Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên
Có “Thực” mới vực được Đạo, hay có “Đức Tin” mới vực được Đạo
Đôi khi trong cuộc sống chúng ta hay chia ra làm 2 phần: Thể xác và tinh thần; phàm trần và thần linh. Để rồi người Công giáo chúng ta mặc nhiên sắp xếp thể xác và phàm trần vào một hộp, còn tinh thần và thần linh một hộp, khi cần đến nhu cầu nào thì mở hộp đó, không bị lẫn lộn, và chúng ta an tâm vì mình đã sống đạo tốt, sống đạo trưởng thành.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay, cho chúng ta nhận định lại cách sống của người Ki tô hữu chân chính phải như thế nào.
1/ Đức tin vực dậy lòng trông cậy
Trong bài đọc một, dân Israen đi trong sa mạc, thực ra đây là hành trình đức tin của dân được gọi là Chúa chọn. Khách quan chúng ta nhìn thấy, họ đã thiếu bánh, thiếu nước, và từ những cái thiếu này họ đã than trách Mô sê. "Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống". Ngang qua lời than trách, chúng ta thấy tiềm ẩn sâu xa chính là dân Israen thiếu niềm tin vào Thiên Chúa. Đó cũng là lối suy nghĩ của chúng ta ngày nay “Có thực mới vực được đạo”, lo giải quyết cái bụng trống, cái cổ khô cứng trước, còn niềm tin vào Chúa hãy để tính sau. Để đập tan ý tưởng này, Thiên Chúa đã làm cho tảng đá khô cằn trong sa mạc, trở nên nguồn sức sống cho con cái Israen, cho dân Israen thấy rằng, tin tưởng nới Thiên Chúa là trông cậy vào sự dẫn dắt của Ngài.
2/ Đức Tin vực dậy lòng yêu mến Giáo Hội
Nếu như xưa trong sa mạc, Thiên Chúa đã cứu dân Israen chỉ bởi tảng đá, thì ngày nay Thiên Chúa đã dùng đá tảng Phê rô để xây nên tòa nhà Giáo Hội, qua lời thiết lập của Chúa Giêsu : “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Chỉ có đức tin chúng ta mới thấy được Thiên Chúa dùng những con người yêu đuối, mỏng giòn, làm thành một hội những người thánh. Đây không phải là một tập thể hữu danh vô thực, nhưng là một quyền năng của Thiên Chúa, dưới cánh tay Ngài, từ con người tội lỗi, yếu đuối, bất toàn thành những con người nhiệt thành, thánh thiện và quảng đại, bằng chứng này chúng ta có thể thấy nơi Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, . . . Điều quan trọng là chúng ta dám để cho Chúa sử dụng, dám để cho Chúa biến đổi.
3/ Đức Tin vực dậy lòng quảng đại.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Quả vậy, khi không có đức tin, chúng ta thấy đau khổ, hy sinh là những gì hoang phí và vô bổ. Còn người có đức tin, không phải là người đã được tiêm vác-xin vô cảm với những khổ cực, nhưng hơn hết là họ nhận ra được thánh ý của Chúa, như Đức Giêsu đã nói: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". Như thế người có đức tin sẽ đọc được thánh ý của Chúa, con đường của chúa, và nhờ đức tin họ sẵn sàng quảng đại bước đi trong sự quan phòng của Chúa, và điều này chúng ta đã thấy nơi Mẹ Têrêsacalcutta, Đức cố hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. . . .
Trong năm thánh đức tin. Mỗi người chúng ta hãy xác định lại đức tin của mình, hãy dành cho đức tin của mình có một chỗ đứng trong hoạt động hằng ngày, và xác tín rằng: chỉ có đức tin mới là chìa khóa mở ra cho chúng ta bước vào đời sống đạo một cách chắc chắn và kiên vững, nhờ đó sẽ vực dậy tinh thần sống đạo đang ngủ quên của người kitô hữu.