15/09/14 thứ hai tuần 24 tn
Đức Mẹ Sầu Bi
Lc 1,39-56
MẸ ĐỒNG CÔNG CỨU CHUỘC
“Còn chính bà, một lưỡi
gươm sẽ đâm thâu tận tâm hồn bà.” (Lc 2,35a)
Suy niệm: Liền ngay sau
Lễ Suy Tôn Thánh Giá, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi như biểu hiện sự
liên kết, gắn bó và hiệp thông của Mẹ Ma-ri-a trong sứ mạng cứu chuộc của Đức
Giê-su, con Mẹ. Thông thường, khi nhận một công việc hay sứ mạng nào, người ta
thường nghĩ đến chuyện hơn-thiệt, lợi-hại… Thế nhưng, với Đức Ma-ri-a thì khác.
Hai tiếng “Xin Vâng” trong ngày Truyền Tin đã dẫn dắt Mẹ tới đỉnh cao của sự
tận hiến cho Thiên Chúa. Nhờ đó, Mẹ được thông phần với cuộc Khổ Nạn của Chúa
Giê-su, kết hợp những đau khổ của cuộc đời Mẹ với cuộc Khổ Nạn của con mình, và
cuối cùng, được chung hưởng vinh quang phục sinh với Người. Học nơi Mẹ sự vui
tươi, nhẫn nại, kiên trì trong đau khổ, chúng ta sẽ có được thái độ tích cực
hơn khi đứng trước những đau khổ mà Chúa gởi đến trong cuộc đời mình.
Mời Bạn: Nhìn lại cuộc
đời Đức Mẹ qua các trang sách Tin Mừng, bạn
được mời gọi hiệp thông với Mẹ trong những đau khổ nơi bản thân để thánh
hóa chính mình, và cùng kết hợp với cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô nhằm mưu ích
cho phần rỗi của mình và người khác.
Sống Lời Chúa: Đau khổ là
điều không ai muốn, nhưng lại không thể tránh trong cuộc đời. Vấn đề còn lại
của
chúng ta là có
thái độ nào trước đau khổ. Đức Mẹ đã đón nhận đau khổ trong sự kiên trì, nhẫn
nại; nhờ đó Mẹ đã được Chúa thưởng công vinh thắng. Noi gương Mẹ, chúng ta cũng
biết đón nhận lấy những đau khổ đời ta như một cơ hội để thanh luyện bản thân,
và thông phần đau khổ với cây thập giá của Chúa Cứu Thế.
Cầu
nguyện: Hát
bài Xin Vâng.
* * *
16/09/14 THỨ
BA TUẦN 24 TN
Th. Co-nê-li-ô, giáo hoàng và Xíp-ri-a-nô, giám mục, tử đạo
Lc 7,11-17
CHẠNH LÒNG NƯỚC MẮT CỦA MẸ
Khi Đức Giê-su đến gần cửa
thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con
trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá…. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng
thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,12-13)
Suy niệm: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, thế
nên nỗi đau của người mẹ khi đứa con yêu dấu của mình mất đi lại càng mênh mông
hơn biết mấy. Đức Giê-su là Thiên Chúa Tình Yêu, sao lại không thể chạnh lòng
thương xót trước nỗi đau lớn lao người mẹ làng Na-in này! Lời Chúa Giê-su nói: “Bà đừng khóc nữa” và việc Ngài cho
người thanh niên sống lại, rồi “trao anh
ta lại cho người mẹ” là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và hơn nữa
còn tiên báo Ngài chính là Người Con duy nhất của Thiên Chúa sẽ được Chúa cho
sống lại và trao cho Mẹ Giáo Hội để mãi mãi ở lại với con người chúng ta.
Mời Bạn: Chúa chạnh
lòng trước tiếng khóc người mẹ đau khổ. Ngài cũng chạnh lòng thương trước những
nỗi thống khổ của con người. Và Chúa còn xót thương gấp bội khi chúng ta chết
về phần linh hồn vì tội lỗi của mình. Bạn đã làm gì khi rơi vào tình trạng
“chết linh hồn” đó? Với những giọt lệ thống hối, cùng với tiếng khóc của Mẹ
Giáo Hội, bạn hãy đến với Bí tích Hoà Giải, để nhận được ơn tha tội, để được
sống lại trong ân sủng Chúa.
Chia sẻ: Điều gì làm bạn
ngại đến với bí tích Hoà Giải?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên
lãnh nhận bí tích Hoà Giải thay vì dừng lại ở giới hạn “một năm ít là một lần”.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa xin cho con được đánh động bởi lòng thương
xót Chúa, bởi nước mắt của mẹ Giáo Hội, để con có lòng ăn năn tội thực sự.
* * *
17/09/14 THỨ
TƯ TUẦN 24 TN
Th. Rô-be-tô Be-la-mi-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 7,31-35
KHI ĐỨC TIN THIẾU NỀN TẢNG
“Tôi phải ví người thế hệ này với ai? Họ giống ai?
Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ...” (Lc 7,31-32)
Suy niệm: Chúa Giê-su
trách người Do Thái đương thời cố chấp, ngoan cố, tìm mọi lý lẽ để không chấp
nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Dù thông hiểu Kinh Thánh và chứng kiến những điều
kỳ diệu Chúa Giê-su đã thực hiện như lời Kinh Thánh ấy tiên báo, nhưng họ vẫn
khước từ tin nhận Ngài. Họ mang “lăng kính” của mình để hiểu Kinh Thánh, không
muốn kết nối với những gì đang xảy ra trong thực tế. Không lạ gì Chúa Giê-su đã
ví họ giống như đứa trẻ hư, luôn đòi hỏi những đứa trẻ khác phải theo ý mình
một cách vô lý. Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, họ cho rằng bị quỷ ám! Dấn thân
với vui buồn sướng khổ của con người như Chúa Giê-su bị họ mỉa mai là phóng
túng! Luôn dựa vào ý muốn riêng của mình hơn là dựa vào thực tế khách quan
khiến họ không đến được với Chúa Kitô để nhận ơn cứu độ.
Mời Bạn: “Nhìn người
thì ngẫm đến ta”! Đời sống đức tin của bạn sẽ thiếu nền tảng khi bạn sống theo
sở thích riêng hơn là dựa trên Lời Chúa dạy, sống đạo với hình thức bề ngoài
hơn là nỗ lực có tương quan biệt vị với Chúa. Có thể đức tin ấy thiếu nền tảng
qua những cung cách lệch lạc như dự lễ hay giữ luật vì sợ tội, trong tương quan
với người khác thì gian dối, lừa lọc, thiếu bác ái...
Sống Lời Chúa: Tôi kết nối
giữa lời nói và hành động, giữa điều tuyên xưng và thực hành trong cuộc sống,
để đức tin được lớn lên qua từng ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết dẹp bỏ ý riêng của
mình, để con biết hoà điệu cùng với toàn thể Giáo Hội bằng chính đời sống tràn
đầy yêu thương của chúng con. Amen.