Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XI Thường Niên C
YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ
Phúc
Âm: Lc 7, 36-50 {hoặc Lc 7, 36 - 8, 3}
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến
nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với
mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội
lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền
mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người
khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức
thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người nghĩ thầm rằng: "Nếu
ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai và
thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi". Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng
bảo ông rằng: "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông". Simon thưa:
"Xin Thầy cứ nói".
- "Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm
đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả
hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?" Simon
đáp: "Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn". Chúa Giêsu bảo ông:
"Ông đã xét đoán đúng". Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon:
"Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước
rửa chân Tôi; còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.
Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông
đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì
vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều.
Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít".
Rồi Người bảo người đàn bà: "Tội con đã được tha rồi".
Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: "Ông này là ai mà lại tha
tội được?" Và Người nói với người đàn bà: "Ðức tin con đã cứu con,
con hãy về bình an".
{Sau
đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Nước Thiên
Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được
chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria gọi là Mađalêna, đã được chữa khỏi bảy quỷ
ám, Gioanna vợ của Cusa viên quản lý của Hêrôđê, Susanna và nhiều bà khác: họ
đã lấy của cải mình mà giúp Người.}
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Cuộc sống hôm nay bị vây quanh bới nhiều cái xấu,
cái ác, thật giả lẫn lộn, khiến cho con người nhìn nhau bằng ánh mắt nghi ngờ, cư
xử với nhau bằng bạo lực. Bạo lực xảy ra từ trong nhà trường đến ngoài xã hội,
từ chính quyền đến cộng đồng, người ta giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Lòng
yêu thương càng ngày càng trở nên khan hiếm, sự nghi ngờ đố kị ngày càng có cơ
hội gia tăng. Người ta thấy rằng, khi con người không còn đối xứ với nhau bằng
tình người, bằng lương tri của con người, thì xã hội thành môi trường cho sự ác
phát triển. Sự ác trong xã hội ngày nay biến hóa dưới nhiều hình thức, nó không
chỉ dừng lại ở việc người ta đối xử tàn tệ đánh đập lẫn nhau, nhưng còn còn
khoác trên mình cái áo công lý, cái vỏ tốt lành để tìm cách vùi dập người khác.
Nhiều người muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhưng họ quên rằng, sự ác
và bạo lực không thể đem đến hòa bình, trái lại chỉ có tình yêu thương mới có
khả năng xây dựng hòa bình; đối thoại, tha thứ mới có thể thay đổi cuộc sống mà
thôi.
Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay cho thấy Thiên Chúa
của chúng là là một Thiên Chúa yêu thương, Ngài dùng lòng thương xót để biến đổi,
cảm hóa con người. Sách Samuel kể lại câu chuyện vua Đavit : Mặc dù là một con
người đạo đức thánh thiện, nhưng đã nhiều lần Đavit yếu đuối, sa ngã và cư xử
gian ác. Tội ác lớn nhất của ông là lập mưu giết chết Uria, vị tướng thân cận của
mình, để cướp vợ của ông. Qua tiên tri Nathan Thiên Chúa cảnh cáo, nhắc nhở
Đavit, Thiên Chúa nhắc lại tình thương mà Ngài đã dành cho ông. Thiên Chúa nói
với ông như một người cha tâm sự nỗi lòng với đứa con ngỗ nghịch của mình : Ta
là Thiên Chúa, Đấng đã xức dầu cho ngươi làm vua Israel, đã giải thoát ngươi khỏi
tay vua Saul, đã cho ngươi vợ con đất đai, vương quyền. Nếu bấy nhiêu mà ngươi
còn thấy ít, thì cứ xin, ta sẽ ban cho ngươi gấp nhiều lần như thế. Vậy mà, tại
sao ngươi lại làm điều dữ, đã giết người, cướp vợ người ta. Trước lời trách ngọt
ngào nhưng đau đớn của một người cha, Đavít đã nhận ra sai lỗi của mình. Ông
nói với Nathan :Tôi đã đắc tội với Chúa. Thiên Chúa chỉ chờ đợi có như thế,
Ngài nói với Đavit qua Nathan: Thiên Chúa đã bỏ qua tội của vua. Nhà vua sẽ
không phải chết. Thiên Chúa là như thế! Ngài có giận chỉ giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Ngài hoàn toàn để cho trái tim điều khiển
trong cách cư xử với con người.
Đức Giêsu chính là hiện thân của lòng thương xót
Chúa, Ngài đã nhìn con người bằng ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu
nhìn thấu tâm hồn, hoàn cảnh mỗi người, Ngài sẵn sàng đưa tay ra để nâng con
người trỗi dậy và tìm mọi cơ hội để tuôn đổ lòng thương xót xuống trên con người.
Câu chuyện trong Tin Mừng Luca cho thấy hai cách nhìn và cư xử hoàn tòan khác
nhau giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Người Biệt phái mời Chúa Giêsu
dùng bữa tại nhà của ông. Lúc đó có một người phụ nữ tội lỗi nghe tin, chị đã
đem đến một bình dầu thơm quý giá, phục dưới chân Chúa mà khóc, lấy tóc lau
chân và lấy dầu xức lên chân Chúa.
Những người biệt phái cho mình là thành phần độc
quyền sự thánh thiện. Họ luôn thể hiện là người đạo đức trước mặt Thiên Chúa và
gương mẫu trong đời sống xã hội, vì thế họ dễ dàng lên án, kết tội người khác. Khi
thấy người phụ nữ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu, phản ứng của ông Simon Biệt phái là
khinh thường người phụ nữ tội lỗi đó và tỏ ra coi thường Chúa Giêsu. Thấy người
phụ nữ tội lỗi bước vào nhà, ông Biệt phái cảm thấy khó chịu vì người phụ nữ
này làm ô uế nhà của ông. Ông tỏ ra xem thường Chúa Giêsu, vì cho rằng một người
được kính trong như Đức Giêsu lại tiếp xúc với những hạng người tội lỗi công
khai như thế. Cái nhìn của người Biệt phái này là cái nhìn loại trừ, nghị kị,
cái nhìn đóng khung con người với một cái mác dán sẵn.
Cái nhìn của Chúa Giêsu hoàn toàn khác, Ngài nhìn
con người với ánh mắt thông cảm và hy vọng, Ngài không săm soi vào quá khứ,
nhưng mở ra tương lai cho họ. Chúa Giêsu muốn giúp người Biệt phái thay đổi lại
cái nhìn và suy nghĩ của ông. Ông mở tiệc chiêu đãi Chúa là điều tốt, nhưng cần
phải mở lòng để đón nhận Lời của Ngài và cách cư xử của Ngài : Nầy ông Simon, tôi có điều muốn nói với
ông! Ông Simon thưa: Dạ , xin Thầy cứ nói. Chúa đã kể cho ông câu chuyện: Một
chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm quan tiền, người kia nợ năm mươi
quan. Vì họ không có gì để trả, nên chủ thương tình tha cho cả hai. Chúa đặt vấn
đề với ông Simon : Trong hai người, ai mến chủ hơn ? Ông Simon đã trả lời : Người
đã được tha nhiều hơn.
Chúa muốn ông Biệt phái này thay đổi suy nghĩ và cái
nhìn tự mãn, để biết khiêm tốn nhìn lại bản thân, hơn là xét đoán người khác.
Những người Biệt phái thường làm nhiều việc đạo đức, chu toàn chi tiết các lề
luật, nhưng họ thiếu lòng yêu mến. Họ luôn tự hào về sự tốt lành của mình, cho
mình không có tội lỗi gì và vì thế, cũng không cần phải được tha thứ. Họ nghĩ rằng,
khi làm việc đạo đức hoặc bác ái là Chúa phải biết ơn họ. Như thế, họ làm các
việc đạo đức vì bản thân chứ không vì yêu mến Chúa. Trái lại, Chúa Giêsu muốn chúng
ta làm bất cứ việc gì cũng phải phát xuất từ lòng yêu mến. Chính lòng yêu mến sẽ
chỉ cho biết phải làm những việc gì và phải làm như thế nào.
Khi thực sự yêu mến, người ta sẽ nhìn nhau bằng
ánh mắt tôn trọng và sẽ tìm cách để thể hiện lòng yêu mến đó. Chúa Giêsu không
phủ nhận, cũng không bao che cho tình trạng quá khứ tội lỗi của người phụ nữ,
nhưng Ngài đón nhận sự hối hận của chị và mở ra cho chị một tương lai. Vì biết
mình được Thầy Giêsu thông cảm và tha thứ, người phụ nữ đã mạnh dạn vượt qua cái
nhìn soi mói của mọi người để tiếp cận Chúa Giêsu. Chúa Giêsu so sánh hai thái
độ đón tiếp giữa ông Simon Biệt phái và người phụ nữ. Người Biệt phái đón tiếp
Chúa Giêsu như chủ nhà đón tiếp khách, còn người phụ nữ, thể hiện lòng yêu mến
qua những công việc như của người đầy tớ. Chị nghĩ mình không xứng đáng và trước
mặt mọi người chị cũng không đáng là gì. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, chị hơn những
người khác vì chị có được một đức tin, một tâm hồn biết mở ra để cho Thiên Chúa
chữa lành, biết thành tâm sám hối để được Thiên Chúa tha thứ. Chúa Giêsu đã xác nhận : chị có tội nhiều,
nhưng chị đã được tha. Vì biết mình được tha nhiều nên chị đã yêu mến thật nhiều.
Những người chung quanh không hiểu, khi thấy Chúa tuyên bố tha thứ cho chị; họ
không mang cùng một tâm trạng, nên đã không hiểu được hành động của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu còn nói với người phụ nữ : Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi
bình an.
Thiên Chúa không ngừng tha thứ vì Ngài luôn yêu
thương chúng ta. Ngài không bao giờ đóng kín cuộc đời chúng ta, nhưng luôn mở
ra một tương lai mới. Thiên Chúa cũng không bao giờ thất vọng về tình trạng của
ta, Ngài luôn hy vọng đợi chờ và tin tưởng vào sự hối hận của chúng ta. Vì thế,
tin vào tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, mỗi người quyết tâm giũ bỏ quá
khứ tội lỗi của mình để bắt đầu một nếp sống mới, tin vào tình yêu vào Thiên
Chúa. Vì đã được Chúa yêu thương tha thứ, chúng ta không thể giữ mãi cái nhìn
và cách cư xử khắt khe hoặc kết án anh chị em. Trước mắt Thiên Chúa dù là linh
mục hay giáo dân, chúng ta đều là những con người tội lỗi. Chỉ có khác là chúng
ta có dám tin tưởng vào tình yêu để chúng ta sửa đổi đời sống của mình hay
không, có dám yêu và thể hiện tình yêu của mình đối với Chúa và anh em hay
không ?
Yêu thương và tha thứ không chỉ là một cặp từ,
nhưng là hai hành động luôn đi liền với nhau và có tác động tới nhau. Vì yêu
thương sẽ dẫn đến tha thứ, vì được tha thứ nên yêu nhiều hơn và vì trở nên đáng
yêu hơn sẽ được tha thứ nhiều hơn nữa. Trong gia đình, trong lối xóm, sở dĩ
chúng ta không chấp nhận nhau, không tha thứ được cho nhau là vì tình yêu đã
vơi cạn. Trong cuộc sống xã hội, người ta nghi kỵ nhau bới vì người ta không chấp
nhận sự khác biệt của nhau. Khi tâm hồn thiếu vằng tình yêu, sự thù oán, ghen tị
sẽ đến chiếm chỗ trong tâm hồn và chi phối hành động của ta.
Tình yêu có sức lay động và cảm hóa con người, vì
thế khi gieo thật nhiều hành động yêu thương, chúng ta sẽ gặt được hoa trái yêu
thương; Khi chúng ta vun trồng sự quảng đại tha thứ, chúng ta sẽ được hưởng được
hoa trái yêu thương tha thứ.
Xin Chúa cho chúng ta luôn cảm nhận mình được Chúa
yêu để nhờ sức mạnh của tình yêu Chúa thức đẩy chúng ta sống mỗi ngày đầy tràn
tình yêu hơn, biết quang đại tha thứ và đón nhận anh chị em mình với những khác
biệt của họ. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí