Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên
LỜI CHÚA CẦN ĐƯỢC LẮNG NGHE
Lời Chúa : Lc 8,4-15
(4) Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo
đến cùng Ðức Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
(5) "Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong
khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim
trời ăn mất. (6) Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì
thiếu ẩm ướt. (7) Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm
nó chết nghẹt. (8) Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó
sinh hoa kết qủa gấp trăm". Nói xong, Người hô lên rằng: "Ai có tai
nghe thì nghe".
(9) Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. (10)
Người đáp: "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa;
còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà
không hiểu.
(11) "Ðây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. (12)
Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi
lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. (13) Còn những kẻ ở trên đá là
những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất
thời, và trong thời thử thách, họ bỏ cuộc. (14) Hạt giống rơi vào
bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa
phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức
trưởng thành. (15) Hạt giống rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe
Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh
hoa kết quả.
Suy Niệm
Khi Chúa Giêsu giảng về
dụ ngôn ‘Người đi gieo giống’, Chúa so sánh Lời của Chúa với một hạt
giống được gieo trên đất. Hạt giống là một vật rất bé nhỏ mong manh, nó tùy
thuộc hoàn toàn vào loại đất mà nó được gieo trồng. Nếu đất khô cằn sỏi đá, gai
góc, hạt giống sẽ chết, hoặc đui chột; nếu đất tốt, hạt giống sẽ đem lại một
mùa gặt dồi dào. Cũng như hạt giống, Lời Chúa có một sức mạnh thật tuyệt vời!
Lời yêu thương cứu chuộc của Chúa có thể an ủi, gợi hứng, dậy dỗ, sửa chữa,
thách đố, biến đổi đời sống,… hoặc trở nên vô hiệu. Tất cả đều tuỳ thuộc thái
độ tiếp nhận của người nghe.
Qua phần giải thích của
Chúa Giêsu, chúng ta thấy những hình ảnh: ‘vệ đường’, ‘đất sỏi’, ‘bụi
gai’ là những biểu tượng cho thái độ sống của chúng ta đã không ưu tiên
lắng nghe Lời Chúa. Những âm thanh từ các phương tiện truyền thông, những tương
quan giao tiếp hằng ngày và những lo toan trần thế đã làm cho chúng ta không
nghe được Lời Chúa, thậm chí còn dửng dưng với Lời Chúa, không thể hiểu được
Lời Chúa và không có quyết tâm sống theo Lời Chúa. Vì thế, tuy chúng ta đã được
tiếp cận với Lời Chúa rất nhiều: khi học giáo lý, tham dự thánh lễ, học hỏi và
suy niệm, nhưng cho đến hôm nay, đời sống của chúng ta vẫn khô cằn thiếu sức
sống. Tuy nhiên, Thiên Chúa như một người gieo hạt giống rất hào phóng, Ngài
vẫn không ngừng gieo hạt giống Lời Chúa vào trong tâm trí mọi người, Ngài vẫn
nhẫn nại chờ đợi chúng ta tiếp nhận Lời để được Ngài yêu thương, cứu độ và đổi
mới.
Vâng, nếu chúng ta nhận ra tầm quan trọng của Lời
Chúa như “ngọn đèn soi bước, ánh sáng dẫn đường” (x.Tv 118, 105), chúng ta sẽ ưu tiên tập trung lắng nghe
Lời Chúa. Khi một người lắng nghe, họ không quan tâm đến một điều gì khác, như
một du khách đang cần nghe lời người hướng dẫn để khỏi bị lạc đường. Cũng vậy,
Lời Chúa cần được lắng nghe vì Lời Chúa hướng dẫn chúng ta những lúc nghi nan, bảo vệ chúng ta những khi gặp khó khăn, an ủi chúng ta những lúc sầu khổ, sửa chữa chúng ta những khi sai lầm, thách đố chúng ta những lúc lười biếng, cảnh giác chúng ta trước những nguy hiểm và đem lại niềm
hy vọng cho chúng ta trong
những lúc chán nản. Cũng như thức ăn cần để nuôi dưỡng cơ thể, Lời Chúa cũng
cần để nuôi dưỡng tâm trí và tinh thần của chúng ta. Quả thật, Lời Chúa là sức sống đổi mới và hạnh phúc cho cuộc đời mỗi
người.
Với niềm xác tín trên, trong mọi
hoàn cảnh chúng ta cần tìm sự hướng dẫn khôn ngoan nơi Lời Chúa. Đặc biệt là
khi gặp bế tắc chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu
Thánh Thể, thinh lặng nghỉ ngơi bên Chúa và cầu xin Chúa ban Thánh Thần
hướng dẫn chúng ta chọn một câu Lời Chúa thích hợp. Sau đó mở Thánh Kinh và đọc
đoạn đầu tiên chúng ta gặp. Rồi chúng ta đọc rất chậm một lần nữa với ý thức
muốn được Lời Chúa thẩm thấu vào tâm trí của mình. Tiếp đến chúng ta tưởng
tượng lại những tình huống đoạn Tin Mừng diễn tả, đặc biệt là hình dung Chúa
Giêsu đang ngồi đối diện với mình và đang nói những lời đó trực tiếp cho mình.
Khi chăm chú lắng nghe lời Người; và trong thời điểm thinh lặng đó, chúng ta sẽ
cảm thấy gần Chúa Giêsu hơn, và Lời của Người sẽ thắp sáng hướng dẫn chúng ta
trong niềm hy vọng, tha thứ và bình an.
Lạy Chúa Giêsu, “Xin cho con biết
lắng nghe, Lời Ngài dạy con trong cuộc sống….”
Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh O.P