa hơn về lòng tốt của Thiên Chúa đối với chúng ta, hầu
chúng ta được khích lệ hơn muốn đáp trả và gắn bó với Người.
A. Lòng Thương Cứu Ðộ Của Thiên Chúa
Bài sách Isaia rất đơn sơ.
Nó ghi lại Lời sấm của Thiên Chúa nói với Dân vào khoảng cuối thời Lưu đày. Ðã
sắp hết thời gian khổ sở. Dân Chúa sắp được đoái thương. Thiên Chúa sai ngôn sứ
của Người đến báo tin vui mừng này. Chúng ta hãy tưởng tượng ông đang đi đến
với đám dân trong giai đoạn cuối của cuộc Lưu đày. Ðó cũng là giai đoạn cực
khổ, rã rời. Sức chịu đựng hầu như không còn nữa. Niềm hy vọng dường như cũng
gần tắt. Thân phận của những con người khổ sở lúc ấy có khác gì cảnh tượng
những con người đói khát trong sa mạc sau nhiều ngày không nước uống và cơm ăn.
Tiếng kẻ bán nước rao lên lúc đó sẽ là tiếng cứu độ. Thế nên nhà tiên tri đã
mượn giọng kẻ bán nước:
"Ai khát nước, hãy
đến mà uống!"
Và ông làm cho mọi người
phấn khởi hồi sinh, khi nói tiếp ông có cả bánh ăn và có rượu có sữa nữa. Nhất
là ai đến lấy ăn cũng được, chẳng phải mua bán gì cả.
Ðó không phải là ơn cứu độ
nhưng không sao? Ðó mới là tình yêu của Thiên Chúa hiểu rõ thân phận loài
người. Bởi vì Dân Chúa hiện nay đã kiệt quệ. Không còn sức lực nào nữa. Không
thể tự cứu ra khỏi cảnh lưu đày này. Chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa mà
thôi. Nhà tiên tri thay mặt Chúa phải bảo đảm sẽ có ơn cứu độ nhưng không như
thế thì dân mới có thể tin. Và ông có dùng những hình ảnh về nước uống, bánh ăn
với sữa rượu mới hợp với tâm lý những người đã từng kinh nghiệm thế nào là đói
khát giữa sa mạc.
Nhưng đó chỉ là những hình
ảnh thôi. Ơn cứu độ sẽ đến cho dân Lưu đày như nước đến trong sa mạc, như bánh
rượu được phân phát trong thời kỳ đói kém. Tuy nhiên ơn cứu độ là gì? Những
hình ảnh kia trình bày thời đại cứu độ như thời đại cứu sống và bổ dưỡng. Nhưng
cái gì có thể cứu sống và bổ dưỡng Dân Chúa đang bị bỏ rơi?
Ðó chính là Giao ước, một
giao ước mới và vĩnh cửu. Bởi vì Dân Chúa đã được hình thành từ Giao ước và
định luật chi phối lịch sử thịnh suy của Dân này là câu: "Nếu các ngươi
giữ giao ước của Ta thì các ngươi sẽ được chúc phúc; bằng không, các ngươi sẽ
trở nên như đồ vứt bỏ". Và Dân đã xóa bỏ giao ước. Và họ đã đi đến tình
trạng này. Giờ đây sẽ chỉ có ơn cứu độ đến, khi chính Chúa lại giao ước mới với
Dân. Và ước gì, Giao ước ấy sẽ được như giao ước với nhà Ðavít, bởi vì Chúa đã
tỏ lòng nhân hậu với Ðavít một cách quá đặc biệt. Và Người đã thề hứa sẽ cho
nhà Ðavít tồn tại muôn đời.
Hôm nay Chúa sai ngôn sứ
của Người đến tuyên bố những điều ấy. Người sẽ ký kết với Dân một giao ước vĩnh
cửu như đã hứa cho nhà Ðavít. Chắc chắn không lời nào làm phấn khởi Dân Lưu đày
hơn những Lời sấm này. Và ở bất cứ thời đại nào, những lời ấy vẫn còn biểu lộ
tình thương mênh mông của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người. Có thể nói, Người
không muốn cứu chúng ta ra khỏi cơn bĩ cực này hay hoàn cảnh bi đát khác. Như
vậy còn là quá ít, chưa xứng đáng với tình yêu và quyền năng của Người. Người
muốn ký kết với chúng ta một giao ước vĩnh cửu, một mối tình bất diệt, là căn
bản duy nhất và sâu xa hơn cả xây lên hạnh phúc của loài người chúng ta.
Ước gì hôm nay chúng ta
hiểu như vậy. Và chúng ta xin với Thiên Chúa một cơ sở hạnh phúc vững vàng như
thế. Chúng ta liệu sao giữa Thiên Chúa và chúng ta có được mối quan hệ tình
nghĩa mặn mà, thắm thiết. Chúng ta sẽ thấy đó là nguồn hạnh phúc bất diệt cho
con người. Và cho được như vậy, chúng ta đã phải đọc bài sách Isaia từ bình
diện khả giác sang bình diện tâm linh, từ hình thức bánh rượu sang thực tại
giao ước. Chúng ta càng phải làm như vậy hơn nữa khi đọc bài Tin Mừng hôm nay
vì muốn thấu đạt một bản văn Tân Ước, chúng ta phải giữ lấy tất cả những tinh
hoa của Cựu Ước. Và bây giờ chúng ta đề cập đến bài Tin Mừng.
B. Sứ Mạng Và Khả Năng Cứu Thế Của Hội Thánh
Câu truyện Chúa Yêsu hóa
bánh ra nhiều lại càng quen thuộc. Câu truyện ấy xảy ra vào hồi Chúa còn tại
thế, nhưng soạn giả các sách Tin Mừng đã thuật lại câu truyện cho con cái của
mình nghe, không phải chỉ để họ biết truyện về Chúa, nhưng nhất là để câu
truyện ấy hướng dẫn và thánh hóa cuộc đời của họ. Không phải Hội Thánh đã thêm
thắt ý tưởng riêng của mình vào mạc khải của Chúa; nhưng nhờ ánh sáng Phục sinh
và ơn Thánh Thần Hiện xuống, Hội Thánh đọc thấy trong câu truyện Chúa hóa bánh ra
nhiều những chân lý phong phú có thể nuôi dưỡng đời sống đức tin của các tín
hữu.
Dù sao, trước hết Hội
Thánh vẫn nhìn thấy trong câu truyện này việc thực hiện Lời Hứa trong các sách
Tiên tri. Isaia đã tuyên sấm sắp đến ngày Thiên Chúa ban bánh rượu nhưng không
cho dân lưu lạc. Thì nay Chúa Yêsu đang hóa bánh ra nhiều cho người ta ăn nhưng
không. Và nếu bánh rượu trong Isaia đã được dùng để hướng về giao ước vĩnh cửu,
thì bữa ăn trong sa mạc hôm nay cũng phải chiếu dẫn vào bàn tiệc Thánh Thể, nơi
Chúa Yêsu sẽ dùng bánh rượu để đổi thành Thịt Máu hầu ký kết giao ước mới và
vĩnh cửu. Thế nên chúng ta không lạ gì khi thấy tác giả bài Tin Mừng mô tả các
cử chỉ của Chúa Yêsu khi hóa bánh ra nhiều y hệt cách thức Người sẽ làm trong
bàn Tiệc ly là: Người cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ
ra và trao cho các môn đệ...
Như vậy điều Isaia đã
tuyên sấm thì nay đang được thực hiện trong việc Chúa Yêsu hóa bánh ra nhiều để
nuôi dân một cách nhưng không. Và việc này lại báo trước việc Người sẽ làm trong
bàn Tiệc ly để mỗi khi tham dự lễ nghi Thánh Thể, chúng ta phải ý thức tình
thương cứu thế mênh mông của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người. Tình thương này
biểu lộ nơi Chúa Yêsu khi Người nhìn thấy quần chúng đông đảo; Người chữa những
kẻ bệnh tật trong họ; Người cho họ ăn chứ không giải tán họ đi vào các làng mạc
để tự mua thức ăn như các môn đệ muốn làm. Nhưng nhất là tình thương ấy tỏ ra
vô tận khi Chúa Yêsu muốn dùng các môn đệ và Hội Thánh để mãi mãi chăm sóc loài
người.
Quả thật, đây còn là một dụng
ý của tác giả khi thuật lại việc hóa bánh ra nhiều. Các môn đệ của Chúa Yêsu
bây giờ không phải là khách bàng quan, đứng ngoài nhìn vào đám đông với Chúa
Yêsu mà không muốn can thiệp vào. Trái lại, thấy trời đã về chiều, các ông đến
thưa Người: Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn.
Các ông tỏ ra có lòng săn sóc đến quần chúng. Chỉ có điều các ông không ý thức
đủ quyền năng của Chúa. Các ông có cái nhìn của những con người tổ chức. Nhiều
khi những tông đồ ở trong Hội Thánh cũng làm y như vậy. Họ thương người nhưng
mới chỉ có cái nhìn nhân loại. Tuy nhiên phải công nhận hôm ấy các môn đệ của
Chúa có lòng thương dân thật sự. Không những thương dân nên có cái nhìn quán
xuyến công việc, muốn để họ đi vào làng mạc mà mua thức ăn; mà còn tỏ ra hết
lòng thương họ khi sẵn sàng trao tất cả 5 chiếc bánh và 2 con cá cho Chúa Yêsu
lúc Người vừa ngỏ ý bảo chính các ông phải cho dân chúng ăn. Các ông không sợ
mất hết phần của mình. Nhiều tông đồ trong Hội Thánh ngày nay phải học để có
thêm tinh thần xả kỷ như các môn đệ đầu tiên của Chúa Yêsu. Chắc chắn Người đã
thỏa mãn về thái độ của các ông. Người nhận lấy gia tài 5 cái bánh và 2 con cá
của môn đệ. Qua bàn tay tạ ơn của Người, những của bé mọn này lại được trao lại
cho các môn đệ để họ phân phát cho người ta. Lạ lùng thay, 5 cái bánh và 2 con
cá đã nuôi no hơn 5,000 người, và còn lượm lại được 12 thúng đầy những mảnh
vụn, chắc chắn là để trao lại cho 12 môn đệ, để trong tay những ông này luôn
luôn còn có lương thực mà Thiên Chúa muốn dùng để dưỡng nuôi tinh thần của các
xã hội loài người.
Như vậy rõ ràng thái độ
của Chúa Yêsu đối với các môn đệ trong câu truyện này muốn gieo vào tâm hồn
chúng ta lòng tín nhiệm vào các môn đệ và Hội Thánh. Ðó là những người có bản
chất yêu thương quần chúng, sẵn sàng trao ban tất cả những gì mình có cho hạnh
phúc của loài người. Nhưng điều quý hóa ở nơi họ và trong Hội Thánh bấy giờ, là
khả năng mà Thiên Chúa ban để từ nay, Hội Thánh và các Tông đồ có thể nuôi
dưỡng người ta bằng tình thương của Chúa. Chúa đã trao quyền biến đổi bánh rượu
cho Hội Thánh, để Hội Thánh luôn luôn có thể trao ban chính tình thương cứu độ
của Thiên Chúa cho loài người. Chúng ta hãy tin tưởng vào Hội Thánh. Chúng ta
hãy đến với Hội Thánh. Nơi Hội Thánh luôn luôn có Chúa đầy tình yêu thương cứu
vớt mọi người. Hiểu về Thiên Chúa và Hội Thánh như vậy, chúng ta có thể coi
những lời thơ Phaolô hôm nay như của mình.
C. Một Niềm Tin Bất Khuất
Thật vậy, nếu chúng ta đã
suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa qua bài sách Isaia và bài Tin Mừng, chúng
ta phải thấy Người yêu thương Dân Người và loài người chúng ta quá chừng! Người
không bỏ rơi Dân trong cảnh lầm than tuyệt vọng. Ngược lại hoàn cảnh cơ cực của
dân càng làm nổi bật tình yêu lớn lao của Thiên Chúa. Và tình yêu này thật sâu
xa, vì ơn cứu độ Người gửi đến cho dân không phải chỉ là sự giải phóng dân khỏi
cảnh lưu đày; nhưng còn ký kết với Dân một giao ước mới và vĩnh cửu như Người
đã hứa với Ðavít. Người thể hiện việc này khi Ðức Yêsu Kitô ở bàn Tiệc ly đã
cầm lấy bánh rượu và nói: Ðây là Chén Máu Ta, Máu Tân Ước vĩnh cửu. Bài Tin
Mừng hôm nay đưa chúng ta về bàn tiệc Thánh Thể ấy, để chúng ta thấy tình
thương của Thiên Chúa không thể làm gì cho chúng ta hơn nữa khi Người đã sai
Con của Người xuống thế và Chúa Con đã trao ban Thịt Máu Người để chịu chết xóa
tội cho chúng ta. Chính vì nghĩ đến điều đó mà Thánh Phaolô hôm nay không thể
cầm lòng được nữa. Người thốt ra những tâm tình chân thật này trong bài thư hôm
nay: Ai sẽ tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Ðức Kitô? Không gì sẽ có thể tách
chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta! Bởi
vì Chúa đã yêu thương chúng ta đến như thế, thì dù gian truân, bĩ cực, bắt bớ,
đói khát, trần truồng, hiểm nguy và cho đến gươm giáo cũng chẳng có thể lay
chuyển lòng chúng ta tách khỏi Chúa. Thánh Tông đồ đã chịu tất cả những khổ sở
trên, như người đã kể trong nhiều thư về cuộc đời của người. Có thể người đã kể
ra hết những điều đó để gợi lên những thử thách lớn lao vào thời sau hết như
các tác giả thường nói. Người nhắc lại cả một câu thánh vịnh thường được dùng
để nhắc đến hoàn cảnh kinh khủng của thời Epiphane bắt đạo như sách Macabê kể.
"Nhưng trên các điều ấy hết thảy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến
chúng ta". Bởi vì chính tình yêu bất khuất của Người khiến chúng ta không
chịu thua; và nhất là bởi vì chính trong những lúc chúng ta yếu đuối như thế,
tình yêu của Người mới thi thố sức mạnh phi thường của bản tính Thiên Chúa. Như
vậy điều cốt yếu là phải tin vào tình yêu của Thiên Chúa.
Bài sách Isaia và bài Tin
Mừng hôm nay khuyến khích chúng ta suy nghĩ về tình yêu này. Và Thánh Thể mà
chúng ta cử hành giờ đây là chứng từ hùng hồn. Chúng ta ý thức về ý nghĩa của
Thánh Thể bao nhiêu, chúng ta càng thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta một cách
chân thực và sâu xa bấy nhiêu. Lên rước lấy Mình Thánh Người, chúng ta sẽ đón
nhận lấy tất cả tình yêu của Người đối với chúng ta. Chúng ta phải nói lên như
thánh Phaolô: Không có ai và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu
của Thiên Chúa nữa. Cho nên dù có gì xảy đến cho chúng ta trong những ngày này,
vui hay buồn, cám dỗ hay thử thách, chúng ta nhớ đến tình yêu của Chúa và chúng
ta cương quyết sẽ bất khuất sống xứng đáng với tình yêu của Người, để đời sống
chúng ta không những không tội lỗi mà còn có nhiều đóng góp xây dựng hạnh phúc
cho mọi người như các môn đệ, như Hội Thánh và như chính Thiên Chúa và Chúa
Yêsu Kitô theo như chúng ta được biết qua các bài Kinh Thánh chúng ta vừa nghe
đọc.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)