Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 24

CHÚA NHẬT XXIV TN B:

CHÚA GIÊSU CÒN CÓ Ý NGHĨA GÌ CUỘC ĐỜI TA KHÔNG?

way to heaven.jpeg

Một vài năm gần đây, các phong trào bài tôn giáo hoạt động rất mạnh tại Âu-Mỹ. Họ vận động và tìm cách loại bỏ mọi dấu ấn tôn giáo ra khỏi xã hội, biến xã hội trở thành không tôn giáo. Tôn giáo bị các nhóm này nhắm đến nhiều nhất là Kitô giáo. Các nhà làm luật muốn loại bỏ Kitô giáo ra khỏi hiến pháp của Châu Âu, biến Châu Âu thành một khối vô thần. Việc loại bỏ Kitô giáo trên văn bản pháp luật là thể hiện ra bên ngoài việc họ đã loại trừ Chúa Kitô ra khỏi tâm hồn họ từ trước đó.

Đối với nhiều người khác, Chúa Kitô và thập giá của Ngài chỉ còn như một món đồ trang sức mang trên cổ hoặc trên tai, chứ không phải ở trong tâm hồn. Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài cũng không ảnh hưởng và không có ý nghĩa gì trên cuộc đời họ. Những xu hướng nói trên đang là xu hướng ảnh hưởng trên nhiều Kitô hữu chúng ta. Vì quen sống trong sự tự do dễ dãi, con người không dễ dàng chấp nhận để bước theo Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh.

Tin Mừng hôm nay cho thấy, sau một thời gian các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, mỗi người với một mục đích khác nhau, hôm nay, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? Và ngầm hiểu một câu hỏi khác: Các con theo Thầy để tìm gì?

Trước khi đặt câu hỏi này cho các tông đồ, Chúa Giêsu cũng đã hỏi các ông về dư luận của quần chúng: Người ta bảo Con Người là ai? Câu trả lời của các tông đồ cho thấy, dân chúng biết về Chúa Giêsu một cách hết sức mơ hồ, không chính xác: Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người thì bảo là Êlia hay Giêrêmia hoặc một tiên tri nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng trong mắt người dân, mặc dù đã thấy những việc Chúa làm, nghe những lời Chúa dạy, nhưng họ cho rằng ông Giêsu chỉ giống như một trong các vị ngôn sứ lớn của Cựu Ước mà thôi. Họ chưa tin Ngài là Đấng Mêsisa.

Khác với dân chúng, các tông đồ khi được hỏi, Simon Phêrô đã thay cho anh em tuyên xưng chính xác niềm tin của mình vào Chúa Giêsu : Thầy là Đấng Kitô. Tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, có nghĩa là các tông đồ đã tin Ngài là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa. Lời tuyên xưng của Phêrô thật chính xác. Thánh Mathew khi kể lại câu chuyện này còn cho thấy Chúa Giêsu khen Simon Phêrô. Tuy nhiên, các tông đồ vẫn kỳ vọng vào một Đấng Mesia với vương quyền thống trị của nhà Đavít mà các tiên tri đã loan báo. Trong suy nghĩ của các ông, Đấng Mesia phải xưng vương, tái lập vương quốc Israen, phần các ông hy vọng sẽ được kể là những cận thần, được nhiều bổng lộc.

Chúa Giêsu đã phải điều chỉnh lại suy nghĩ của các tông đồ. Ngài chính là Đấng Mesia, nhưng không phải là Mesia quyền lực. Ngài không đến để thống trị theo kiểu vua chúa trần gian, nhưng Ngài là Đấng Mesia khiêm hạ. Ngài không cứu chuộc nhân loại bằng những cuộc đảo chính hay khởi nghĩa, nhưng đã chọn con đường đau khổ và thập giá. Con Người sẽ bị đau khổ, bị các kỳ mục và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.

Simon Phêrô đã không dễ dàng chấp nhận như thế, vì trong suy nghĩ của ông và các tông đồ đã mang một Đấng Mesia khác, phù hợp với sở thích của các ông hơn. Vì thế, Phêrô đã phản ứng quyết liệt và còn kéo riêng Chúa Giêsu ra để trách Người. Hành động này chứng tỏ Phêrô muốn kéo Thiên Chúa về phe mình. Ông muốn Thiên Chúa phải đáp ứng mong đợi của mình, thay vì phải đi về phía Thiên Chúa và đáp ứng đòi hỏi của Ngài. Trước hành động của Phêrô, Chúa Giêsu đã không ngần ngại nói với ông: Satan! Lui lại đàng sau Thầy. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người.

Lời trách mắng này nghe có vẻ nặng, vì Phêrô đã phạm một sai lầm rất lớn, đó là ông muốn biến mình thành người chỉ đường cho Chúa, đi trước Chúa và trở thành kẻ cản đường Chúa. Vì thế, Chúa muốn Phêrô trở về với đúng vị trí của mình là một người môn đệ, là phải đi sau thầy, nên Chúa nói với ông : Hãy lui lại đàng sau Thầy. Lui lại không chỉ phải trở lại đúng vị trí là môn đệ, mà Chúa còn muốn ông phải thay đổi cả tư tưởng của mình cho phù hợp với tư tưởng của Thiên Chúa. Chỉ khi con người suy nghĩ theo đường lối của Thiên Chúa, thì mới có thể hành động và bước theo Thiên Chúa được.

Có lẽ khi nghe Chúa chỉnh sửa Người Anh Cả Phêrô, các tông đồ khác cũng cảm thấy chạm đến mình, cảm thấy đòi hỏi của Chúa quá lớn. Chúa Giêsu đã đọc được suy nghĩ của các ông, vì thế, Ngài đã đưa ra lời mời gọi: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi. Chúa không ép buộc, Ngài vẫn để cho con người có tự do chọn lựa nếu muốn. Một khi đã chọn theo Chúa thì chắc chắn không thể không có thập giá: Phải vác thập giá của mình và phải bước theo sau Chúa. Chúa không cần chúng ta vác thập giá của Chúa, nhưng Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Chúa cũng không muốn chúng ta đi một con đường nào khác, cũng không muốn chúng ta đi đường ngang lối tắt, mà phải đi con đường của Chúa và đi sau Chúa, thì mới có thể đạt được hạnh phúc Nước Trời.

Trong mắt người đời, vác thập giá, bước theo Chúa Giêsu như là sự điên rồ, là vô lý, nhưng đó lại là cái lý lẽ của Thiên Chúa và là thách thức cho những ai muốn: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Cuộc sống của con người ngày càng hiện đại, ngày càng tiện nghi. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: Ai muốn theo tôi phải vác thập giá mình mà theo, là một thách thức cho mỗi người. Con người luôn muốn tìm kiếm sự dễ dàng thoải mái; họ muốn một Chúa Giêsu không thập giá, không đau khổ; họ muốn theo Chúa những không phải từ bỏ, không phải hy sinh. Chính vì thế, ngày nay, người ta đang muốn bỏ Chúa Giêsu để đi theo những tôn giáo khác hoặc những hứa hẹn dễ dàng hơn. Họ muốn tìm kiếm một thứ hạnh phúc có sẵn như mì ăn liền mà không phải cố gắng.

Chắc chắn trong cuộc sống không có một thứ hạnh phúc chân thật nào mà không phải đánh đổi bằng hy sinh vất vả. Hạnh phúc Nước Trời càng không thể có được bằng sự dễ dãi. Chắc chắn rằng, chúng ta không thể tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá và cũng không thể có một thập giá mà không có Chúa Giêsu. Vì nếu Đức Giêsu không thập giá, Ngài sẽ không thể cứu chúng ta, không thể thông cảm và chia sẻ với chúng ta. Và nếu thập giá không có Đức Giêsu thì đó chỉ là sự đau khổ triền miên trong tuyệt vọng, không lối thoát.

Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, thì đồng thời chúng ta cũng phải dám vác thập giá mình để bước theo Ngài. “Tin - theo Chúa” là hai hành động luôn đi liền nhau, vì không thể tin mà không theo và cũng không thể theo mà không tin. Tin Chúa Giêsu là dám để cho Ngài hiện diện và làm chủ cuộc đời của mình, để Ngài chi phối mọi suy nghĩ và hành động mình. Tin Chúa được thể hiện qua hành động yêu thương, bác ái cụ thể chúng ta dành cho nhau, vì đức tin không có việc làm là đức tin chết. Theo Chúa Giêsu là dám làm theo mọi lời giảng dạy của Ngài, sống theo gương sống của Ngài và dám bước đi trên con đường của Ngài. Ngài không chọn sự dễ dãi của thế gian, nhưng Ngài chọn con đường khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa cha.

Lời chất vấn của Chúa Giêsu đối với các tông đồ cũng đang là lời Chúa hỏi mỗi chúng ta: Còn ông bà, anh chị bảo Thầy là ai? Ông bà anh chị theo tôi để làm gì? Chúa muốn mỗi người hãy tự trả lời câu hỏi ấy. Chúa Giêsu có thực sự còn là Đấng Cứu Thế trong tâm hồn, trong gia đình tôi nữa hay không? Nhiều gia đình tuy vẫn còn treo hình ảnh Chúa trong nhà, nhưng đã đuổi Chúa ra khỏi nhà từ lâu. Chúng ta đuổi Chúa ra khỏi nhà, khi chúng ta không còn lòng yêu mến, không dành cho Chúa một giây phút nào trong ngày, không nhớ đến, không cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Một khi bạn có lòng yêu mến Chúa thật sự, bạn sẽ tìm được nhiều giờ để cầu nguyện với Chúa.

Xin Chúa giúp mỗi người mạnh dạn tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, tin tưởng phó thác vào Ngài và để Chúa có một vị trí quan trọng tuyệt đối trong cuộc đời. Cũng xin cho chúng ta can đảm vác thập giá hàng ngày bước theo Chúa. Nhờ tin và bước theo Chúa, chúng ta đạt được hạnh phúc đời đời. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     ¬Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên Năm C_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Đan Vinh – HSTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường niên - Lm. Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên: LỜI CHÚA CẦN ĐƯỢC LẮNG NGHE. Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên - CỘNG TÁC VÀO VIỆC TRUYỀN GIÁO - Lm. Duy Khang
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 11-17/09/2014 - Câu chuyện Đồng tiền của bà goá
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXIV TN A
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên: Tình Yêu Tha Thứ. Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Thường Niên: Chủ Quan, Phiến Diện. Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên A - “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương” - Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXIV TN A
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên A: LỄ MẸ SẦU BI. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Kinh Thánh Bằng Hình - Việt Anh