Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật
XXIV Thường Niên Năm C
TIN TƯỞNG VÀO TÌNH THƯƠNG - HỐI HẬN VÀ TRỞ VỀ
Trong tuần thường huấn các linh mục giáo phận Xuân Lộc vừa qua,
Đức Cha có mời cha Phanxicô Xaviê (Fx) Trần An, dòng Biển Đức Thiên An – Huế,
đến chia sẻ. Thời trai trẻ Ngài đã từng là một con nghiện ma tuý nay được ơn
trở về từ bỏ ma tuý, gia nhập dòng Biển Đức và trở thành một linh mục. Hiện
nay, Ngài đang đồng hành và giúp các bạn trẻ cai nghiện ma tuý tại trung tâm
cai nghiện gần Lavang. Ngài kể rằng: Sinh ra trong một gia đình khá giả ở giáo
xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh. Cha Fx Trần An được sống trong cảnh bao bọc yêu
thương của cha mẹ đạo hạnh. Lớn lên, giỏi giang trong học tập và được sự yêu
mến của mọi người chung quanh. Nhưng rồi cậu thanh niên Trần An đã đi lạc
đường. Cha mẹ chấp thuận cho cậu tách riêng để làm ăn kinh doanh: làm nghề vàng
và buôn bán vàng bạc. Chàng trai đã rất thành công và gây dựng được danh tiếng
tại thành phố Vinh mà không phải ai ở độ tuổi của cậu có được.
Thế nhưng, sống trong một thành phố nổi tiếng nhiều cạm bẫy,
chàng trai này đã bị cuốn theo sự lôi kéo vào con đường ăn chơi, hưởng thụ. Ăn
chơi, tiêu phá hết tất cả những gì đã gầy dựng. Chán nản, buồn bã, Trần An lại
càng lâm vào hoang đàng, sa đọa trong nghiện ngập chích hút. Cuộc đời và những
người bạn xấu đã đẩy Trần An đến chỗ thân tàn ma dại và ra vào vòng lao lý. Thế
nhưng, nhờ tình yêu, lời cầu nguyện và nước mắt của người mẹ, Trần An đã được
gửi đến Đan viện Thiên An để tĩnh tâm, cai nghiện. Lúc đầu chàng trai chỉ muốn
trốn đời một thời gian, nhưng sau đó có một lời mời gọi thôi thúc từ trong tâm
hồn, Chàng muốn dâng cả thân xác tàn tạ và linh hồn nhuốm bẩn của mình để phục
vụ Chúa, tìm lại sự bình an. Sau nhiều năm tu luyện và cầu nguyện chàng trai đã
trở thành linh mục Fx Trần An hay thường gọi là "Tràn Ân". Hiện nay,
Ngài đang đồng hành và giúp nhiều bạn trẻ thoát ra khỏi sự trói buộc của ma
tuý.
Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Ngài luôn yêu thương và sẵn sàng tha
thứ khi con người biết hối hận về hành vi sai trái của mình. Có thể nói khi con
người biết hối hận về những lời nói việc làm xúc phạm đến Thiên Chúa, thì thiên
Chúa cũng sẽ “hối tiếc” và rút lại những hình phạt mà con người đáng phải chịu
về hành vi của mình. Sách Xuất Hành nhiều lần nói về việc Thiên Chúa hối tiếc
khi ra tay giáng phạt dân Người, khi họ bày tỏ thái độ hối hận ăn năn. Câu
chuyện hôm nay cho thấy: “Trong lúc Chúa gọi Môsê lên núi để ban lề luật cho
dân, thì ở dưới chân núi dân Israel đã đúc một con bê và thắp hương, nhảy múa
để thờ lạy nó.” Kinh Thánh dùng hình ảnh hết sức bình dân để diễn tả: Thiên
Chúa nổi cơn thịnh nộ và định ra tay tiêu diệt hết dân cứng cổ này để tạo lập
nên một dân mới. Nhưng ông Môsê đã làm cho nét mặt của Thiên Chúa dịu lại, ông
đã xin Thiên Chúa vì danh dự của Chúa, vì lời hứa của Chúa đối với Abraham mà
tha thứ cho dân. Đức Chúa đã nguôi giận, đã hối tiếc, đã thương không giáng
phạt dân Người như Người đã đe. Thiên Chúa chúng ta là như thế: “Giận thì
giận, mà thương thì thương” (bài hát). Hoặc tác giả Thánh Vịnh
đã quả quyết: “Ngài nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương
suốt cả đời.”
Con người thường đóng khung, dán nhãn người khác về quá khứ của
họ, khó tha thứ cho nhau, không dễ để thông cảm và đón nhận nhau. Còn Thiên
Chúa, Ngài sẵn sàng quên hẳn quá khứ, Ngài luôn tin tưởng và chờ đợi ở tương
lai của con người. Câu chuyện Người Cha nhân hậu hôm nay cho thấy tấm lòng
quảng đại hay tha thứ của Thiên Chúa: “Những người Biệt phái khi thấy những
người bị coi là tội lỗi đến với Chúa Giêsu để nghe giảng. Họ phê phán Chúa
Giêsu: Ông này đón tiếp quân tội lỗi và còn ăn uống với chúng.” Chúa Giêsu
đã kể cho họ dụ ngôn về Người Cha nhân hậu để nói lên sự quảng đại tha thứ của
Thiên Chúa khi kẻ tội lỗi biết hối hận ăn năn. Qua câu chuyện, Chúa muốn mời
gọi họ cũng hãy mang lấy tâm tình và sự quảng đại của Chúa để đón nhận anh em.
Đừng chặn đường tương lai của người khác nhưng phải mở cho họ một con đường để
quay lại, tạo cho họ một cơ hội để trở về.
Người con cả trong câu chuyện đã khép kín cuộc đời mình đối với
Cha và đối với đứa em ruột của anh. Người con cả này đã không quan tâm gì đến
cha, anh chỉ biết đầu tắt mặt tối đi làm cho xong mọi việc, anh sống trong nhà
nhưng không có tình gia đình, không có tình cha con, anh em. Có lẽ cũng chính
vì thói ghen tị kèn cựa trong nhà, khiến cho người em đã phải bỏ nhà ra đi. Khi
thấy đứa em trở về được Cha đón tiếp, anh khó chịu và không muốn vào nhà, không
muốn nhìn mặt cha và đứa em. Anh không muốn thấy đứa em có một tương lai, một
vị trí cậu chủ út trong ngôi nhà này. Chỉ khi Cha anh ra năn nỉ, mời anh vào
anh mới bước vào. Anh vùng vằng, tự cao tự mãn, không tỏ ra một chút hối hận
nào. Anh cho mình cái quyền xét đoán đứa em và trách móc cả cha mình vì đã tổ
chức tiệc mừng. Thiên Chúa như người Cha lại một lần nữa hạ mình xuống để bước
ra năn nỉ đứa con cả và đem nó vào nhà. Ông không trách đứa con cả, không một
chút bực bội với nó, mà chỉ toàn là tình yêu thương, cảm thông và tha thứ như
ông đã tha thứ đón nhận đứa con thứ.
Thiên Chúa như người
Cha trong câu chuyện: mặc dù đứa con thứ đã dứt tình đoạn nghĩa khi ra đi mang
theo tất cả tài sản thừa kế là mồ hôi công sức của Cha. Nó đã phung phí hết tất
cả, nó rơi xuống tận đáy của sự suy đồi, ăn chơi trác táng. Nó đánh mất tất cả
tiền bạc và danh dự, nhân phẩm khi nó phải đi chăn heo, phải tìm cách ăn vụng
đồ ăn của heo mà cũng không ai cho. Trong mắt mọi người, nó đã trở nên tàn mạt,
bẩn thỉu hôi hám cả thể xác và tâm hồn. Lúc đó, nó hối hận và tự nhủ: “biết
bao người làm công ở nhà cha ta được cơm dư gạo thừa, còn ta ở đây phải chết
đói. Thôi ta đứng dậy trở về với cha và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi
phạm đến trời và đến cha. Con không đáng được gọi là con cha nữa. Xin cha đối
xử với con như người làm công trong nhà vậy.” Đứa con thứ hối hận và trở về
vì nó tin rằng nó sẽ không bị xua đuổi nhưng sẽ được đón nhận.
Nghe câu chuyện chúng ta thấy, người cha thật quá dễ dàng để tha
thứ cho con của mình. Ông tha thứ và đón nhận nó chỉ vì nó đã hối hận và quay
về nhà và vì ông là cha của nó. Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi chứ
không ai đánh người quay lại.” Người cha này đã không quan tâm việc nó trở
về vì lý do gì, ông làm theo những gì trái tim của một người cha mách bảo. Ông
mòn mỏi tựa cửa chờ mong, ông đã sắm sẵn quần áo, giày dép và còn chuẩn bị một
con bê béo để bất cứ lúc nào nó về ông sẽ cho nó và sẽ ăn mừng. Khi nó trở về
ông đã ôm chầm lấy nó mà hôn. Ông quên hẳn quá khứ của nó và những đau khổ nó
đã gây ra cho ông. Ông ôm nó như thể ông sợ lại mất con lần nữa.
Thưa quý OBACE, Thánh Augustinô có nói: “Trước mặt Chúa,
không có một vị thánh nào mà không có quá khứ, và không có một tội nhân nào mà
không có một tương lai.” Con người ai cũng có những lúc lỗi lầm, sa ngã lạc
đường, nhưng điều quan trọng là biết hối hận, can đảm trỗi dậy, để cùng với ơn
Chúa làm lại cuộc đời thay vì nằm lì, cố chấp trong sai lỗi của mình. Thiên
Chúa như người cha trong dụ ngôn hôm nay luôn mong đợi chúng ta quay về với
Ngài, đón nhận ơn tha thứ, điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Thiên Chúa luôn
hy vọng và luôn cho chúng ta một tương lai hy vọng, vì thế đừng bào giờ hồ nghi
lòng thương xót của Chúa, cũng đừng bao giờ thất vọng về đời sống và tình trạng
của mình. Đừng bao giờ hồ nghi lòng quảng đại của Thiên Chúa mà nghĩ rằng: Tôi
tội lỗi thế này, tội tôi trầm trọng như vậy chắc Chúa không tha thứ cho tôi
đâu. “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi nói lời tha thứ cho con người” (GH
Phanxicô), cho dù chúng ta có tồi tệ, tội lỗi đến đâu, chỉ cần chúng ta biết
hối hận và quay về, chúng ta sẽ được Thiên Chúa đón nhận và yêu thương.
Tin vào lòng thương xót và tha thứ của Chúa, chúng ta cũng phải
quảng đại nhân từ với anh em, với vợ, chồng, con cái, khi họ lầm lỗi hoặc khi
họ làm tổn thương đến ta. Tất cả chúng ta đều là “nhân vô thập toàn” có
những lúc sai lỗi, lỡ lầm. Điều quan trọng là, ta biết cảm thông và giúp nhau,
tạo cơ hội và khuyến khích nhau làm lại cuộc đời. Can đảm nói lời xin lỗi khi ta
gây tổn thương hoặc xúc phạm đến người khác, sẵn sàng tha thứ khi người khác
gây tổn thương cho ta, vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ. Đừng loại trừ
anh em mình, cũng đừng dán nhãn đóng khung, chặn lối trở về của anh em mình khi
họ lạc đường sai lối.
Nơi Bí tích Giải tội chúng ta có thể cảm nhận cách sống động
nhất lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta biết siêng
năng đến với Bí tích này để đón nhận được tình yêu thương tha thứ và ơn chữa
lành của Chúa để chúng ta có thể tha thứ và đón nhận nhau như Chúa đã tha thứ
và đón nhận ta. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí