Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIV Quanh Năm
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
TÌNH YÊU THẬP TỰ
Lời Chúa: Ga 3, 13-17
(13) Không ai đã lên trời, ngoại
trừ Con Người, Ðấng từ trời xuống. (14) Như ông Môsê đã giương cao
con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, (15)
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (16) Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,
nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người
đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của
Người, mà được cứu độ.
Suy Niệm:
Hôm nay toàn thể Giáo Hội
mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Lễ này được cử hành sau Lễ Cung Hiến Thánh Đường Phục
Sinh. Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và thánh giá của Người là hình ảnh tiêu
biểu. Đối với người Do Thái, thập giá là điều ô nhục và là sự điên rồ cho dân
ngoại (1 Cr 1,23), nhưng với Phaolô, thập giá là niềm vinh dự, nhờ Chúa Kitô mà
chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh. Thập giá vừa cao cả vừa quý
báu. Cao cả vì thập giá đã sinh nhiều ơn ích, vì Chúa Kitô càng chịu đau khổ bao
nhiêu, thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng bấy nhiêu. Thập giá quý báu vì
nơi đó ghi dấu sự đau khổ và chiến tích của Con Thiên Chúa. Sự đau khổ và chiến
tích ấy là do Người tự nguyện chết trên thập giá, tiêu diệt ma quỷ và thần chết,
cửa hoả ngục bị đập tan và thập giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Truyện kể rằng: Một bà
giàu có bị bệnh lâu năm. Bà không còn người thân thuộc, chỉ có người đày tớ gái
trung thành hầu hạ bà. Khi bà qua đời, trong tờ di chúc, món quà mà bà để lại
cho cô là cây thánh giá treo trên tường. Quá buồn bực và ấm ức vì tình yêu và sự
phục vụ của mình không được đền bù xứng đáng, cô đã ném mạnh cây thánh giá vào
góc tường. Và kìa, cây thánh giá bể toang, những hạt kim cương to nhỏ tung toé
trên nền nhà. Lúc này, cô chợt hiểu ra tình yêu của bà đã dành cho cô... Trong
chương 3, thánh sử Gioan đã lột tả tình yêu thập gía của Thiên Chúa và vinh
quang của Người được biểu lộ trên thập giá. Đây là mạc khải cao trọng mà Thiên
Chúa tỏ lộ, vượt quá trí khôn con người.
“ Không ai đã lên trời,
ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (13). Chỉ có Đấng từ trên cao, Đấng ở
trong cung lòng Chúa Cha mới mạc khải về Thiên Chúa một cách chính đáng nhất.
Câu 13 xác quyết rằng: sự hiểu biết duy
nhất đích thực về Thiên Chúa là sự hiểu biết do Đấng từ trời xuống. Đấng ấy
chính là Con Người mà ngôn sứ Daniel đã nói tới và cũng là Ngôi Hai Thiên Chúa
mặc xác phàm. Như để minh chứng và tạo uy tín cho mạc khải này, Chúa Giêsu đã dẫn
những kẻ đang nghe Người đi vào lịch sử Israel và Người đến để hoàn tất những lời
đã nói trong Kinh Thánh “ Như Môsê đã treo cao con rắn trong sa mạc thế nào,
thì Con Người cũng phải được giương cao như vậy” (14). Cuộc xuất hành của dân
Do Thái “40 năm trong sa mạc” là hình bóng cho cuộc xuất hành mới của Chúa
Giêsu lên Giêrusalem từ “cõi chết bước vào cõi sống” của Người. Hình ảnh “con rắn
đồng bị treo lên cột” đã tiên báo việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu treo
trên thập giá. Người Do Thái bị rắn cắn nhìn lên rắn đồng thì được cứu, nhưng
sau đó vẫn phải chết; còn bất cứ ai tin vào Đức Kitô, tin Người đã chết và sống
lại, sẽ được cứu độ và được sống đời đời (15): Khi Ta được giương cao ... Ta sẽ
kéo mọi người đến với Ta.
Vì sao việc bị treo trên
thập giá là điều ô nhục của người Do Thái và là sự điên rồ của dân ngoại, thì
đó lại là đỉnh cao của việc mạc khải trong Tin Mừng Gioan? Vì chính nơi thập
giá, tình yêu Thiên Chúa được phơi bày “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban
Con Một”. Hai động từ “ yêu” và “ban” nói lên những hành động đã xảy ra từ muôn
thuở. Ngôi Hai Thiên Chúa đã hội nhập và hoà mình trong dòng lịch sử nhân loại
qua Màu Nhiệm Nhập Thể và kết thúc bằng Màu Nhiệm Vượt Qua. Đây là ân huệ cao vời
không gì so sánh hoặc đền bù cân xứng. Như vậy việc Con Thiên Chúa Nhập Thể
chính là cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, mà đỉnh cao là
thập giá. Thập giá Đức Kitô trở thành phương thế cứu rỗi không ở khía cạnh: của
lễ đền tội đẫm máu, mà chính bởi nơi thập giá, tình yêu Thiên Chúa được diễn tả
sâu đậm nhất. Vì thế, thập giá là nguồn ơn cứu độ cho con người. Thập giá không
phải là dụng cụ mà nơi đó Thiên Chúa muốn trút cơn thịnh nộ, nơi Chúa Con bị
Chúa Cha ruồng bỏ, nhưng thập giá là nơi Chúa Cha và Chúa Con cùng hiệp thông với
sức mạnh Thánh Thần dành trọn tình yêu cho nhân loại.
Câu 15 và 16 đều nói lên một
kết quả tất yếu, đó là: Ai tin vào Đức Kitô sẽ được sống muôn đời. Trong câu
17, thánh sử Gioan lại tái khẳng định một lần nữa: nhờ Con của Người mà thế
gian được cứu độ. Chúng ta chú ý ở hai câu trên : người được cứu độ là nhờ tin
vào Đức Kitô; nhưng sang câu cuối, thánh sử kết luận: nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu. Như vậy, tình yêu Thiên Chúa
ban phát cách hào phóng cho những người sống trong thế gian. Một tình yêu nhưng
không. Tình yêu vô điều kiện. Thiên Chúa là thế đó, vì bản chất của Ngài là
tình yêu, chỉ có loài người chúng ta đóng cửa trước lời mời gọi của tình yêu
tha thứ ấy.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng cây thánh giá để cứu chuộc chúng
con. Chúa đã dùng chính cái chết của Người để đem lại sự sống đời đời cho chúng
con. Xin cho chúng con khi nhìm lên cây thánh giá biết cảm nếm tình yêu dịu ngọt
của Chúa, biết chạy đến với Lòng Thương Xót bao dung của Chúa qua bí tích Hoà
Giải, bí tích Thánh Thể, để chúng con có sự sống từ chính Mình Máu Chúa dưỡng
nuôi ngay từ đời này và hưởng hạnh phúc đời sau. Amen.
Nữ Tỳ Thánh Thể