Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên B
Lời Chúa hôm nay đặt chúng ta đối diện trước NIỀM TIN qua câu hỏi dứt khoát của Chúa Giê su: “Anh em nói Thầy là ai ?”. Câu trả lời của Phê rô phát xuất từ niềm tin và hi vọng: “Ngài là Đấng Ki tô..”. Phản ứng của Chúa Giê su làm cho những người nghe sửng sốt. Một đấng Ki tô sẽ chỉ cứu thoát trần gian qua đau khổ và sự chết. Đó là một con đường phải vượt qua chẳng những đối với Ngài, Con Thiên Chúa mà còn đối với chúng ta, các môn đệ của Ngài: để bảo vệ mạng sống mình thì trước tiên phải liều MẤT vì TIN MỪNG.
Sách Tiên tri I sai a 50,5-9a:
Tiên tri I sa i a loan báo Người Tôi tớ đau khổ. Tin mừng đã nói đến Chúa Giê su cương quyết lên đường đi Giê ru sa lem. Chắc hẳn lúc ấy, Ngài đã lặp lại những lời đầy tin tưởng và hi vọng của Người Tôi tớ đau khổ.
Thánh Vịnh 114 :
Thánh vịnh tin tưởng. Dù bị nhấn chìm ở độ sâu như thế nào đi nữa thì người ta vẫn luôn luôn có thể nhìn thấy ÁNH SÁNG vì những ai yêu mến Thiên Chúa sẽ không bao giờ rơi vào cảnh tuyệt vọng. Nếu tôi kêu cứu, nếu tôi cầu nguyện, tôi sẽ được nhậm lời, và được giải thoát. Một điều gì đó từ trên CAO sẽ đến tận thâm tâm tôi. Tôi TIN.
Thư Gia cô bê 2,14-18:
Phải hành động theo ĐỨC TIN. Tin vào Thiên Chúa cứu thoát những kẻ nghèo đòi hỏi người ki tô hữu phải trở nên những đôi tay và bàn chân của Thiên Chúa, nghĩa là họ phải phục vụ Ngài trong đời sống cụ thể.
Tin mừng : Mc 8, 27-35
NGỮ CẢNH
Đọan tin mừng 8,27-35 được coi là bản lề của sách tin mừng Mác cô. Thật vậy, từ đây từ vựng, nội dung giáo huấn, địa bàn hoạt động đều chuyển hướng. Tất cả đưa sách tin mừng vào phần thứ hai, phần mạc khải Chúa Giê su là Con Thiên Chúa.
Với phép lạ chữa lành người điếc ngọng (7,31-37) và người mù (8,22-26), Chúa Giê su có thể mở miệng, tai và mắt chuẩn bị cho các môn đệ có thể tuyên xưng niềm tin chấp nhận các đòi hỏi nơi người môn đệ.
Chúng ta có thể đọc đoạn văn theo bố cục sau đây:
Phê rô tuyên xưng đức tin (8,27-30)
Chúa Giê su loan báo Khổ nạn lần thứ nhất (8,31-33)
Những đòi hỏi trong cuộc sống người môn đệ Chúa Giê su (8,34-35)
TÌM HIỂU
Xê da rê: tác giả đặt trình thuật nầy ở phần đất Pa les ti na giáp ranh thế giới ngoại giáo; một địa danh mang tính tiên tri: Phê rô và cùng với ông là Giáo Hội ở nơi ranh giới của những người tín hữu để loan báo Đấng Messia. Người ta tự hỏi liệu việc chọn con đường đi đến Xê da rê có phải là điều báo trước con đường Rô ma mà Phê rô sẽ đến để làm chứng cho Chúa Giê su không.
Người ta nói: câu hỏi về căn tính của Chúa Giê su đã được gợi lên ngay từ đoạn 6,14-16. Mc báo trước rằng người ta nghe nói về Chúa Giê su. Cả hai bản văn nầy (cc. 6 và 8) hoàn toàn song song với nhau. Ý kiến dân chúng thường thì coi Chúa Giê su là một vị tiên tri sống lại. Đám đông thì dừng lại ở những vị phải đến để chuẩn bị cho Đấng Messia, đặc biệt là Ê lia, mà tiên tri Malakia đã báo trước sẽ trở lại trong ngày của Đức Chúa (3,23). Tại sao họ không nhận ra Ngài? Bởi vì họ đang chờ đợi một Đấng Messia mặc lấy vinh quang Thiên Chúa, dùng quyền năng tống khứ những thế lực xâm lược và tái lập vương triều Đa vít.
Còn anh em: để dẫn đưa đám đông đến đức tin, Chúa Giê su không dựa vào phong trào tự phát của dân mà dựa vào các môn đệ sẽ đi theo Ngài và sẽ làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ngài. Vì thế đối với Ngài điều quan trọng là câu trả lời cá nhân của họ, không bị ảnh hưởng bởi ý kiến của đám đông. Câu hỏi cũng đặt ra cho tất cả mọi người mà tin mừng gửi đến. Mỗi người sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giê su?
Anh em bảo Thầy là ai: câu hỏi gây ngạc nhiên. Một đấng mà người ta biết từ bao tháng năm nay, một đấng không giấu giếm nguồn gốc của mình không thể đặt ra câu hỏi như vậy. Các môn đệ đã có thể trả lời như những người làng Na gia rét: “Ngài là người thợ mộc” (6,3). Nhưng ngay cả những người cùng quê, dù đã rõ gốc gác Chúa Giê su, cũng tự hỏi về con người của Ngài. Thực ra, câu hỏi có một ý nghĩa vì nó thúc đẩy nhìn nơi Ngài một đấng khác với người mà ai cũng rõ do các nguồn gốc xã hội và các tương quan quen thuộc thường ngày: một nhân vật vừa được chờ đợi vừa vô danh, một nhân vật mà vai trò như đã được loan báo không ăn khớp rõ ràng với Đức Giê su Na gia rét.
Thầy là đấng Ki tô: trong câu trả lời, Phê rô đồng hoá Chúa Giê su với đấng Ki tô, một nhân vật thiết yếu trong lịch sử của Israel, một nhân vật mà qua đó Thiên Chúa thực hiện một cuộc cuộc can thiệp quyết định cho dân của Ngài.
Các Ki tô hữu đã sẵn sàng nhận biết thần tính của Chúa Giê su trong lời tuyên xưng của Phê rô. Mác cô không khẳng định nhiều như thế. Ông chỉ nói – nhưng cũng đã nhiều rồi – rằng Thiên Chúa Cứu độ đang ra tay hành động cách vô tiền khoáng hậu nơi con người và sứ mạng của Chúa Giê su.
Tước hiêu Mê sia, phiên âm từ híp pri là Mashiah, được dịch sang tiếng hi lạp bằng từ Kris tos , từ đó sang tiếng Việt là Ky tô. Tước hiệu nầy trước tiên được áp dụng cho vị vua được xức dầu tấn phong để nhận lãnh một vai trò vừa có tính chính trị vừa tôn giáo.
Dưới hình thức là ki tô, được Mác cô dùng (1,1), tước hiệu nầy sẽ nhanh chóng trở thành danh hiệu thường xuyên gần như là một biệt danh của Chúa Giê su phục sinh, (x. các phần chót các thư Phao lô).
Khi gán câu trả lời nầy cho ông Phê rô (và toàn thể sách tin mừng nói với chúng ta rằng chính ông Phê rô là người luôn có sáng kiến trong những thời khắc quyết định) Mác cô gợi ý cho thấy quyền tối thượng của Phê rô mà sau nầy Mát thêu sẽ nhấn mạnh một cách đặc biệt trong đoạn 16,18.
Từ Ki tô chỉ được dùng có năm lần trong Mác cô, nhưng luôn luôn trong những thời khắc quan trọng: 1,1; 8,29;12,35;14,61; 15,32.
Cấm ngặt: chỉ sau khi Chúa Giê su sống lại lời ngăn cấm nầy mới bị bải bỏ bằng lời khuyến khích truyền rao Tin Mừng ra toàn thế giới. Trước cuộc Khổ nạn, Chúa Giê su không tỏ mình ra cho đám đông như là Đấng Mê sia. Còn đối với các tông đồ và chính Phê rô, các ông còn phải hiểu rõ ý nghĩa đích thực của lời tuyên bố ấy. Đó là điều mà câu 32 sẽ nhấn mạnh.
Bắt đầu dạy: nhân cơ hội các môn đệ bày tỏ đức tin của ở Xê da rê Chúa Giê su loan báo rõ ràng về cuộc Khổ nạn của mình. Nhưng thực ra, Ngài bắt đầu một giáo huấn mới. Ngài đã khiến đám đông phải sửng sốt khi thực hiện những dấu chỉ thiên sai. Nhưng để tránh trường hợp bị khai triển thành một phong trào thiên sai không đúng, Chúa Giê su giờ đây phải tỏ rõ con đường nào mở ra cho Đấng Messia.
Con Người: x. 2,10. Chúa Giê su chỉ tự mạc khải chính mình bằng tước hiệu nầy trong ba lần loan báo khổ nạn (và điều nầy được ghi lại trong cả ba tin mừng nhất lãm, trừ Mt 16,21). Trong thị kiến của Đa ni ên, “Con Người” lãnh lấy vinh quang và vương quyền. Chúa Giê su loan báo cuộc khổ nạn dành cho Người Tôi Tớ (Is 53). Cả hai hình ảnh tiên tri đó, mới nhìn có vẻ trái ngược nhau, đã hoàn thành nơi Chúa Giê su.
Phải: kiểu nói rất thường thấy nơi các sách Tin mừng và Công vụ. Nó gợi nhớ lời Chúa Giê su nói cho các môn đệ làng Em maus: “Nào Đấng Ki tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Chúa Giê su không nói: “có thể”, hoặc “sẽ xảy ra”, hay ít ra: “số phận”. Cái “phải” ấy về cuộc Khổ nạn, chắc chắn phát xuất từ giáo huấn của Giáo Hội. Các ki tô hữu, ngay từ đầu, đã giữ thái độ dè dặt trước tất các hình thức Mê sia phát xuất từ truyền thống híp pri. Chỉ có một hình thái Mê sia duy nhất mà họ nhận là xác thực sau khi đã được học hỏi từ những gì xảy ra cho Chúa Giê su. Đó là hình thức Mê sia chia sẻ số phận con người, ngay cả trong đau khổ và sự chết. Chỉ trong điều kiện đó Ngài mới có thể trở thành đấng Cứu độ chúng ta trong sự sống lại.
Kì mục, Thượng tế, Kinh sư: Chúa Giê su không nhắm chinh phục quyền bính, dù Ngài chạm trán với uy quyền tôn giáo và chính trị. Các kì mục là những bậc thân hào nhân sĩ Do thái. Các Thượng Tế là những người có trách nhiệm về việc phụng tự trong đền thờ. Nhưng khi từ lưu đày trở về, nền quân chủ chưa được tái lập nên các Thượng tế thường trở thành những người nắm giữ phần lớn quyền lực chính trị. Các Kinh sư là những người có một thời gian theo học với các thầy Rabbi. Họ được các người Pha ri sêu mến mộ, và số đông các kinh sư gia nhập vào phe nầy.
Các kì mục, Thượng tế và đại diện của các Kinh sự họp thành Hội đồng Do Thái hay là Đại Hội Đồng. Nhóm nào cũng có cớ để sợ ảnh hưởng của Chúa Giê su trên quần chúng. Vì thế họ sẽ kết án tử hình Ngài.
Loại bỏ: nhiều lần tin mừng cho thấy sự bất tương hợp giữa giáo lí của Chúa Giê su và lập trường bảo thủ, giữ luật nhiệm nhặt của các người bảo vệ truyền thống do thái. “Không ai đổ rượu mới vào bình cũ” (2,22). Cũng chính cơ chế nầy dứt khoát phủ nhận Chúa Giê su.
Sống lại: sự kiện Chúa Giê su trình bày và loan báo thảm kịch sẽ diễn ra giữa các thủ lãnh Do thái và Ngài cho đến những kết quả tối hậu là điều không thể chối cãi. Không những ba lần loan báo Khổ nạn, mà nhiều đoạn khác cũng cho ta thấy điều đó. Tuy nhiên ở Xê da rê các môn đệ không thể hiểu được lời loan báo chính xác về sự sống lại sau ba ngày. Ở đây chúng ta chỉ có thể coi như là một soạn tác gợi hứng từ chính biến cố Khổ nạn – Phục sinh và được định hình bằng những hạn từ nhắm việc dạy giáo lí cho các ki tô hữu đầu tiên.
Trong tiếng Híp pri và Hi lạp không có một từ đặc biệt để diễn tả sự phục sinh. Thánh Kinh dùng một từ vựng đơn giản, ghép hai động tự có thể thay đổi nhau, có nghĩa là trỗi dậy hoặc thức dậy.
Nói rõ: từ hi lạp nói lên tính cách chắc chắn, quyết định, không do dự, của người nói hoặc hành động. Sự quyết định của Chúa Giê su trên đường hướng tới Giê ru sa lem được ghi lại nhiều lần trong các tin mừng (x.10,32). Ở đây giáo huấn của Ngài diễn ra một cách rõ ràng và cương quyết hơn, chứ không do dự.
Phê rô: không phải ngẫu nhiên mà ông Phê rô có vị trí số một trong việc tuyên xưng đức tin và trong sự không hiểu mầu nhiệm. Ông được ban cho đặc sủng giúp ông trở thành người hướng dẫn người khác và nâng đỡ đức tin của họ. Nhưng vai trò nầy là một ơn ban của Thiên Chúa, chứ không dựa trên một sự hiểu biết hoặc cá tính và càng không phải là trực giác cá nhân.
Kéo riêng Người ra: câu truyện ghi lại một chi tiết xác thực. Sau nầy chúng ta sẽ còn thấy ông Phê rô với tính khí bộc trực không thể tự kiểm soát mình trong bửa Tiệc li (14,29) và trong suốt cuộc Khổ nạn (14,33-72). Các sách Tin mừng khác cũng đưa ra một hình ảnh tương tự về ông.
Quay lại: cảnh tượng được mô tả lại một cách khá chính xác: một chuyển động, các thái cử, phản ứng và còn là một cái nhìn lại của Chúa Giê su (x.3,34 và 10.21). Chúa Giê su dạy cho ông một bài học trước mặt những người khác: đó là cách thức cho thấy phản ứng cá nhân của ông có một tầm quan trọng đặc biệt đối với tất cả các môn đệ khác.
Sa tan: theo nguyên ngữ thì Satan có nghĩa là đối thủ. Ma quỉ là đối thủ số một, là kẻ không đội trời chung. Từ khước đi vào trong những viễn tượng của một kiểu thiên sai đau khổ, Phê rô tức khắc trở thành đối thủ của Đức Ki tô. Con người, khi đóng kín tâm hồn trong suy nghĩ cá nhân mình, một cách nào đó cũng thiết yếu trở thành thù địch với Đức Ki tô.
Lui lại đằng sau Thầy: hay có thể hiểu: “cút đi!”. Kẻ nào ở đàng sau là người môn đệ. Chúa Giê su nói với ông Phê rô: “Hãy về chỗ của anh làm môn đệ đi!”. Nhưng câu tiếp sau (8,32-38) xác định điều mà Chúa Giê su dành cho những ai chấp nhận đi theo Ngài. Và ông Phê rô sẽ chấp nhận.
Đám đông: rõ ràng là đám đông môn đồ Chúa Giê su, trong hiện tại hay tương lai, phải đi qua khổ nạn và phục sinh như Thầy mình.
Ai muốn theo Tôi: kiểu nói nầy tạo thành tính cách đặc biệt của người môn đệ: không có con đường nào khác ngòai việc phải đi theo Chúa Giê su cho đến chết và sống lại:.
Phải từ bỏ chính mình: động từ xuất hiện ở đây cũng giống với động từ ở câu 14,20 nói về sự từ bỏ của ông Phê rô. Từ bỏ chính mình là từ chối nghĩ rằng mình làm chủ cuộc đời mình.
Thập giá: vào thời đó, dưới sự chiếm đóng của người La mã, người ta thường thấy một số người bị kết án tử hình mang thập giá đi diễu qua các đường phố trong kinh thành. Chúa Giê su đã có thể ám chỉ trước cho các môn đệ thấy cảnh tượng bi thảm đó. Nhưng cũng có thể là lời của Chúa Giê su không đưa ra một hình ảnh chính xác như thế nhưng có phần biểu tượng hơn. Mc có lẽ muốn diễn tả, đâu là lối sống của người môn đệ sau thập giá của Chúa Giê su. Lc sẽ làm một bước cuối cùng trong việc giải thích hình ảnh thập giá khi gán cho nó ý nghĩa của một lối sống luân lí thường nhật: “mỗi ngày” người môn đệ phải vác lấy thập giá của chính mình (Lc 9,23).
Nếu truyền thống theo đó ông Phê rô đã bị đóng đinh vào thập giá – và Ga 21,18 đã có ám chỉ – là có thật thì Mc, khi viết lại sau cái chết của ông Phê rô ở Rôma, đã có thể quan sát Phê rô, người trước kia đã khước từ thập giá (8,32-33) đã kết thúc như thế nào khi chấp nhận cả đến những hệ quả cuối cùng để đi theo Thầy mình.
Mạng sống: sát chữ: linh hồn như là nguyên lí của sự sống. Nhưng đối với một người sê mít, linh hồn không chỉ là một phần của con người, mà là toàn bộ con người. Do vậy mất toàn thể mạng sống là một điều tệ hại hơn là mất một bàn tay hay một con mắt (9,43-47). Cần phải nhận ra tính mâu thuẫn: liều mất toàn thể mạng sống để có thể cứu lấy toàn bộ. Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giê su đem lại một cách đầy đủ và thực tiễn những gì chỉ là đối tượng của niềm hi vọng vào thời các vị tử đạo Israel: 2 Mcb 7,11.
Vì Tin Mừng: chỉ có Mác cô mới có câu nầy. X. 10,29.
Sẽ cứu: rõ ràng mục tiêu là ơn cứu độ và vinh quang đối với chúng ta cũng như đối với Chúa Giê su.
SỨ ĐIỆP
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi của Chúa Giê su: “Người ta bảo Thầy là ai ?”. Trước hết, các môn đệ trả lời bằng cách nói lên ý kiến của người khác về Đấng Messia của Thiên Chúa. Họ hình dung đấng Messia theo hình ảnh Thiên Chúa quyền năng, mạnh mẽ và chiến thắng đã đưa dân nô lệ ra khỏi Ai cập. Rồi khi Chúa Giê su quay sang hỏi chính các môn đệ, thì ông Phê rô thì không ngần ngại đại diện anh em lên tiếng: “ Đối với chúng con, Ngài là Đấng Messia”. Thật là một lời tuyên xưng đức tin mẫu mực. Nhưng sau khi nghe Chúa Giê su loan báo rằng Ngài sẽ là một Đấng Messia chịu đóng đinh thì Phê rô không còn hồ hởi tán đồng nữa. Điều mà ông chờ đợi từ đấng Messia là phải chiến thắng quân thù, đặc biệt là bọn La mã xâm lược, và bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa. Phản ứng của ông giống y quỉ dữ khi đề nghị Chúa biến đá thành bánh để làm dịu cơn đói. Phản ứng của Chúa Giê su rất mạnh mẽ: “Đừng có đứng trước mặt tôi để nói cho tôi biết điều tôi phải làm; hãy đi theo tôi trên con đường tương xứng với vị Messia đích thật”.
Đâu là những lời mời gọi Chúa dành cho chúng ta? Ở mỗi Thánh lễ chúng ta đều lớn tiếng tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa Giê su nhắc lại cho từng người câu hỏi ấy: “Đối với con Thầy là ai?”. Con tin vào một vì Thiên Chúa nào? Khi người ta nhìn thấy hoặc nghe nói các cuộc chiến tranh, các cuộc thảm sát nhân danh Thiên Chúa, thì niềm tin ấy không còn đứng vững nữa. Thiên Chúa đích thật không phải là một đấng thuộc phe nầy chống lại phe kia. Ngài cũng không phải là đấng mà ai cũng có thể kéo về phía mình để mong được thành công trong công việc. Và nếu chúng ta đọc Thánh Kinh, thì đừng mong tìm được những câu trả lời có thể biện minh cho những xác quyết của chúng ta. Thiên Chúa đích thật luôn luôn ở ngoài những gì mà chúng ta nghĩ về Người. Ai tin vào Chúa Giê su, thì chỉ có một việc phải làm là từ bỏ chính mình, vác thập giá và đi theo Người.
Cử hành đức tin, đó là điều quan trọng, thậm chí cần thiết nữa. Đức tin cần được nuôi dưỡng tận nguồn bằng các bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể. Chính trong tương quan thường xuyên với Thiên Chúa ấy mà chúng ta tìm được sức sống để hoạt động. Nhưng khi chúng ta tuyên xưng đức tin, cần phải đi đến tận cùng của sự dấn thân mà niềm tin đòi hỏi, vì chỉ tin bằng lời thì chưa đủ. Đức Ki tô đang chờ đợi chúng ta sắp xếp cuộc sống theo cuộc đời Ngài.
Khi hỏi chúng ta nghĩ Ngài là ai, Chúa Giê su không chỉ chờ đợi một câu trả lời lí thuyết, tri thức hay tình cảm. Câu trả lời đích thực trước tiên nằm trong cách chúng ta sống. Tiếp nhận Đức Ki tô và dành vị trí ưu tiên cho Ngài sẽ thay đổi tất cả mọi sự trong cuộc đời. Ngày chịu phép Rửa tội, chúng ta đã được dìm vào trong đại dương tình yêu của Thiên Chúa. Dầu thánh xức trên trán diễn tả sự dấn thân sống động của đức tin. Từ “Ki tô” có nghĩa là “được ghi dấu bằng dầu”. Tất cả mọi người chịu phép Rửa đều được mời gọi trở nên Ki tô bằng cách sống và yêu thương.
Trong thư, thánh Gia cô bê nhắc chúng ta về đức tin cụ thể ấy: có đức tin và là người tín hữu không thôi chưa đủ, còn cần phải hành động: “Đức tin không có hành động là đức tin chết!”. Đức tin và hành động không đối kháng nhau, nhưng trái lại, bổ túc cho nhau. Để làm người ki tô hữu đúng đắn, đức tin cần được dấn thân một cách cụ thể và mọi sự dấn thân cần được bắt nguồn từ một đức tin sâu sắc.
Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta họp nhau trong nhà thờ. Chúng ta tuyên xưng niềm tin gắn bó với Đức Ki tô. Cuối thánh lễ, chúng ta được sai đi sống đức tin qua những dấn thân trong cuộc sống. Mỗi người được mời gọi tìm cho mình những cử chỉ đón tiếp, lắng nghe và sẵn sàng đối với những người mà chúng ta gặp trên đường, qua các tình huống cụ thể của mỗi người. Đức Ki tô đang hiện diện ở đó, bên cạnh những người bé nhỏ và bị bỏ rơi.
Là người tín hữu, cũng có nghĩa là chứng thực đức tin trong cách xử sự hằng ngày trong gia đình cũng như trong cuộc tiếp xúc ngoài xã hội. Nếu chúng ta không lương thiện trong nghề nghiệp, nếu chúng ta không công bằng, nếu chúng ta nói xấu người anh em, nếu chúng ta trở nên những kẻ khó chịu đối với những người chung quanh, thì đó là một cuộc sống phản chứng. Chính ngang qua cách chúng ta sống mà chúng ta có thể cho thấy đức tin của chúng ta.
Chúng ta được sai đi vào trong một thế giới càng ngày càng tục hóa, có nhiều niềm tin sai lạc và dửng dưng. Thế giới đang cần những chứng nhân có đức tin sống động. Khi đến với bí tích Thánh thể, chúng ta được nuôi dưỡng và tăng cường bởi Mình và Máu Thánh Đức Ki tô. Chúng ta được mời gọi đi sau Ngài và cho thấy một đức tin hoạt động. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trung thành với sứ mạng ấy.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Isaia là ai?
THƯA:Isaia là tiên tri lớn, nổi tiếng và quan trọng trong thời Cựu Ước. Tên gọi ông có nghĩa là: Thiên Chúa cứu độ. Sinh ra vào khoảng năm 760 trước công nguyên và sống tại Giê-ru-sa-lem, được giáo dục trong môi trường tư tế, và thuộc gia đình quý tộc trong vương quốc Giu-đa. Năm 742 ông nhận được lời Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri.
2. HỎI: Sứ mạng ông như thế nào?
THƯA:Sứ mạng của ông là rao giảng và báo trước sự sụp đổ của Ít-ra-ên và Giu đa như hình phạt cho sự bất trung của họ đối với Giao Ước. Sách của ông có thể chia làm 3 phần: Phần 1 chép các phán quyết của Thiên Chúa (cc.1-39). Phần 2 là sách An ủi Ít-ra-ên (cc. 40-55) và phần 3 là các lời sấm tương lai Ít-ra-ên (56-66). Bài đọc một là 5 câu đầu tiên chương 50 nói về nhân vật bí nhiệm ‘Người Tôi tớ Thiên Chúa’.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một nói gì?
THƯA: Bài đọc một trích từ sách tiên tri Isaia chương 50 (4-9), thường được gọi là ‘Bài Ca thứ ba về người Tôi Tớ Thiên Chúa’, mô tả người tôi tớ Thiên Chúa như người môn đệ quan tâm lắng nghe Lời Chúa dạy và dù bị bách hại vẫn quyết tâm trung thành với sứ mạng cho đến cùng. Đó là một tiên tri đích thực, có một đời sống gương mẫu nhưng lại bị đối phương bách hại. Sau khi chết, người ta nhận ra ông là phát ngôn nhân của Thiên Chúa, và mầu nhiệm hơn cả là toàn thể nhân loại nhờ ông mà được cứu thoát. Chính ông đã làm cho kế hoạch Thiên Chúa cứu độ nhân loại được hoàn thành.
4. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?
THƯA: Bản văn nầy có lẽ được tác giả viết ra vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước Công Nguyên cho cộng đoàn dân Ít ra ên đang bị lưu đày ở Ba by lon. Họ đang sống trong những tình thế hết sức bi đát khiến nhiều người buông xuôi, thất vọng và từ bỏ Thiên Chúa. Vì thế, tiên tri nhắc họ rằng họ vẫn luôn là người tôi tớ của Thiên Chúa, được Người tín nhiệm để hoàn thành chương trình cứu độ nhân loại.
5. HỎI: Đặc điểm nổi bật nơi người Tôi tớ Thiên Chúa là gì?
THƯA: Trong bài ca,Tiên tri đề cao tương quan giữa Thiên Chúa và tôi tớ của Người. Nhưng điểm đặc biệt ông nhấn mạnh là việc người tôi tớ chăm chỉ lắng nghe Lời Người phán và an tâm phó thác để cho Người dạy dỗ.
6. HỎI: Tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người hệ tại điều gì?
THƯA: Đó là sự tin tưởng lẫn nhau. Thiên Chúa tin tưởng nên trao cho tôi tớ của Người một sứ mạng. Đáp lại, một khi đã lãnh nhận sứ mạng thì người Tôi tớ phải hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa để được mạnh mẽ và vững vàng thi hành sứ mạng trước mọi nghịch cảnh.
7. HỎI: Đâu là tư cách chính yếu của người Tôi tớ Thiên Chúa?
THƯA: Đó là người lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Ngoài ra, người Tôi tớ còn phải sẵn sàng chịu đựng mọi bách hại, phải luôn tìm kiếm sức mạnh nơi Thiên Chúa để có thể kiên tâm cho đến cùng.
8. HỎI: Tại sao người tôi tớ ‘trơ mặt ra như đá’?
THƯA: ‘Trơ mặt ra như đá’ là cách nói diễn tả sự quyết tâm và can trường. Người tôi tớ Thiên Chúa phải kiên quyết cho tới cùng, không nao núng trước mọi nghịch cảnh. Đó không phải là kiêu căng, nhưng là một lòng phó thác cậy trông vào Chúa.
9. HỎI: Nhờ đâu mà người tôi tớ được can trường như thế?
THƯA: Nhờ vào sự che chở và sức mạnh của Thiên Chúa. ‘Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn,’ (50,7). ‘Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội? Này, tất cả chúng sẽ mục đi như chiếc áo, và sẽ bị mối ăn.’ (50,9).
10. HỎI: Các tiên tri có cùng số phận như thế không?
11. HỎI: Bài đọc một có liên quan với bài tin mừng không?
THƯA: Tiên tri Isaia nói về đám dân bị bách hại, bị tủi nhục trong kiếp lưu đày ở Ba by lon chứ không có ý ám chỉ Đấng Messia. Nhưng khi đọc lại bài ca ấy dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, những người tín hữu đầu tiên nhận ra người Tôi tớ tuyệt vời của Thiên Chúa chính là Chúa Giê su trong cuộc Khổ nạn. Dù bị đối xử như một tội nhân, Ngài đã trung thành thực hiện sứ mạng cứu độ cho đến cùng.
12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (8,27-35) như thế nào?
THƯA: Đọan tin mừng (8,27-35)được coi là bản lề của sách tin mừng Mác cô. Thật vậy, từ đây từ vựng, nội dung giáo huấn, địa bàn hoạt động đều chuyển hướng. Tất cả đưa sách tin mừng vào phần thứ hai, phần mạc khải Chúa Giê su là Con Thiên Chúa. Với phép lạ chữa lành người điếc ngọng (7,31-37) và người mù (8,22-26), Chúa Giê su có thể mở miệng, tai và mắt chuẩn bị cho các môn đệ có thể tuyên xưng niềm tin chấp nhận các đòi hỏi nơi người môn đệ. Có 3 ý chính: 1. Phê rô tuyên xưng đức tin (8,27-30). 2. Chúa Giê su loan báo Khổ nạn lần thứ nhất (8,31-33). 3. Những đòi hỏi trong cuộc sống người môn đệ Chúa Giê su (8,34-35)
13. HỎI: Câu chuyện thánh Mác cô kể lại trong bài tin mừng xảy ra ở đâu?
THƯA: Câu chuyện xảy ra ở Xê-da-rê Phi-líp, một thành nằm phía Bắc biển Galilê. Như thế, Chúa Giê su đã rời địa bàn hoạt động quen thuộc của Ngài là Ga li lê và tiến về phía Bắc vùng đất dân ngoại. Tại đó, lần đầu tiên Ngài được tuyên xưng là Đấng Mê-si-a. Còn trên phần đất Do thái thì mãi đến cuối đời, trước tòa Cai pha, Chúa Giê su mới xác định rõ ràng rằng Ngài là Mê-si-a và là Con Thiên Chúa (Mc 14,61-62).
14. HỎI: ‘Thầy là Đấng Ki tô’ có nghĩa gì?
THƯA: Đấng Mê-si-a là Đấng Ki tô, Đấng được xức dầu. Ki tô là tiếng Hi lạp, còn Mê-si-a là tiếng Híp pri, cả hai cùng một ý nghĩa. Trong Cựu Ước, Mê-si-a đấng được xức dầu được dùng chỉ Vua và tư tế. Phê rô là người đầu tiên cho biết Chúa Giê su là Đấng cứu độ mà người ta trông đợi.
15. HỎI: Tước hiệu ‘Con Người’ Chúa Giê su dùng chỉ ai?
THƯA: ‘Con người’ là tước hiệu Tiên tri Đa-ni-ên dùng để chỉ một nhân vật thuộc hàng triều thần thiên quốc, có dáng dấp giống như một người trần gian, được Thiên Chúa ban cho vinh quang, uy quyền tối thượng trên mọi dân nước, và quyền vua vĩnh cửu, trường tồn (Đn 7,13-14). Tuy nhiên, nhân vật ấy không phải là một cá nhân đơn độc, nhưng lại là cả một dân tộc! (Đn 7,18.27). Khi tự gọi là Con Người, Chúa Giê su tự nhận là người đứng đầu Dân Thiên Chúa. Ngài chính là Đấng Mê-si-a đến thiết lập Nước Chúa trên trần gian.
16. HỎI: Tại sao Chúa Giê su lại cấm ngặt các môn đệ không được nói cho người khác biết Ngài là Đấng Messia?
THƯA: Chúa Giê su cấm nói về Ngài là Đấng Mê-si-a không phải Ngài muốn phủ nhận lời Phê rô tuyên xưng đức tin. Ngài đích thực là Đấng Mê-si-a thiên hạ đợi trông, nhưng không theo cách mà thiên hạ trông đợi. Ngài là Đấng Mê-si-a, nhưng tạm thời điều đó cần phải giữ kín cho đến khi Ngài vào cuộc khổ nạn. Chỉ khi đó, người ta mới hiểu được rằng, Ngài cứu thế bằng con đường thập giá, chứ không phải bằng con đường vinh quang trần thế.
17. HỎI: Tại sao Phêrô lại phản ứng mạnh mẽ như thế?
THƯA: Vì những lời Chúa Giê su loan báo khổ nạn hoàn toàn lạ lùng đối với một người Do thái. Như những người đương thời, ông chờ đợi một Đấng Mê-si-a -là-Vua, chiến thắng, vinh quang, quyền thế và xua đuổi người La mã ra khỏi Pa lết tina ngay lập tức. Thế mà điều Chúa Giê su loan báo không thể chấp nhận được. Thiên Chúa đầy quyền năng không thể để cho cuộc khổ nạn như thế xảy ra được.
18. HỎI: Tại sao Chúa Giê su gọi phản ứng của Phê rô là do Sa tan?
THƯA: Cuộc khổ nạn của Chúa Giê su là do ý Thiên Chúa Cha. Như người Tôi tớ của Thiên Chúa (Bài đọc 1), Chúa Giê su sẵn sàng tuân theo thánh ý, vui lòng chấp nhận cuộc khổ nạn và thi hành sứ mạng được giao phó cho đến cùng. Cố tình ngăn cản hay bắt buộc Ngài tránh thoát là thúc đẩy Ngài bất phục thánh ý Thiên Chúa, qui tắc sống duy nhất của Ngài. Chúa Giê su không gọi Phê rô là Sa tan, nhưng trả lời cho ông giống như Ngài đã trả lời Sa tan, kẻ đã xúi giục Ngài chống lại thánh ý Thiên Chúa vào lúc bắt đầu sứ vụ công khai (Mc 1,12-13; Mt 4,10) và trong suốt cuộc sống của Ngài.
19. HỎI: Tại sao Chúa Giê su bảo Phê rô lui lại đằng sau Ngài?
THƯA: Sau khi nghe Chúa Giê su loan báo về cuộc Khổ nạn, ông Phê rô kéo riêng Ngài ra và trách Ngài về điều Ngài vừa nói, nhưng Chúa Giê su đã quay về phía các môn đệ để tái lập trật tự (c.33). Không phải Thầy đi theo môn đồ, nhưng môn đồ phải theo Thầy. Cũng không phải môn đồ là người phán dạy, nhưng chình là Thầy, và cũng không phải Thầy là người phải lắng tai nghe nhưng là chính môn đồ.
20. HỎI: Đâu là những điều kiện để trở thành môn đệ đi theo Chúa Giê su?
THƯA: Những điều kiện phải có để trở thành môn đệ Chúa Giê su là: thứ nhất phải từ bỏ mình, tức là liều mất mạng sống mình. Thứ hai, phải vác thập giá đi theo Chúa Giê su tức là sẵn sàng thông phần đau khổ của Chúa Giê su.
21. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?
THƯA: 1. Nhận ra Chúa Giê su là Đấng Cứu độ trong các biến cố buồn vui trong đời môn đệ. Ngoài Ngài ra, không ai có thể cứu thoát chúng ta. 2. Để tiếp tục trung thành đi theo Ngài trên con đường thánh giá cho đến cùng. 3. Mời gọi mọi người cũng khám phá, tin tưởng và trung thành với Đức Ki tô là đấng Cứu độ.