SUY TÔN
THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU:
SUY TÔN TÌNH YÊU VÀ SỰ THA THỨ
Thưa
quý OBACE, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu. Phải
chăng Giáo hội lại dành cả một ngày lễ để tôn vinh một cây thập giá là dụng cụ
hành hình ghê sợ ? Thưa chắc chắn Giáo Hội không suy tôn một cây gỗ giá vô tri
vô giác, cũng không suy tôn bất cứ một cây thập giá nào, mà là suy tôn Thâp Giá
của Đức Giêsu Kitô. Vì trên đồi Calve năm ấy cũng là cây thập giá hành hình,
nhưng những cây thập giá của hai tên trộm chẳng có giá trị gì, mà chỉ có cây Thập
giá của Đức Giêsu mới đem lại ơn cứu độ cho nhân loại mà thôi. Cũng vì thế cây
thập giá của Chúa Giêsu mới trở thành cây Thánh Giá, vì chính Đức Giêsu Con
Thiên Chúa đã đón nhận nó và đã biến nó thành bàn thờ, thành nơi hiến tế cuộc đời
mình làm của lễ cứu độ nhân loại.
Cây
thập giá lúc ban đầu nó là dụng cụ hành hình của người Phênixi, sau này được
người Roma sử dụng làm dụng cụ hành hình những người nô lệ bỏ trốn và những kẻ
nổi loạn. Bởi vì cái chết thập giá là cái chết vô cùng kinh khủng, tử tội phải
chết dần chết mòn trong đau đớn kiệt sức, cách hành hình này có sức răn đe và
trấn áp những kẻ nổi loạn. Nó ghê sợ đến nỗi người Rôma có luật cấm không được
sử dụng cách hành hình này cho công dân Rôma, mà chỉ áp dụng cho người không phải
là công dân của họ. Còn đối với người Do Thái, hình phạt thập giá là điều hết sức
kinh sợ, đến nỗi người ta cho rằng: Kẻ bị hành hình thập giá là kẻ bị Thiên
Chúa nguyền rủa, là kẻ vô phúc.
Chắc
chắn Thiên Chúa Cha đã không chọn cho Con mình cái chết thập giá, và Ngài cũng
không thể vui khi nhìn thấy con mình bị treo trên đó, mà thập giá chính là cái
ác của con người đặt lên vai Con Thiên Chúa. Nếu như mấy ngày vừa qua chúng ta
xem những clip phiến quân Hồi Giáo tại Iraq cắt cổ các nhà báo người Mỹ, hoặc
chúng xả súng giết hàng loạt người, chúng ta thấy hành động đó quá dã man tàn
ác, thì với cái chết hành hình thập giá, nạn nhân phải chết trong đau đớn gào
thét, chúng ta hình dung nó dã man ác độc biết chừng nào.
Thế
nhưng quyền năng của Thiên Chúa quá tuyệt vời, từ cái ác của con người, Thiên
Chúa lại chọn để biến nó thành cơ hội biểu hiện tình yêu đến cùng dành cho con
người; từ một dụng cụ hành hình ghê sợ, Thiên Chúa đã biến nó thành cái giá để
đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Vì thế khi suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu là
chúng ta suy tôn tình yêu nhiệm màu của Thiên Chúa. Khi con người chối từ, quay
lưng lại với Thiên Chúa thì cũng đồng thời con người để mình bị lệ thuộc vào ma
quỷ và chịu sự chi phối của nó. Thế mà Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người,
Ngài đã chấp nhận một cuộc đánh đổi để cho Con của Ngài là Chúa Giêsu đến ở với
con người. Ngài đem đến cho con người tình yêu thương thay cho hận thù, sự tha
thứ thay cho oán hận, sự sống thay cho chết chóc, sự vâng phục thay cho bất
tuân.
Khi
đến với nhân loại, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện tình yêu đến tột cùng của một
Con đối với Cha, của một vị Thiên Chúa dành cho con người, là những kẻ Ngài yêu
thương. Chúa Giêsu cũng thấy trước mưu mô của ma quỷ, nó muốn tìm mọi cách để
làm nhụt chí của Ngài, nó dùng sự độc ác để làm cho Ngài bỏ cuộc. Chúa Giêsu đã
thấy trước điều đó, Ngài không hề tránh né đau khổ, Ngài cũng không tự tìm đến
với đau khổ và cái chết, nhưng Ngài đã biến cái chết đau khổ thập giá của Ngài
thành cơ hội bày tỏ tình yêu thương và đem ơn cứu độ đến cho cả nhân loại. Câu
chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôdemô cho thấy: Thiên Chúa đã thể hiện quyền
năng thật tuyệt vời khi Ngài biến cây thập giá của Chúa Giêsu thành chìa khóa mở
cửa trời cho nhân loại, thành bậc thang đưa con người đến với Thiên Chúa. Nếu
như ngày xưa với sự bất tuân của Adam Eva đã làm cho cửa trời bị đóng lại, thì
nay với sự vâng lời và lòng yêu mến, Chúa Giêsu đã dùng cây thánh giá để mở cửa
trời, để bắc cầu cho tất cả những ai đi theo Ngài bước vào Nước Trời: Không ai đã lên trời ngoại trừ Con Người, Đấng
từ trời xuống.
Trong
câu chuyện với Nicôdemô, Chúa Giêsu cũng thấy trước về cái chết thập giá của
Ngài: Như Mosê đã treo con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương
cao như vậy, để ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời. Với lời này, Chúa
Giêsu đã nhắc đến một sự kiện trong quá khứ, lúc dân Israel băng qua sa mạc, họ
mất kiên nhẫn khi gặp thử thách, mất niềm tin vào quyền năng của Thiên
Chúa, tiếc nuối quá khứ nô lệ, họ quay lại
oán trách Thiên Chúa và ông Mose. Vì thế, Chúa đã để cho rắn sa mạc bò ra cắn
chết nhiều người. Lúc đó dân chúng sợ hãy chạy đến với Mose, ông đã kêu xin
Chúa, Chúa đã tha thứ và cho họ một dấu hiệu: Mose làm một con rắn bằng đồng và
treo lên giá, ai bị rắn cắn mà tin theo Lời Chúa, nhìn lên con rắn đồng thì sẽ
được chữa lành. Chắc chắn con rắn đồng không có sức chữa lành, nhưng chính
Thiên Chúa chữa lành cho dân qua việc họ phải ngẩng đầu nhìn lên con rắn, chứ
không phải cúi mặt nhìn xuống. Cũng vậy, tự nó cây thập giá không có sức cứu độ,
nhưng chính nhờ Đấng chấp nhận được treo trên thập giá, đã làm cho cây thập giá
trở thành cây thánh giá. Hơn nữa, cây thánh Giá cũng không thể cứu độ con người,
mà chỉ những ai tin và Chúa Giêsu, Đấng bị treo trên thánh giá thì mới được sự
sống đời đời.
Suy
tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta suy tôn tình yêu tha thứ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Đấng quyền năng và khoan dung, Ngài có thể tha thứ cho sự ngỗ nghịch
của con người chỉ bằng một lời tuyên bố tha bổng. Nhưng Thiên Chúa lại không muốn
làm như thế, Ngài không muốn làm một vị quan tòa, nhưng Ngài muốn thể hiện tình
thương của một người cha dành cho chúng ta là con cái Ngài. Ngài muốn tha thứ
cho con người bằng trái tim của một người cha nhân hậu. Ngài đã chấp nhận đánh
đổi Con ruột của mình, qua cái chết thập giá, để đón nhận chúng ta làm con cái
của Ngài, từ kẻ phản bội trở thành con cái, từ kẻ ngỗ nghịch thành kẻ được yêu
thương. Chúa Giêsu đã nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa khi nhấn mạnh: Thiên
Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một, để ai tin vào Con của Ngài
thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.
Chúa
Giêsu đã hoàn toàn vâng lời Chúa Cha, đem ơn tha thứ cho nhân loại qua con đường
khổ giá của Ngài. Chính qua thánh giá, Chúa Giêsu đã cụ thể hóa tình yêu đến
cùng của Thiên Chúa, yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết để cho người mình yêu
được sống. Để thể hiện đến cùng của sự tha thứ, Ngài đã đón nhận cây thập giá
và trên thập giá Ngài đã giang rộng đôi tay để đón nhận tất cả mọi người, mọi
loài mọi vật vào trong tình yêu của Ngài. Từ trên cây thánh giá Ngài đón nhận
những kẻ thù ghét và muốn loại trừ Ngài, nay được trở nên anh em của Ngài. Cũng trên cây thập giá, chúa Giêsu đã cầu xin
Chúa Cha tha thứ cho tất cả mọi kẻ tội lỗi, những kẻ làm điều gian ác, Ngài còn
biện hộ cho chúng: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết. Chính vì thế, từ đây cây thập giá không còn
phải là nỗi sợ hãi, cũng không phải là thứ bị nguyên rủa nữa, mà nó đã trở
thành biểu tượng tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa, là cờ hiệu chiến thắng
của Thiên Chúa trên ác quỷ, sự sống trên sự chết, của yêu thương trên hận thù.
Mừng
lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta cùng cảm tạ, cảm nhận tình yêu và sư
tha thứ của Thiên Chúa dành cho mỗi người; Đồng thời mời gọi chúng ta đừng để
mình bị cắm mặt xuống đất nữa, mà hãy ngước nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng
đinh và hết lòng tin tưởng vào Ngài. Tin vào Ngài, là tin Ngài là Con Thiên
Chúa, là chính Thiên Chúa quyền năng, tin
Ngài là Đấng cứu độ, tin vào sư tha thứ của Thiên Chúa. Tin vào Ngài,
đòi chúng ta bước theo lời mời gọi của Ngài: Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình,
vác thập giá mình hăng ngày mà theo tôi.
Suy
Tôn Thánh Giá Chúa, mời gọi chúng ta sống và thực hành yêu thương như Chúa: Hãy
yêu như Thày đã yêu, hãy làm như Thày đã làm. Hãy dành cho nhau tình yêu thương
đến nỗi dám chấp nhận hy sinh, chấp nhận quên mình vì người mình yêu. Yêu như
Chúa yêu là chấp nhận cả sự thiệt thòi, chấp nhận đau khổ về phần mình để cho
anh em mình được vui và hạnh phúc. Yêu như Chúa yêu là biết nghĩ đến hạnh phúc
và quyền lợi của anh em trước, đừng chỉ biết nghĩ đến mình, đừng chỉ kiếm lợi
cho mình. Yêu như Chúa là biết mở rộng đôi tay để đón nhận mọi người cùng với sự
khác biệt, bất toàn của họ, là biết tha thứ tất cả, tha đến bảy mươi lần bảy
cho những người cố tình xúc phạm làm tổn thương mình.
Chiêm
ngắm Thánh Giá Chúa chúng ta được mời gọi cùng bước lên thập giá với Chúa
Giêsu, biến thập giá đời mình thành cây thánh giá đem lại ơn cứu độ cho bản
thân và gia đình. Hãy làm cho thánh giá của mình được luôn gắn liền với Thánh
Giá của Chúa Giêsu, đừng bao giờ tách rời. Vì khi tách ra khỏi thánh giá của
Chúa, chúng ta sẽ phải chịu đựng đau khổ một mình, nhưng khi gắn với Thánh giá
Chúa Giêsu, Ngài sẽ chia sẽ nâng đỡ cho thánh giá cuộc đời chúng ta. Đồng thời
đừng bao giờ chất thêm thập giá lên vai người khác, nhưng hãy chia sẽ và làm nhẹ
bớt thánh giá của anh em, bằng ánh mắt khích lệ, bằng nụ cười cảm thông chia sẻ.
Xin
cho mỗi chúng ta luôn tin tương và hãnh diện về Thánh Giá Chúa Giêsu, và học
nơi Chúa Giêsu để luôn biết yêu thương và tha thứ. Amen