LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (01/11)
Kh7,2-4.9-14;
1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a.
HẠNH
PHÚC MAI NGÀY BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY
1.LỜI CHÚA: Tám mối Phúc
(Mt 5,1-12)
1
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2
Người mở miệng dạy họ rằng: 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát
khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay
ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm
hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà
bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống
công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người
ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ
là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
2. THẢO LUẬN:
1)
Mỗi người chúng ta có thể trở thành một vị thánh không ? Tại sao ?
2)
Ngày nay muốn được nên thánh, chúng ta phải làm gì ?
3. SUY NIỆM:
Hầu như mọi người sống trên trần gian đều mong và
đi tìm cho mình một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc thật
sự thì người ta lại không đồng quan điểm với nhau: Phải chăng giàu có phú quý
sẽ mang lại hạnh phúc ? Nhưng thực tế lại cho thấy không hẳn như vậy như trong phim
ảnh cũng có bộ phim tựa đề là: “Người giàu cũng khóc”. Phải chăng quyền cao
chức trọng sẽ mang lại hạnh phúc ? Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại như
câu ca dao Việt Nam: “Càng cao càng cả gió lay. Càng cao danh vọng càng dày
gian truân”… Tin mừng ngày lễ Các Thánh Nam Nữ hôm nay đã dạy chúng ta bài học
của Đức Giê-su về Tám Mối Phúc Thật. Các thánh là những đấng đã lắng nghe Lời
Chúa và sống theo các mối phúc nên đã được Hội Thánh đặt lên bàn thờ làm gương
mẫu cho chúng ta noi theo.
1) Hiến
Chương Nước Trời:
Có lẽ không người Công giáo đạo đức nào lại không thuộc
kinh “Phúc Thật Tám Mối” hay Hiến Chương Nước Trời do Đức Giê-su rao giảng. Nếu
đối với người tín hữu chúng ta: Tám Mối Phúc Thật là một bản liệt kê lối sống cao
thượng vị tha, thì đối với một số người khác: Tám Mối Phúc Thật chỉ là các tính
nết của loài vật như triết gia Nietzsche. Theo ông này, chỉ có loài vật mới nhẫn
nhịn chịu đựng sự chà đạp của những kẻ quyền thế bóc lột. Đối với một số người khác
như triết gia Karl Marx: Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời đường mật và hứa
hẹn về một thiên đàng xa xôi không tưởng, là thuốc phiện ru ngủ giai cấp công
nhân hãy im lặng chịu đựng những sự áp bức bất công do giai cấp thống trị gây
ra ! Vậy đâu là ý nghĩa và giá trị đích thực của Tám Mối Phúc Thật trong Tin
Mừng hôm nay ?
2) Ý nghĩa tích
cực của Tám Mối Phúc:
Đức Giê-su chỉ công bố một Hiến Chương Nước Trời
là Tám Mối Phúc Thật, tóm lại trong mối phúc thứ nhất. Mối phúc này được Tin
Mừng của Mátthêu và Luca thuật lại dưới hai góc độ tuy khác nhau và bổ túc cho
nhau.
a) Về sự
nghèo khó vật chất và tinh thần:
Sứ vụ cứu thế của Đức Giê-su không những để cứu
rỗi linh hồn người ta ở đời sau, mà còn cứu giúp bênh vực những người nghèo khổ
vật chất ngay đời này, khi ưu tiên cho người nghèo đói được gia nhập vào Nước
Thiên Chúa: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Vì Nước Thiên Chúa là của
anh em” (Lc 6,20). Thực tế cho thấy Hội Thánh sơ khai gồm đại đa số người nghèo
khó vì thiếu cơm ăn áo mặc và bị bệnh tật nhưng không tiền thuốc thang chữa trị.
Họ được vào Hội Thánh để được chia sẻ tình thương và không còn bị nghèo khổ như
trước.
Còn Tin Mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến khía cạnh luân
lý là nghèo khó trong tâm hồn: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ" (Mt 5,3). Qua đó cho thấy: Không phải mọi người đang bị nghèo
đói đều có phúc và đều được gia nhập vào trong Nước Trời, nhưng phải là những
người ý thức về tội lỗi của mình để “ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, để từ
nay không còn tham lam ích kỷ nhưng biết sống siêu thoát, thể hiện qua việc
chọn lối sống đơn giản ít tốn kém về nhà ở, vật dụng, xe cộ, ăn xài… để dùng
tiền bạc dư ra đó chia sẻ và phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật và bị bỏ
rơi noi gương Đức Giê-su.
b) Về sự đói khát cơm áo và sự công chính:
Tin Mừng Lu-ca nói đến những nạn nhân của các bất
công xã hội là những người đói cơm ăn thiếu áo mặc. Họ sẽ được Thiên Chúa bù
đắp sự thiệt thòi như lời Chúa Giê-su: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ
đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng” (Lc 6,21).
Còn Tin mừng Mát-thêu nhấn mạnh đến sự đói khát
công lý và sự khao khát muốn nên hoàn thiện: “Phúc thay ai khát khao nên người
công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6). Cả hai loại người đói khát này đều được hạnh
phúc vì được Chúa thương cho no thỏa tình thương trong Hội Thánh đời này là dấu
chỉ sẽ được hạnh phúc Thiên Đàng đời sau.
3) Thực hành
Tám Mối Phúc ngay từ hôm nay:
+ Một trong những nguyên nhân khiến người tín hữu
bị người đời bách hại là bởi vì người đời không hiểu, không tin và không đón
nhận Tin Mừng Nước Trời của Đức Giê-su như Người đã nói: “Nếu thế gian ghét anh
em, anh em biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18). Ðây cũng chính là số
phận của các tín hữu trong các thời đại. Nhưng dù có bị cấm cách bách hại nhưng
chúng ta vẫn kiên trì tin yêu Chúa, và yêu thương tha thứ cho những kẻ thù ghét
làm hại mình, noi gương Đức Giê-su đã xin Chúa Cha tha thứ khi bị hành hình
trên cây thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc
23,34), hay như phó tế Tê-pha-nô đang lúc bị người Do thái thù ghét ném đá, đã
nhìn lên trời và nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu
Thiên Chúa”… Sách Công Vụ đã ghi lại: Bấy giờ họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc
ông cầu xin: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ xuống, kêu
lớn: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi ông an nghỉ (Cv
7,55-56.59-60).
+ Nước Trời hay Nước Thiên Chúa không chỉ là nước
thiên đàng đời sau, nhưng đã bắt đầu hình thành ngay trong cuộc sống hiện tại của
người tín hữu, qua lối sống công bình vị tha bác ái, thái độ cảm thông huynh
đệ, biết quan tâm chia sẻ cơm áo vật chất và đáp ứng các nhu cầu của những
người nghéo bất hạnh ở bên cạnh mình. Người tín hữu chúng ta là những người “sống
giữa thế gian, nhưng không thuộc về trần gian” (x. Ga 17,14-16), và “Quê hương
chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su
Ki-tô, Chúa chúng ta” (x. Pl 3,20). Dù tin vào một cuộc sống hạnh phúc mai hậu nhưng
niềm tin ấy cũng không làm chúng ta xao lãng những bổn phận phải xây dựng quê
hương trần thế đời này, là điều kiện để chúng ta được hưởng hạnh phúc trên Nước
Trời là Thiên đàng mai sau.
4) Sống
thánh giữa đời:
+ Khi phong thánh cho ai là Hội Thánh xác nhận người
đó đã có một cuộc sống hoàn thiện ở trần gian noi gương Thiên Chúa Cha trên
trời như lời Đức Giê-su dạy: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em
trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); Hoặc các ngài đã sống “hiền hậu và
khiêm nhường” (Mt 11,29), hiếu thảo với Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su như
Người đã được Chúa Cha xác nhận sau khi Người chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy
Giả tại sông Gio-đan: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt
3,17). Hội Thánh đã tôn vinh một số tín hữu lên bậc hiển thánh nghĩa là chính
thức công bố danh tánh của các ngài trong nghi lễ tuyên phong để công nhận các
ngài đã sống đẹp lòng Thiên Chúa ở trần gian và giờ đây các ngài đang được Chúa
ban thưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Cụ thể là các ngài đã sống Tám Mối Phúc Thật
của Đức Giêsu trong Tin Mừng. Từ đây các ngài được các tín hữu tôn kính, noi
gương bắt chước nhân đức và xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa xuống muôn ơn
lành cho chúng ta. Ngoài một số ít vị hiển thánh, còn rất đông các tín hữu đã
được Thiên Chúa ban thưởng hạnh phúc trên trời, nhưng không được nêu rõ danh
tính. Trong số hằng hà sa số các thánh nam nữ này (x. Kh 7,9-10), có nhiều người
là ông bà cha mẹ anh chị em của chúng ta. Hội thánh mừng kính chung các thánh
nam nữ vào ngày 1/11 và gọi là lễ Các Thánh Nam Nữ.
+ Ngày nay, nếu muốn được hưởng hạnh phúc Nước
Trời trên Thiên đàng đời sau, mỗi tín hữu chúng ta cần vững tin vào Đức Giê-su
là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, và thể hiện đức tin bằng việc thực thi đức cậy
và đức mến. Mỗi ngày trong giờ kinh tối gia đình hay trước khi nghỉ đêm, chúng
ta hãy dành một phút xét mình rồi ăn năn sám hối các tội lỗi thiếu sót và cầu
nguyện quyết tâm noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su, tích cực góp
phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh. Để nên thánh, chúng ta cần năng
xin ơn Chúa Thánh Thần trước mỗi công việc, năng xưng tội hằng tháng và rước lễ
mỗi ngày cách sốt sắng. Ngoài ra, còn năng tham dự các buổi học sống Lời Chúa hằng
tuần tại nhà thờ hoặc suy niêm Lời Chúa trong giờ Kinh Tối Gia Đình hằng ngày,
chu toàn các việc bổn phận thực thi bác ái phục vụ tha nhân trong tâm tình kết
hiệp với Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
4. LỜI CẦU:
Mỗi ngày mỗi người chúng ta hãy làm một vài việc bác
ái như lắng nghe và nói lời cảm thông chia sẻ với người đau khổ, khiêm nhường
phục vụ tha nhân kèm theo một lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con yêu
mến Chúa”- “Lạy Chúa Giê-su, con làm việc này để xin Chúa cho một tội nhân sớm được
trở về với Chúa; một người bạn hay một gia đình ngoại giáo sớm nhận biết Chúa
để cũng được chia sẻ hạnh phúc Thiên Đàng đời đời với con”.
LM ĐAN VINH
- HHTM