Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 24

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B

TA TIN CHÚA GIÊSU NHƯ THẾ NÀO?

cn 24  tnb.jpg

Vào dịp rằm tháng bảy vừa qua, giáo xứ có đến thăm chùa Phước Minh, ngôi chùa nằm trong địa bàn giáo xứ. Qua trao đổi với thầy trụ trì về một số các vấn đề của Phật giáo. Thầy cho biết hiện nay, có nhiều chùa được xây dựng rất lớn nhưng không phải là của Giáo hội Phật Giáo. Có những chùa việc thờ cúng đã bị lai tạp bởi các thứ tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác, có những chùa hầu như đã đánh mất giáo lý chính truyền của Phật giáo. Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này: Có những nơi xây chùa để kinh doanh, có những thầy chùa không được đào tạo huấn luyện, Giáo hội Phật Giáo dường như không quản lý được các nhà chùa, nhà sư, …v.v. Nhưng lý do chính yếu là nhiều thầy chùa không được học về phật giáo đến nơi đến chốn.

Tình trạng nói trên có thể cũng đang diễn ra nơi một số các tín hữu Công Giáo. Vì có những người chỉ biết Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu một cách rất mơ hồ, không tiếp xúc, không gặp Chúa. Cho nên, dẫn đến việc sống đạo cũng một cách hời hợt, vô hồn, hoặc thờ Chúa nhưng vẫn thực hành đời sống đạo theo kiểu của dân ngoại.

Lời Chúa hôm nay muốn mỗi chúng ta phải bày tỏ lòng tin của mình một cách dứt khoát mạnh mẽ vào một mình Chúa Giêsu mà thôi. Đồng thời, phải cố gắng nỗ lực mỗi ngày làm cho đức tin của mình thêm lớn mạnh, vững chắc và trưởng thành như thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”.

Sau một thời gian bỏ mọi sự để đi theo Chúa, được chứng kiến các phép lạ Chúa làm và những lời giảng dạy của Chúa, các tông đồ dường như đã dần gột rửa, thanh luyện được ý hướng và đức tin của mình. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn đưa riêng các tông đồ lên miền Cêsarea Philiphê là vùng đất của dân ngoại. Nơi đây, trong bầu khí yên tĩnh của tình thầy - trò không bí đám đông vây quanh, Chúa Giêsu đặt vấn đề với các tông đồ: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Qua câu hỏi này, Chúa muốn biết dân chúng đã đón nhận Ngài như thế nào. Tuy nhiên, câu trả lời của các tông đồ cho thấy, dân chúng hiểu về Chúa Giêsu còn rất mờ nhạt: “Họ nói Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là Êlia, có kẻ nói là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó…”. Những câu trả lời đó không chính xác.

Chúa Giêsu không quan tâm nhiều đến các câu trả lời theo dư luận, Ngài muốn các tông đồ phải bày tỏ đức tin của mình, vì chính các ông là những người gần Chúa và hiểu Chúa hơn hết. Chúa hỏi các ông: “Thế còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Simon Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng đức tin của mình: “Thầy là Đấng Kitô”. Lời tuyên xưng này hơn hẳn những câu trả lời của dân chúng. Ở đây Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa là đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa, các tổ phụ và các tiên tri đã loan báo và toàn dân đang mong đợi. Phêrô và các tông đồ tin Chúa Giêsu là Đấng từ trời mà đến, là Thiên Chúa thật. Lời tuyên xưng này thật chính xác. Tuy nhiên, vì nhiều người chưa thể hiểu được như thế, nên Chúa Giêsu chưa muốn các ông nói điều đó cho dân chúng, vì họ cần phải đi từng bước để đến niềm tin chính xác.

Chúa Giêsu cũng không muốn các tông đồ rơi vào ảo tưởng và hiểu sai sứ mệnh của Chúa. Chúa nói cho cho các ông biết về sứ mạng của Ngài là hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha như một người tôi tớ khiêm hạ đã được Isaia loan báo trong bài đọc một. Tiên tri Isaia xuất hiện trước Chúa Giêsu khoảng năm trăm năm. Ông đã nói về một vị ngôn sứ trong thân phận Người Tôi Tớ trung thành của Thiên Chúa, hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa như một đầy tớ vâng phục chủ mình: “Thiên Chúa đã mở tai tôi và tôi không cưỡng lại. Tôi đưa lưng cho kẻ đánh tôi và đưa má cho kẻ giật râu. Tôi không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Tôi không hổ thẹn, vì có Chúa phù trợ tôi”. Với hình ảnh một vị ngôn sứ Đầy Tớ của Thiên Chúa như thế, người Do Thái không dễ chấp nhận. Người Do Thái muốn một Đấng Cứu Thế phải oai phong lẫm liệt, đánh đông dẹp bắc, thống lãnh sơn hà, xưng vương, xưng đế, chứ không muốn một Đấng cứu thế khiêm hạ.

Sau khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”, liền sau đó, Chúa Giêsu đã nhắc lại cho Phêrô và các tông đồ hình ảnh của người tôi tớ khiêm hạ mà Isaia đã nói: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Nhắc như thế, Chúa Giêsu vừa muốn điều chỉnh, thanh luyện lại các hình ảnh mà các tông đồ đã tạo nên trong đầu về Đấng Kitô, đồng thời báo trước để chuẩn bị tâm lý cho các tông đồ khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn thập giá. Các tông đồ là người Do Thái, vì vậy các ông cũng vẫn nuôi tham vọng về một Đấng Kitô xưng vương theo như  những người Do Thái mong đợi. Chúa muốn các tông đồ khi tin Chúa phải thay đổi lại suy nghĩ và đón nhận một Đấng Kitô theo ý của Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa, chứ không phải theo sự tô vẽ của con người.

Phản ứng của Phêrô cho thấy, ông không dễ dàng chấp nhận một Đấng Cứu Thế sẽ bị bắt, bị giết. Điều đó cũng cho thấy, các tông đồ theo Chúa để tìm kiếm điều gì đó mang tính lợi lộc trần gian hơn là theo Chúa và tin Chúa. Vì thế, Phêrô đã kéo riêng Chúa ra để can ngăn Chúa: “Thưa Thầy, xin Thầy đừng làm như thế”. Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách Phêrô trước mặt các tông đồ bằng lời lẽ rất nặng: “Satan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Lời trách mắng này cho thấy: Phêrô đã đứng sai vị trí của mình. Ông vừa được chúa khen vì lời tuyên xưng đức tin, liền sau đó ông lại trở thành vật cản đường Chúa và gây vấp phạm cho anh em. Ông muốn trở thành người đi trước Chúa để dẫn đường cho Chúa. Ông muốn Chúa làm theo ý mình hơn là bắt mình phải vâng theo ý Chúa.

Khi nói với Phêrô: “Hãy lui lại đàng sau Thầy”, Chúa Giêsu muốn Phêrô phải trở về với đúng vị trí của mình là một môn đệ của Chúa. Môn đệ phải đi theo sau thầy chứ không thể đi trước thầy, phải để cho thầy dẫn đường chứ không thể dẫn đường cho thầy. Không chỉ yêu cầu Phêrô phải thay đổi lại vị trí, quan trọng hơn là phải thay đổi lại suy nghĩ, tư tưởng, làm sao cho suy nghĩ của mình phù hợp với đường lối của Chúa. Vì tư tưởng của Phêrô không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người, lo tìm kiếm danh lợi.

Đến đây, Chúa gọi các môn đệ và đám đông lại để đưa ra cho họ lời mời gọi cũng là một thách đố: “Ai muốn theo tôi, phải bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Việc tin theo Chúa phải là một quyết định hoàn toàn tự do của mỗi người, chứ không phải bắt buộc. Tuy nhiên, một khi đã tin theo Chúa thì phải chấp nhận những điều kiện đi kèm, phải chấp nhận đi vào con đường của Chúa và đi theo Chúa, chứ không thể tin theo một ai khác hoặc một con đường nào khác. Đón nhận Chúa Giêsu là tin Ngài là Đấng Cứu Thế, Ngài cứu nhân loại bằng con đường đau khổ thập giá. Vì thế, các người tin theo Chúa cũng phải đi vào con đường thập giá, phải vác thập giá của mình mỗi ngày mà bước theo Chúa.

 Thưa quý OBACE, chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa và vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng nhiều người tín hữu vẫn để mình sống trong tình trạng ấu trĩ về đức tin, bởi vì thiếu sự học hỏi giáo lý, lười đọc và suy gẫm Tin Mừng. Chúng ta tin Chúa nhưng lại ngại ngùng khi phải chu toàn giới răn lề luật và thực hành những đòi hỏi của Thiên Chúa. Chúng ta tôn thờ Chúa nhưng vẫn tin kiêng cúng bái hoặc thực hành những thói quen theo kiểu dân ngoại. Nhất là nhiều người Kitô hữu tin Chúa Kitô nhưng không có Chúa Kitô trong tâm hồn, lười gặp gỡ và tiếp xúc với Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, vì thế ta không thể tuyên xưng về Chúa cách mạnh mẽ và chính xác cho những người khác. Là môn đệ của Chúa, nhưng nhiều người vẫn muốn đi trước Chúa, muốn Chúa làm theo ý mình hơn là buộc mình phải đi theo Chúa và phải làm theo ý Chúa; nhiều người đã ngại ngùng khi phải vác thập giá hằng ngày hoặc là đón nhận khó khăn thử thách cách miễn cưỡng, chán nản thất vọng, than trách Chúa.

Xin cho chúng ta biết siêng đọc và lắng nghe Lời Chúa, học hỏi giáo lý để biết về Chúa nhiều hơn, tin cách chắc chắn hơn và can đảm bước theo Chúa cách vững tin hơn. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     ¬Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh – HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên_Lm JP.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Quanh Năm_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang.
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ XXIV Thường Niên Năm A_Lm. Paul Nguyễn Văn Đông.
     Suy Niệm Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên C: SỰ KỲ DIỆU NƠI HẠT GIỐNG_ Lm. GB Nguyễn Trường Sơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên Năm C_Lm. Phaolô NGUYỄN NGUYÊN
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Quanh Năm_ LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên C: LÒNG TIN MẠNH MẼ_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     CHỦ NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông