Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên Năm C
Lời Chúa: Lc 8, 1-3
(1) Sau đó, Ðức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai (2) và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Ðó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, (3) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Ðức Giêsu và các môn đệ.
Suy niệm
Có lẽ chuyện một vài người phụ nữ đi theo các cha hay các thầy như là vai trò “hậu cần” trong công việc mục vụ trong bối cảnh hôm nay không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Ngày xưa, các giáo sĩ Do Thái coi thường phụ nữ nên không nhận làm môn đệ. Thế nhưng, vào thời Chúa Giê-su-cách đây hơn 2000 năm thì thật là chuyện kỳ cục lắm, nhất lại là những phụ nữ chẳng mấy danh dự gì. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám. Thế nhưng, Chúa Giê-su là người rất cách mạng và là người rất hiểu biết về tâm lý, nên đánh đúng vào thế mạnh “nhậy bén và nhiệt thành” của những người phụ nữ trong công việc truyền giáo. Ngài đã chứng minh phẩm giá và khả năng phục vụ của những người phụ nữ khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Phẩm giá của con người không hệ tại vào nguồn gốc, xuất xứ hay những định chế của xã hội, nhưng được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Mặc dù hiện diện âm thầm, không tước vị của những người phụ nữ, nhưng có thể nói họ là những người âm thầm xuyên suốt và hiệp thông trong mọi biến cố quan trọng trong công cuộc truyền giáo của Chúa Giê-su: từ việc rao giảng Tin Mừng, đứng dưới chân thập giá, mầu nhiệm sống lại…vì thế, dù âm thầm, nhưng chỗ đứng này không thể thay thế trong mầu nhiệm hiệp thông trong thân thể của Chúa Ki-tô. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".
Bên cạnh việc mời gọi những người phụ nữ tham gia vào nhóm mười hai ngay từ buổi ban đầu của công cuộc truyền giáo, điều đó cho thấy Chúa Giê-su đã rất quan tâm đến tính cấp bách và tính phổ quát của việc truyền giáo không phân biệt tuổi tác, địa vị, giới tính, trình độ, thời điểm…
Xin cho mỗi người chúng con biết thao thức với sứ mạng truyền giáo và biết tận dụng hết những sức mạnh vật chất cũng như sức mạnh con người để tất cả hướng đến việc rao giảng Tin mừng.