Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 12

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên C

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ AI?

loi_chua.jpg

Trong một lần làm bài kiểm tra tại một lớp giáo lý, giáo lý viên đưa ra câu hỏi: Bạn hãy viết về Chúa Giêsu Kitô. Kết quả bài kiểm tra thật đáng buồn. Trong lớp có đến năm mươi học sinh, nhưng chỉ một hai học sinh viết được chừng mười dòng, còn đa số các bạn khác chỉ viết được năm đến sáu dòng về Chúa Giêsu. Nếu việc biết về Chúa Giêsu chỉ dừng lại từ bảy đến mười dòng chữ, thì việc hiểu và yêu mến Chúa Giêsu có lẽ sẽ còn ít hơn nữa, vì vô tri bất mộ, không hiểu biết thì không yêu mến.

Giả sử hôm nay, chính Chúa Giêsu đặt vấn đề với chúng ta, như Chúa đã đặt vấn đề với các tông đồ: Phần anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ta sẽ trả lời Chúa thế nào?

Thực tế cho thấy, nhiều người xưng mình là Kitô hữu, nhưng không xác định niềm tin của mình, không biết mình tin vào ai. Nhiều người khi được hỏi hoặc trong lý lịch, họ khai là đạo Thiên Chúa, mà không hề hiểu Thiên Chúa đó là Thiên Chúa nào. Niềm tin của chúng ta là niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa. Khác với anh em Do Thái giáo, họ chỉ tin vào một Thiên Chúa mà thôi, nhưng chúng ta tin một Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần. Niềm tin của chúng ta không phải là một niềm tin trừu tượng mơ hồ, nhưng chúng ta tin vào một con người cụ thể bằng xương bằng thịt là Thiên Chúa, đó là Đức Giêsu. Người là Thiên Chúa thật và là người thật, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế. Đó cũng là niềm tin mà Simon Phêrô đã tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.

Sau một thời gian dài đi theo Thầy Giêsu, nghe những lời Người giảng, thấy những phép lạ Người làm, Chúa Giêsu muốn thẩm định niềm tin của các học trò mình. Ngài hỏi các ông về phản ứng và niềm tin của dân chúng : Dân chúng bảo Thầy là ai? Câu trả lời của các tông đồ cho thấy người Do Thái đã hiểu về Đức Giêsu một cách hết sức mơ hồ, sai lạc : Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia. Điều đó có nghĩa là người Do Thái chỉ coi Đức Giêsu như Gioan hoặc như Êlia tái xuất hiện chứ không phải là Đấng Cứu Thế mà các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo.

Chúa Giêsu không quan tâm đến những câu trả lời không chính xác của dân chúng, Ngài muốn nghe quan điểm của chính các tông đồ, Ngài hỏi : Còn anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô đại diện cho anh em tuyên xưng : Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Câu trả lời rất chính xác. Qua câu trả lời này, Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, là Đấng Cứu thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Phêrô còn tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, từ nơi Thiên Chúa mà đến. Chắc chắn lúc đó, Phêrô chưa hiểu hết về lời mình tuyên xưng, nhưng trong lời tuyên xưng này, Phêrô đã nói lên một màu nhiệm hết sức quan trọng: Đức Giêsu Nazaret là Con Thiên Chúa.

Mặc dù tuyên xưng rất chính xác, nhưng niềm tin của Phêrô và các tông đồ vẫn chỉ dừng lại ở mức sơ khởi, chưa rõ ràng. Vì thế, Chúa Giêsu chưa cho phép các ông nói điều đó cho ai. Liền sau đó, Chúa Giêsu đã mạc khải thêm về chính Ngài: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy. Chúa cho các tông đồ thấy, chỉ tin Người là Đấng Cứu thế, là Con Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, nhưng phải tin và đón nhận Người là Đấng sẽ bị bắt, bị hành hạ, bị giết và sống lại.

Như thế, niềm tin chính xác của chúng ta phải là tin vào Đức Giêsu Nazaret là Thiên Chúa, Ngài đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại. Ngài là Đấng Cứu thế, Ngài không cứu con người bằng cách nào khác, nhưng Ngài đã cứu độ con người bằng con đường đau khổ thập giá để minh chứng tình yêu đến tột cùng dành cho nhân loại. Sau khi trải qua đau khổ sự chết, Ngài đã bước vào vinh quang phục sinh để đem lại sự sống cho con người.

Tin Đức Giêsu là Đấng cứu thế, là Con Thiên Chúa, Đấng đã bị giết chết và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại, không phải là điều dễ dàng. Niềm tin này vẫn là một thách thức rất lớn cho nhiều người. Có lẽ chính các tông đồ khi nghe Đức Giêsu nói như thế, các ông cũng không dễ dàng chấp nhận. Chúa Giêsu đã không ép bất cứ ai, Ngài để cho các tông đồ và cho mỗi người tự do chọn lựa tin hay không tin, theo Ngài hay từ chối. Vì thế, Chúa nói với các ông: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi. Như thế, tin và theo Chúa Giêsu không chỉ là những lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng phải là hành động và phải bước theo Người. Tin theo một vị Thiên Chúa bị đóng đinh, vác thập giá mình hằng ngày, nghe như vô cùng nghịch lý, nhưng đó lại là lý lẽ của Thiên Chúa, là điều kiện đòi buộc để trở nên môn đệ của Ngài.

Tin và theo là hai hành động gắn liền với nhau. Tin không chỉ là sự chấp nhận hoàn toàn của lý trí, nhưng còn phải là sự phó thác hoàn toàn và tuân theo những giáo huấn và lề luật của Chúa. Tin Chúa Giêsu, như đã nói ở trên, không chỉ là hiểu biết về Ngài, nhưng là tin vào chính con người của Ngài, dám bước theo Ngài. Theo Chúa không phải để tìm kiếm cho mình một cuộc sống dễ dãi hoặc tìm kiếm sự giàu sang ở trần gian, nhưng là tìm kiếm hạnh phúc đời đời. Theo Chúa là dám chấp nhận vác thập giá của mình hằng ngày và bước theo Chúa trên con đường Chúa đã đi. Thập giá của mỗi người chính là niềm vui nỗi buồn, là cuộc sống với những khó khăn thử thách, là chiến đấu với bệnh tật khổ đau. Thập giá mình còn là trách nhiệm hằng ngày đối với vợ chồng con cháu, đối với gia đình chòm xóm và bổn phận đối với xã hội. Chỉ khi bước theo con đường của Chúa, chúng ta mới gặp Chúa, bước đi cùng Chúa, chúng ta mới đạt được hạnh phúc và vinh quang phục sinh mà thôi.

Cuộc sống tiện nghi hiện đại ngày nay khiến cho con người ngại khó, ngại khổ và ngại hi sinh. Con người ngày nay muốn tìm kiếm sự dễ dãi thoải mái, họ tin Chúa Giêsu nhưng lại không muốn theo Ngài. Nhiều người chọn Chúa Giêsu nhưng lại từ chối đau khổ và tìm cách trốn tránh thập giá. Tin Mừng cho thấy, chúng ta không thể tìm kiếm một Chúa Giêsu không thập giá. Chúa Giêsu mà không bị đóng đinh thập giá thì không còn là một Thiên Chúa tình yêu, không phải là Đấng Cứu độ nữa. Thập giá mà không có Chúa Giêsu, thì không phải là thánh giá, nó chỉ là đơn thuần là sự ác và là đau khổ hoặc là đồ trang sức mà thôi.

Hạnh phúc trong đời sống xã hội cũng như hạnh phúc trong đời sống gia đình không thể có được bằng sự dễ dãi, càng không phải là món hàng có thể mua tại siêu thị. Hạnh phúc cá nhân, gia đình và hạnh phúc xã hội chỉ có thể đánh đổi bằng sự hy sinh vất vả, bằng mồ hôi nước mắt và có khi cả bằng xương máu nữa. Để đạt được hạnh phục nước trời đời đời, không phải là điều tự nhiên có được, nhưng là phải tin vào Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và phải dám vác thập giá mình hằng ngày để theo Chúa, thì mới đạt được. Như thế, tin theo Chúa không thể tìm kiếm sự dễ dãi, không thể để cuộc đời của mình trôi dạt như cánh bèo, mà phải là cố gắng liên tục, phải dám lội ngược dòng.

Biết như thế, nhưng nhiều người, nhiều cha mẹ đang để cho gia đình mình trôi dạt theo dòng chảy của xã hội. Họ chú tâm tìm kiếm sự giàu sang tiện nghi nhưng lại không tìm kiếm và xây dựng đời sống đức tin cho mình và cho gia đình. Vì thế, việc học biết về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài bị coi là việc tùy phụ, không quan tâm đến việc học biết và vun đắp cho đức tin của mình. Nhiều người chỉ biết về Chúa Giêsu và Tin Mừng một cách hết sức ấu trĩ và thiếu hụt. Do đó, họ cảm thấy ngại ngùng vì không thể nói về Chúa Giêsu cho con cái hoặc cho những người khác, cũng không thể sống và thể hiện đúng tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu.

Các bạn trẻ ngày nay có thể rất thành thạo về công nghệ, khoa học và rất nhanh chóng để bắt kịp các khuynh hướng trào lưu của xã hội, nhưng lại biết rất ít về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài. Nhiều bạn trẻ Công giáo tránh né khi phải nói về Chúa Giêsu trong nhà trường, nơi nhóm bạn, bởi vì họ biết rất ít về Chúa Giêsu và giáo lý của Người. Không chỉ không thể nói về Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ còn sống ngược lại với Giáo huấn của Chúa Giêsu và Tin Mừng, cuộc sống của nhiều người không khác gì với cuộc sống dân ngoại. Nhiều người đam mê học những kiến thức khoa học và công nghệ, nhưng lại không quan tâm học biết về giáo lý của Chúa Giêsu, họ coi đời sống đức tin chỉ còn là điều tùy phụ.

Xin cho mỗt người biết siêng năng đọc Kinh Thánh để biết về Chúa Giêsu và Tin Mừng, sống gắn bó với Chúa Giêsu qua việc tham dự thánh lễ và Bí tích và biết để cho Chúa Giêsu trở thành ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời mỗi chúng ta. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XII Thường Niên_Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mình Máu Chúa_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Mình Máu Chúa_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XII Thường Niên C: ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ THỰC SỰ CỦA ĐỨC GIÊSU_ Lm. Đan Vinh
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên B. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên: “TÔI MUỐN, ANH HÃY ĐƯỢC SẠCH”_ Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ năm Tuần XII Thường Niên: ĐÁ TẢNG LỜI CHÚA_ Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Đức Thánh Cha chia sẻ đau khổ của Giáo Hội Chính Thống Siriac
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XII Thường Niên B: CÁI RÁC – CÁI XÀ. Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường Niên B. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường Niên B: TÍN THÁC VÀO QUYÊN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA LÀ TÌNH THƯƠNG. LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XII Thường B: THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG – QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên: LÒNG TIN CỦA CON NGƯỜI. Lm GioanB Lại Anh Tuấn