THỨ BA TUẦN XI THƯỜNG
NIÊN
YÊU VÀ
GHÉT
LỜI CHÚA: Mt 5, 43-48
43 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy,
Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45
Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì
Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho
mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu
thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu
thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi,
thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế
sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn
thiện”.
SUY NIỆM
Là
con người, ai trong chúng ta cũng khát khao yêu và được yêu. Có thể nói, đây là
một nhu cầu thâm sâu cháy bỏng nhất của loài người. Thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo
dựng chúng ta để sống với nhau, sống cho nhau và sống vì nhau. Tội lỗi đã nhập
vào trần gian đẩy con người xa lìa Thiên Chúa. Vì ích kỷ, con người tự tách ra
khỏi các mối liên hệ cộng đồng nhân loại và rơi vào chốn hư vong với nỗi cô đơn tột
cùng.Vì thế Đức Giêsu đã đến để kiện toàn tất cả, để phục hồi nhân phẩm,băng bó
và chữa lành mọi vết thương do tội lỗi gây nên.
Trình
thuật Tin Mừng hôm nay là phần kết loạt Bài giảng trên núi, Đức Giêsu đặc biệt
nhấn mạnh đến việc kiện toàn Luật cũ, đó là thái độ đổi ghét thành yêu, biến
thù thành bạn, Người nói: “Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người
cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa
xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (c. 44-45). Thực hành lời dạy
này không phải là điều dễ, bởi lẽ chúng ta còn mang nặng thói ích kỷ, khó lòng
tha thứ cho người khác khi họ có điều bất hòa với chúng ta. Câu chuyện nhỏ sau
đây như là một ví dụ để chúng ta vượt qua được con người yếu đuối của mình.
Trong
giờ học về kỹ năng sống, cô giáo cho các học sinh chơi một trò chơi. Cô nói, mỗi
em trong lớp hãy mang theo một túi nhựa để đựng khoai tây. Trên mỗi củ khoai,
các em viết tên một người mà các em cảm thấy không thích. Như thế, số lượng
khoai tây mà mỗi em mang trong túi sẽ bằng với số người mà các em không thích.
Vào
buổi học kế tiếp, tất cả các học sinh đều mang túi khoai tây đến lớp. Một số em
chỉ có 2 hoặc 3 củ khoai, trong khi có em lại đem tới 5 củ. Sau đó, cô giáo đề
nghị các em hãy mang bên mình túi khoai tây này trong một tuần kể cả lúc đi ngủ.
Một tuần trôi qua, cả lớp đều phàn nàn và thấy khó chịu với mùi khoai tây bị
hư. Nhất là những em mang đến 5 củ khoai thì luôn cảm thấy mệt nhọc vì chiếc
túi rất nặng.
Khi
trò chơi kết thúc, cô giáo hỏi: “Các em cảm thấy thế nào khi mang túi khoai tây
bên cạnh mình trong vòng một tuần?” Các học sinh đều đồng ý cho rằng chúng thực
sự mệt mỏi khi phải xách chiếc túi nặng, ghét nhất là mùi khó chịu tỏa ra từ
chiếc túi.
Sau
đó, cô giáo giải thích về ý nghĩa của trò chơi: Những củ khoai tây đó chính là
lòng thù hận của các em đối với một người khác. Mùi khó chịu cộng với sức nặng
của những củ khoai sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là đến nhịp tim của các
em. Nó sẽ làm các em mệt mỏi và mất tập trung suy nghĩ. Vì thế, hãy vứt bỏ mọi
sự thù hận thì các em sẽ thấy tâm hồn thanh thản. Hãy thứ tha và mang yêu
thương đong đầy trái tim để các em có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
Ai
trong chúng ta cũng mong muốn có cuộc sống hạnh phúc và được mọi người yêu mến.
Thế nhưng chúng ta lại không chịu mở lòng đón nhận và yêu thương người khác.
Chúng ta hay tích chứa những suy nghĩ tiêu cực và sự ghen ghét ở trong lòng để
rồi làm giảm sút khả năng yêu thương. Đặc tính của tình yêu thương là luôn hướng
về người khác. Nếu ích kỷ chỉ nghĩ về lợi ích của riêng mình là chúng ta chưa sống
trọn vẹn nghĩa thương yêu. Một khi có tấm lòng quảng đại bao dung, chúng ta dễ
dàng tha thứ cho người khác. Tha thứ cũng là cách biểu hiện tình yêu thương. Chúng
ta sinh ra trên đời này không phải tìm một người hoàn hảo để yêu, mà để học yêu
thương một người không hoàn hảo.
Sống
trong một xã hội thiếu vắng tình thương, chúng ta được mời gọi học sống yêu
thương và tha thứ theo gương Chúa Giêsu. Với một trái tim rộng mở, Chúa Giêsu
luôn đón tiếp và yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo hèn, yếu
đuối tội lỗi. Người không ngần ngại đồng bàn với phường thu thuế và quân tội lỗi.
Yêu thương và tha thứ cho người khác không phải là điều dễ, bởi lẽ chúng ta
chưa vượt qua con người yếu đuối của mình, không dám chịu thua thiệt vì người
khác. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ
ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh
em. Cách yêu thương thiết thực nhất là làm cho người khác những điều tốt lành,
là cho người đang khát một ly nước, là ủi an người sầu khổ, là thông cảm và đón
nhận người tội lỗi. Cha thánh Pierre chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm về
tình yêu thương, ngài nói: “Người ta chỉ thực sự tạo được hạnh phúc của mình bằng
cách quan tâm săn sóc đến hạnh phúc của người khác”. Như vậy, muốn có cuộc sống
hạnh phúc, chúng ta phải quan tâm và tạo hạnh phúc cho người khác. Hơn thế nữa,
yêu thương và đối xử tốt với người khác là chúng ta được hiệp thông với Thiên
Chúa.
Bản
tính của Thiên Chúa là tình yêu, Người đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Người
qua cuộc sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa Cha, qua cuộc khổ nạn và phục sinh của
Chúa Giêsu và qua sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp thông của Ba Ngôi
Thiên Chúa nói lên một tình yêu vững bền. Chỉ trong tình yêu Thiên Chúa, con
người mới tìm được nguồn hạnh phúc đích thực. Không có lời lẽ nào diễn tả hết sự
nhiệm mầu của tình yêu Thiên Chúa. Để hiểu được mầu nhiệm ấy, chúng ta phải có
lòng yêu mến và đời sống cầu nguyện thẳm sâu. Phải sống tâm tình tin tưởng, dám
trao phó cuộc đời mình cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt.
Sở
dĩ chúng ta khó lòng yêu thương người khác được vì trong lòng chúng ta còn tích
chứa sự thù hận. Đó là một trở ngại lớn khiến chúng ta sống xa cách với tha
nhân. Chúa Giêsu nhắc chúng ta một khuôn mẫu của tình yêu là “yêu như Thầy đã
yêu”. Khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã dựa trên những điều luật cũ, nhưng đưa chúng
ta tiến xa hơn nữa bằng cách yêu thương và làm ơn cho những kẻ thù nghịch với
chúng ta. Cách yêu của Chúa thì không giống với loài người, Ngài vượt lên tất cả
để yêu những người tội lỗi, người nghèo hèn thống khổ, yêu cả những môn đệ đã
phản bội từ chối Chúa. Người đã yêu và và đổ ra hết những giọt máu cuối cùng. Thiên Chúa yêu thương và đón nhận vì chúng ta là phàm nhân đầy
bất xứng. Con người càng bất xứng tội lỗi bao nhiêu càng chứng tỏ mức độ sâu thẳm
của tình yêu Thiên Chúa.
Thiên
Chúa tạo dựng chúng ta có hai tay là để cầm nắm, để ôm ấp chở che. Nếu chúng ta
không mở rộng đôi tay để đón nhận người khác, chúng ta sẽ rơi vào tư thế của kẻ
cô đơn. Còn khi chúng ta mở rộng đôi tay và con tim cho người, vòng tay chúng
ta càng rộng, con tim càng tràn đầy tình yêu thương.
Lạy
Chúa Giêsu là nguồn cội của tình yêu, xin cho chúng con biết ý thức yêu thương là
giới luật là tuyệt đỉnh của đức ái Kitô giáo, cho chúng con biết đón nhận người
khác với tất cả những giới hạn của họ, tìm thấy hình ảnh của Chúa nơi mọi người
nhất là những ai bé nhỏ nghèo hèn. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa luôn bao trùm
phủ kín thân phận con người, trái tim Chúa luôn rộng mở để ôm trọn những tâm hồn
yếu đuối, quảng đại thứ tha cho những ai lầm lỗi, xin cho chúng con mỗi ngày cảm
nghiệm sâu xa hơn tình yêu của Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại cho chúng con
nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực. Amen.
Nt.
Maria Anh Thư, OP