CHỦ NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN B
Còn gì nhỏ bé mong manh hơn cành lá, hạt cải. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa sẽ làm cho nó lớn mạnh, vươn xa cành lá, trở thành nơi nương tựa cho muôn người. Nước Trời cũng như thế. Dù hiện tại có thể khiến người ta không an tâm, nhưng sẽ đến ngày Nước Trời sẽ tỏ hiện và bao trùm toàn thể thế gian. Niềm hi vọng mãnh liệt phục hồi nơi những người đang thất vọng trước thực tế cuộc sống đức tin.
Sách Tiên tri Êd 17, 22-24
Qua miệng tiên tri Ê dê ki ên, Thiên Chúa loan báo sẽ ngắt một nhánh bá hương đem trồng trên núi Israên. Nó sẽ lớn lên để trở thành bá hương oai lẫm: mọi thú vật và chim trời sẽ đến núp bóng nó. Lời sấm nầy mang lại niềm hi vọng cho dân lưu đày. Thiên Chúa sẽ cho một số người lưu đày được trở về Đất hứa, họ sẽ trở nên hùng mạnh, trong khi Babylon sẽ suy tàn.
Thư 2 Cr 5,6-10
Trong đoạn thư nầy, thánh Phao lô khẳng định lòng Ngài luôn vững vàng trước mọi thử thách. Ngài ý thức rằng cuộc sống hiện tại là cuộc lữ hành đức tin, chưa được ở bên Chúa. Vì thế, Ngài khuyên nhủ các tín hữu, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, sống hay chết, hãy cố gắng làm đẹp lòng Chúa.
Tin mừng Mc 4, 26-34
NGỮ CẢNH
Mác cô thu thập trong chương 4 các dụ ngôn chính yếu để truyền lại cho độc giả. Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống cho thấy sự hiệu nghiệm của Lời Chúa (4,1-9), tiếp theo là lời giải thích dụ ngôn nầy cho các môn đệ (4,10-20). Kế đến là dụ ngôn chiếc đèn, nói về vai trò của người môn đệ ở giữa thế gian (4,21-25). Đến đơn vị thứ nhất trong đoạn tin mừng của chúng ta 4,26-29 nói về sự lớn lên của Nước Thiên Chúa và đơn vị thứ hai 4,30-34 kết luận cho toàn chương giáo huấn bằng ví dụ.
TÌM HIỂU
Chúa Giê su nói: Sau khi giải thích cho các môn đệ và hai giáo huấn đặc biệt liên quan tới họ, Chúa Giê su một lần nữa dùng hai dụ ngôn để dạy đám đông. Nhưng ở phần cuối (4,34) thì cho biết Ngài đem các môn đệ ra riêng để giải thích cho họ.
Một người giãi hạt giống xuống đất: Chỉ có Mác cô thuật lại dụ ngôn nầy.
Người ấy cũng không biết: Không cần tìm biết người nầy là ai. Huấn giáo về Vương quốc mà sức con người thì không thể làm cho lớn lên được. “Chính Thiên Chúa làm cho nó lớn lên” (X. 1Cr 3,6).
Đất tự động: quả thật, người môn đệ không thể bảo đảm việc Giáo hội lớn lên. Vì thế cần phải nhận rằng tất cả đều do Thiên Chúa thực hiện và phó thác mọi sự cho quyền năng mầu nhiệm của Ngài: “Chúng con chỉ là tôi tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17,10; x. Gcb 5,7).
Liềm ra gặt: Mùa gặt thường được truyền thống hiểu là cuộc phán xét chung: “Một thiên thần khác từ Ðền Thờ đi ra, lớn tiếng thưa với Ðấng ngự trên mây: "Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi!" Ðấng ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt.” (Kh 14,15-16).
Hạt cải: Dụ ngôn cuối cùng về Nước Thiên Chúa cũng rút ra từ đời sống nông thôn. Nhưng lần nầy, đặc tính nhỏ nhất của hạt cải được đem ra làm ví dụ. Như thế, Chúa Giê su muốn nhấn mạnh đến sự khiêm tốn nơi việc làm của các môn đệ nhìn theo khía cạnh con người.
Nó mọc lên: cũng như các dụ ngôn trước, dụ nguôn về hạt cải nầy xác định về động lực của nước Thiên Chúa. Một hạt giống nhỏ xíu thế mà cuối cùng đã vượt tất cả mọi cây khác. Nhưng dụ ngôn còn nhấn mạnh hơn về sự trái ngược giữa vóc dáng nhỏ bé của đời sống Chúa Giê su, sự khiêm hạ nơi thái cử của Ngài, sự hạ mình nơi cuộc Khổ nạn và sự cao cả nơi công cuộc mà Đức Ki tô thể hiện trong Giáo Hội của Ngài.
Chim trời: Qua hình ảnh một cây giương ra những cành rậm rạp, nơi chim trời có thể làm tổ, người ta nhận ra Nước Trời. Đặc tính khiêm nhường nơi giáo huấn tin mừng, hoặc sự yếu đuối của nhóm tông đồ không được làm cho người ta ảo tưởng: lời của Đức Ki tô hướng tới mọi người mọi dân tộc và mọi dân nước. Những người đương thờ với Mác cô cũng xác nhận Tin mừng bành trướng rông khắp trần gian và nhiều người nghèo cũng đã được núp bóng ở đó.
Mác cô lấy lại một dụ ngôn trong sách Êdêkiên: “Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Êd 17,22-23).
Nhưng Mác cô thêm vào nét khiêm tốn nơi viễn tượng vĩ đại của Tiên tri. Toàn bộ dụ ngôn là lời mời gọi đức tin đừng sợ hãi. “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32).
Nhiều dụ ngôn: Mác cô, như các tác giả tin mừng khác qui chiếu đến một vài dụ ngôn để làm ví dụ.
Tùy theo: như đã nói, Chúa Giê su nghĩ đến các đám đông. Ngài nói từ kinh nghiệm của họ và từ thiện ý của họ. Họ chỉ có thể dần dần đi vào các mầu nhiệm của Nước Trời. Và theo Mác cô, thì đó là lí do tại sao Chúa Giê su chỉ ban cho họ một giáo huấn tiệm tiến qua các dụ ngôn.
Giải nghĩa hết: Các môn đệ không khá hơn những người khác: Chúa Giê su phải giải thích cho họ điều Ngài muốn nói. Vì thế, cả họ cũng cần đến Chúa. Đồng thời Mác cô đã nhìn thấy đời sống tương lại của Giáo Hội: các môn đệ nhận được chìa khóa ý nghĩa các dụ ngôn vì bổn phận mà họ phải thi hành.
SỨ ĐIỆP
Khi Chúa Giê su rời xa các môn đệ ngày Thăng thiên, Ngài đã hứa ở với họ mọi ngày cho đến tận thế. Thế nhưng có những ngày chúng ta thấy khó mà tin vào lời ấy. Đọc báo, xem ti vi hằng ngày, các thông tin luôn cho chúng ta thấy điều ngược lại. Bấy giờ người ta tự hỏi: Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi khắp nơi người ta giết nhau, khidịch bệnh hoành hành dẫn đến nhiều cái chết khủng khiếp, khi còn có rất nhiều người đang đói khát trên đường phố?
Tiếng kêu tuyệt vọng ấy chính là tiếng kêu của cư dân Giêrusalem. Bị dẫn lưu đày xa quê hương họ lâm vào bước đường cùng (bài đọc 1). Dân tộc họ đang trên dường diệt vong. Dù đang chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của quốc gia mình, tiên tri Êdêkiênlớn tiếng tuyên bố với mọi người rằng chẳng mất gì cả. Sẽ có một nhánh nhỏ mọc lên và trở thành một cây đại thụ. Những gì hoàn toàn bị phá vỡ, Thiên Chúa sẽ làm cho sống lại một cách tuyệt vời. Các tiên tri tìm thấy những từ thích hợp để đem lại niềm hy vọng và lòng can đảm chonhững người đang tuyệt vọng. Hận thù, bạo lực và cái ác không thể có tiếng nói cuối cùng. Chính tình yêu sẽ toàn thắng. Đây là tin vui cho chúng ta hôm nay. Không có gì có thể lay chuyển đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.
Đó cũng là niềm hy vọng mà Thánh Phaolô chuyển tới trong lá thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (bài đọc 2). Những năm đầu của Kitô giáo đã được đánh dấu bởi nhiều sự bách hại. Thánh Tông Đồ Phaolô đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sứ vụ của mình. Ngài có cảm giác đang đi xuống chỗ chết. Nhưng niềm tin vững vàng nói rằng thông qua tất cả điều ấy cuộc sống đích thực được nảy mầm.
Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta một nơi ở muôn đời. Ngài sẽ ban triều thiên vinh quang cho những người đã hoàn thành cuộc chạy đua của mình đến cùng. Sứ điệp an ủi ấy cũng là tin mừng cho các Kitô hữu ngày nay. Nếu vẫn gắn kết với Chúa Kitô, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài.
Phúc Âm thánh Mác cô cũng nói với các Kitô hữu đang trên bước đường cùng. Câu hỏi muôn đời của họ: trong thế giới, nơi mà tất cả mọi thứ đều xấu xa, thì Thiên Chúa của chúng ta ở đâu? Những lời hứa của Chúa Kitô đã ra như thế nào? Làm thế nào để giữ vững niềm tin trước bao nhiêu bạo lực đang diễn ra trước mắt. Thánh Mác cô nhắc nhở họ nhớ những lời của Chúa Giêsu ngày xưa. Ngài nói với họ về hạt giống này nảy mầm và tự nó lớn lên. Nhưng giữa lúc gieo hạt và mùa thu hoạch, vẫn phải chờ một thời gian dài. Đó là một cách nói rằng vương quốc của Thiên Chúa đang hình thành. Mùa thu hoạch sẽ đến nhưng phải chờ đợi. Thiên Chúa của chúng ta có vẻ vắng mặt, nhưng hành động của Ngài thật kín đáo và hiệu quả.
Với đôi mắt và đôi tai, chúng ta có thể nghe biết những gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, để nhận ra những hành động của Thiên Chúa, người ta phải nhìn bằng đức tin. Cũng giống như các môn đệ đi làng Emmaus, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô khi Ngài giải thích Kinh Thánh cho chúng ta và khi chia sẻ bánh Thánh Thể của Ngài. Chính nơiNgài mà toàn bộ cuộc sống của chúng ta tìm được ý nghĩa của nó. Chúng ta đã kinh nghiệm rằng ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Một cách cụ thể, chúng ta tin rằng Thiên Chúa hành động ngay cả khi kẻ thù cuối cùng cất tiếng nói, khi mọingười thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của lòng hận thù, và bạo lực để thực hiện những những cử chỉhòa bình và hòa giải. Thiên Chúa hoạt động khi các nhà khoa học phát minh ra cách để chống lại bệnh tật, nghèo đói. Ngài hiện diện khi nhiều nhóm tổ chức đến thăm bệnh nhân và tù nhân. Vì vậy, các dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa là rất nhiều. Chúng ta giống như người nông dân trong dụ ngôn: Thiên Chúa đang hành động nhưng chúng ta không biết gì và cũng không hiểu như thế nào.
Một ngày kia, Chúa Giêsu nói rằngNgài đến để mọi người có thể sống và sống dồi dào. Sống tức là làm, là hành động, và nhiều lúc có nghĩa là ngủ. Dù chúng ta ngủ haythức, thì hạt giốngvẫn âm thầm nẩy mầm và lớn lên. Khi chờ mùa gặt tới, chúng ta phải kiên nhẫn và nhất là tin tưởng.
Lạy Chúa, con đã làm những gì conphải làm,giờ thì Chúa hãy ra tay. Chúa đã đòi hỏi con gieo hạt giống tình yêu, công lý, hòa bình, hòa giải ... Nhưng chính Chúalàm cho hạt giống lớn lên và đơm hoa kết trái.Lạy Chúa, không nhìn thấy Chúa, chúng con vẫn tin Chúa. Xin cho chúng con được kiên nhẫn để kiên trì trong việc xây dựng một thế giới công bằng hơn, đoàn kết và huynh đệ hơn. Ước gì sự sống của chúng con kết hợp với sự sống của Chúa sẽ làm cho vương quốc của Chúa ngự trị trong thế giới ngày nay. Amen.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Ê dê ki ên là ai?
THƯA: Ê-dê-ki-en là vị ngôn sứ của thời lưu đày. Ông thuộc hàng tư tế bị phát lưu ngay đợt đầu (597 tr. CN). Từ Ba-by-lon, ông theo dõi và giải thích những gì đang xảy ra tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, một đám dân lưu đày mới được dẫn về Ba-by-lon. Hoạt động rao giảng của ông nhằm giúp những người lưu đày hiểu biết về hiện tại của mình và giữ vững niềm hy vọng ở tương lai.
2. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một như thế nào?
THƯA: Tuy có chậm hơn nhưng rồi Miền Nam-Giuđa cũng không thoát khỏi số phận Miền Bắc Ít ra ên. Sau hơn ba trăm năn thống trị, đế quốc Assyri (Ninivê) cũng đến ngày suy tàn để nhường chỗ cho một khuôn mặt mới là đế quốc Babylon của vua Nabucôđônoso. Năm -597 tr.CN, Nabucôđônoso chiếm thành Giê ru sa lem, đã bắt vua Giuđa và một số người ưu tú sang Babylon, trong đó có Ê dê ki ên. Mười năm sau đó, năm -587, Nabucôđônoso phá huỷ bình địa Giêrusalem và đền thờ, bắt nhiều người đi lưu đày sang Babylon đợt thứ hai.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một nói gì?
THƯA: Bài đọc một trích từ chương 17 sách tiên tri Êdêkiên, dùng ẩn dụ để nói về lịch sử Ít ra ên lúc bị lưu đày ở Ba by lon. Trong các câu 22-24, Tiên tri diễn tả lời Thiên Chúa hứa qui tụ một dân mới từ một số Sót biểu hiện qua chồi non cây bá hương. Ẩn dụ nầy sẽ được Chúa Giê su nóilại trong dụ ngôn hạt cải.
4. HỎI: ‘Từ ngọn hương bá cao chót vót,Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non’ có nghĩa gì?
THƯA: Bá hương là cây biểu tượng cho triều đại quân chủ. Êdêkiên dùng hình ảnh cây bá hương để nói về Vua. Vua bị lưu đày giống như cây bá hương gẩy đỗ vì khô héo. Nhưng Thiên Chúa sẽ lấy một chồi non từ cây ấy để trồng lại cây khác: ‘Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en’ (17,22). Cành lá của nó sẽ vươn dài ra để muôn chim đến trú ẩn bên nó.
5. HỎI: ‘Núi cao của Ít ra ên’ là núi gì?
THƯA: Đó chính là Giê ru sa lem. Thực tế thì Giê ru sa lem không phải là nơi cao nhất xứ, nhưng muốn chỉ một tầm cao khác vì loan báo hai điều: một là việc những người lưu đày sẽ trở về quê hương và hai là vương quốc Giê ru sa lem sẽ được tái thiết.
6. HỎI: ‘Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng’ (c.24) chỉ điều gì?
THƯA: Chỉ toàn thế giới, cả những dân ngoại, những người không có liên hệ gì tới cây bá hương. Tất cả mọi người sẽ nhận biết chỉ có Người là Thiên Chúa duy nhất và không có thần linh nào khác.
7. HỎI: Câu ‘Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi’ (24) có nghĩa gì?
THƯA: Câu ấy hoàn toàn không có nghĩa là Thiên Chúa là đấng Tạo hóa muốn chơi trò gì với con người tùy thích, một điều sẽ gây ra lo lắng. Ngược lại, đó là cách trấn an chúng ta, như muốn nói: ‘không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa”. Vì thế đừng bao giờ để mình bị xao xuyến bởi bất cứ điều gì xảy ra, nhưng hay tin tưởng, vì tất cả mọi sự đều nằm trong tay Thiên Chúa.
8. HỎI: Có điểm tương đồng nào giữa bài đọc 1 và bài tin mừng không?
THƯA: Có. Cả hai nhấn mạnh đến quyền năng Thiên Chúa sẽ làm cho cành bá hương mong manh trở thành cây to lớn, và khiến cho hạt cải nhỏ xíu trở thành cây cải xum xuê cho đàn chim đến trú ngụ. Hình ảnh trong Cựu Ước đã được thực hiện trong Tân Ước qua thực tại Nước Trời.
9. HỎI: Cựu ước đã quan niệm như thế nào về Nước Thiên Chúa?
THƯA: Cựu ước luôn dùng những từ về quyền Tối thượng mô tả Vương Quyền Thiên Chúa. Sách Xuất hành mô tả Thiên Chúa xuất hiện trong sấm sét, bão táp, chớp lóe, lửa, khói, mây đen: “Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ [..]. Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm.” (Xh 19,16-19). Như các Thánh Vịnh ca ngợi quyền Tối thượng của Thiên Chúa trên thế gian: “CHÚA đặt ngai báu trên trời cao thẳm, quyền đế vương bá chủ muôn loài.” (Tv 102/103, 19); “Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.” (Tc 46/47, 3); “CHÚA là Vua hiển trị, CHÚA mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển.” (Tv 92/93,1).
10. HỎI: Thật sự thì thế nào ?
THƯA: Tiên tri Êlia đã hiểu rằng Nước Thiên Chúa không xuất hiện trong những hiện tượng vĩ đại mà chúng ta thường tưởng tượng, nhưng trong ngọn gió nhẹ nhàng (1V 19,11-13). Quyền năng Thiên Chúa được thể hiện ngang qua những yếu đuối, mong manh, bất toàn của con người.
11. HỎI: Kinh Thánh có cho chúng ta thấy điều nghịch lí đó không?
THƯA: Có. Toàn bộ Kinh Thánh đều cho chúng thấy điều nghịch lí đó. Thiên Chúa đã chọn một dân tộc bé nhỏ là Ít ra ên để mang tin mừng đến cho toàn thế giới, chọn Mô sê, một người nói ngọng để lãnh đạo dân riêng của Ngài, đã chọn một anh chàng chăn chiên thấp bé để đánh bại Go li át, một viên tướng hùng dũng của Phi li tinh. Rồi từ Na gia rét có gì danh giá đâu thế mà được chọn để làm nơi ẩn náu của Con Một Ngài. Rồi ngang qua đau khổ, thất bại, thập giá của Chúa Giê su Thiên Chúa đã cho thấy sức mạnh của tình yêu.
12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Mác cô thu tập trong chương 4 các dụ ngôn chính yếu để truyền lại cho độc giả. Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống (4,1-9) cho thấy sự hiệu nghiệm của Lời Chúa, tiếp theo là lời giải thích dụ ngôn nầy cho các môn đệ (4,10-20). Kế đến là dụ ngôn chiếc đèn (4,21-25), nói về vai trò của người môn đệ ở giữa thế gian. Rồi đến đoạn 4,26-29 trong bài tin mừng của chúng ta nói về sự lớn lên của Nước Thiên Chúa và đoạn 4,30-34 kết luận cho toàn chương giáo huấn bằng ví dụ.
13. HỎI: Chúa Giê su nói đến ai khi Ngài đề cập đến ‘Người ấy’?
THƯA: Chúng ta không cần tìm biết ‘người ấy’ là ai. Điều Chúa Giê su muốn dạy là sức con người thì không thể làm Nước Chúa lớn lên được. Chỉ có quyền năng của “Thiên Chúa làm cho nó lớn lên mà thôi” (x. 1Cr 3,6).
14. HỎI: ‘Đất tự động làm cho hạt giống và cây lớn lên’ có nghĩa gì?
THƯA: Giáo hội qui tụ con người ở trần gian nhưng con người lại không có khả năng bảo đảm việc Giáo hội lớn lên. Tất cả đều do Thiên Chúa thực hiện và phó thác mọi sự cho quyền năng mầu nhiệm của Ngài: “Chúng tôi chỉ là tôi tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm điều chúng tôi phải làm” (Lc 17,10; x. Gcb 5,7).
15. HỎI: Mùa gặt chỉ sự gì?
THƯA: Mùa gặt thường được truyền thống hiểu là cuộc phán xét chung: “Một thiên thần khác từ Ðền Thờ đi ra, lớn tiếng thưa với Ðấng ngự trên mây: "Xin tra liềm của Ngài mà gặt, vì đã đến giờ gặt: mùa màng trên đất đã chín rồi!" Ðấng ngự trên mây quăng liềm của mình xuống đất và đất bị gặt.” (Kh 14,15-16).
16. HỎI: Ý nghĩa dụ ngôn hạt cải như thế nào?
THƯA: Ý nghĩa dụ ngôn hạt cải nằm trong sự tương phản giữa cái nhỏ nhất và và cái lớn nhất. Hạt giống Nước Trời được gieo vào trần gian là một hạt rất nhỏ lúc ban đầu, nhưng nó sẽ lớn mạnh và sẽ qui tụ muôn dân trên khắp mặt đất.
17. HỎI: Đâu là bài học của các dụ ngôn ?
THƯA: Bài học từ các dụ ngôn hôm nay là tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động âm thầm nhưng đầy mãnh liệt và hiệu quả. Lúc khởi đầu chỉ là một hạt giống nhỏ bé, nhưng Nước của Ngài sẽ phát triển mạnh mẽ không gì có thể cản lại được. Mùa gặt chắc chắn sẽ đến dù bây giờ chưa ai thấy được.Nước Trời sẽ lớn lên và đi đến chỗ thành tựu như Thiên Chúa đã dự định bất kể thái độ của con người.
18. HỎI: Chúng ta phải thực hiện sứ điệp ấy như thế nào ?
THƯA: Để thực hiện sứ điệp Lời Chúa hôm nay chúng ta phải:
Một là luôn Tin tưởng vào sự hiện diện Nước Trời đang được Thiên Chúa thực hiện nơi trần gian. Hai là gia nhập vào Nước ấy bằng sự dấn thân phục vụ Thiên Chúa và đồng loại. Ba là cố gắng làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh.