Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIV Thường Niên
THIÊN
CHÚA XÓT THƯƠNG
LỜI CHÚA: Lc 7, 11-17
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một
thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi
Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai
duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông
thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Ðừng khóc nữa". Ðoạn
tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ
Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người
chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi
khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và
Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng
Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.
SUY NIỆM: Lc 7, 11-17
“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng
khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào
quan tài.” (Lc 7,13)
Bà góa là một trong những thành phần được Chúa Giêsu
ưu đãi và đặc biệt dành nhiều tình cảm nhất, vì họ thuộc nhóm những người nghèo
hèn, cùng khốn của xã hội. Trước nỗi đớn đau của bà góa thành Naim về cái chết
của đứa con trai duy nhất, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Ngài đến an ủi bà
và làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. không
chỉ con của bà sống lại, tâm hồn của bà và của mọi người chứng kiến sự sống lại
này cũng được sống lại, niềm tin của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh.
Mỗi người chúng ta hãy vững tin vào Chúa. Thiên Chúa
chạnh lòng thương đối với những ai đang gặp đau đớn về thể xác và tinh thần. Chúng
ta cũng phải biết chạnh lòng thương như Chúa Giêsu đối với những người đang gặp
đau khổ, thử thách…Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đến với các gia đình đang có sự
chia rẻ, túng thiếu bằng tấm lòng chia sẻ, bằng một lời an ủi và nhất là bằng
chính đời sống cầu nguyện.
Người thanh niên đã đón nhận sự sống từ lời quyền năng
của Chúa Giêsu: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Qua phép lạ
này, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại
đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.”
Sự hiện diện, các lời nói và hành động của Chúa Giêsu
trở nên dấu hiệu chỉ sự can thiệp của Thiên Chúa: đó là sự hiện diện và hoạt động
cứu độ của Người trong lịch sử. Hoạt động đó của Đức Giêsu (làm phép lạ: cho
người chết sống lại) mang tính mạc khải và hiển linh (bày tỏ Thiên Chúa đến cứu
con người). Chúng ta được mời gọi đến với Chúa qua các bí tích để đón nhận hồng
ân sự sống.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Huy