Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 24

CHỦ NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

1 tha thu.jpg

Thiên Chúa là Ai? Người phản ứng như thế nào trước tội lỗi của chúng ta? Thánh Kinh cho ta thấy Dung mạo đích thật của Thiên Chúa nơi Lòng Thương xót, nơi Tình yêu tha thứ tất cả. Tuy nhiên, Thiên Chúa không dửng dưng trước tội lỗi: Cựu và Tân Ước nói về “cơn giận của Thiên Chúa” đối với tội lỗi. Đó có thể là một kiểu gọi khác về Tình yêu của Người không?

Xh 32,7-11.13-15

Các bụt thần là những thứ do trí khôn con người tạo ra để mang lại an ninh cho mình. Khi ông Mô sê vắng mặt, người Do thái đã đúc một con bê bằng vàng. ChỨNg kiến sự việc ấy, Thiên Chúa đã cho ông Mô sê hay rằng Người sẽ tiêu diệt họ. Lời cầu xin của ông Mô sê đã đem lại họ ơn tha thứ. Chúng ta chỉ biết được dung nhan đích thật của Thiên Chúa nhờ Đức Ki tô mà thôi.

Thánh Vịnh 50

Thánh Vương Đa vít đã nhận ra tội lỗi của mình. Ngài đã sám hối, và đã khiêm nhường xin Thiên Chúa tha thứ bằng một tâm hồn tan nát khiêm cung.

1Tm 1,12-17

Trong các thư của mình, Phao lô không ngừng suy niệm về kinh nghiệm nền tảng đã đảo ngược hòan tòan cuộc đời ông. Tuyệt đối trung thành với lề luật, xác tín việc mình làm là đúng, ông đã nhân danh Thiên Chúa ra tay bách hại các ki tô hữu. Một ngày nọ, ông đã khám phá ra lòng Thương Xót hoàn toàn ban không của Thiên Chúa và tội lỗi của mình. Từ ngày đó, ông đã thay đổi và trở thành một người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.

Tin mừng Lc 15,1-32 (x. Cn 4 Chay c)

NGỮ CẢNH

Sau khi đã đưa ra những điều kiện cho những ai muốn đi theo làm môn đệ (14,25-35), Chúa Giê su dùng một số dụ ngôn để biện minh cho thái độ của Ngài đối với những người tội lỗi nhằm trả lời cho những trách móc của các người Biệt phái và kinh sư về thái độ thân thiện với những người tội lỗi.

Chương 15 gồm 3 dụ ngôn, tất cả nhằm đề cao tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân qua cách xử thế đặc biệt và lời kêu gọi hóan cải của Chúa Giê su.

TÌM HIỂU

Thu thuế: ở các câu 5,30 và 7,34 chúng ta đã thấy những người thu thuế bị ghép chung với hạng người tội lỗi, ấy là vì người thu thuế lúc bấy giờ bị xếp vào hàng những kẻ tội lỗi công khai và bị lề luật Do thái loại ra khỏi ơn cứu rỗi. Họ đến với Chúa Giê su để nghe Ngài với tư cách là những môn đệ đích thực.

Xầm xì: người biệt phái và kí lục xầm xì vì họ xét đoán theo tinh thần luật tinh sạch của họ. Thật vậy, khi hòa đồng với người tội lỗi và ngồi ăn uống với họ, Chúa Giê su đã mắc ô uế theo lề luật. Và xét theo quan niệm của họ về Thiên Chúa, thì chung đụng với bọn người tội lỗi đó không xứng đáng với danh nghĩa một người được Thiên Chúa sai đến. (x. trường hợp ông Phê rô trong Cv 11,3).

Dụ ngôn: từ nầy ở số ít dù sau đó tác giả đưa ra tới ba dụ ngôn ! Có lẽ lúc tiên khởi, chỉ có một dụ ngôn mà thôi.

Mất: chuyện người mục tử chăm sóc cho tất cả bầy chiên thì không có gì lạ, điều lạ là việc ông ta dám bỏ 99 con kia để tìm cứu lấy một con đi lạc !

Hình ảnh ấy rất quen thuộc trong Cựu Ước: mục tử chăn dắt Israel chính là Thiên Chúa. Người hết lòng thương yêu đà chiên, đặc biệt những con chiên lạc đàn, và không ngừng đi tìm kiếm chúng (Is 40,11; Gr 23,1-4; Ed 34; Tv 23). Chúa Giê su tự gọi mình cho mình tước hiệu ấy (Ga 10,11-16). Điều đó cho thấy Ngài không những hết lòng tận tuỵ với người Biệt phái như một mục tử, mà còn yêu thương bằng chính tình yêu Thiên Chúa.

Xin chung vui với tôi: điều gây ngạc nhiên là một con chiên lạc bầy mà lại gây sự chú ý của mọi người! Niềm vui của Thiên Chúa và con người là một trong những chủ đề chính yếu của ba dụ ngôn (x.15,7.9.10.32).

Vậy: Chúa Giê su rút ra giáo huấn của ví dụ bằng cách chuyển sang chủ đề về sự đối lập giữa « người công chính - người tội lỗi » như trong đoạn 5,30-32. Trong khi Mt áp dụng giáo huấn cho trách nhiệm của Hội Thánh đối với những kẻ bé mọn, thì Luca lại tuyên dương lòng từ ái của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi, lòng từ ái đã được Chúa Giê su làm gương khi đón tiếp những người thu thuế.

Vui mừng: làm sao con người chúng ta có thể hiểu được sự vui mừng của Thiên Chúa ? Người tội lỗi khi đã được tha thứ sẽ kinh nghiệm về một vì Thiên Chúa mạc khải dung nhan đích thực của Người. Họ nhận ra Người là một vì Thiên Chúa cứu độ đầy lòng nhân ái, đã tạo trong họ một con tim mới. Thiên Chúa vui mừng vì sự nhận biết ấy. Ngược lại, người công chính tưởng rằng mình có thể tự cứu lấy chính mình thì lại có một ý tưởng sai lệch về Thiên Chúa. Thiên Chúa của họ thưởng phạt theo sự công minh chính trực; và dĩ nhiên như thế thì không thể hòa hợp với một vì Thiên Chúa là Tình yêu và Tự do. Do vậy khi có một tội nhân trở về thì trên trời vui mừng hơn.

Người công chính: đây không phải là người công chính đúng nghĩa, nhưng chỉ người tin rằng mình không cần phải sám hối. Chúng ta nhớ lại câu truyện của ông Simôn biệt phái và người nữ tội nhân (7,36-50). Chúa Giê su muốn biện minh cho cách hành xử của mình và đồng thời, cảnh tỉnh những đối thủ của Ngài, bằng cách nhắc cho họ nhớ sự phán xử của Thiên Chúa.

Phụ nữ: sự thay đổi thường thấy nơi sách Tin Mừng Luca: sau người đàn ông, thì tới người đàn bà; sau khung cảnh đồng áng, giờ tới một bà nội trợ (x.13,18-21). Ngoài ra ta hãy chú ý đến sự giảm dần số lượng trong ba dụ ngôn nầy: 100 con chiên, 10 đồng bạc, và một đứa trong hai đứa con.

Mừng vui: ở đây tác giả không đối chiếu hai hạng người tội lỗi và công chính nữa, mà chỉ đơn thuần xác định rằng mọi người tội lỗi trở về làm cho Thiên Chúa vui mừng hơn cả. Sám hối không chỉ bao hàm trong việc thay đổi đời sống, mà còn là việc thay đổi quan niệm, từ một vì Thiên Chúa chinh phục đến một vì Thiên Chúa tự hiến ban chính mình một cách nhưng không. Chỉ như thế, tội nhân mới có một sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa, và một kinh nghiệm về lòng nhân ái của Người. Và đó là điều làm vinh danh Người.

Người con thứ: chỉ có Luca kể lại ví dụ nầy, gồm hai phần nhằm nêu bật cung cách hành xử của người Cha, trước hết đối với đứa con thứ (15,11-24) rồi đến đứa con cả (15,25-32). Cả hai là hình ảnh của hai hạng người đang nghe Chúa Giê su nói: người con thứ tương ứng với những người thu thuế, còn phản ứng của người con cả tượng trưng cho những người biệt phái.

Con chiên đi lạc và đồng tiền bị mất là do lỗi của chủ nhân của chúng, trái lại đứa con hoang đàng bỏ nhà đi là do sự quyết định tự do của nó. Tội là một hành vi tự do của con người.

Đứa con thứ đòi phần gia tài thuộc về nó, tức là một phần ba gia tài theo luật do thái. Rồi bỏ cha mẹ, bỏ nhà mà đi hoang cho đến khi phung phí hết tiền của. Tội là đòi hỏi được sống độc lập, đồng thời là một sự vô ơn bất nghĩa, bất tín bất trung xúc phạm đến Thiên Chúa, đấng ban cho con người mọi ơn lành.

Đang là một người con hạnh phúc trong nhà Cha, giờ trở thành một kẻ làm tôi cho người khác. Tội làm cho con người trở thành một tên nô lệ.

Thôi ta đứng lên, đi về: chính sự túng cực nghèo khổ khởi đầu cho việc trở về nhà Cha (x. Hs 2,8-9). Bắt đầu là suy nghĩ, so sánh tình trạng khốn khổ hiện giờ với tình trạng sung sướng thuở trước, sau đó là quyết định trở về.

Cha: cách hành xử của người Cha cho thấy tình yêu của Thiên Chúa: chính ông chạy đến, chứ không phải là đứa con; không một lời rầy la, cũng chẳng để cho đứa con có giờ xưng thú hết lỗi lầm, ông ra lệnh mang ra những gì quí báu nhất cho con mình. Ông muốn chứng tỏ rằng nó không còn là một người tôi tớ nữa, mà thật sự là một người con đáng được yêu thương kính trọng.

Người Cha ấy là hình ảnh của Thiên Chúa, luôn thương yêu và không ngừng chăm sóc những kẻ từ bỏ lìa xa Ngài. Sự tha thứ của Ngài thật là một sự tái tạo, một tạo dựng mới (Tv 51,10-14). Thiên Chúa mừng vui vì những người tội lỗi sám hối (15,7-10).

Người con cả: cử chỉ thái độ của người con nầy là hình ảnh của những người tự cho là công chính, làm trọn các bổn phận của mình, nhưng trong thâm tâm là ghen tương và khinh bỉ đối với người khác: không nhận em trở về, cũng chẳng coi trọng cha vui mừng đón rước đứa con đi xa trở về

Em con đây: lời nói của Cha muốn nối kết hai đứa con như anh em một nhà.

Sống: trong Thánh Kinh, sự sống có nghĩa là ở trong mối tương quan; trong khi không thể thông hiệp với tha nhân và với Thiên Chúa có nghĩa là đang chết (Tv 88,5-9; 115,5-7). Ở đây tương quan con cái và huynh đệ được tái lập, được coi như sống lại.

Dụ ngôn nầy có giá trị ngay trong ngữ cảnh mà Luca đã đặt vào (15,2). Chúa Giê su muốn biện minh cho cung cách hành xử của Ngài đối với những người tội lỗi: Ngài là chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu (10,33-37).

Đồng thời, Ngài mời gọi những người chỉ trích Ngài hãy bắt chước tình yêu đó, là tiếp nhận ngay cả những người mà họ khinh khi.

Đối với các tín hữu tiên khởi, dụ ngôn còn cho thấy mối bận tâm truyền giáo của Giáo Hội, mong muốn cùng Chúa Giê su đi đến với lương dân để đưa họ vào trong gia đình của Thiên Chúa. Họ cũng đòi hỏi sự bao dung của người Do thái trở lại, những đứa con cả của lời hứa trong việc tiếp nhận các môn đệ từ dân ngoại trở lại.

SỨ ĐIỆP

Bài tin mừng hôm nay, chúng ta đã nghe và đọc rất nhiều lần. Một vài người có thể nghĩ rằng không còn gì để nói nữa. Thế nhưng, nó để lại cho chúng ta một tin mừng mà chúng ta không ngừng tiếp nhận. Điều khẩn thiết nhất, đó là thay đổi, một lần dứt khoát, hình ảnh mà chúng ta có về Thiên Chúa của chúng ta. Rất thường, chúng ta trình bày Người như là một vì Thiên Chúa cảnh sát, hăm dọa và báo oán, luôn sẵn sàng dò xét để bắt lỗi và trừng phạt chúng ta. Cái nhìn đó hoàn toàn ngược lại với điều mà tin mừng loan báo cho chúng ta.

Thật thế, tòan bài tin mừng hôm nay lặp đi lặp lại với chúng ta rằng Thiên Chúa của chúng ta là tình yêu. Và dường như một bài dụ ngôn không đủ, Chúa Giê su kể ba dụ ngôn để cho chúng ta thấy Thiên Chúa là đấng tốt lành và thương xót như thế nào. Lòng thương xót tha thứ của Người thì vô hạn. Chỉ cần nhớ một điều là người tôi lỗi được yêu thương hơn người vô tội và cũng cần hiểu cho đúng: Thiên Chúa không thích tội lỗi. Người luôn luôn chống lại tội lỗi, nhưng yêu thương tất cả các tội nhân. Chúa Giê su đã đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất. Ngài như thầy thuốc không đến vì những người lành mạnh mà đến vì những người đau yếu. Mối quan tâm lớn của Ngài là chữa lành và đưa họ trở lại gia đình những người ki tô hữu.

Sự chữa lành và tìm kiếm ấy là điểm khởi hành cho một niềm vui vô biên trong trái tim của Thiên Chúa. Thiên Chúa như người Cha tốt lành nhất, Người yêu thương từng người cách riêng. Người yêu thương từng người chúng ta dường như thể chúng ta là những người duy nhất trên trần gian. Người gắn bó với chúng ta như của quí nhất của Người.

Chính vì thế mà khi sai Con là Chúa Giê su đến thế gian, Thiên Chúa Cha truyền cho Chúa Giê su là đừng để mất một người con nào trong chúng ta. Nỗi đau buồn lớn nhất của Người là một ai đó không nghe tiếng gọi của Người. Thiên Chúa sẽ khổ sở vô cùng khi nhìn thấy một đứa con xa rời tình yêu của Người. Bấy giờ Người làm tất cả mọi sự để tìm lại. Người luôn luôn sắp đặt trên đường những điều cần thiết để giúp nó hồi tâm và nghĩ đến tình yêu mà quay trở về. Chỉ cần đọc hoặc nghe một vài chứng từ của những người trở về để xác tín điều đó.

Tội nặng nề nhất không phải là bỏ đi hoặc sa ngã. Điều tệ hại nhất là tưởng rằng vì tội lỗi chúng ta, chúng ta không còn được Thiên Chúa yêu thương nữa, là nghĩ rằng Người không còn quan tâm đến chúng ta nữa. Thế mà trong chính lúc đó chúng ta được quan tâm nhất.

Bệnh phong hủi, bệnh đui mù của chúng ta lại là những lí do nữa khiến Người yêu thương chúng ta hơn. Tội đích thật là tin rằng chúng ta vĩnh viễn bị lọai trừ. Nhưng đối với Thiên Chúa, không bao giờ có tình trạng tuyệt vọng. Đành rằng tội lỗi làm cho chúng ta trở nên xấu xa, nhưng chúng ta vẫn còn là phần tử của một gia đình lớn gồm các ki tô hữu.

Tội đích thật là quay về chính mình. Như đứa con trai hoang đàng, chúng ta đang ở nơi xa. Chúng ta đi thật xa để trốn cái nhìn của Thiên Chúa. Ai lâm vào tình trạng đó thường có khuynh hướng coi mình như là một kẻ mạt hạng và đành chịu vậy. Nó không thấy điều kì diệu đang chờ đợi nó. Tội đích thật là sự tuyệt vọng bởi vì người ta tuyệt vọng về mình và về Thiên Chúa. Một ngày nọ, thánh Tê rê xa nói: “Còn tôi, nếu tôi đã phạm những tội ác, tôi vẫn giữ lòng tin tường bởi vì tôi biết chắc rằng tất cả núi tội lỗi đó chỉ như một giọt nước trong lò lửa nóng mà thôi”.

Trong gia đình của Thiên Chúa, chính Cha có sáng kiến. Người không chờ đợi các tội nhân tỏ dấu hối hận để tìm kiếm họ. Người không ngừng đi bước trước về phía chúng ta. Nhưng cũng như Ađam trong vuờn địa đàng trần gian, chúng ta có cám dỗ chạy trốn cái nhìn của Cha và che giấu sự hỗ thẹn của chúng ta. Trong trường hợp nầy cũng thế, tội đích thật chính là bịt tai lại trước lời mời gọi hối cải của Thiên Chúa, là không muốn được chữa lành và cũng không còn muốn đặt lại vấn đề nữa.

Đứa con hoang đàng hồi tâm. Nó ý thức tình trạng của nó. Nó đã quyết định chỗi dậy và về cùng Cha nó. Sự trở về nầy phát xuất từ những động cơ lợi lộc nhưng không sao. Trái lại, sự đau khổ mở mắt cho những người nào không muốn nhìn. Từ một điều xấu, Thiên Chúa luôn có thể làm nẩy sinh ra một điều lành. Tội đích thật là từ chối tin vào tình yêu, là nghĩ rằng chúng đã bị tiêu diệt, và vô phương cứu chữa.

Tội là một bất hạnh khủng khiếp. Nhưng toàn bài tin mừng hôm nay được soi sáng bởi một niềm vui lớn. Đó là niềm vui của người chăn chiên tìm lại được con chiên đi lạc: đó là niềm vui của người đàn bà tìm lại đồng bạc mình đánh mất. Và trên hết là niềm vui của Thiên Chúa khi tìm lại được đứa con đã mất. Người sung sướng đến độ phải mở tiệc ăn mừng. Đó là một tin vui cho những người tội lỗi chúng ta, vì nhiều khi thật khó mà tin rằng chúng ta được lãnh nhận không phải trả một đồng nào. Vì chúng ta quên rằng Đức Ki tô đã mang lấy tất cả nợ nần của chúng ta. Chỉ cần chỗi dậy và ngả mình vào đôi tay của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì muôn ơn tha thứ mà chúng ta đã tiếp nhận và cầu nguyện cho những ngưởi đang cần đến; ước gì họ hãy tin tưởng đến cầu khẩn ơn tha thứ nơi đấng không đòi gì khác hơn là ban ơn cho họ.

ĐÀO SÂU

NIỀM VUI THA THỨ

Xh 32,7-11, 13-14 Mô-sê khẩn nài Thiên Chúa tha thứ tội bất trung của con dân Ngài    

Tv 51,1-2, 10-11, 15+17 Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng cha tôi

1 Tm 1,12-17 Lời tạ ơn của tội nhân được Thiên Chúa tha thứ

Lc 15,1-32 or 15,1-10 Thiên Chúa vui mừng vì đứa con trai hoang đàng trở về và được tha thứ

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: NIỀM VUI THA THỨ. Thiên Chúa đã xót thương Ít-ra-ên tội lỗi và tha thứ cho họ (Bđ1). Chúa Giê su trong bài Tin mừng cho thấy niềm vui chan hòa của chính Thiên Chúa thương xót tha thứ cho một tội nhân quay trở về (BTM). Vì tình thương Ngài đã biến đổi thánh Phaolô, một con người hung hăng bách hại đạo Chúa trở nên vị tông đồ kiệt xuất của Tin mừng cứu độ (Bđ2).

2. HỎI: Sách Xuất hành là sách gì?

THƯA: Sách Xuất hành là quyển sách thứ hai của Kinh Thánh, thuộc loại sách Sử. Sách Xuất hành kể lại cuộc đi ra khỏi Ai cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa, và kể lại Giao Ước như là một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa.

3. HỎI: Bối cảnh của bài đọc thứ nhất như thế nào?

THƯA: Ba tháng sau khi ra khỏi Ai cập, Thiên Chúa đề nghị lập Giao Ước với Mô-sê và dân Người, và toàn dân đồng thanh chấp nhận. Sau đó, Mô-sê lên núi để tiếp nhận các bảng đá khắc ghi Lề luật trong khi toàn dân chờ ở dưới núi. Sau một thời gian dài nghe ngóng không thấy gì cả, dân bắt đầu lo lắng: Thiên Chúa ở đâu? Ông Mô-sê ở đâu? Bấy giờ xảy ra câu chuyện con bò bằng vàng. Khi Mô-sê xuống núi, ông đã nghe tiếng đàn hát, ông hiểu ngay dân đã phạm tội thờ bụt thần, liền nổi giận đập hai bia đá tan tành.

4. HỎI: Tại sao đúc tượng con bò vàng là một tội?

THƯA: Vì đó là điều Thiên Chúa cấm trong giới răn thứ nhất: ‘Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì […] để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà thờ: vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một vị thần ghen tương’ (Xh 10,3-45).

5. HỎI: Tại sao người Híp pri lại đúc con bò vàng?

THƯA: Vì họ đã nhìn thấy và thích thú ngắm hình tượng đó bên Ai cập. Con bò vàng biểu hiện cho mặt trời mọc.

6. HỎI: Tại sao Thiên Chúa cấm tạc tượng Người mà thờ?

THƯA: Tôn thờ hình tượng là điều sai lầm. Trước hết, vẽ hình hay tạc tượng Thiên Chúa không tránh khỏi thất bại, người ta không thể giản lược Thiên Chúa quyền năng vào một bức tượng, vì Người không nằm trong chiều kích của con người. Thứ đến, mọi cố gắng định hình Thiên Chúa, hay tỏ một quyền năng nào trên Ngài đều là sai lầm, vì nó sẽ đưa đến ma thuật hay bái vật giáo.

7. HỎI: Vậy bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc 1 là một trích đoạn của sách Xuất Hành (Xh 32,7-11.13-14) kể lại việc Thiên Chúa nổi giận và dự tính tiêu diệt dân Ít-ra-en để trừng phạt sự cứng lòng và phản bội của họ. Nhưng nhờ sự can thiệp kiên trì của ông Mô-sê khi ông nhắc lại lời Người đã hứa với các tổ phụ là Áp-bra-ham, I-sa-ác và Ít-ra-en, Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ.

8. HỎI: Thiên Chúa mà cũng biết nổi giận sao?

THƯA: Đó chỉ là một cách mô tả, một cách nói của con người về Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa luôn luôn là để diễn tả việc Người không bao giờ muốn để chúng ta bị lầm lạc.

9. HỎI: Sự tha thứ của Người có nghĩa gì?

THƯA: Sự tha thứ Thiên Chúa không bao giờ tùy thuộc những lời xin lỗi của chúng ta. Trái lại, sự tha thứ của Người có nghĩa là Người luôn muốn nối lại Giao Ước sau mỗi lần chúng ta phản bội.

10. HỎI: Vậy bài đọc một dạy chúng ta biết Thiên Chúa là ai?

THƯA: Qua bài đọc một, chúng ta khám phá ra diện mạo đích thực của Thiên Chúa. Người là Đấng rất trung tín với lời hứa và rất yêu thương dân Ít-ra-ên nói riêng và loài người nói chung. Thiên Chúa không muốn một ai bị trừng phạt hay bị tiêu diệt vì tội lỗi và sự phản bội mà người ấy đáng chịu.

11. HỎI: Và ông Mô-sê?

THƯA: Bài đọc một cũng thấy ông Mô-sê là người có ‘thần thế’ như thế nào trước mặt Thiên Chúa, lời cầu xin và năn nỉ của ông đã làm cho Thiên Chúa nguôi ngoai cơn thịnh nộ.

12. HỎI: Như thế, ông Mô-sê có phải là tiền ảnh báo trước Chúa Giê su không?

THƯA: Đúng thế! Ông Mô-sê chuyển cầu cho dân Ít-ra-ên và từ chối tách biệt khỏi đám người tội lỗi (x. cc.30-32). Và như thế ông là tiền ảnh cho Chúa Giê su, liên đới với anh em mình (Hr 2,10-18) và chuyển cầu lên Thiên Chúa Cha (Lc 23,34). Ngài là Chiên Thiên Chúa gánh lấy tội lỗi trần gian để xóa tội cho họ (x. Ga 1,29).

13. HỎI: Bài đọc 2 (1 Tm 1, 12-17) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phaolô vui mừng cảm tạ Thiên Chúa vì Người đã được lòng thương xót của Chúa tha thứ và biến đổi thành vị tộng đồ nhiệt thành loan báo Tin mừng.

14. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 15, 1-32) như thế nào?

THƯA: Sau khi đã nói về những điều kiện để làm môn đệ (14,25-35), Chúa Giê su dùng ba dụ ngôn trả lời với các người Pha-ri-sêu và các kinh sư, vì họ đã lẩm bẩm trách móc khi Ngài tiếp đón và ăn uống những người thu thuế và tội lỗi. Đó là dụ ngôn ‘Con chiên bị lạc mất’ (cc. 4-7), ‘Đồng bạc bị đánh mất ‘(cc. 8-10), và ‘Người cha nhân hậu’ (cc. 11-32).

15. HỎI: Đâu là chủ đề mà thánh Lu ca đặt trong ba dụ ngôn nầy?

THƯA: Sứ điệp mà thánh Luca muốn truyền đạt qua ba dụ ngôn của Chúa Giêsu, là lòng thương xót bao la của Thiên Chúa thể hiện qua cuộc sống của Chúa Giê su mà ông đã kinh nghiệm. Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua tất cả các hạn chế con người trong cách cư xử với người tội lỗi. Thật vậy, lòng thương xót khiến Thiên Chúa cư xử điên rồ như người chăn chiên bỏ 99 con chiên để cứu lấy một con, như người phụ nữ đã lục tung nhà mình để tìm một đồng tiền lẻ, như người cha hân hoan mở tiệc ăn mừng đứa con phung phá trở về. Vì các môn đệ có một Thiên Chúa đầy lòng thương xót như thế, họ có thể tự tin và hân hoan đi theo con đường mà Chúa Giêsu vạch ra để đến với Thiên Chúa.

16. HỎI: Chúng ta thấy cũng tìm thấy chủ đề ‘Niềm vui’ trong các dụ ngôn ấy?

THƯA: Chắc chắn là như thế, thậm chí chủ đề niềm vui kéo dài trong toàn bộ chương 15 (x. Lc 15,6.7.9.10.23.24.29.32) và có bốn điểm nhấn mạnh: 1) Những lý do đưa đến niềm vui: vui vì lời Loan báo phổ quát dành cho mọi người, vì Cộng đoàn được sinh ra từ Lời Loan báo; vì Ơn Cứu độ dành cho bất cứ ai tiếp nhận Lời Loan báo và gắn bó mật thiết với nhau; 2) Hoán cải là điều kiện để tìm thấy niềm vui; 3) Hạnh phúc hệ tại ở việc sẵn sàng thông phần cùng một niềm vui của Thiên Chúa trong việc phân phát ơn cứu độ; 4) Lời kêu gọi chia sẻ tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

17. HỎI: Trong các dụ ngôn, thường xuyên dùng thuật ngữ: ‘Mất’, Thánh Luca muốn dạy cho chúng ta những gì, khi biến từ ấy thành một điệp khúc?

THƯA: Mặc dù được Thiên Chúa để ý chăm sóc qua lòng thương xót vô hạn của Người, con người có thể bị hư mất. Điều đó có thể xảy đến vì nhiều lí do: vì lười biếng, vì thiếu khôn ngoan cân nhắc, vì sống lâu ngày xa cách Thiên Chúa, vì một cái nhìn hoàn toàn trần tục về cuộc sống, vì tự phụ, coi mình công chính hơn người khác, vv.

18. HỎI: Chìa khóa cho bài Tin mừng tìm ở đâu?

THƯA: Chìa khóa để hiểu đoạn nầy có lẽ nằm trong những hàng đầu tiên: ‘người nầy tiếp đón và ăn uống với những người tội lỗi’. Người Pha-ri-sêu rất ý thức về sự thánh thiện của Thiên Chúa và dưới mắt họ, giữa Thiên Chúa và những người tội lỗi không bao giờ có sự tương hợp; vậy nếu Chúa Giê su đến từ Thiên Chúa, thì Ngài không thể đồng bàn với người tội lỗi.

19. HỎI: Mục đích của bài dụ ngôn là gì?

THƯA: Chúa Giê su kể lại bài dụ ngôn là để giúp họ khám phá khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa Cha.

20. HỎI: Nhóm người Pha-ri-sêu kêu trách Chúa Giê su về những điểm nào?

THƯA: Nhóm người Pha-ri-sêu kêu trách Chúa Giê su vỉ Ngài tiếp đón người tội lỗi và đồng bàn với họ.

21. HỎI: Tại sao trách Chúa Giêsu đón tiếp người tội lỗi?

THƯA: Theo quan niệm của giới Pha-ri-sêu và Luật sĩ Do thái, người thu thuế và tội lỗi không phải là thành phần của cộng đoàn Dân Chúa. Họ hiểu sai câu nói: Thiên Chúa yêu thương những người công chính và chê ghét người tội lỗi, và bắt mọi người cũng phải hiểu và hành động như họ. Nhưng Chúa Giê su đã làm ngược lại khi ân cần đón tiếp người tội lỗi.

22. HỎI: Còn ăn uống với người tội lỗi?

THƯA: Điều phàn nàn thứ hai còn nặng nề hơn: ‘Ông ta ăn uống với người tội lỗi’. Đối với người thời xưa, ăn uống không chỉ là chung mâm, chung bàn, mà còn là hiệp thông, liên đới với nhau. Vì thế ăn uống với người tội lỗi là muốn hiệp thông với họ. Đó là một điều tuyệt đối cấm kị đối với người Pha-ri-sêu.

23. HỎI: Như vậy, các dụ ngôn trong đoạn nầy nhắm đến mục đích gì?

THƯA: Các dụ ngôn trong chương 15 nhắm mục đích biện hộ, bênh vực thái độ của Chúa Giê su đối với những người tội lỗi. Họ cần phải hoán cải, nhưng sự hoán cải không còn là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa ân cần đón tiếp. Ngài như người mục tử cất bước đi tìm con chiên lạc chứ không chờ con chiên lạc quay bước trở về.

24. HỎI: Đâu là điểm chính yếu trong chương nầy?

THƯA: Chúa Giê su mời gọi mọi người chung vui với Thiên Chúa Cha khi có một tội nhân trở về với Ngài. Đó là niềm vui lớn, tương tự như người cha đã lạc mất con nay lại tìm thấy.

25. HỎI: Tại sao người cha không đi tìm đứa con hoang đàng trở về?

THƯA: Người cha không lên đường tìm đứa con hoang đàng trở về là vì ông tôn trọng sự tự do của nó.

 26. HỎI: Người con cả tượng trưng cho ai?

THƯA: Thái độ và lời nói cho thấy anh ta tượng trưng cho người Pha-ri-sêu và các Luật sĩ.

27. HỎI: Thái độ người con cả như thế nào?

THƯA: Khi nghe tin em mình vừa trở về và được Cha cho dọn tiệc ăn mừng, người con cả đã vô cùng tức giận và từ chối vào nhà. Anh ta cho rằng cha mình đã xử sự bất công, khiến quyền lợi của anh bị thiệt thòi. Thật giống như người Pha-ri-sêu đã vô cùng căm phẫn trước những gì xem ra bất công đối với họ.

28. HỎI: Anh ta đã nói gì?

THƯA: Trước tiên, anh ta đã tự hào nói về mình, về lòng trung thành của mình đối với cha, giống như thái độ tôn giáo của giới Pha-ri-sêu và Luật sĩ: trung thành làm tôi Thiên Chúa, ra sức lo lắng để đừng bao giờ trái lệnh của Ngài. Rồi anh còn nói đến em mình bằng một giọng vô cùng khinh bỉ, giống như giới Pha-ri-sêu thường hay khinh miệt người khác.

28. HỎI: Người con thứ biểu trưng cho ai?

THƯA: Người con thứ biểu trưng cho người tội lỗi mà theo cái nhìn của người Pha-ri-sêu, trùng khớp với diện mạo của một người ngoại giáo. Sau khi nhận được phần gia tài thuộc về mình, anh trẩy đi xa (vùng ngoại giáo); sống tiêu xài phóng đảng cho đến hết tiền của (chỉ những ngoại giáo mới sống như thế). Và cuối cùng làm nghề chăn heo (nghề của người ngoại bị người Do thái khinh miệt).

30. HỎI: Người cha trượng trưng cho ai?

THƯA: Người cha tượng trưng cho Thiên Chúa hết sức vui mừng khi đứa con bỏ nhà ra đi trở về.

31. HỎI: Bài dụ ngôn mạc khải như thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa?

THƯA: Dụ ngôn cho ta biết về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngài đã đi tìm gặp họ trước khi họ lên đường tìm về với Ngài. Ngài hết sức vui mừng khi một tội nhân trở về, sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi, và không trừng phạt họ. Và cuối cùng ban cho họ một sự thay đổi toàn diện thành một con người mới.

32. HỎI: Thực thi sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Cậy trông và đón nhận Lòng Chúa Thương Xót: càng thánh thiện người Ki-tô hữu càng ý thức tình trạng yếu đuối, tội lỗi của mình và càng cảm thấy nhu cầu cần được Thiên Chúa xót thương và thứ tha. 2. Rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót với mọi người: trong đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội. Đó là sứ mạng của chúng ta.

GLCG 545. Chúa Giêsu mời những kẻ tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: ‘Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’ (Mc 2,17). Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ, và ‘trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối’ (Lc l5,7). Bằng chứng cao cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình ‘cho muôn người được tha tội’ (Mt 26,28). (x. Chúa Giê su đến vì những người tội lỗi 545. Nhân từ với họ 589. Bí tích Sám Hối 1423. Phê rô sám hối 1439. Hiệu quả bí tích sám hối 1468. Phẩm giá con người1700. Xin tha nợ chúng con 2839).

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     ¬Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh – HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên C: THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên C: BAO DUNG NHÂN HẬU NOI GƯƠNG CHÚA CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT_ Lm. ĐAN VINH
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên B: NHÌN ĐẾN NGÀY BỘI THU_ Lm. Thiên An
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên B: "THAM GIA VÀO VIỆC TRUYỀN GIÁO"_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên B: "Yêu Nhiều Tha Nhiều"_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên: "Chủ Quan, Phiến Diện"_Lm. Peter Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên B: "LỄ MẸ SẦU BI"_ Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ 2 Tuần XXIV Thường Niên B: Lễ Suy Tôn Thánh Giá_ Lm. Giuse Trần Quốc Thắng
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên B_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên B: VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA ĐAU KHỔ_Lm. Đan Vinh