CHÚA NHẬT
24 THƯỜNG NIÊN A
Hc
27,33-28,9 ; Rm 14,7-9 ; Mt 18,21-35
HÃY THA THỨ ĐỂ NHẬN ĐƯỢC ƠN THỨ THA
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mt 18,21-35
(21) Bấy giờ, ông Phê-rô đến
gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm
đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? (22)
Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy
mươi lần bảy”. (23) Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông
vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. (24) Khi
nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười
ngàn nén vàng. (25) Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng
tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. (26) Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp
mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi
sẽ lo trả hết”. (27) Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương,
cho y về và tha luôn món nợ. (28) Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ
ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm
lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”. (29) Bấy giờ, người đồng
bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi,
tôi sẽ lo trả anh”. (30) Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho
đến khi trả xong nợ. (31)Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn
của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.
(32) Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia.
Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, (33) thì đến
lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương
xót ngươi sao ?” (34) Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính
hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. (35) Ấy vậy, Cha của
Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người
trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
2.
Ý CHÍNH: HÃY THA THỨ ĐỂ XỨNG ĐÁNG NHẬN ĐƯỢC ƠN THỨ THA
Trong
Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su từ chối giới hạn tha thứ đến bẩy lần do ông
Phê-rô đề nghị với Người, nhưng Người dạy môn đệ phải tha bảy mươi lần
bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Ba lý do phải luôn tha thứ: Một là
vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ các lỗi phạm của ta cách vô điều
kiện. Hai là vì số nợ của anh em đối với chúng ta chẳng đáng là gì
so với số tội nợ ta mắc với Thiên Chúa. Ba là nếu ta đòi anh em tính
sổ trả nợ sòng phẳng, thì Thiên Chúa cũng sẽ tính sổ nợ sòng phẳng đối với
chúng ta.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 21-22: + Ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi…: Phê-rô muốn biết phải
xử trí ra sao đối với những kẻ xúc phạm đến mình. + Con phải tha
đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?: Các Ráp-bi Do thái dạy
"quá tam ba bận" nghĩa là tha tối đa 3 lần. Ông Phê-rô đề nghị
tha tới 7 lần, vì số 7 là số nhiều. Nhưng Đức Giê-su đòi môn đệ phải đi
xa hơn nữa. + Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi
lần bảy: Có chỗ ghi là “bảy mươi bảy lần bảy”. Ông La-méc trong sach
Sáng thế ký đã đòi vợ con phải trả thù cho ông: “Ca-in sẽ được báo
thù gấp bảy, còn La-méc thì gấp bảy mươi bảy” (x. St 4,24). Ở đây,
thay vì báo thù, Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải tha thứ đến bảy mươi
lần bảy, nghĩa là: Phải tha luôn luôn, không giới hạn số lần và tha
vô điều kiện. Lý do để tha không phải vì kẻ có lỗi đã ăn năn sám
hối, cũng chẳng phải để người bị xúc phạm có dịp bày tỏ lòng quảng đại
của mình, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã đối xử cách từ bi nhân hậu và
bao dung đối với hết mọi người đều là con nợ của Ngài.
-
C 23-25: + Ông vua kia: Trong Kinh Thánh, hình ảnh ông vua thường được dùng để
ám chỉ Thiên Chúa, Đấng có quyền tối thượng trên mọi người. Ngài là
thẩm phán tối cao có quyền ra án lệnh thưởng phạt cuối cùng. + Đòi các
đầy tớ của mình thanh toán sổ sách: Ở đây ông vua hành quyền thẩm phán
xét xử bề tôi hay cận thần cách công minh. + Các đầy tớ: Đầy tớ của nhà
vua, là những người có nhiều thế lực (x. 1 Sm 8,14; 2 V 5,6). + Một kẻ
mắc nợ vua mười ngàn nén vàng: Mỗi nén vàng thời đó giá sáu ngàn
quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công. Mười ngàn nén vàng
tương đương với 60.000.000 (sáu mươi triệu) quan tiền + Y không có gì để
trả: Không trả được vì món nợ quá lớn. Cũng vậy, tội lỗi của con
người phạm đến Thiên Chúa rất nặng nề và không bao giờ trả nổi. + Chủ
ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ: Trong Kinh
Thánh có những trường hợp người mắc nợ không trả được món nợ lớn,
nên đã bị chủ nợ truyền lệnh bắt con cái ông ta phải làm nô lệ để trừ
nợ (x. 2 V 4,1). Qua đó cho thấy: tội lỗi gây ra hậu quả nghiêm trọng kẻ
phạm tội phải đền, mà cả người thân trong gia đình cũng phải liên đới đền
trả.
-
C 26-27: + Sấp mình xuống bái lạy: Người đầy tớ biểu lộ thái độ
khiêm nhường lụy phục bằng việc sấp mình bái lạy tôn chủ. + Xin rộng
lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết: Anh ta không dám xin tôn chủ
tha nợ, vì anh biết số nợ quá lớn mà anh không đáng được chủ tha thứ.
Anh chỉ dám xin có thêm thời gian thu xếp trả nợ sòng phẳng. Giống như
trong dụ ngôn người cha nhân hậu, đứa con hoang đàng đã bày tỏ lòng sám hối
qua việc xin cha hãy coi mình như một người làm công của cha (x. Lc 15,19). +
Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn
món nợ: Cho dù món nợ quá lớn, nhưng trước thái độ khiêm tốn mong
được khất nợ của người đầy tớ, tôn chủ đã động lòng thương xót. Ông
không những cho khất nợ, mà còn tha hết món nợ khổng lồ này. Cũng vậy,
dù tội chúng ta xúc phạm đến Chúa nặng nề đến đâu, nhưng nếu biết ăn
năn và quyết tâm chừa cải, thì Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ mọi tội lỗi
và ban cả những điều chúng ta không dám xin.
-
C 28-30: + một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền: Người bạn
này chỉ mắc nợ y một trăm quan tiền, tương đương với một trăm ngày
công lao động. Ở đây hai món nợ chênh lệch nhau quá nhiều cho thấy tội
lỗi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa quá nặng so với tội tha nhân xúc
phạm đến ta. Vì Thiên Chúa thánh thiện và uy quyền vô cùng, nên tội
ta dù nhỏ bé, cũng sẽ trở thành lớn lao gấp bội. Giống như khi ta dùng
một lời để chửi mắng bạn bè nặng một, nhưng nếu dùng cũng lời nói ấy
để chửi mắng cha mẹ hay cấp trên thì tội sẽ tăng nặng hơn nhiều lần. + Y
túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao !”: Thái độ khắc nghiệt của
tên đầy tớ này tương phản với thái độ bao dung nhân hậu của tôn chủ anh
ta. + Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh: Thái
độ và lời năn nỉ của người đồng bạn cũng giống như thái độ và lời
cầu xin của tên đầy tớ đối với tôn chủ trước đó. Cả hai con nợ đều
không dám xin tha nợ, mà chỉ xin khất một kỳ hạn. Đức Giê-su cố ý
trình bày sự tương đồng giữa thái độ của hai con nợ, để làm nổi
bật sự tương phản, một bên là lòng quảng đại bao dung của Thiên Chúa
khi tha nợ vô điều kiện, và bên kia là sự hà khắc độc ác của phàm
nhân khi đòi xử lý tới cùng. + Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào
ngục cho đến khi trả xong nợ: Khi đòi tống ngục con nợ, chủ nợ muốn
cưỡng bức con nợ lao động để trừ dần vào số nợ, hoặc để con nợ phải
yêu cầu thân nhân bán đi tài sản hoặc đi vay mượn để có tiền trả nợ. Ở
đây cho thấy lòng dạ tên đầy tớ hẹp hòi và thiếu lòng bao dung.
-
C 31-33: + Các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn
chủ: Họ bất mãn trước cách cư xử vô nhân đạo và độc ác của tên đầy
tớ xử với bạn anh ta. Thái độ ấy trái với lòng quảng đại bao dung
mà hắn đã nhận được từ nơi tôn chủ. Vì thế những người này đã đi
tố cáo hành động bất nhân của hắn để yêu cầu tôn chủ xử lý. + Tên
đầy tớ độc ác kia: Tôn chủ rầy la thái độ độc ác mà hắn đã xử với
con nợ của hắn, trái với lòng bao dung của ông chủ đối xử với hắn. +
Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi
sao ?: Tôn chủ đã hạch tên đầy tớ về thái độ thất nhân ác đức đối
với đồng bạn của hắn. Trong kinh Lạy Cha, Đức Giê-su cũng dạy các môn
đệ phải tha thứ tội nợ cho anh em mình để xứng đáng được Thiên Chúa
tha thứ mọi tội nợ cho mình.
-
C 34-35: + Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ: Việc tên đầy tớ không chịu tha thứ
và đòi xử lý với đồng bạn nợ hắn, khiến cho tôn chủ nổi giận. Ông đã xử
lý với hắn theo phép công bình là tống giam hắn vào ngục cho đến khi
trả hết nợ, đúng như hắn đã xử với con nợ của hắn trước đó. + Cha
của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế: Lời kết
luận nhằm áp dụng cụ thể bài học: Nếu các môn đệ muốn được Thiên
Chúa đối xử khoan dung tha thứ tội lỗi cho mình, thì cũng phải sẵn
sàng tha thứ những lỗi lầm cho anh em.
4.
CÂU HỎI:
1)
Phân biệt về số lần đòi báo thù của ông La-merk thời các Tổ phụ, lời dạy về số
lần tha thứ của các rab-bi Do thái, lời đề nghị về số lần tha thứ cho anh em của
Tông đồ Phê-rô và lới dạy về số lần phải tha thứ của Chúa Giê-su khác nhau thế
nào ? 2) Trong dụ ngôn về hai con nợ, kẻ mắc nợ mười ngàn nén vàng đã cư xử thế
nào đối với con nợ chỉ mắc nợ anh ta có một trăm quan tiền ? 3) Qua dụ ngôn
này, Đức Giê-su muốn các môn đệ phải ứng xử ra sao với những kẻ phạm đến mình ?
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh
em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em
mình” (Mt 18, 35).
2.
CÂU CHUYỆN: NGƯỜI HÀNH KHẤT CÓ LÒNG KHOAN DUNG THA THỨ:
Văn
hào Nga LÊ-ÔNG TÔN-TOI (Léon Tolstoi) có kể một câu chuyện ngụ ngôn như
sau:
Có
một lão hành khất kia đứng trước cửa nhà của một người phú hộ để
xin bố thí. Nhưng thay vì bố thí, người phú hộ đã xua đuổi và khi thấy
kẻ đó cứ ở lì, đã nhặt một hòn đá ném vào lão ăn mày. Bị hòn đá ném
trúng vào mặt khiến máu chảy đầm đìa, lão hành khất tức giận lắm,
nhưng không làm gì được người giàu có kia. Sau khi băng tạm vết thương,
lão ta đã nhặt lấy cục đá ném trúng mặt mình cất vào bị, rồi tự
nhủ: “Ta sẽ mang theo hòn đá này cho đến ngày mi bị sa cơ thất thế.
Bấy giờ ta sẽ dùng chính nó để ném trả vào mặt mi”. Nhiều năm sau,
lời chúc dữ của lão hành khất đã thành hiện thực. Do biển lận công
quỹ, nên người phú hộ đã bị bắt và còn bị tịch biên toàn bộ tài
sản. Trong lúc lính đến vây bắt ông ta, thì lão hành khất kia cũng
có mặt. Lòng căm hận ngày xưa giờ đây lại có dịp bùng phát. Lão ta
cứ bám theo đám người áp tải kia, tay nắm chắc hòn đá năm xưa chờ dịp
thuận tiện ném vào mặt tên phú hộ để rửa hận. Nhưng đến khi nhìn thấy
gương mặt tiều tụy hốc hác của người này, thì lão lại động lòng
thương. Lão tự nhủ: “Bây giờ thì tên phú hộ này cũng chỉ là một kẻ
khố rách áo ôm đâu có khác gì ta. Hắn đã bị mất hết tài sản, lại còn
bị gông cùm trong ngục tối chịu tội không biết đến khi nào. Như vậy là
ông Trời đã trả báo điều dữ xưa hắn đã làm cho ta rồi. Vậy ta cần
chi phải báo oán nữa?”. Nghĩ thế rồi, lão hành khất buông tay cho
hòn đá rơi xuống đất và âm thầm bỏ đi nơi khác.
3.
SUY NIỆM:
1)
ĐỂ BIẾN THÙ THÀNH BẠN:
Trong
cuốn tiểu thuyết “Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh” (All quite on the
Western), tác giả đã thuật lại câu chuyện cảm động về hai người lính
Đức và Pháp như sau:
“Lúc
đó cuộc chiến đang diễn ra rất ác liệt giữa quân đội hai nước Đức
và Pháp. Một chú lính Đức còn trẻ đang nằm sát dưới một cái hố
để tránh đạn pháo. Bỗng nhiên chú ta thấy một người lính Pháp cũng
nhảy vào trong hố để tránh đạn đang nổ ầm ầm chung quanh. Trước khi
người lính Pháp nhận ra kẻ thù, thì chú lính Đức đã dùng lưỡi lê đâm
anh ta một nhát vào bụng, khiến anh lính Pháp ngã ra bất tỉnh. Bấy giờ
chú lính Đức kia nhìn vào cặp mắt thất thần của kẻ thù. Chú ta
thấy người này do máu ra nhiều nên đang há miệng thở hắt ra rất gấp.
Môi anh ta bị khô như sắp bị nứt nẻ. Chú lính Đức liền động lòng
trắc ẩn, chú ta lấy ra bình nước đang đeo bên mình cho kẻ thù sắp
chết kia uống. Sau khi uống xong mấy ngụm nước thì người lính Pháp gục
đầu tắt thở. Cái chết của anh ta khiến chú lính Đức đột nhiên cảm
thấy hối hận vì đã giết chết anh ta. Đây là lần đầu tiên chú nhúng
tay vào máu. Chú ta tò mò muốn biết tên của kẻ kia. Khi lần túi
quần người chết, chú ta lôi ra một chiếc ví da, trong đó có tấm hình
một người phụ nữ khá đẹp đang bế một bé gái khoảng ba bốn tuổi, mà
chú ta đoán là vợ con của người lính Pháp này. Chú ta chợt nhận ra
anh ta không phải là kẻ thù của chú, nhưng là một người chồng và
một người cha, là một người cũng biết yêu và muốn được yêu giống như
chú vậy. Chú liền lấy ra một quyển sổ tay để ghi địa chỉ của người
chết, và giữ lại tấm hình kia. Chú định sẽ viết thư cho vợ con anh ta
để bày tỏ lòng hối tiếc, đồng thời cũng xin lỗi vợ con của người đã
bị chú ra tay giết chết”.
Chính
nhờ biết thay đổi cách nhìn, mà chú lính Đức đã nhận ra người lính
Pháp không phải là kẻ thù, nhưng là một người anh em giống như mình,
một người chồng và một người cha đang mong sớm chấm dứt chiến tranh
để trở về sum họp và sống hạnh phúc với vợ con.
2)
PHẢI THA CHO ANH EM ĐẾN MẤY LẦN VÀ TẠI SAO PHẢI THA THỨ ?:
Về
số lần tha thứ thì các Ráp-bi Do thái đã dạy chỉ tha thứ tối đa 3
lần: “Quá tam ba bận”. Ông Phê-rô nghĩ tha tới bảy lần là nhiều rồi,
nên đề nghị với Thầy và hy vọng sẽ được Thầy khen ngợi. Nhưng ông thật
bất ngờ khi nghe Thầy đòi không chỉ tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần
bảy. Nghĩa là phải tha luôn luôn, không giới hạn và vô điều kiện (x.
Mt 18,22).
Các
vị giáo tổ cũng kêu gọi người ta phải biết tha thứ. Đức Phật thích
Ca dạy: “Lấy oán báo oán, oán thù chồng chất, Lấy ơn báo oán, hóa
giải oán thù”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ
phải sẵn lòng tha thứ cho anh em, để xứng đáng được Thiên Chúa tha
thứ tội nợ lớn lao cho mình qua câu chuyện về tên đầy tớ độc ác.
Hắn ta vừa được tôn chủ tha cho số nợ vô cùng lớn lao là 10.000 nén
vàng trong khi hắn chỉ dám xin ông cho khất nợ. Nhưng hắn lại không
đối xử tốt như thế với người bạn chỉ nợ hắn 100 quan tiền. Hắn đã
yêu cầu tống giam bạn vào tù, cho đến khi trả hết nợ. Nghe vậy, tôn
chủ đã nổi giận và xử lý với hắn giống như hắn đã hành xử với
người bạn kia. Ông yêu cầu tống giam hắn vào ngục, và đòi hắn phải trả
hết số nợ lớn lao, mà lẽ ra đã được tha thứ vô điều kiện.
Như
vậy lý do Đức Giê-su đòi môn đệ phải tha thứ, không phải vì tội nhân
đã biết nhận lỗi, cũng chẳng phải để môn đệ lập thêm công đức, nhưng
chỉ vì họ đã được Thiên Chúa tha cho món nợ khổng lồ là tội lỗi
đã phạm với Người.
3)
ĐỂ DỄ THA THỨ CẦN CÓ ƠN CHÚA:
Theo
bản tính tự nhiên, mỗi người chúng ta thật khó thoát khỏi vòng lẩn
quẩn là sự tranh chấp và oán thù. Luật “mắt đền mắt, răng thế răng”
tuy là một luật giúp trả báo công minh, nhưng lại là nguyên nhân khiến
cho thế giới lâm vào tình trạng chiến tranh và hận thù liên miên. Chỉ
khi con người biết tha thứ cho nhau thì họ mới có thể sống an bình
và hạnh phúc thực sự. Khi tha thứ là ta sẵn sàng chịu thiệt thòi,
là xác tín rằng cuối cùng Tình Thương sẽ chiến thắng hận thù. Ngọn
lửa tình thương chắc chắc sẽ đánh tan băng giá. Nó sẽ làm cho quả
tim chúng ta lại có thể rung động và xót thương kẻ bất hạnh, giống
như Thiên Chúa.
Cha
Kít-xi-ăng Xéc-ghê (Christian de Chergé) và 6 tu sĩ đã được bề trên
phái đi truyền giáo tại một nước Hồi giáo xa xôi. Các nhà lãnh đạo
tôn giáo ở đây đã làm đủ cách để hạ uy tín và trục xuất các ngài.
Nhưng các tu sĩ không nao núng và vẫn kiên trì với ơn gọi thừa sai.
Cuối cùng các người lãnh đạo quyết định giết các ngài. Khi được
mật báo mình sắp bị giết, cha Xéc-ghê đã viết một bức thư để sẵn
trong túi áo. Ngài viết để gửi cho những kẻ thù ghét đang kéo đến
giết hại mình. Nội dung bức thư có đoạn như sau: “Và cả bạn nữa,
một người bạn vào phút cuối cùng của đời tôi. Bạn đã không hiểu biết
việc bạn đang làm. Tôi cầu xin Chúa cho hai chúng ta đều là những kẻ
trộm lành. Chúng ta hy vọng sẽ được gặp nhau trên quê trời. Nơi đó
chúng ta sẽ được ở với Thiên Chúa là Cha chúng ta”. Lời lẽ trong bức
thư không chút hờn oán. Cha Xéc-ghê đã coi kẻ sắp giết mình như là
một người bạn, một người trộm lành giống như cha, và cha mong ước sau
này sẽ gặp được anh ta ở trên trời. Thật là một sự tha thứ phi
thường giống như Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã
giết hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ
làm” (Lc 23,34). Đó cũng phải là thái độ và lời cầu của các tín
hữu chúng ta hôm nay.
4)
PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TẬP THÀNH THÓI QUEN THA THỨ ?
-
Trước hết phải có lòng khiêm tốn: Một hôm gà con cứ theo bám riết
lấy gà mẹ. Nó vừa khóc vừa kể cho mẹ nghe về nỗi uất ức ma nó
đang phải chịu. Nó nói: “Mẹ ơi, tụi thỏ dám nhạo con rằng tai con
chỉ bằng một góc tai của chúng”. Gà mẹ trả lời: “Con đừng để tâm
đến những lời bọn thỏ nói làm chi, và hãy tha thứ cho chúng, con
nhé!”. Gà con chưa chịu thua tiếp tục tố cáo: “Nhưng bọn cò lại bảo
con rằng: con chỉ cao bằng một phần năm cẳng chân của chúng!” Gà mẹ
lại an ủi con: “Con ơi! Đừng chấp với chúng làm chi!” Nghe mẹ nói
thế, gà con uất ức khóc to lên và nói: “Mẹ! Lúc nào mẹ cũng nói
là phải tha cho chúng, đừng thèm chấp với chúng. Còn con thì cứ
phải chịu đựng bị bọn chúng cười nhạo chế diễu hoài! Tại sao vậy
hả mẹ?” Bấy giờ gà mẹ mới ôn tồn nói với gà con: “Tại vì bọn
chúng nói đúng mà con!”. Gà con không chịu thua hỏi lại mẹ: “Sao lại
đúng hả mẹ?”. Bấy giờ gà mẹ mới ôn tồn trả lời: “Tại vì đúng thật con
cũng chỉ là một con gà mà thôi!”.
Giống
như chú gà con kia, chúng ta thường thấy bị xúc phạm và khó lòng tha
thứ cho những kẻ dám cười nhạo khinh thường chúng ta, chỉ vì chúng
ta không muốn chấp nhận sự thật hèn kém của mình. Lòng khiêm tốn là
điều kiện giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và bỏ qua những lời nói
hành nói xấu hay những lời chế nhạo của kẻ khác đối với chúng ta.
-
Tiếp đến phải nhìn kẻ thù bằng một cái nhìn mới, giống như Đức
Giê-su đã làm đối với những kẻ giết hại mình. Tuy nhiên, để có thể
thay đổi được cách nhìn, chúng ta cần làm theo mấy bước cụ thể sau:
+
Một là xin Chúa giúp cho ta biết noi gương Chúa làm, sống Lời Chúa
dạy, nhất là về lòng khoan dung tha thứ.
+
Hai là nhớ lại Chúa đã tha thứ cho chúng ta, và đòi chúng ta cũng
phải sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho anh em mình.
+
Ba là đổi mới cách nhìn đối với kẻ thù ghét chúng ta: Hãy nhìn họ
như người đang bị lầm đường lạc lối, để cầu xin Thiên Chúa tha tội cho
họ như Chúa Giê-su đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm khốn mình:
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
4.
THẢO LUẬN:
Theo
lời Chúa dạy hôm nay, mỗi người quyết tâm sẽ làm gì để tha thứ cho
những kẻ nói xấu hoặc xúc phạm đến mình, làm gì để biến thù thành bạn, hoặc
ít là để họ không còn tiếp tục thù ghét mình nữa?
5.
NGUYỆN CẦU:
-
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin hãy dẫn dắt chúng con đi từ cõi chết đến sự
sống mới, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt chúng con đi từ
nỗi thất vọng đến niềm hy vọng, từ sự sợ hãi đến thái độ tín
thác vào Chúa. Xin hãy giúp chúng con bỏ đi những ganh ghét để đến
với tình yêu bao dung, bỏ đi những tranh chấp và chiến tranh để biết
sống chung hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an của Chúa vào trái tim bất
an của chúng con, để sự bình an chảy tràn sang những người thân trong
gia đình, lan ra ngoài khu phố, xã hội và đến khắp nơi trên thế giới.
-
LẠY CHÚA. Xin cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Xin cho
chúng con học tập nơi Chúa sự khiêm nhường và nhịn nhục, sự quảng
đại tha thứ và lòng bao dung nhân hậu, để chúng con có thể luôn sống
yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là yêu cả những kẻ đang để tâm
thù ghét và làm hại chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên con
ngoan hiếu thảo của Chúa Cha, Đấng giàu lòng từ bi nhân ái, và nên
anh chị em của mọi người.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM