Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên C
THIÊN CHÚA LÀ CHA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Ảnh hưởng văn hóa Đông Phương,
người cha thường giấu kín cảm xúc của mình kể cả khi thể hiện tình thương với
con cái. Vì thế, trong gia đình, người cha thường thể hiện sự nghiêm khắc,
cương quyết của một người gia trưởng, nhưng đàng sau vẻ nghiêm nghị ấy lại là một
bầu trời dạt dào tình mến thương. Cũng trong văn hóa Đông Phương, Kinh Thánh Cựu
Ước đã trình bày một Thiên Chúa như một người cha nghiêm nghị, đôi khi khiến
con cái sợ hãi, nhưng lại dễ chạnh lòng thương; một Thiên Chúa đầy tràn tình
yêu thương, nhưng lại cứ cố giấu nén tình thương ấy.
Bài đọc một sách Xuất Hành kể lại
câu chuyện phản bội của dân Do Thái và sự nhân từ nhẫn nại, quảng đại bao dung
của Thiên Chúa. Như một người cha không đành lòng thấy con mình đau khổ, Thiên
Chúa không thể cầm lòng khi nghe tiếng kêu than của dân Ngài. Thiên Chúa đã ra
oai hùng mạnh để buộc vua Pharaon phải thả cho dân Do Thái ra đi. Tuy nhiên,
Thiên Chúa đặt bao nhiêu kỳ vọng vào dân Israel, thì dân Israel lại làm cho
Ngài bẽ bàng bấy nhiêu. Dân Israel đã chối bỏ Thiên Chúa, đúc một con bê bằng
vàng và phục lạy con bê ấy. Họ còn tế lễ con bê và nói với nhau rằng: Đây chính
là thần đã đưa ngươi ra khỏi đất Aicập. Israel đã vô ơn với Thiên Chúa và hoàn
toàn phản bội lại Ngài.
Thiên Chúa đã bừng bừng nổi giận,
Ngài muốn tiêu diệt toàn thể dân này để tạo nên một dân mới. Thế nhưng, Ông
Môsê đã lấy ‘tình bạn” để can gián Thiên Chúa. Ông còn nại đến tình thân giữa
Thiên Chúa và Apbraham, Isacac và Giacop để van xin Thiên Chúa nguôi cơn thịnh
nộ. Môse nhắc lại tình thương, lời hứa và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho
tổ tiên họ để xin Thiên Chúa thương tha phạt cho đám dân ngỗ nghịch này: Dân mà
Ngài đã dùng cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Aicập. Với lời van xin ấy,
Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ, đã thương không giáng phạt dân Người như Người
đã đe.
Thiên Chúa là như thế, Ngài luôn
để cho tình yêu thương phủ lấp tất cả, Ngài không bao giờ mệt mỏi, tính toán
khi tha thứ cho con người, dù tội lỗi ngập tràn đến đâu cũng không thể đánh bại
lòng thương xót của Thiên Chúa. Bước qua thời Tân Ước, Đức Giêsu chính là hiện
thân lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu vừa thể hiện vai trò nghiêm nghị
của một người cha, nhưng cũng lại ân cần, dạt dào tình cảm như một người mẹ.
Tình yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã trải dài trong suốt cuộc đời của
Ngài, qua lời nói và hành động. Các dụ ngôn được kể hôm nay phần nào phác họa
lên lòng thương xót của một người cha, sự ân cần tận tụy của một người mẹ mà
Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.
Lý do Chúa Giêsu kể những câu
chuyên này là vì những người Biệt phái thấy Chúa Giêsu thường xuyên tiếp xúc với
những người thu thuế và tội lỗi khi họ đến nghe Người giảng. Họ xầm xì với nhau:
Ông này thường hay ăn uống, đón tiếp, giao du với những kẻ tội lỗi. Trong cái
nhìn của người Biệt phái, những người thu thuế và tội lỗi công khai chỉ như rác
rưởi, cần phải tránh xa. Những người này bị coi như những con người không thể
hoán cải, không đáng quan tâm và cũng không đáng được hưởng tình yêu thương.
Cái nhìn của Chúa Giêsu hoàn toàn
khác, tất cả mọi người đều được hưởng tình yêu thương. Càng những người tội lỗi,
thương tật tâm hồn và thể xác càng là những người đáng thương và được quan tâm
hơn. Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà khi lạc mất một con lại
không để chín mươi chín con khác trong hoang địa để đi tìm con chiên lạc sao?
Nói cho những người Biệt phái như thế để cho các ông thấy rằng: Việc tìm kiếm,
dù chỉ một con chiên lạc, thì cũng hết sức quan trọng, cần thiết và ai ai cũng
sẽ hành xử như vậy. Khi tìm được, người ấy vui mừng vác chiên trên vai, ôm nó
vào lòng, đưa nó trở về và mời gọi láng giềng cùng chung vui. Chỉ một con chiên
bị lạc được tìm thấy mà chủ chăn đã vui mừng như thế, thì huống là những kẻ tội
lỗi và thu thuế khi họ lối lỗi trở về, Thiên Chúa lại không vui mừng sao? Bất cứ
ai, mỗi người đều có một vị trí quan trọng trong trái tim yêu thương của Chúa,
không ai là dư thừa, tất cả đều được yêu thương và có giá trị trước mặt Chúa.
Nếu như một con chiên hoặc một đồng
bạc bị mất mà người chủ không thể làm ngơ, thì Thiên Chúa càng không thể yên
lòng hoặc nhắm mắt làm ngơ trước những người con của Ngài bị lạc vào tay ma quỷ
và tội lỗi. Câu chuyện Người Cha Nhân hậu đã cho thấy Thiên Chúa thực sự là một
người Cha giàu lòng thương xót, là một người mẹ thương con bằng trực giác, bằng
sự ân cần, bằng cảm xúc của trái tim.
Câu chuyện người cha nhân hậu,
chúng ta đã nghe rất nhiều lần. Câu chuyện này không nhắm đến người con, nhưng
muốn cho thấy lòng quảng đại bao dung và kiên nhẫn của người cha trước việc đứa
con bỏ nhà ra đi. Đứa con thứ đã dứt nghĩa đoạn tình với cha và gia đình, anh
đã đòi phân chia tài sản và lấy phần của mình để ra đi. Có lẽ ở trong nhà, anh
đã không cảm nhận được tình thương của cha, hoặc anh đã muốn tự mình tìm kiếm một
tình cảm, một nơi nương tựa nào đó ở ngoài. Cuộc đời không như anh tính toán,
anh đã mau chóng tiêu tán tất cả tài sản, đã rơi xuống cảnh bần cùng đến độ chỉ
còn ngang hàng với những con heo. Anh đã từ chối phẩm giá của một cậu chủ để đổi
lấy sự nhục nhã của một kẻ chăn heo. Khi đã không còn chỗ bám víu, đã rơi xuống
tận cùng của bùn đen, anh chợt nhớ đến nhà cha mình. Anh không dám mơ tưởng điều
gì cao xa, anh chỉ mong được làm kẻ đầy tớ trong nhà để có miếng ăn mỗi ngày.
Anh đã suy nghĩ và quyết tâm chỗi dậy trở về và thưa với cha: Thưa cha, con đã
lỗi phạm đến trời và đến cha, chẳng xứng đáng là con cha nữa, xin cha đối xử với
con như những người làm công cũng được.
Cho dù anh trở về với lý do gì,
điều đó đối với người cha không quan trọng. Điều quan trọng đối với ông là con
ông đã trở về. Câu chuyện cho thấy người cha vẫn cứ ngày ngày tựa cửa chờ con.
Khi nhìn thấy bóng con từ xa, ông đã chạy ra ôm choàng lấy nó và hôn lấy hôn để.
Ông không chê nó hôi hám, ông không trút cơn giận lên nó, nhưng lại đổ xuống
trên nó một tình thương bao dung và lòng xót thương vô hạn. Ông không cần nghe
những lời xin lỗi của nó, ông đã nhanh chóng gọi đầy tớ đem giầy, đem áo và nhẫn
xỏ vào tay cho nó. Nó không phải là người làm công, nó vẫn là con ông, nó vẫn
là cậu chủ. Ông vui mừng nói với mọi người: Hãy mau làm thịt bê đã vỗ béo để
chúng ta ăn mừng, vì con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Tình thương của người cha không dừng
lại trên đứa con thứ, câu chuyện còn cho thấy, Thiên Chúa như một người mẹ nhân
từ, nhạy bén và dạt dào tình thương đối với người con cả. Người con cả đã vùng
vằng giận dỗi và không tiếc lời trách oán cha. Vì ghen tị, anh không muốn chấp
nhận người em trở về, vì hẹp hòi, anh sợ nó về, lại một lần nữa nó đòi thêm của
cải. Vì thế, anh nhất định không vào nhà, không chung vui. Anh không hề cảm nhận
được niềm vui của người cha, cũng không thể hiểu được sự quảng đại tha thứ của
ông. Người cha giống như người mẹ, đã tìm đến với anh, nẳn nỉ vỗ về : Con à,
lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng
ta phải ăn mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.
Nghe và suy gẫm Lời Chúa hôm nay
giúp chúng ta càng thêm tin tưởng vào lòng khoan dung hay thương xót của Thiên
Chúa. Mỗi chúng ta đều là con của Chúa, được Chúa yêu thương, vì thế, dù chúng
ta có đang ở trong tình trạng nào, cũng đừng thất vọng, nhưng hãy luôn tin tưởng
vào lòng thương xót của Chúa. Thiên Chúa có một điểm yếu, đó là Ngài không thể
cầm lòng, không thể ngăn cản tình thương khi chúng ta chạy đến với Ngài.
Xin cho chúng ta đừng bao giờ như
người con cả sống hẹp hòi ích kỷ, thiếu bao dung với anh chị em mình. Xin cho
chúng ta có một tâm hồn quảng đại biết yêu thương và tha thứ, cảm thông và chia
sẻ với anh chị em khi họ gặp thất bại khổ đau và cả khi họ thành công. Xin cho
chúng ta đừng bao giờ chặn lối trở về của chính mình và của anh chị em, nhưng
xin cho chúng ta luôn tin tưởng quay về bên Chúa là Cha yêu thương, vì Thiên
Chúa không bao giờ từ chối chúng ta khi chúng ta quay về với Ngài. Amen.