HIỆP SỐNG TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN B
Is 50,5-9a ; Gc 2,14-18 ; Mc 8,27-35
VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA ĐAU KHỔ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 8,27-35
(27) Đức Giê-su và các môn đệ của người đi tới các
làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ:
“Người ta nói Thầy là ai? (28) Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông
Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một
ngôn sứ nào đó”. (29) Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai? Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. (30) Đức Giê-su
liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. (31) Rồi Người
bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị
các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba
ngày sống lại. (32) Người nói điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền
kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. (33) Nhưng khi Đức Giê-su quay
lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan! Lui lại
đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người. (34) Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng
các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ
bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (35) Quả vậy, ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mạng sống mình vì tôi và
vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi nghe biết dư luận
quần chúng, Đức Giê-su đòi các môn đệ phải xác định đức tin vào Người:
“Anh em bảo Thầy là ai ?” Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức
tin : “Thầy là Đấng Ki-tô”. Từ đây Đức Giê-su bắt đầu cho các ông biết
con đường Người sắp trải qua là : “qua đau khổ vào vinh quang”. Người
trách Phê-rô khi ông cản Người theo con đường này. Người đòi ai muốn làm
môn đệ của Người phải bỏ mình vác thập giá mình mà đi theo Người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 27-28: + “Người ta
nói Thầy là ai?”: Qua các môn đệ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ
gì về Người. + Là Gio-an Tẩy Giả tái sinh : Đây là ý tưởng của đảng
Hê-rô-đê (x. Mt 14,2). + Là Ê-li-a: Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã tuyên sấm về sứ
mệnh của ngôn sứ Ê-li-a là sẽ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai:
“Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức
Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). + Là một trong các
vị ngôn sứ: Dân chúng tin Đức Giê-su ít ra là Đấng được Thiên Chúa
tuyển chọn và sai đến giáo huấn dân Người.
- C 29-30: + Người lại
hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Đức Giê-su đặt câu
hỏi này với các môn đệ để xem nhận thức của các ông về Người. + Ông
Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”: Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là
Ki-tô hay Đấng Cứu Thế. Đây là lời tuyên xưng chính xác về thân thế
Đức Giê-su. Do lời tuyên xưng này mà Phê-rô đã được khen ngợi là có phúc
(x. Mt 16,16-17). Chính Đức Giê-su cũng thừa nhận Người là Đấng Ki-tô
trước tòa án tôn giáo (x Mc 14,61-62). Lời tuyên xưng của Phê-rô tuy
đúng, nhưng chưa rõ ràng, vì người ta có thể hiểu sai sứ mệnh cứu
thế của Người và gán cho Người sứ mệnh cứu thế trần tục, nhằm giải phóng
dân Do thái bằng bạo lực, thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma. +
Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người: Đức
Giê-su cấm nói ra không phải để phủ nhận lời tuyên tín của Phê-rô,
nhưng vì muốn tránh sự cuồng nhiệt của dân Do Thái muốn sử dụng bạo
lực để lật đổ nhà cầm quyền Rô-ma. Người cấm các môn đệ nói ra Người
là Đấng Ki-tô vì cần có thêm thời gian rao giảng về sứ mệnh cứu thế
thiêng liêng tinh thần phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng, Người cấm vì
“Giờ của Người chưa đến”, vì cần phải nhờ Thần Khí tác động, người
ta mới có thể chấp nhận được chân lý này.
- C 31-33 : + Người bắt
đầu dạy các ông biết... : Đây là lúc Đức Giê-su loan báo về cuộc Tử
Nạn và Phục Sinh mà Người sắp trải qua. + Con Người: Khi tự nhận là
Con Người, Đức Giê-su vừa khiêm tốn xưng mình là : “kẻ hèn mọn này”,
lại vừa theo ý nghĩa biểu tượng của văn chương khải huyền Do Thái về
Con Người là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Tv 110,1) và sẽ đến trên
mây trời (x. Đn 7,13-14). Đức Giê-su đã dùng tước hiệu Con Người nhiều
hơn tước hiệu Mê-si-a. là tước hiệu đã bị người Do Thái tục hóa mang
mầu sắc chính trị. Trong Tân Ước, từ ngữ Con Người được lặp đi lặp
lại tới 70 lần. Con Người có nghĩa là “Người Tôi tớ Gia-vê, bị loại
bỏ và bị giết để sau cùng được tôn vinh và cứu rỗi muôn người” (x.
Mc 8,31). Trước khi xuất hiện trong vinh quang vào ngày sau hết, Con
Người phải tự hạ, sống cuộc đời trần thế, bị nghèo khó (x. Mt
8,20), bị khinh dể (x. Mt 11,19), bị xúc phạm (x. Mt 12,32), bị tử hình
thập giá (x. Ga 3,14), rồi mới vào trong vinh quang Phục Sinh (x. Dt
2,6-9). Cuối cùng khi đến ngày tận thế, Con Người sẽ lại đến ngự trên
ngai uy quyền mà xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). + Ông Phê-rô liền kéo riêng
Người ra và bắt đầu trách Người : Tuy tuyên xưng Đức Giê-su với tước
hiệu là Đấng Ki-tô, nhưng Phê-rô chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của
tước hiệu này. Ông chưa hiểu rằng theo thánh ý Thiên Chúa thì “Đấng
Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới vào trong vinh quang” (x Lc 24,26). Ông
đã thay mặt anh em can trách Đức Giê-su đừng chịu như vậy, vì các ông
đều không muốn thấy Thầy phải chịu thất bại trước rồi sau đó mới chiến
thắng. Các ông muốn Thầy sớm lên làm vua Mê-si-a để các ông cũng được
chia sẻ quyền cao chức trọng (x. Lc 22,24), được ngồi bên tả bên hữu
Thầy (x. Mt 20,21). + Người trách Phê-rô : “Xa-tan ! Lui lại đằng sau
Thầy ! : Khi kéo riêng Đức Giê-su ra mà can trách, ông phê-rô đóng vai
trò của Xa-tan, kẻ đã cám dỗ xúi giục Đức Giê-su đi con đường khác
với thánh ý Thiên Chúa. Nhưng Đức Giê-su ra lệnh cho Phê-rô phải trở
về chỗ của người môn đệ là ở phía sau và phải theo đường lối của Thầy
(x. Mc 1,17.20; 8,34). + Vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của
Thiên Chúa, mà là của loài người” : Ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm : ”Trời
cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Ông Phê-rô
đã không hiểu thánh ý Thiên Chúa là muốn cho Đức Giê-su cứu thế bằng
con đường “qua đau khổ vào vinh quang” và mời gọi người ta đi theo con đường
này (x. Mt 16,21-23).
- C 34-35 : + “Ai muốn
theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” : Đây là
lời Đức Giê-su mời gọi người ta tự nguyện theo Người chứ không ép buộc. +
Từ bỏ chính mình : “Từ bỏ” ở đây đồng nghĩa với “ghét” hay “yêu ít
hơn” hoặc “coi thường” bản thân mình (x. Lc 14,26 ; Ga 12,25). + Vác thập
giá mình : Thành ngữ “vác thập giá mình” gợi lên thói tục quân lính
bắt tử tội phải tự vác cây thập giá của mình đến nơi hành hình. Ai
muốn làm môn đệ Đức Giê-su, cũng phải vác thập giá mình hằng ngày
mà đi theo Người. + “Cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Liều mạng sống
mình vì Đức Giê-su và vì Tin Mừng thì cứu được mạng sống ấy”: Câu
nói nghịch lý này mời gọi người nghe quan tâm đến giá trị đích thực
của cuộc sống đời sau. Một người sống ích kỷ ở đời này, thì sẽ
bị mất đời sống vĩnh hằng ở đời sau. Nhưng nếu ai sẵn sàng chịu
thua thiệt, chịu chết vì đức tin ở đời này, thì sẽ có được sự sống
đời đời do Chúa sẽ ban sau này.
4. CÂU HỎI :
1) Khi được hỏi, các
môn đệ đã thuật lại cho Đức Giê-su dư luận của quần chúng về Người
thế nào ?
2) Phê-rô tuyên xứng Đức
Giê-su là ai ? Lời tuyên xưng ấy đúng hay sai ? Người Do thái thời đó có
hiểu tước hiệu ấy đúng như thánh ý Thiên Chúa muốn Đức Giê-su thi
hành không ?
3) Tại sao Đức Giê-su
cấm các môn đệ nói ra tước hiệu Ki-tô mà Phê-rô vừa tuyên xưng ?
4) Khi xưng mình là “Con
Người”, Đức Giê-su ngầm dạy điều gì về vai trò và sứ mệnh của Người
?
5) Tại sao Đức Giê-su
thích xưng mình là “Con Người” hơn là “Đấng Mê-si-a” hay “Đấng Ki-tô”
nghĩa là “Đấng Thiên Sai” ?
6) Trong Tân Ước, từ
“Con Người” được nói tới bao nhiêu lần và mang ý nghĩa gì ?
7) Tại sao ông Phê-rô can
trách Đức Giê-su ?
8) Tại sao Đức Giê-su
lại mắng Phê-rô là Sa-tan và bắt ông lui lại phía sau ?
9) Thánh ý Thiên Chúa
muốn Đức Giê-su phải cứu thế bằng con đường nào ?
10) Đức Giê-su đòi ai
tình nguyện đi theo làm môn đệ của Người phải làm gì ?
11) “Từ bỏ mình”có ý
nghĩa thế nào ?
12) Câu “vác thập giá
mình mà theo Thầy” nghĩa là gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : Chúa phán : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34):
2. CÂU CHUYỆN :
1) VÀO TRONG VINH QUANG NGANG QUA ĐAU KHỔ:
Bà GÔN-ĐA MÊ (Golda
Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là thiếu nữ
đã thất vọng về nhan sắc của mình. Bà thuật lại giai đoạn thiếu thời
ấy như sau : “Mỗi lần nhìn khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại
thầm trách sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt
không mấy đẹp đẽ duyên dáng như các bạn đồng trang lứa khác. Mãi về
sau tôi mới nhận ra rằng : Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi
lại là điều may mắn và mang lại sự tốt lành cho tôi. Bởi vì điều ấy
buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra những tài năng sâu kín nơi bản
thân và phát triển chúng ngày một tốt hơn. Cuối cùng tôi rút ra được
bài học này là : Một phụ nữ đáng quí trọng không phải ở chỗ có
một sắc đẹp trời cho, vì nó không mấy bền vững và sẽ phai tàn theo
năm tháng. Nhưng giá trị đích thực của một phụ nữ ở chỗ cố gắng
phấn đấu làm việc, để khám phá ra khả năng Chúa ban cho mình, rồi
phát huy những mặt tích cực, biến những tài năng đó trở thành phương
tiện giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội…”.
GÔN-ĐA MÊ đã chấp
nhận thập giá của mình, không than khóc phản kháng, không tức giận chán nản,
nhưng sẵn sàng vác nó lên vai với lòng can đảm vượt qua trở ngại, để cuối cùng
đã trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Israel (Giảng lễ CN B - M.
Link).
2) BÀI THƠ “DỌC ĐƯỜNG”:
Thi sĩ RÔ-BỚT BAO-NING
HA-MINH-TƠN (Robert Browning Hamilton) trong bài thơ “Dọc đường” (Along the
Road), đã tóm lược nội dung Tin Mừng hôm nay bằng những lời thơ đầy ý
nghĩa như sau: “Tôi đã cùng bước đi một quãng đường với Nữ Thần Hoan
Lạc. Dọc đường, nàng đã cho tôi được sung sướng bằng những lời ve
vuốt tự ái của tôi. Nhưng rồi cuối cùng tôi chẳng thấy khôn ngoan hơn
bao nhiêu. Sau đó, tôi lại bước đi với Nữ Thần Đau Khổ. Dọc đàng,
nàng chẳng nói một lời. Nhưng cuối cùng tôi lại thấy mình lớn lên
về kinh nghiệm sống, về sự khôn ngoan, nhờ trải qua kinh nghiệm đau
thương suốt thời gian bước đi bên nàng…”.
3. THẢO LUẬN :
1) Mỗi khi gặp được
những điều may lành như ý, chúng ta thường dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng
khi gặp rủi ro trái ý, chúng ta nên làm gì theo Lời Chúa dạy : “Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” ?
2) “Vác thập giá mình mà
theo” Đức Giêsu cụ thể là nhờ Thần Khí giúp chúng ta thanh luyện khỏi các thói
hư thuộc về xác thịt và đón nhận hoa quả của Thần Khí như thánh Phaolô đã liệt
kê sau đây: “Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa,
ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè
chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái,
hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ...
Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá
cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
4. SUY NIỆM :
1) “Thầy là Đấng Ki-tô”:
Câu hỏi “Người ta bảo Con
Người là ai ?” của Đức Giêsu đã được đặt ra cho dân Do thái, cho các môn đệ xưa
và cho mỗi tín hữu chúng ta hôm nay. Dư luận dân Do thái coi Đức Giê-su là ông
Gio-an Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Ê-li-a hay một vị ngôn sứ thời xưa. Tông đồ
Phêrô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô”. Tước vị Ki-tô hay “Chris-tus”,
“Mê-si-a” ám chỉ Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Vua Thiên Sai, để
giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị của Đế quốc Rô-ma và trở thành một
dân tộc hùng mạnh. Tuy nhiên sau đó Đức Giê-su lại mặc khải cho ông Phê-rô biết
sứ mệnh Kitô của Người là cứu độ nhân loại bằng con đường “qua đau khổ vào vinh
quang” (x Mt 16,21). Ngừơi là “Tôi trung của Đức Chúa”, chịu đau khổ để đền tội
thay cho dân và làm cho muôn người được nên công chính như ngôn sứ I-sai-a đã
tuyên sấm (x Is 53,3-11).
Lời
Đức Giêsu tiên báo về việc Người sẽ trải qua cuộc Tử Nạn rồi mới vào trong vinh
quang Phục Sinh đã làm cho Tông đồ Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu được tại
sao Thầy của ông lại phải chịu điều khủng khiếp như vậy, bởi ông còn mải mê với
một Đức Kitô vinh quang, nên ông đã phản ứng ngay, bằng việc kéo Đức Giêsu lại
mà can trách Người. Đức Giêsu nhận thấy đây là một cơn cám dỗ của Satan nói qua
miệng Phêrô, nên Người đã bảo ông : "Satan, hãy lui lại sau Ta". Thực
vậy: Ngay từ khi gọi Simon Phêrô ở bờ hồ Galilê, Đức Giêsu đã cho thấy chỗ của
ông : "Hãy đi sau Thầy". Chỗ đứng của môn đệ là ở đằng sau Thầy. Qua
câu này, Đức Giêsu muốn đưa ông Phêrô về đúng chỗ của ông, bởi ông đang muốn đi
trước dẫn đường cho Người. Lý do Đức Giêsu nếu ra: "Vì anh không nghĩ
những điều của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người." Đức
Giêsu thấy rõ đâu là con đường Thiên Chúa muốn, và đâu là con đường thế gian đang
chờ đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên những tính toán khôn ngoan của
loài người. "Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài
người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người." (1 C
1,25)
2) “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình” (x Mt 16,24) :
Đi
theo Đức Giêsu là mẫu số chung của mọi Ki-tô hữu, từ hàng giáo phẩm đến giáo
sĩ, tu sĩ và giáo dân. Tất cả mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi đi theo
Người. Theo sau Đức Giêsu đòi phải từ bỏ: Các môn đệ đầu tiên đã bỏ nghề chài
lưới, bỏ cả cha già cùng những người làm công mà theo Thầy. Ở đây, Đức Giêsu
đòi hỏi không phải chỉ từ bỏ một vật hay người nào đó, mà là từ bỏ chính bản
thân mình. Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, là vác lấy
thập giá của mình mà theo Người. Như thế có thể định nghĩa: Kitô hữu là người
vác thập giá mình đi theo sau Đức Giêsu cũng đang vác cây thập giá. Đức Giêsu
đã vác thập giá, cái dụng cụ giết người mà cả người Do Thái lẫn Hy Lạp đều coi
là nhơ nhuốc. Thập giá của Đức Giêsu là do Ngài tình nguyện gánh lấy tội lỗi
của nhân loại. Còn thập giá của chúng ta hôm nay là gì ?:
- Là từ bỏ chính mình, bỏ đi
“cái tôi” tự ái, ích kỷ; lòng ham mê tiền bạc, danh vọng, quyền hành và các đam
mê bất chính khác. Là từ bỏ con người cũ để nên “đồng hình đồng dạng” với Đức
Giêsu Con Thiên Chúa (x Rm 8,29), tìm lại hình ảnh ban đầu tốt đẹp khi mới được
sáng tạo “giống như Thiên Chúa” (x Stk 1,26).
- Là vác thập giá mình: Vác
thập giá là thái độ tự chủ, vượt lên trên những đòi hỏi của bản năng. Vác thập
giá là thái độ nỗ lực muốn nên hoàn thiện, là quyết tâm lọai bỏ con người “thuộc
thể”, để mặc lấy con người “thuộc linh” được dựng nên theo hình ảnh của Thiên
Chúa. Như vậy: “vác thập giá mình” là sẵn lòng chấp nhận những đau khổ và rủi
ro hoặc thất bại gặp phải trong cuộc sống, noi gương Đức Giêsu đã chấp nhận đau
khổ trong cuộc khổ nạn đau thương của Người.
“Vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu” cụ thể là
nhờ Thần Khí giúp chúng ta thanh luyện mình khỏi các thói hư thuộc về xác thịt
và đón nhận được hoa quả của Thần Khí, như thánh Phaolô đã liệt kê trong thư
Galata: “Là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa,
ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè
chén, và những điều khác giống như vậy… Còn hoa quả của Thần Khí là: Bác ái,
hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ...
Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá
cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
3) Người tín hữu cần vui vẻ đón nhận đau khổ thập giá trong
cuộc sống:
Cuộc đời mỗi người không
phải lúc nào cũng thành công. Bên cạnh những điều như ý vẫn có những nỗi
cay đắng, tủi nhục, những tai nạn rủi ro, những thất bại đau khổ… mà dù
muốn hay không chúng ta cũng phải chịu đựng. Đau khổ thất bại vẫn có thể
trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công, như người ta thường nói : “Thất bại
là mẹ thành công”. “Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành”, từ việc tổ phụ
Giu-se bị các anh bán làm nô lệ bên Ai Cập, lại trở thành tể tướng triều đình
Ai Cập và về sau đã đưa cả dòng tộc của Tổ phụ Gia-cóp sang bên Ai cập tránh khỏi
nạn đói kém. Tin là chấp nhận con đường thập giá chật hẹp và leo dốc đi theo
Đức Giê-su như thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê : “Nếu ta cùng chết với
Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển
trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không
trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính
mình (2 Tim 2,12-14).
4) Cần ý thức đau khổ có giá trị thanh luyện để giúp ta
nên thánh:
Thiên Chúa thường sử
dụng khổ đau để rèn luyện con người nên tốt hơn. Các vĩ nhân trên thế
giới, các thánh nhân trong Giáo hội, đều đã trải qua muôn ngàn khó
khăn trong cuộc sống... Nhưng các ngài không nản chí buông xuôi, mà
quyết tâm vượt qua để trở nên vĩ đại, nêu cao gương sáng đức tin cho hậu
thế noi theo. Như “Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế , rồi mới
vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24,26), người tín hữu chúng ta cũng phải
trải qua đau khổ rồi mới được thành công. Từ đây thập giá không còn là hình khổ
ghê sợ, nhưng là phương tiện để được vào trong vinh quang. Con người ngày nay
thường ngại hãm mình, tránh sự từ bỏ và hy sinh… Nhưng nếu ai muốn cuộc sống có
ý nghĩa thì phải chấp nhận gian nan thử thách như người ta thường nói : “Có công
mài sắt có ngày nên kim” . Một khi hiểu được ý nghĩa cao cả của đau khổ thập
giá, chúng ta sẽ hãnh diện về cây thập giá như thánh Phaolô đã nói : ”Vinh dự
của tôi là thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Chính cây thập giá là chiếc cầu duy
nhất dẫn đưa chúng ta về tới thiên đàng đời sau.
5. NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay
nếu con được Chúa hỏi : “Về phần con, con bảo Thầy là ai ? ” Con sẽ
tuyên xưng lòng tin ra sao ? Xin Chúa đừng để con chỉ tuyên xưng đức tin
ngoài môi miệng, nhưng bằng hành động : Bằng việc cầu nguyện kết hiệp
với Chúa; luôn chu toàn bổn phận với lòng yêu mến Chúa; Biết cậy trông
phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng; Biết tạ ơn Chúa khi vui lúc
buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại... Vì biết rằng tất cả
những gì Chúa để xảy đến, đều là hồng ân, và đều mang lại ích lợi
cho phần rỗi đời đời của con như thánh nữ Tê-rê-sa đã dạy. Xin giúp con năng
nhìn lên thánh giá Chúa, để học sống tình thương hiến thân quảng đại của
Chúa, vì : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người
đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
X. HIỆP CÙNG MẸ
MA-RI-A. - Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM