THA THỨ VÌ BIẾT MÌNH ĐƯỢC THA THỨ
LỜI CHÚA: Mt 18,21-35
(21) Bấy giờ, ông Phêrô
đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến
con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" (22)
Ðức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần
bảy".
(23) Vì thế, Nước Trời
cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán
sổ sách. (24) Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua
mười ngàn nén vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh
bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ, tên đầy tớ
ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi
sẽ lo trả hết". (27) Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng
thương, cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra đến ngoài,
tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm
lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" (29) Bấy giờ người
đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi,
tôi sẽ lo trả anh". (30) Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào
ngục cho đến khi trả xong nợ. (31) Thấy sự việc xảy ra như vậy, các
đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. (32)
Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha
hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, (33) thì đến lượt
ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi
sao?" (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành
hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. (35) Ấy vậy, Cha của Thầy ở
trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không
hết lòng tha thứ cho anh em mình".
SUY NIỆM
Người ta thấy hai
vợ chồng nhà bác sĩ trong xóm có vẻ rất hạnh phúc, đi đâu hai ông bà cùng đi với
nhau từ việc đi nhà thờ đến siêu thị. Nhưng để ý kỹ, người ta có thể nhận thấy
bà luôn đi sau ông và dáng vẻ khúm núm như người giúp việc hơn là một người vợ.
Chuyện xảy ra là một lần nọ ông được ra ca trực sớm hơn thường lệ. Về đến nhà,
ông thấy như có người lạ ở trong nhà. Vừa đậu xe vào gara, nhìn qua kiếng chiếu
hậu, ông thấy một bóng đàn ông từ trong cửa chạy vụt ra ngoài. Vào trong nhà, vẻ
mặt của người vợ vô cùng bối rối sợ hãi. Bà sụp xuống dưới chân ông để xin lỗi.
Ông tỏ vẻ cao thượng không nói lời nào nhưng nhìn bà với cái nhìn trách móc,
khinh bỉ. Từ đó, để tránh dị nghị của hàng xóm, hai ông bà không hề to tiếng,
luôn đi lễ, đi siêu thị với nhau, nhưng bà phải lẽo đẽo theo ông như một hình
phạt, như kẻ tội đồ. Còn ông thỉnh thoảng ném cho bà một cái nhìn khinh bỉ, một
cái cười nhếch mép coi thường như hành hạ bà.
Thưa quý OBACE, câu
chuyện của gia đình bác sĩ không phải là câu chuyện tha thứ, mà là một cuộc trả
thù cách tinh vi, cách tàn bạo, một cách dai dẳng. Tha thứ không chỉ là bỏ qua
một bên sai lỗi của người khác, khi cần có thể đào bới lại để đay nghiến người
kia. Tha thứ không phải để tỏ ra mình cao thượng, nhưng tha thứ vì mình thật sự
yêu thương và cảm thông, hơn nữa là vì mình cũng từng là tội nhân và đã được
yêu thương tha thứ. Tha thứ không làm cho người ta trở thành hèn hạ hay nhu nhược,
nhưng sẽ giúp người đó trở nên mạnh mẽ hơn.
Hôm nay, Lời Chúa
nói cho chúng ta về sự tha thứ và chỉ cho thấy động lực khiến chúng ta có thể
thực hiện được việc tha thứ cho những người gây tổn thương cho mình.
Bài đọc sách Huấn
Ca dạy chúng ta hãy biết tha thứ để chúng ta cũng được Thiên Chúa tha thứ. Bằng
những lời dạy vắn gọn, tác giả sánh Huấn Ca nói với chúng ta rằng: “Oán hận là điều ghê tởm, kẻ nuôi sự báo thù
thì sẽ chuốc lấy sự báo thù của Đức Chúa. Hãy bỏ qua điều sai lỗi của người
khác, thì tội lỗi bạn sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Kẻ không biết yêu thương tha
thứ cho đồng loại, thì không đáng được Thiên Chúa tha thứ cho mình”. Qua những
lời dạy này, tác giả cho thấy con người ai cũng có lần sai lỗi trước mặt Chúa
và có lỗi với anh em. Ta muốn được Thiên Chúa tha thứ, muốn được anh em bỏ qua,
thì ta cũng phải biết tha thứ và bỏ qua lỗi lầm cho anh chị em. Đây chính là lý
do, là động lực đầu tiên thúc đẩy chúng ta can đảm để tha thứ.
Tha thứ không chỉ
là gật đầu chấp nhận lời xin lỗi của người khác, mà là bỏ qua tất cả, quên đi tất
cả, xóa sạch tất cả trong bộ nhớ những tổn thương, sai lỗi mà người anh em gây
ra cho mình. Kế đến, tha thứ còn đòi chúng ta phải chủ động thiết lập lại mối
tương quan với người đã gây tổn thương hoặc có lỗi với ta, phải đi bước trước để
làm những điều tốt đẹp cho người đã từng gây đau khổ tổn thương cho mình. Lý do
duy nhất để chúng ta tha thứ là vì: Chúng ta thuộc về Đức Kitô, chúng ta đã được
Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Bài đọc hai quả quyết cho chúng ta như vậy.
Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tha thứ. Ngài tha thứ cho Giuđa phản
bội, tha cho Phêrô chối Thầy và nhất là trên cây thập giá, Ngài xin Chúa Cha
tha thứ cho những kẻ làm khổ mình và con biện hộ cho chúng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm
không biết”. Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta phải dám học để yêu thương
và tha thứ như Chúa đã nêu gương.
Câu chuyện Tin Mừng
cho thấy: Tông đồ Phêrô đã thưa với Chúa: “Thưa
thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha cho họ mấy lần? Có đến
bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo đến bảy lần, nhưng là đến bảy
mươi lần bảy”.
Phêrô muốn nhấn mạnh
với Chúa: “Nếu anh em cứ xúc phạm đến con...”.
Tức là người này không còn vô tình xúc phạm, mà là cố tình, lặp đi lặp lại nhiều
lần. Phêrô cảm thấy dường như vượt quá sức chịu đựng, nên ông hỏi Chúa: “Con tha cho họ bảy lần thì đã đủ chưa?”
Khi nói bảy lần, Phêrô muốn đưa ra một giới hạn nào đó trong việc tha thứ và
nghĩ rằng tha thứ bảy lần như vậy đã là quá nhiều. Chúa Giêsu không những không
dừng lại ở giới hạn của Phêrô, nhưng Chúa muốn ông đi xa hơn nữa là, bỏ đi tất
cả số lần, tất cả giới hạn để biết tha thứ bảy
mươi lần bảy. Tức là, Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải biết tha hoài, tha
mãi, tha không điều kiện, không giới hạn, không tính toán khi anh em sai lỗi hoặc
làm tổn thương mình.
Tại sao phải tha
không giới hạn? Chúa Giêsu đã kể câu chuyện để trả lời cho câu hỏi tại sao ta
phải tha thứ cho anh chị em mình: Một ông vua đòi các đầy tớ thanh toán sổ
sách. Một người nợ vua mười ngàn nén bạc. Y không có gì để trả, nên vua sai bán
y, vợ con cùng tất cả tài sản để trả nợ. Tên đầy tớ sấp mình van xin: Xin ông
gia hạn cho tôi một thời gian, tôi sẽ trả hết nợ. Ông chủ động lòng thương tha
hết nợ cho hắn. Thế nhưng, khi ra ngoài hắn gặp một người bạn mắc nợ hắn một
trăm quan tiền, hắn bóp cổ đòi nợ, mặc dù người bạn kia cũng xin hắn gia hạn
như hắn đã xin ông chủ, nhưng hắn vẫn tống người bạn vào ngục. Ông chủ biết
chuyện cho đòi hắn đến và trách hắn: “Tên
đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,
còn ngươi, sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Ông
chủ nổi giận tống hắn vào ngục, cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ.
Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Vậy,
Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong
anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Câu kết luận của Chúa Giêsu cho thấy chúng ta phải
hết lòng tha thứ cho anh chị em vì biết rằng chính ta đã được Thiên Chúa yêu
thương và tha thứ. Những điều chúng ta xúc phạm đến Chúa là hết sức trầm trọng,
những điều ta làm tổn thương đến Chúa là không thể tha thứ. Vậy mà Chúa vẫn tha
thứ, chỉ vì Chúa thương xót và muốn tha cho chúng ta. Điều anh em xúc phạm đến
ta không đáng là gì so với những điều chúng ta xúc phạm đến Chúa, vậy mà Thiên
Chúa đã tha cho ta, chẳng lẽ ta không tha thứ được cho anh em? Thiên Chúa đối xử
khoan dung nhân hậu với ta, thì ta cũng phải khoan dung độ lượng với anh em
mình.
Thưa quý OBACE, trong thực tế, việc tha thứ không
phải là dễ, nhất là khi người gây tổn thương cho ta lại là những người ta yêu
thương nhất. Tuy nhiên, Chúa đòi chúng ta phải vượt qua cảm xúc tự nhiên để có
thể thực hiện được đòi hỏi của Tin Mừng. Chúa muốn chúng ta quảng đại tha thứ
vì biết rằng chính mình cũng đã được tha thứ. Chúa muốn chúng ta không chỉ gật
đầu hay nói lời tha thứ khi anh em xúc phạm đến mình, mà còn phải hành động để
thể hiện sự thật lòng tha thứ.
Con người chúng
ta: Nhân vô thập toàn, không có ai là người hoàn hảo. Cuộc sống chung lâu ngày
không thể tránh được những xích mích mất lòng nhau. Nhưng là Con Chúa, chúng ta
được mời gọi kiểm soát lời nói, hành vi của mình, đừng bao giờ vô tình hoặc cố
ý nói hay làm những gì gây tổn thương cho nhau. Một khi gây tổn thương hoặc có
lỗi với người khác, đừng ngại ngần bước đến để xin lỗi lẫn nhau, làm hòa với
nhau. Còn với người bị tổn thương, cần can đảm, quảng đại để tha thứ, cho dù
người kia không ngỏ lời xin lỗi. Thù oán giận hờn như một thứ vi khuẩn sẽ làm
cho vết thương trong tâm hồn ngày càng nhiễm trùng nặng hơn, gây đau đớn nhiều
hơn. Vết thương trên thân xác có thể mau lành nhờ bôi thuốc, nhưng vết thương
trong tâm hồn chỉ có thể được chữa lành bằng sự tha thứ mà thôi.
Trong đời sống gia đình nhiều lần vợ chồng có lỗi
với nhau, bất hòa, bất đồng, kể cả việc phản bội gây tổn thương cho nhau. Để
hàn gắn tình nghĩa vợ chồng, xây dựng lại gia đình, cần có sự tha thứ thật
lòng. Đừng để cho sự tự ái hoặc nóng nảy điều khiển các quyết định của mình. Vì
những quyết định phát xuất từ sự tự ái hoặc nóng nảy đều là quyết định sai lầm
và đưa đến hậu quả tiêu cực. Sự bao dung, tha thứ là yếu tố cần thiết giúp hàn
gắn tình nghĩa vợ chồng và củng cố mối dây gia đình.
Tha thứ không phải
là điều dễ, đòi ta phải cố gắng để vượt qua tính tự ái con người, khiêm tốn để
lắng nghe và cảm thông. Nhưng nếu chúng ta thiện chí và cố gắng, Chúa sẽ trợ
giúp chúng ta. Nhìn lên tấm gương tha thứ của Chúa để chúng ta cũng can đảm tha
thứ.
Trong kinh Lạy
Cha, chúng ta đọc: “Xin Cha tha cho chúng
con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời kinh này nhắc chúng ta
nhớ rằng, chúng ta lấy sự tha thứ của mình để làm thước đo xin Chúa tha những
điều ta sai lỗi.
Xin Chúa ban cho
chúng ta sức mạnh để chúng ta dám nói lời tha thứ và hành động tha thứ như Chúa
đã dạy chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí